05/02/1941: Hitler yêu cầu Mussolini tăng cường chiến đấu

Nguồn: Hitler to Mussolini: Fight harder!, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, Adolf Hitler đã nổi giận với đồng minh phe Trục của mình, Benito Mussolini, vì đã rút lui trước quân Anh ở Libya. Hitler yêu cầu Mussolini buộc lực lượng của mình phải ở lại chiến đấu.

Từ năm 1912, Ý đến chiếm đóng Libya hoàn toàn vì động cơ “mở rộng” kinh tế. Năm 1935, Mussolini bắt đầu gửi hàng chục ngàn người Ý đến Libya, chủ yếu là nông dân và những người lao động nông thôn khác, một phần để giải quyết vấn đề dân số ở nước này. Vì vậy, vào thời điểm Thế chiến II bùng nổ, người Ý đã hiện diện sẵn ở Bắc Phi và Mussolini bắt đầu mơ mộng về chuyện mở rộng lãnh thổ, để mắt đến vùng lãnh thổ mà “Đế quốc La Mã” cũ đã từng chinh phục.

Cùng đóng quân ở Bắc Phi còn có người Anh đến đồn trú ở Ai Cập để bảo vệ Kênh đào Suez và các căn cứ của Hải quân Hoàng gia tại Alexandria và Port Said theo một Hiệp ước Liên minh ký năm 1936. Khi Mussolini bắt đầu xâm lược Bắc Phi, Hitler đã đề nghị hỗ trợ bằng cách gửi quân Đức đến chống lại cuộc phản công của Anh. Nhưng trước đó Mussolini đã bị Hitler từ chối khi đề nghị giúp Đức trong trận Không chiến nước Anh. Vì vậy lần này Mussolini kiên quyết rằng vì niềm tự tôn dân tộc, Ý sẽ tự mình tạo dựng một vùng ảnh hưởng trên Địa Trung Hải – nếu không sẽ trở thành đối tác “đàn em” của người Đức.

Nhưng dù đã chiếm được nhiều vùng ở Đông Phi và Ai Cập, lực lượng của Mussolini không thể sánh được với quân Anh về lâu dài. Anh nhanh chóng đẩy lui Ý về phía tây, gây ra tổn thất nặng nề cho phe Trục trong một cuộc tấn công tại Beda Fomm. Trước mối nguy Anh sẽ chiếm được toàn bộ Libya và đánh bại chiến dịch Tunisia, Mussolini buộc phải hạ mình và nhờ Hitler giúp đỡ. Hitler miễn cưỡng đồng ý (điều đó có nghĩa là Đức-Anh sẽ lần đầu đối đầu trực tiếp ở Địa Trung Hải), nhưng với điều kiện quân Mussolini không được phép rút lui, mà phải giữ vững để Tripoli, thủ đô Libya, không bị Anh xâm chiếm. Nhưng quân Ý tiếp tục bị áp đảo; trong ba tháng, đã có 20.000 người bị thương hoặc bị giết và 130.000 người khác bị bắt làm tù binh. Chỉ khi tướng Đức Erwin Rommel đến nắm quyền chỉ huy, người Ý mới đủ khả năng cản được bước tiến của quân Anh. Nhưng ngay cả với sự giúp đỡ của Đức, Ý cũng chỉ có thể bảo vệ lãnh thổ Bắc Phi của mình cho đến đầu năm 1943.