12/03/1933: Roosevelt phát sóng chương trình “trò chuyện bên bếp lửa” đầu tiên

Nguồn: FDR broadcasts first “fireside chat” during the Great Depression, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1933, tám ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã có bài phát biểu đầu tiên trên đài phát thanh quốc gia – còn được gọi là cuộc “trò chuyện bên bếp lửa” (fireside chat) – được phát sóng trực tiếp từ Nhà Trắng.

Roosevelt bắt đầu bài phát biểu thật đơn giản: “Tôi muốn dành vài phút nói chuyện với người dân Mỹ về ngân hàng.” Tiếp đến, tổng thống giải thích quyết định gần đây của mình là đóng cửa các ngân hàng quốc gia để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt, do các nhà đầu tư hoảng sợ về khả năng ngân hàng sụp đổ. Roosevelt cho biết, các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày hôm sau, và ông cảm ơn công chúng vì đã “kiên nhẫn và bình tĩnh” trong “kỳ nghỉ ngân hàng”.

Vào thời điểm đó, nước Mỹ đang ở thời kỳ tồi tệ nhất của Đại Suy thoái, với từ 25% đến 33% lực lượng lao động thất nghiệp. Cả nước đều lo lắng, và bài phát biểu của Roosevelt được thiết kế nhằm xoa dịu nỗi sợ hãi, cũng như khơi dậy niềm tin vào khả năng lãnh đạo của ông. Roosevelt đã tiếp tục thực hiện thêm 30 số trò chuyện bên bếp lửa, trong khoảng thời gian từ tháng 03/1933 đến tháng 06/1944. Chương trình này đã được đón nhận bởi một số lượng đáng kinh ngạc các hộ gia đình Mỹ, 90% trong số đó lúc bấy giờ đang sở hữu một chiếc radio.

Nhà báo Robert Trout đã đặt ra cụm từ “trò chuyện bên bếp lửa” để gọi những bài phát biểu của Roosevelt, gợi lên hình ảnh tổng thống đang ngồi bên bếp lửa sưởi ấm trong phòng khách, tha thiết chia sẻ với người dân Mỹ về hy vọng và ước mơ của ông dành cho đất nước. Trên thực tế, Roosevelt đã rất cẩn trọng, đảm bảo rằng mỗi bài phát biểu đều có thể được tìm nghe và hiểu rõ ngay cả bởi những người Mỹ bình thường, bất kể trình độ học vấn của họ. Ông sử dụng những từ vựng đơn giản, dựa vào những giai thoại dân gian hoặc so sánh thường nhật để giải thích những vấn đề phức tạp mà đất nước phải đối mặt.

Trong suốt thời kỳ làm tổng thống kéo dài lịch sử, 12 năm, Roosevelt đã sử dụng các cuộc trò chuyện kiểu này để xây dựng sự ủng hộ toàn dân đối với các chính sách Kinh tế mới (New Deal) đột phá của mình, bất chấp sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp lớn và các nhóm khác. Sau khi Thế chiến 2 bắt đầu, ông sử dụng các cuộc trò chuyện để giải thích các chính sách thời chiến của chính quyền cho người dân Mỹ. Thành công của các cuộc trò chuyện của Roosevelt không chỉ được thể hiện rõ ràng trong ba lần tái đắc cử của ông, mà còn ở hàng triệu lá thư được gửi đến Nhà Trắng. Nông dân, doanh nhân, đàn ông, phụ nữ, giàu, nghèo – tất thảy đều nói rằng họ cảm thấy tổng thống đã vào nhà của họ và nói chuyện trực tiếp với họ. Trong thời đại mà các tổng thống hầu như chỉ giao tiếp với công dân thông qua người phát ngôn và nhà báo, đó là một bước tiến chưa từng có.