20/10/1935: Vạn lý Trường chinh kết thúc

Nguồn: Mao’s Long March concludes, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1935, chỉ hơn một năm sau khi bắt đầu cuộc Vạn lý Trường chinh, Mao Trạch Đông đã đến Thiểm Tây – một tỉnh nằm ở tây bắc Trung Quốc – với 4.000 người sống sót và thành lập trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hành trình rút lui trước Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch kéo dài 368 ngày, đi qua 6.000 dặm đường, gần gấp đôi khoảng cách từ New York đến San Francisco.

Nội chiến ở Trung Quốc giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng sản nổ ra từ năm 1927. Năm 1931, nhà lãnh đạo Cộng sản Mao Trạch Đông được bầu làm chủ tịch nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa (Soviet Republic of China) mới thành lập, với thủ đô là Thụy Kim, Giang Tây. Trong giai đoạn 1930 – 1934, phe Quốc Dân Đảng đã phát động tổng cộng năm chiến dịch bao vây chống lại nhà nước Cộng hòa Xô viết.

Dưới sự lãnh đạo của Mao, phe Cộng sản đã sử dụng chiến thuật du kích chống lại thành công bốn chiến dịch đầu tiên, nhưng trong chiến dịch thứ năm, Tưởng đã cho tăng thêm 700.000 quân và xây dựng nhiều công sự xung quanh các căn cứ Cộng sản. Hàng trăm ngàn nông dân đã bị giết hại hoặc chết đói trong cuộc bao vây, và Mao bị Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản bãi nhiệm. Ban lãnh đạo Cộng sản mới liền cho triển khai các chiến thuật chiến tranh thông thường, nhưng Hồng Quân của họ đã sớm bị tiêu diệt.

Cận kề thất bại, quân Cộng sản quyết định đánh vào những mắt xích yếu nhất để thoát khỏi vòng vây. Trường Chinh bắt đầu vào ngày 16/10/1934. Chiến thuật bí mật và sử dụng quân chặn hậu đã làm cho lính Quốc Dân Đảng bối rối, và phải mất vài tuần sau họ mới nhận ra rằng lực lượng chủ đạo của Hồng Quân đã trốn thoát. Ban đầu, đoàn người gồm 86.000 quân, 15.000 nhân viên và 35 phụ nữ. Vũ khí, vật tư được mang vác trên lưng hoặc thồ bằng xe ngựa. Đoàn người trải dài tận 50 dặm. Cộng sản thường di chuyển vào ban đêm, và những khi kẻ thù không ở gần; từ xa người ta có thể nhìn thấy hàng đuốc dài thắp sáng khắp thung lũng và núi đồi.

Thảm họa đầu tiên xảy ra vào tháng 11 khi lực lượng Quốc Dân Đảng phục kích Cộng sản trên sông Tương Giang. Hồng Quân mất một tuần để phá vỡ các công sự và cái giá phải trả là thương vong của 50.000 người – hơn một nửa quân số của họ. Sau thất bại ấy, Mao đã dần lấy lại được ảnh hưởng của mình, và vào tháng 01, ông trở lại ghế chủ tịch trong một cuộc họp của các nhà lãnh đạo đảng ở Tuân Nghĩa. Trở lại nắm quyền, Mao nhanh chóng thay đổi chiến lược, chia nhỏ lực lượng thành nhiều đoàn, đi theo những con đường khác nhau, nhằm đánh lạc hướng kẻ thù. Cũng từ đây, sẽ không còn những cuộc tấn công trực diện vào căn cứ của kẻ thù, và đích đến của Trường Chinh chuyển sang tỉnh Thiểm Tây, nơi Cộng sản sẽ chiến đấu chống lại quân xâm lược Nhật Bản và giành được sự tôn trọng của quần chúng Trung Quốc.

Sau khi chịu đựng đói khát, oanh tạc trên không và những cuộc giao tranh xảy ra gần như hàng ngày với quân của Tưởng, Mao đã cùng đoàn quân của mình dừng chân tại Vạn Lý Trường Thành vào ngày 20/10/1935. Chờ đợi họ là năm lính kỵ binh cầm súng máy và cờ đỏ. “Xin chào mừng, Chủ tịch Mao,” một người nói. “Chúng tôi là đại diện Xô Viết Bắc Thiểm Tây. Chúng tôi đã chờ đợi đồng chí trong lo lắng. Nay tất cả những gì chúng tôi có xin mời đồng chí tùy nghi sử dụng.” Vậy là Vạn Lý Trường Chinh đã chính thức kết thúc.

Những người Cộng sản đã vượt qua 24 con sông và 18 dãy núi, đa phần đều phủ đầy tuyết trắng. Chỉ có 4.000 người may mắn hoàn thành hành trình này, còn phần lớn trong số họ đều đã mất mạng dọc đường. Đây là cuộc hành quân liên tục dài nhất trong lịch sử chiến tranh, đồng thời khẳng định vai trò của Mao Trạch Đông như là nhà lãnh đạo không thể tranh cãi của Cộng sản Trung Quốc. Nghe nói về chủ nghĩa anh hùng và quyết tâm của những người Cộng sản trong Vạn lý Trường chinh, hàng ngàn thanh niên Trung Quốc đã đến Thiểm Tây xin gia nhập hàng ngũ Hồng quân. Sau một thập niên chiến đấu với người Nhật, Nội chiến Trung Quốc đã tiếp diễn vào năm 1945. Bốn năm sau, Quốc Dân Đảng đã bị đánh bại, và Mao tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông giữ vị trí Chủ tịch nước cho đến khi qua đời năm 1976.