03/02/1944: Mỹ chiếm Quần đảo Marshall

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: U.S. troops capture the Marshall Islands, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, lính Mỹ đã đổ bộ và giành quyền kiểm soát quần đảo Marshall, nơi mà quân Nhật đã chiếm đóng từ rất lâu trước đó và sử dụng làm căn cứ cho các hoạt động quân sự của mình.

Marshalls, nằm về phía đông Quần đảo Caroline ở khu vực tây Thái Bình Dương, đã nằm trong tay Nhật kể từ Thế chiến I. Sau khi bị người Nhật chiếm đóng vào năm 1914, quần đảo trở thành một phần trong nhóm “Các đảo được ủy thác cho Nhật Bản” (Japanese Mandated Islands) theo quyết định của Hội Quốc Liên. Hiệp ước Versailles, kết thúc Thế chiến I, quy định một số hòn đảo trước đây do Đức kiểm soát – bao gồm Marshalls, Carolines và Marianas (ngoại trừ Guam) – sẽ được chuyển nhượng cho người Nhật, dù vẫn đặt dưới sự “giám sát” của Hội Quốc Liên.

Tuy nhiên, Nhật đã rút khỏi Hội Quốc Liên vào năm 1933 và bắt đầu biến Quần đảo Ủy thác thành các căn cứ quân sự. Bất kỳ ai không phải là người Nhật, kể cả những nhà truyền giáo Thiên Chúa Giáo, cũng bị cấm đặt chân đến các đảo này, nơi mà căn cứ hải quân và không quân – đóng vai trò đe dọa các tuyến đường vận chuyển giữa Australia và Hawaii – đang được xây dựng.

Trong Thế chiến II, những hòn đảo này, cũng như những hòn đảo khác ở vùng lân cận, đã trở thành mục tiêu tấn công của quân Đồng minh. Chiến dịch Trung tâm Thái Bình Dương của Mỹ đã bắt đầu với Quần đảo Gilbert, nằm về phía nam Quần đảo Ủy thác. Người Mỹ chiếm được Gilberts vào tháng 11/1943. Nước đi tiếp theo sẽ là Chiến dịch Flintlock, một kế hoạch đánh chiếm Quần đảo Marshall.

Ngày 22/01/1944, Trung tướng Raymond Spruance dẫn đầu Hạm đội 5 từ Trân Châu Cảng đến Marshalls, với mục tiêu đưa 53.000 quân xung kích lên bờ hai đảo nhỏ: Roi và Namur. Trong khi đó, sử dụng Gilberts làm căn cứ không quân, máy bay Mỹ đã ném bom trung tâm hành chính và liên lạc của Nhật ở Marshalls, nằm trên Kwajalein, một đảo san hô trong cụm đảo san hô, đảo nhỏ, và đảo đá ngầm của Marshall.

Tính đến ngày 31/01, Kwajalein đã bị tàn phá nặng nề. Không kích liên tiếp lên tàu sân bay và trên bộ đã phá hủy mọi máy bay Nhật tại Marshalls. Sang ngày 03/02, bộ binh Mỹ đánh chiếm đảo san hô Roi và Namur. Marshalls sau đó đã nằm gọn trong tay người Mỹ – với con số thương vong chỉ 400.