11/01/2010: Miep Gies, người cưu mang Anne Frank, qua đời ở tuổi 100

Nguồn: Miep Gies, who hid Anne Frank, dies at 100, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2010, Miep Gies, người sống sót cuối cùng trong một nhóm nhỏ những người đã giúp che giấu cô bé người Do Thái, Anne Frank, và gia đình cô khỏi Đức Quốc Xã trong Thế chiến II, đã qua đời ở tuổi 100 tại Hà Lan.

Sau khi gia đình Frank bị phát hiện vào năm 1944 và bị đưa đến trại tập trung, Gies đã lưu giữ những cuốn sổ tay mà Anne để lại, ghi chép về hai năm trốn chạy của gia đình cô bé. Những cuốn sổ này sau đó được xuất bản thành tập sách “Anne Frank: The Diary of a Young Girl” (Nhật ký Anne Frank), trở thành một trong những tài liệu được đọc nhiều nhất về thảm họa diệt chủng Holocaust.

Miep Gies sinh ra trong một gia đình Công giáo thuộc tầng lớp lao động ở Vienna, Áo, vào ngày 15/02/1909. Lúc 11 tuổi, do thiếu thốn thực phẩm ở quê nhà sau Thế chiến I, bà đã được gửi đến Hà Lan để sống với gia đình bố mẹ nuôi, những người đặt cho bà biệt danh Miep (tên khai sinh của bà là Hermine Santrouschitz). Năm 1933, bà trở thành thư ký cho Otto Frank, giám đốc một công ty nhỏ ở Amsterdam chuyên sản xuất hoá chất dùng để làm mứt. Một năm sau, vợ và hai con gái của Frank, Margot và Anne, đã rời quê hương Đức đến thủ đô Hà Lan để sống cùng ông.

Tháng 5/1940, Đức, quốc gia tham chiến Thế chiến II kể từ tháng 9 năm trước, đã xâm chiếm Hà Lan, và nhanh chóng khiến cuộc sống của người Do Thái ở nơi đây ngày càng bị giới hạn và nguy hiểm. Tháng 7/1942, gia đình Frank đã lẩn trốn trong một căn hộ áp mái nằm sau cơ sở kinh doanh của Otto Frank. Sau này, còn có thêm người cộng sự kinh doanh của Otto Frank cùng vợ con, và nha sĩ của Miep Gies, tất cả đều là người Do Thái. Gies, cùng với chồng là Jan, một nhân viên công tác xã hội người Hà Lan, và một số nhân viên khác của Otto Frank, đã mạo hiểm mạng sống của mình để lén mang thực phẩm, đồ dùng, và tin tức từ thế giới bên ngoài vào căn hộ bí mật (sau này được gọi là Căn hầm Bí mật, Secret Annex).

Ngày 4/8/1944, sau 25 tháng trốn tránh, tám người sống trong Căn hầm Bí mật đã bị Gestapo, lực lượng cảnh sát mật Đức, phát hiện. Phía Đức đã nhận tin báo về nơi ẩn náu này từ một kẻ tố cáo ẩn danh, người chưa bao giờ được xác định rõ ràng. Gies đang làm việc trong tòa nhà vào thời điểm xảy ra vụ bắt giữ, nhưng bà đã không bị bắt vì tay sĩ quan cùng quê Vienna với bà nên cảm thông cho bà. Sau đó, Gies đến trụ sở cảnh sát và cố gắng hối lộ để giải thoát cho những người bị bắt, nhưng không thành.

Những người ở Căn hầm Bí mật lần lượt bị đưa đến các trại tập trung và chỉ có Otto Frank sống sót. Sau khi được quân đội Liên Xô giải cứu khỏi Auschwitz vào tháng 1/1945, ông trở lại Amsterdam, nơi ông nhận được từ Miep Gies một bộ sưu tập sổ tay và vài trăm tờ giấy chứa những ghi chép mà con gái ông, Anne, đã viết trong thời gian lẩn trốn. Gies đã lấy những cuốn sổ tay từ Căn hầm Bí mật ngay sau khi gia đình Franks bị bắt, và giấu chúng trong ngăn bàn ở văn phòng của mình. Suốt thời chiến, bà đã không đọc những cuốn nhật ký này, vì tôn trọng quyền riêng tư của Anne.

Otto Frank, người sống cùng gia đình Gies sau chiến tranh, đã biên soạn các bài viết của con gái mình thành một bản thảo, lần đầu tiên được xuất bản ở Hà Lan vào năm 1947 với tựa đề “Het Achterhuis” (Căn phòng phía sau). Sau này được xuất bản với tựa đề “Nhật ký Anne Frank,” cuốn sách đã bán được hàng chục triệu bản trên toàn thế giới.

Năm 1987, Gies xuất bản hồi ký “Anne Frank Remembered” (Tưởng nhớ Anne Frank), trong đó bà viết, “Tôi không phải là anh hùng. Tôi chỉ là kẻ đứng cuối một hàng dài vô tận những người Hà Lan tốt bụng đã làm những gì tôi đã làm và còn hơn thế nữa, trong thời kỳ đen tối và kinh khủng cách đây nhiều năm, nhưng vẫn luôn sống động chẳng khác gì hiện tại trong trái tim của những chứng nhân. Chưa có một ngày nào trôi qua mà tôi không nghĩ về những gì đã xảy ra.”

Gies qua đời vào năm 2010, ở tuổi 100.