20/08/1619: Những nô lệ châu Phi đầu tiên đến Jamestown

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: First enslaved Africans arrive in Jamestown, setting the stage for slavery in North America, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1619, một nhóm người Angola “20 có lẻ” bị người Bồ Đào Nha bắt cóc đã được đưa đến thuộc địa Virginia của Anh và sau đó bị thực dân Anh mua lại. Sự xuất hiện của những người châu Phi bị bắt làm nô lệ ở Tân Thế giới đánh dấu khởi đầu của chế nộ nô lệ kéo dài hai thế kỷ rưỡi ở Bắc Mỹ.

Được thành lập tại Jamestown vào năm 1607, Thuộc địa Virginia là nơi sinh sống của khoảng 700 người vào năm 1619. Những nô lệ châu Phi đầu tiên đến Virginia đã cập bến tại Point Comfort, ngày nay được gọi là Pháo đài Monroe. Hầu hết tên tuổi của họ, cũng như số lượng chính xác những người ở lại Point Comfort, đã bị thất lạc, nhưng vẫn có nhiều thông tin về hành trình của họ.

Nhóm này đến từ các vương quốc Kongo và Ndongo bản địa ở châu Phi, bị thực dân Bồ Đào Nha bắt cóc, sau đó ép họ phải đi bộ tới cảng Luanda, thủ đô của Angola ngày nay. Từ đó, họ được lệnh lên con tàu San Juan Bautista, dự kiến đến Veracruz ở thuộc địa New Spain. Giống như các trường hợp phổ biến thời bấy giờ, khoảng 150 trong số 350 người bị bắt lên tàu đã chết trong hành trình vượt biển. Sau đó, khi gần đến đích, con tàu bị tấn công bởi hai tàu tư nhân, White Lion và Treasurer. Thủy thủ đoàn từ hai con tàu đã bắt cóc 60 nô lệ của Bautista. White Lion sau đó cập cảng ở Point Comfort của Thuộc địa Virginia và đã trao đổi một số tù nhân để lấy thức ăn vào ngày 20/08/1619.

Các học giả lưu ý rằng, về mặt kỹ thuật, những người châu Phi này đã được bán để làm lao động có hợp đồng (indentured servants). Những người lao động kiểu này đồng ý, hoặc trong nhiều trường hợp là bị ép buộc, làm việc không lương trong một khoảng thời gian nhất định, thường là để trả nợ, và sẽ được trả tự do về mặt pháp lý ngay khi kết thúc hợp đồng. Đã có nhiều người châu Âu đến châu Mỹ với tư cách là lao động có hợp đồng. Bất chấp lưu ý này – và cả các ghi chép cho thấy rằng một số người trong nhóm cuối cùng đã giành được tự do – rõ ràng là những người châu Phi đến Point Comfort vào năm 1619 đã bị buộc phải làm nô lệ và họ phù hợp với định nghĩa của Tuyên ngôn Nhân quyền về nô lệ.

Sự kiện Point Comfort đánh dấu một chương mới trong lịch sử buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, bắt đầu từ đầu những năm 1500 đến giữa những năm 1800. Hoạt động buôn bán này đã khiến 12 triệu người châu Phi phải di cư, trong đó khoảng 5 triệu người bị đưa đến Brazil và hơn 3 triệu người đến vùng Caribe. Dù số lượng người châu Phi được đưa đến lục địa Bắc Mỹ tương đối nhỏ – khoảng 400.000 người – sức lao động của họ và của con cháu họ đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế của các thuộc địa Anh, và sau này là Mỹ.

Hai trong số những người châu Phi đến trên tàu White Lion, Antonio và Isabella, đã trở thành “người hầu” của Đại uý William Tucker, chỉ huy của Point Comfort. Con trai William của họ được cho là đứa trẻ châu Phi đầu tiên được sinh ra ở Mỹ, và theo luật thời đó, cậu được sinh ra là một người tự do. Tuy nhiên, trong những thập niên sau đó, chế độ nô lệ đã được pháp điển hóa.

Những người hầu gốc Phi thường bị buộc phải tiếp tục làm việc sau khi hết hợp đồng, và vào năm 1640, một tòa án ở Virginia đã kết án người hầu nổi loạn John Punch phải làm nô lệ suốt đời. Với ngày càng ít người hầu da trắng đến từ Anh, một hệ thống phân chia đẳng cấp theo chủng tộc đã phát triển và những người hầu châu Phi dần bị giam giữ suốt đời. Năm 1662, một tòa án Virginia phán quyết rằng trẻ em sinh ra bởi các bà mẹ nô lệ là tài sản của chủ sở hữu người mẹ đó.

Khi các loại cây công nghiệp như thuốc lá, bông, và mía đường trở thành trụ cột của nền kinh tế thuộc địa, thì chế độ nô lệ cũng trở thành động cơ của nó. Dù việc buôn bán nô lệ đã trở thành bất hợp pháp vào năm 1807, nhưng việc xem nô lệ như tài sản (chattel slavery) và nền kinh tế đồn điền vẫn phát triển mạnh mẽ ở miền Nam nước Mỹ. Cuộc điều tra dân số năm 1860 cho thấy có 3.953.760 nô lệ ở nước này, chiếm khoảng 13% tổng dân số.

Xung đột giữa những người theo chủ nghĩa bãi nô và những người muốn bảo tồn và truyền bá chế độ nô lệ là chất xúc tác chính dẫn đến sự bùng nổ của Nội chiến Mỹ. Tổng thống Abraham Lincoln đã chính thức giải phóng các nô lệ ở miền Nam với Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ vào năm 1863, nhưng phải đến khi Tu chính án 13 được thông qua vào năm 1865 thì chế độ nô lệ mới chính thức bị bãi bỏ ở Mỹ.

Sau cùng, 246 năm nô lệ tàn bạo đã ảnh hưởng khôn lường đến xã hội Mỹ. Phải mất một thế kỷ sau Nội chiến thì phân biệt chủng tộc mới bị tuyên là vi hiến, nhưng sự kết thúc của phân biệt chủng tộc do nhà nước hậu thuẫn không có nghĩa là phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử đã hoàn toàn chấm dứt ở Mỹ. Bởi vì nó đã trở thành một phần quan trọng của nền văn hóa và nền kinh tế của nước này ở thời kỳ đầu, ngay sau khi xuất hiện ở Jamestown, nên chế độ nô lệ thường được gọi là “tội tổ tông” của Mỹ.