Nguồn: Poet-soldier Rupert Brooke dies in Greece, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1915, Rupert Brooke, một học giả và nhà thơ trẻ tuổi đang phục vụ với tư cách là sĩ quan trong Hải quân Hoàng gia Anh, đã qua đời vì nhiễm trùng máu trên một tàu bệnh viện neo đậu ngoài khơi đảo Skyros của Hy Lạp, trong khi chờ được triển khai tham gia cuộc đổ bộ của Đồng minh vào Bán đảo Gallipoli.
Sinh năm 1887 tại Rugby, Anh, Brooke theo học tại trường King’s College thuộc Đại học Cambridge, nơi ông kết bạn với những học giả nổi tiếng trong tương lai như E.M. Forster, John Maynard Keynes, và Virginia Stephens (sau này là Virginia Woolf) với tư cách là thành viên của nhóm Bloomsbury nổi tiếng. Những chuyến đi đến Mỹ vào năm 1912 đã giúp Brooke cho ra đời một loạt các bài luận và bài báo được đón nhận nồng nhiệt; ông cũng từng sống một thời gian ở Tahiti, nơi ông đã sáng tác một số bài thơ nổi tiếng nhất của mình.
Trở về Anh ngay trước khi Thế chiến I nổ ra vào tháng 8/1914, Brooke đã giành được một chân trong Sư đoàn Hải quân Hoàng gia nhờ sự giúp đỡ của người bạn thân Edward Marsh, khi đó là thư ký của Bộ trưởng Hải Quân (First Lord of the Admiralty) Winston Churchill. Trong thơ của mình, Brooke đã chào đón chiến tranh, “Giờ đây, xin cảm tạ Chúa Trời đã cho ta đến được thời khắc này/Đã nắm lấy tuổi trẻ của ta, và đã đánh thức ta khỏi cơn mê ngủ.”
Rupert Brooke chỉ tham gia duy nhất một trận chiến trong Thế chiến I – trận phòng thủ Antwerp, Bỉ, chống lại quân xâm lược Đức vào đầu tháng 10/1914. Dù được hỗ trợ bởi sự kháng cự kiên cường của cư dân Antwerp, quân Anh vẫn gánh chịu thất bại nặng nề trong trận giao tranh và buộc phải rút lui qua vùng nông thôn Bỉ bị tàn phá. Sau đó, Brooke trở về Anh để chờ được tái triển khai, nhưng đã mắc bệnh cúm trong thời gian được huấn luyện và chuẩn bị. Khi đang hồi phục, Brooke đã viết những bài thơ sonnet chiến tranh nổi tiếng nhất của ông, bao gồm Hòa bình, An toàn, Kẻ chết, và Người lính.
Vào ngày 18/02/1915, Brooke lên đường đến Dardanelles gần Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các bãi mìn của kẻ thù khiến đơn vị của ông bị trì hoãn triển khai và họ buộc phải huấn luyện ở Ai Cập, nơi Brooke mắc bệnh kiết lỵ. Lúc này, những bài thơ của Brooke bắt đầu trở nên nổi tiếng ở Anh, và ông đã được trao cơ hội trở về quê hương, phục vụ xa chiến trường sau khi hồi phục, nhưng ông đã từ chối. Sang ngày 10/04, ông lên đường cùng đơn vị của mình đến Hy Lạp, nơi họ thả neo ngoài khơi Skyros. Tại đó, Brooke tiếp tục bị nhiễm trùng máu do bị côn trùng cắn. Ông qua đời vào ngày 23/04/1915, trên một tàu bệnh viện, chỉ hai ngày trước khi quân Đồng minh mở cuộc tấn công bất thành vào Gallipoli.
Vào ngày 26/04, tờ Times of London cho đăng bài cáo phó của Brooke do đích thân Winston Churchill viết. “Những suy nghĩ mà ông ấy thể hiện trong số ít những bài thơ sonnet chiến tranh mà ông ấy để lại,” Churchill viết, “sẽ nhận được sự đồng cảm của hàng nghìn thanh niên đang kiên quyết và hân hoan tiến về phía trước trong cuộc chiến khắc nghiệt nhất, tàn nhẫn nhất, và ít được tưởng thưởng nhất trong tất cả các cuộc chiến mà loài người từng chiến đấu.” Những dòng đầu tiên của Người lính, bài thơ nổi tiếng nhất của Brooke, gợi lên lòng yêu nước giản dị, chân thành mà Churchill cho rằng tất cả binh sĩ Anh nên hướng tới: “Nếu tôi chết, xin chỉ nhớ một điều/ Rằng ở một góc nào đó trên một chiến trường xa xôi/ Nơi ấy mãi mãi là nước Anh.”