25/06/1915: Đức thừa nhận sử dụng khí độc tại Ypres

Nguồn: Germans release statement on use of poison gas at Ypres, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1915, báo chí Đức đã đăng một tuyên bố chính thức từ bộ chỉ huy chiến tranh của đất nước, đề cập đến việc Đức sử dụng khí độc khi bắt đầu Trận Ypres II hai tháng trước đó.

Việc Đức xả hơn 150 tấn khí clo gây chết người nhắm vào hai sư đoàn thuộc địa của Pháp tại Ypres, Bỉ vào ngày 22/04/1915, đã gây sốc và kinh hoàng cho các đối thủ Đồng minh Hiệp ước của họ trong Thế chiến I, đồng thời gây ra làn sóng giận dữ phải đối những gì được coi là hành vi dã man không thể bào chữa, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh.

Sir John French, Tổng tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF), đã viết về các cuộc tấn công của Đức tại Ypres trong cơn tức giận, “Tất cả các nguồn lực khoa học của Đức dường như đã được huy động để tạo ra một loại khí cực kỳ độc hại, khiến bất kỳ người nào tiếp xúc với nó đầu tiên sẽ bị tê liệt, tiếp đến sẽ chịu đựng cái chết kéo dài và đầy đau đớn.”

Tuyên bố ngày 25/06/1915 của Đức là phản ứng trước sự phẫn nộ của phe Hiệp ước. Phía Đức coi đó là đạo đức giả, cho rằng đối thủ của họ – cụ thể là người Pháp – đã chế tạo và sử dụng khí độc trong chiến đấu từ rất lâu trước Trận Ypres II. “Dành cho tất cả những ai có nhận định thiếu khách quan,” tuyên bố mở đầu, “những xác nhận chính thức hoàn toàn chính xác và trung thực của chính quyền quân sự Đức là đủ để chứng minh việc đối thủ của chúng tôi đã sử dụng khí gây ngạt trước.” Bản tuyên bố tiếp tục trích dẫn một bản ghi nhớ do Bộ Chiến tranh Pháp ban hành vào ngày 21/05/1915, đề cập đến hướng dẫn sử dụng “những thùng chứa có khí gây choáng đang được sản xuất bởi các nhà máy trung tâm của chúng ta (?) trong đó chứa một chất lỏng sẽ phóng ra sau vụ nổ, dưới dạng hơi, gây kích ứng mắt, mũi và cổ họng.”

Người Đức kết luận rằng bản ghi nhớ này là bằng chứng cho thấy “người Pháp và các xưởng chế tạo trong nước của họ đã sản xuất đạn pháo bằng khí ngạt cách đây ít nhất nửa năm,” và họ chắc chắn đã sản xuất đủ số lượng để Bộ Chiến tranh đưa ra hướng dẫn về cách sử dụng. “Thật là đạo đức giả khi những con người đó dám phẫn nộ vì người Đức sau này đã đi theo con đường mà chính họ đã vạch ra!”

Dù trên thực tế, người Pháp quả đúng là bên đầu tiên sử dụng khí độc trong Thế chiến I (vào tháng 08/1914, họ đã sử dụng lựu đạn hơi cay có chứa xylyl bromide để đáp trả bước tiến ban đầu của Đức ở Bỉ và đông bắc Pháp), nhưng Đức chắc chắn là quốc gia tham chiến đầu tiên đặt trọng tâm và nỗ lực vào việc phát triển những vũ khí hóa học không đơn thuần chỉ là chất gây kích ứng, như xylyl bromide, mà có thể được sử dụng với số lượng lớn để gây ra thất bại đáng kể cho kẻ thù.

Ngoài khí clo, lần đầu tiên được Đức sử dụng để gây chết người tại Ypres, khí phosgene và khí mù tạt cũng được sử dụng trên các chiến trường của Thế chiến I, hầu hết bởi Đức, nhưng cũng bởi cả Anh và Pháp, những bên buộc phải nhanh chóng bắt kịp người Đức trong lĩnh vực công nghệ vũ khí hóa học. Dù tác động tâm lý của khí độc chắc chắn là rất lớn, nhưng tác động thực sự của nó đối với cuộc chiến – giống như tác động của xe tăng – là điều còn nhiều tranh cãi, do các cuộc tấn công bằng khí độc chỉ có tỷ lệ tử vong khá thấp. Tổng cộng, cuộc chiến đã chứng kiến 1,25 triệu thương vong do khí độc, nhưng chỉ có 91.000 trường hợp tử vong do ngộ độc khí, với hơn 50% trong số đó là thành viên quân đội Nga được trang bị kém.