11/07/1945: Liên Xô đồng ý chuyển giao Tây Berlin

Nguồn: Soviets agree to hand over power in West Berlin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, nhằm thực hiện các thoả thuận đã đạt được tại nhiều hội nghị thời chiến khác nhau, Liên Xô đã hứa sẽ chuyển giao quyền lực cho lực lượng của Anh và Mỹ ở Tây Berlin. Dù việc phân chia Berlin (và cả nước Đức) thành các khu vực chiếm đóng chỉ là biện pháp tạm thời sau chiến tranh, nhưng các đường phân chia đã nhanh chóng trở thành vĩnh viễn. Thành phố Berlin bị chia đôi đã trở thành một biểu tượng cho những căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh.

Trong một số hội nghị thời chiến, Mỹ, Anh và Liên Xô đã đồng ý rằng sau thất bại của Đức, nước này sẽ bị chia thành ba khu vực chiếm đóng. Berlin, thủ đô của Đức, cũng sẽ bị chia cắt tương tự. Tuy nhiên, khi chiến tranh ở châu Âu chấm dứt vào tháng 05/1945, quân đội Liên Xô đã hoàn toàn kiểm soát Đông Đức và toàn bộ Berlin. Một số quan chức Mỹ, những người xem Liên Xô là một mối đe dọa đang nổi lên đối với hòa bình sau chiến tranh ở châu Âu, tin rằng Liên Xô sẽ không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát bất cứ phần nào của Berlin.

Tuy nhiên, vào ngày 11/07/1945, chính phủ Liên Xô tuyên bố sẽ giao quyền kiểm soát quân sự và dân sự vùng Tây Berlin cho quân đội Anh và Mỹ. Điều này đã được hoàn thành mà không có sự cố nào vào ngày hôm sau. (Mỹ và Anh sau đó sẽ từ bỏ một phần khu vực chiếm đóng của mình ở Đức và Berlin để nhường cho Pháp chiếm đóng).

Trong những năm tiếp theo, Tây Berlin đã trở thành địa điểm của một số cuộc đối đầu Chiến tranh Lạnh đáng chú ý. Trong suốt năm 1948 và 1949, quân Liên Xô đã chặn tất cả các tuyến đường bộ vào Tây Berlin, buộc Mỹ phải mở đợt Không vận Berlin để vận chuyển thực phẩm và đồ dùng cho dân cư của thành phố. Năm 1961, chính phủ Đông Đức cho xây dựng Bức tường Berlin nổi tiếng, tạo ra một rào cản vật lý thực sự để tách rời Đông và Tây Berlin. Thành phố bị chia đôi này trở thành biểu tượng cho những thù địch và căng thẳng của Chiến tranh Lạnh. Năm 1989, chính quyền cộng sản Đông Đức sụp đổ, bức tường Berlin cuối cùng đã bị phá hủy. Một năm sau, Đông và Tây Đức chính thức thống nhất.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]