Nguồn: The Wannsee Conference, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, các quan chức Đức Quốc xã đã nhóm họp để thảo luận chi tiết về “Giải pháp sau cùng cho Vấn đề người Do Thái”.
Tháng 07/1941, theo chỉ thị của Hitler, Herman Goering đã ra lệnh cho Reinhard Heydrich, Tổng tư lệnh SS và cánh tay phải của Heinrich Himmler, “càng sớm càng tốt, lập ra kế hoạch chung về các biện pháp hành chính, vật chất và tài chính cần thiết để đạt được giải đáp sau cùng cho vấn đề người Do Thái.”
Heydrich đã gặp Adolf Eichmann, Trưởng Văn phòng Trung ương về Di dân Do Thái, và 15 quan chức khác từ các bộ và các cơ quan Đức Quốc xã tại Wannsee, một vùng ngoại ô của Berlin. Chương trình nghị sự rất đơn giản, chỉ tập trung đưa ra một kế hoạch để tìm “giải pháp sau cùng cho vấn đề người Do Thái” ở Châu Âu. Nhiều đề xuất man rợ khủng khiếp đã được thảo luận, bao gồm triệt sản hàng loạt và trục xuất đến đảo Madagascar.
Bản thân Heydrich chỉ đơn giản đề xuất chuyển người Do Thái từ mọi góc ngách của Châu Âu đến các trại tập trung ở Ba Lan và bắt họ làm việc cho tới chết. Các ý kiến phản đối kế hoạch này gồm cả niềm tin rằng điều đó đơn giản là quá tốn thời gian. Những người khỏe mạnh mãi không chịu chết thì sao? Còn hàng triệu người Do Thái đang sống ở Ba Lan thì sao? Mặc dù từ “giết” không bao giờ được thốt lên trong cuộc họp, nhưng ẩn ý thì rất rõ ràng: bất cứ ai sống sót qua những điều kiện khắt khe của trại lao động sẽ được “đối xử tương ứng theo đó.”
Mấy tháng sau, những chiếc “xe thùng ga” ở Chelmno, Ba Lan, vốn có thể giết chết 1.000 người một ngày, đã chứng tỏ là “giải pháp” họ đang tìm kiếm – phương tiện hiệu quả nhất để giết những nhóm lớn cùng một lúc.
Biên bản cuộc họp này được giữ rất cẩn thận, và sau này nó chính là bằng chứng quan trọng trong các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh tại Nuremberg.