Nguồn: Cease-fire goes into effect, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1973, lệnh ngừng bắn chính thức bắt đầu có hiệu lực vào lúc 8 giờ sáng, giờ Sài Gòn (tức nửa đêm ngày 27/01 giờ GMT).
Khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, phía Sài Gòn đang kiểm soát khoảng 75% lãnh thổ và 85% dân số của miền Nam Việt Nam. Quân Lực Việt Nam Cộng hòa đã được vũ trang rất tốt nhờ có hỗ trợ phút chót từ Mỹ, và họ vẫn tiếp tục nhận được viện trợ của Mỹ sau lệnh ngừng bắn. CIA ước tính có khoảng 145.000 lính Bắc Việt hiện diện ở miền Nam, tương đương với năm trước. Dù lệnh ngừng bắn có hiệu lực đúng giờ, nhưng cả hai bên đều vi phạm. Trong hai ngày trước thời hạn ngừng bắn, quân miền Nam tiếp tục tấn công để giành lại các làng mạc bị cộng sản chiếm đóng, trong khi phe cộng sản cố gắng chiếm thêm lãnh thổ.
Mỗi bên đều biện minh rằng các hoạt động quân sự của mình là do sự vi phạm của bên kia đối với lệnh ngừng bắn. Kết quả là một chuỗi trả đũa gần như vô tận. Trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu ngừng bắn đến cuối năm 1973, mỗi tháng trung bình có 2.980 sự cố giao tranh ở miền Nam. Hầu hết trong số này là các trận đánh nhỏ nhằm quấy rối, được thiết kế để làm tiêu hao sức lực của lực lượng Việt Nam Cộng hòa.
Tuy nhiên, Bắc Việt đã tăng cường nỗ lực ở Tây Nguyên vào tháng 9 khi họ tấn công cơ quan chính phủ miền Nam ở phía tây Pleiku bằng xe tăng. Với những hành động sau ngừng bắn này, khoảng 25.000 người miền Nam đã thiệt mạng trong những cuộc giao tranh vào năm 1973, trong khi thiệt hại của phía cộng sản ước tính là 45.000 người.