Nguồn: Allies slaughtered by Germans in Arnhem, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1944, Chiến dịch Market Garden, một kế hoạch của quân Đồng minh nhằm đánh chiếm các cây cầu ở thị trấn Arnhem của Hà Lan đã thất bại, khiến cho hàng nghìn quân Anh và Ba Lan bị giết, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh.
Tướng Anh Bernard Montgomery đưa ra ý tưởng chiến dịch giành quyền kiểm soát các cây cầu bắc qua sông Rhine, từ Hà Lan sang Đức, như một chiến lược để tạo ra “một cuộc thọc sâu mạnh mẽ nhắm thẳng đến trái tim của nước Đức.” Kế hoạch này dường như đã bị xui xẻo ngay từ đầu. Nó được phát động vào ngày 17/09, khi lính dù đổ bộ xuống Arnhem. Dù đã cầm cự hết sức có thể để chờ quân tiếp viện, cuối cùng họ vẫn buộc phải đầu hàng.
Thật không may, một đợt thả quân trang đã bị trì hoãn, đồng thời cũng xảy ra lỗi trong việc xác định vị trí thả thích hợp và thông tin tình báo sai lệch về sức mạnh của quân Đức. Thêm vào đó, thời tiết xấu và hệ thống liên lạc kém cỏi đã làm rối loạn sự phối hợp của quân Đồng minh trên mặt đất.
Đức nhanh chóng phá hủy cầu đường sắt và làm chủ đầu cầu đường bộ phía Nam. Lính Đồng minh đã cố gắng kiểm soát đầu phía bắc của cây cầu đường bộ, nhưng nhanh chóng thất bại trước lực lượng vượt trội của người Đức. Điều duy nhất họ có thể làm là rút lui về sau các phòng tuyến của Đồng minh. Nhưng rất ít người làm được điều ấy: Trong số hơn 10.000 quân Anh và Ba Lan tham chiến tại Arnhem, chỉ có 2.900 người trốn thoát.
Nhiều tuyên bố được đưa ra sau sự kiện một lính Kháng chiến Hà Lan, Christiaan Lindemans, phản bội phe Đồng minh, điều này giải thích tại sao quân Đức lại dàn trận với số lượng lớn ở các điểm chiến lược. Một thành viên Đảng Bảo thủ của Nghị viện Anh, Rupert Allason, dưới bút danh Nigel West, đã bác bỏ kết luận này trong bài viết “A Thread of Deceit,” lập luận rằng Lindemans, dù là một điệp viên hai mang thì cũng “chẳng bao giờ có đủ khả năng phản bội Arnhem.”
Winston Churchill sau đó vinh danh lòng dũng cảm của những người lính Đồng minh đã ngã xuống bằng bài văn tế “Not in vain”. Arnhem cuối cùng đã được giải phóng vào ngày 15/04/1945.