15/08/1914: Nhật ra tối hậu thư cho Đức

Nguồn: Japan gives ultimatum to Germany, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1914, chính phủ Nhật đã gửi tối hậu thư tới Đức, yêu cầu tất cả các tàu Đức phải rút khỏi vùng biển của Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời giao lại quyền kiểm soát Thanh Đảo – căn hải quân nước ngoài lớn nhất của Đức, nằm trên bán đảo Sơn Đông, Trung Quốc – cho người Nhật trước trưa ngày 23/08.

Ngày 06/08 trước đó, một ngày sau khi Anh tham gia Thế chiến I chống lại Đức, Ngoại trưởng Anh, Sir Edward Gray, đã kêu gọi hỗ trợ từ hải quân Nhật trong việc săn lùng các tàu buôn Đức có vũ trang. Nhật Bản vui vẻ đồng ý, xem chiến tranh chính là cơ hội tuyệt vời để theo đuổi tư lợi ở Viễn Đông. Như lời chính khách Nhật Bản Inoue Karou, “cuộc chiến là sự trợ giúp của thượng đế cho sự hưng thịnh của vận mệnh nước Nhật.” Do đó, người Nhật vội vã thực hiện thỏa thuận liên minh năm 1902 của họ với Anh, đưa ra tối hậu thư vào ngày 15/08.

Tối hậu thư mở đầu bằng câu “Chúng tôi cho rằng điều quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay là phải có biện pháp để loại bỏ nguyên nhân gây xáo trộn hòa bình ở Viễn Đông, … và bảo vệ lợi ích chung đã được liệt kê trong Hiệp định Liên minh giữa Nhật Bản và Vương quốc Anh.” Khi người Đức không phản hồi, Nhật liền tuyên chiến vào ngày 23/08. Theo đó, hải quân nước này ngay lập tức bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc tấn công nhắm vào Thanh Đảo. Với sự hỗ trợ từ hai tiểu đoàn quân Anh, lực lượng 60.000 lính Nhật đã tiếp cận căn cứ hải quân tại Trung Quốc, phá vỡ tính trung lập của họ. Ngày 07/11, quân đồn trú của Đức tại Thanh Đảo đã đầu hàng, và quân Nhật thành công trở về quê hương vào cuối năm.

Kết quả ban đầu quan trọng nhất của Nhật khi tham gia Thế chiến I về phía quân Hiệp ước là giúp một lượng lớn quân Nga không phải phòng vệ trước quân Đức ở phía đông. Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Kato Tataki sẽ khéo léo sử dụng Thế chiến I để định hình lại mối quan hệ của Nhật với đối thủ quan trọng nhất, Trung Quốc, và để khẳng định uy quyền của mình ở Viễn Đông. Buộc một Trung Quốc đang bị chia rẽ nội bộ phải thuận theo Yêu sách 21 Điều (21 Demands) vào đầu năm 1915, Kato đã mở rộng sự kiểm soát của Nhật đối với Bán đảo Sơn Đông, cũng như gián tiếp kiểm soát phần còn lại của Trung Quốc. Nền kinh tế Nhật bắt đầu bùng nổ trong thời chiến, chủ yếu dựa vào sức mạnh của việc khai thác nguyên liệu thô và lao động của Trung Quốc. Theo thỏa thuận hậu chiến tại Versailles, Nhật đã được trao quyền kiểm soát phần quần đảo Thái Bình Dương từng nằm dưới sự cai trị của Đức và được phép duy trì quyền kiểm soát với Sơn Đông, ít nhất là cho đến khi chủ quyền của Trung Quốc được khôi phục vào năm 1922.

Hành động hung hăng chống lại Trung Quốc của Nhật và việc nước này nhanh chóng mở rộng kinh tế trong Thế chiến I – khi các cường quốc châu Âu mải chiếm đóng nơi khác – sẽ có tác động sâu rộng trong suốt thế kỷ 20. Trong những năm sau đó, các nhà lãnh đạo quân phiệt đầy tham vọng sẽ càng khẳng định quyền kiểm soát mạnh mẽ của họ đối với chính phủ Nhật và nền kinh tế hùng mạnh của nước này, đụng độ tàn bạo với Trung Quốc và các đối thủ khác ở Viễn Đông, trong khi sẵn sàng cho một cuộc đối đầu vĩ đại khác mà nhiều người trong số họ đã dự đoán từ lâu với Hoa Kỳ.