Nguồn: Germans unleash U-boats, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày 31/01/1917, Đức tuyên bố sẽ nối lại chiến tranh tàu ngầm không hạn chế ở Đại Tây Dương, theo đó các tàu ngầm trang bị ngư lôi của Đức sẽ tấn công bất kỳ con tàu nào, kể cả tàu chở khách dân sự, xuất hiện trong vùng biển có chiến sự.
Khi Thế chiến I nổ ra vào năm 1914, Tổng thống Woodrow Wilson đã cam kết Mỹ sẽ có thái độ trung lập, một quan điểm mà đại đa số người dân nước này ủng hộ. Tuy nhiên, Anh là một trong những đối tác thương mại thân thiết nhất của Mỹ, và căng thẳng sớm nảy sinh giữa Mỹ và Đức khi người Đức tìm mọi cách phong tỏa Quần đảo Anh. Một số tàu của Mỹ trên đường đến Anh đã bị hư hại hoặc bị đánh chìm bởi mìn của Đức, và vào tháng 02/1915, Đức tuyên bố phát động chiến tranh không hạn chế nhắm vào tất cả các tàu, bất kể có trung lập hay không, đi vào vùng chiến sự xung quanh Anh.
Một tháng sau, Đức thông báo rằng một tàu tuần dương của họ đã đánh chìm tàu William P. Frye, một tàu buôn tư nhân của Mỹ đang vận chuyển ngũ cốc đến Anh thì bất ngờ biến mất. Tổng thống Wilson thực sự phẫn nộ, nhưng chính phủ Đức đã xin lỗi và gọi vụ tấn công là một sai lầm đáng tiếc.
Vũ khí hải quân đáng gờm nhất của người Đức là U-boat, một loại tàu ngầm với độ phức tạp cao hơn hẳn các loại tàu ngầm do các quốc gia khác chế tạo vào thời điểm đó. Một tàu U-boat điển hình dài 65,2m, chở được 35 người cùng 12 quả ngư lôi, và có thể lặn sâu dưới nước suốt hai giờ. Trong vài năm đầu của Thế chiến I, những chiếc U-boat đã gây thiệt hại khủng khiếp cho các tàu vận chuyển của quân Đồng minh Hiệp ước.
Tháng 05/1915, một số tờ báo ở New York đã đăng tải cảnh báo của Đại sứ quán Đức tại Washington rằng những người Mỹ đi trên các tàu của Anh hoặc của Đồng minh Hiệp ước vào các vùng chiến sự phải tự gánh lấy rủi ro. Thông báo được đặt trên cùng một trang với quảng cáo cho chuyến đi sắp tới của tàu viễn dương Lusitania thuộc sở hữu của người Anh, từ New York đến Liverpool. Ngày 07/05, ngay ngoài khơi Ireland, Lusitania đã bị bắn ngư lôi mà không được cảnh báo trước. Trong số 1.959 hành khách có mặt trên tàu, tổng cộng 1.198 người đã thiệt mạng, bao gồm 128 người Mỹ.
Chính phủ Đức khẳng định tàu Lusitania đang vận chuyển vũ khí, nhưng Mỹ đã ra yêu cầu bồi thường và chấm dứt các cuộc tấn công của Đức nhắm vào các tàu buôn và tàu chở khách không có vũ khí. Tháng 08/1915, Đức cam kết sẽ bảo vệ sự an toàn của hành khách trước khi đánh chìm các tàu không vũ trang, nhưng vào tháng 11, họ đánh chìm một tàu chở hàng của Ý mà không hề đưa ra cảnh báo, khiến 272 người thiệt mạng, trong đó có 27 người Mỹ. Dư luận Mỹ đương nhiên đã quay sang chống lại Đức.
Cuối tháng 01/1917, Đức, quyết tâm giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại quân Đồng minh Hiệp ước, đã tuyên bố nối lại chiến tranh tàu ngầm không hạn chế. Ba ngày sau, Mỹ chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức; chỉ vài giờ sau đó, tàu chở hàng Housatonic của Mỹ đã một chiếc U-boat của Đức đánh chìm. Không ai trong số 25 người Mỹ trên tàu thiệt mạng và họ đã được cứu bởi tàu hơi nước của Anh sau đó.
Ngày 22/02, Quốc Hội Mỹ chính thức thông qua dự luật sản xuất vũ khí trị giá 250 triệu đô la nhằm mục đích sẵn sàng cho nước này tham chiến. Hai ngày sau, các nhà chức trách Anh đã trao cho Đại sứ Mỹ tại Anh một bản sao của cái được gọi là “Bức điện Zimmermann”, một thông điệp được mã hóa mà Ngoại trưởng Đức Arthur Zimmermann gửi cho Bá tước Johann von Bernstorff, Đại sứ Đức tại Mexico. Trong bức điện do tình báo Anh đánh chặn và giải mã, Zimmermann tuyên bố rằng, trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Mỹ, họ nên yêu cầu Mexico tham gia vào cuộc xung đột với tư cách là đồng minh của Đức. Đổi lại, Đức hứa sẽ khôi phục lại cho Mexico các lãnh thổ đã mất là Texas, New Mexico và Arizona. Ngày 01/03, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bức điện và quyết tâm chống lại Đức.
Sang cuối tháng 03, Đức đã đánh chìm thêm 4 tàu buôn của Mỹ và vào ngày 02/04, Tổng thống Wilson xuất hiện trước Quốc Hội và kêu gọi tuyên chiến chống lại Đức. Ngày 04/04, Thượng viện đã bỏ phiếu với tỷ lệ 82-6, đồng ý tuyên chiến chống lại Đức. Hai ngày sau, Hạ viện tán thành tuyên bố bằng tỷ lệ phiếu 37 -50 và Mỹ chính thức bước vào Thế chiến I.