01/01/1994: Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ có hiệu lực

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The North American Free Trade Agreement comes into effect, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1994, một trong những hiệp định thương mại lớn nhất và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Canada, Mỹ, và Mexico đã loại bỏ hầu hết các rào cản thương mại giữa ba nước, nhưng đồng thời cũng gây tranh cãi ở cả ba nước kể từ khi nó ra đời.

Ronald Reagan là Tổng thống Mỹ đầu tiên đề xuất một hiệp định thương mại tự do ba bên giữa các nước Bắc Mỹ. Người kế nhiệm ông, George H.W. Bush, đã tiến hành đàm phán với Tổng thống Mexico Carlos Salinas de Gortari, và Thủ tướng Canada Brian Mulroney sau đó cũng tham gia. Mục tiêu là loại bỏ hầu hết các loại thuế quan và rào cản đối với dòng nhân lực và sản phẩm dịch chuyển qua biên giới của ba nước.

Cuộc tranh luận về việc phê chuẩn hiệp ước đã diễn ra sôi nổi ở cả ba nước; những người chỉ trích cảnh báo rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu đến khả năng liên kết của người lao động và kết quả là làm giảm tiền lương. Ngoài ra còn có những lo ngại về môi trường, nhưng đã được giải quyết bằng một thỏa thuận phụ. Cả ba nước cuối cùng đã phê chuẩn NAFTA và Tổng thống Bill Clinton đã ký phê chuẩn thành luật vào ngày 8/12/1993. Hiệp ước chính thức có hiệu lực vào ngày đầu năm mới 1994.

Tác động trực tiếp nhất của NAFTA là một cuộc nổi dậy của du kích ở bang Chiapas của Mexico. NAFTA đã buộc chính phủ Mexico phải loại bỏ một điều khoản trong hiến pháp vốn bảo vệ các vùng đất bản địa khỏi tư nhân hóa, cho rằng điều khoản này là một rào cản không thể chấp nhận được đối với đầu tư. Thay vì chấp nhận bán tháo đất đai của họ, Quân đội Giải phóng Quốc gia Zapatista chủ yếu là người bản địa đã trỗi dậy và chiếm khoảng một nửa bang Chiapas chỉ sau một đêm, ngay khi hiệp ước có hiệu lực. Sự bế tắc với chính phủ Mexico và sự cai trị trên thực tế của quân nổi dậy vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Kể từ năm 1994, NAFTA đã làm tăng đáng kể khối lượng thương mại giữa ba nước. Các tác động khác vẫn còn gây tranh cãi, dù nhiều người cho rằng nó đã thúc đẩy ngành công nghiệp ở Mexico và các doanh nghiệp nhỏ ở Mỹ, các nhà phê bình thường cho rằng nó đã làm tổn thương nông dân Mexico và khiến người Mỹ mất việc làm. Vào năm 2016, cả ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên Đảng Dân chủ Bernie Sanders, những người đã bỏ phiếu chống lại việc phê chuẩn hiệp ước, đã coi những lời chỉ trích NAFTA là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của họ.

Khi nhậm chức, Trump yêu cầu phải đàm phán lại NAFTA. Thỏa thuận mới, Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMC), có phần bảo hộ hơn đối với các ngành công nghiệp Mỹ, đặc biệt là các công ty dược phẩm, nhưng ít nhiều vẫn tiếp tục di sản thương mại tự do của NAFTA. Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua USMC vào tháng 12/2019.

#135 – Dân chủ và thị trường: Khía cạnh kinh tế chính trị của NAFTA