Mỹ có thể tạo đột phá trong quan hệ với Iran bằng cách nào?

Nguồn: Richard Haass, “The Iran Opportunity,” Foreign Affairs, 06/01/2025

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mỹ cần làm gì để đạt được đột phá?

Thật khó để tìm được một quốc gia nào khác đã mất đi ảnh hưởng chỉ trong một thời gian ngắn như Iran. Cho đến gần đây, vẫn có thể nói rằng Iran là nước có ảnh hưởng khu vực quan trọng nhất ở Trung Đông, với ảnh hưởng lớn hơn cả Ai Cập, Israel, Ả Rập Saudi hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, tầm ảnh hưởng của Iran đã sụt giảm đáng kể. Họ trở nên yếu hơn và dễ bị tổn thương hơn so với nhiều thập kỷ trước, có lẽ là yếu nhất kể từ cuộc chiến kéo dài một thập kỷ với Iraq, hoặc thậm chí từ cuộc cách mạng năm 1979.

Sự yếu đuối này đã mở lại cuộc tranh luận về cách Mỹ và các đối tác của mình nên tiếp cận những thách thức do Iran đặt ra. Một số người nhìn thấy cơ hội để giải quyết mọi khía cạnh của mối đe dọa – cả năng lực hạt nhân của Tehran, lẫn các chiến dịch khu vực độc ác của nước này – chỉ trong một đòn đánh. Những người khác kêu gọi chấm dứt hoàn toàn chế độ Cộng hòa Hồi giáo. Tuy nhiên, các cố vấn giàu kinh nghiệm tỏ ra thận trọng trước những gì chúng ta có thể mong đợi từ việc sử dụng vũ lực quân sự hoặc các lệnh trừng phạt kinh tế, cũng như từ những nỗ lực được thiết kế để lật đổ hệ thống chính trị hiện tại và thay thế nó bằng một thứ gì đó tốt hơn.

Vấn đề không chỉ là mục tiêu mà còn là ưu tiên, vì sự đánh đổi là không thể tránh khỏi: nên đặt điều gì lên hàng đầu? Sự lựa chọn không phải là giữa ngoại giao và cưỡng ép, mà là cách kết hợp và sắp xếp hai yếu tố này.  Cách tiếp cận hứa hẹn nhất là theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng: định hình lại chính sách an ninh quốc gia của Iran thông qua ngoại giao, nhưng ngoại giao phải được thực hiện trên nền tảng của năng lực và ý chí sử dụng vũ lực quân sự nếu Tehran từ chối giải quyết thỏa đáng các mối quan ngại của Mỹ và phương Tây.

Ván cược ở đây là rất lớn. Những gì được quyết định sẽ có tác động sâu rộng không chỉ đối với Trung Đông mà còn đối với phần còn lại của thế giới, bao gồm cả thị trường năng lượng. Và đối với Mỹ, nó sẽ giúp xác định xem liệu họ có thể triển khai kế hoạch “xoay trục” đã được thảo luận từ lâu và chuyển các nguồn lực quân sự từ Trung Đông sang các ưu tiên khác, trên hết là để ngăn chặn sự xâm lược của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

TRỖI DẬY VÀ SUY TÀN

Ảnh hưởng khu vực của Tehran chủ yếu đến từ việc họ tài trợ và cung cấp vũ khí cho các nhóm khủng bố và phiến quân ở Gaza, Iraq, Lebanon, Syria, Yemen, và nhiều nơi khác. Những lực lượng ủy nhiệm này phản đối Israel (và bất kỳ sự hòa giải nào giữa Israel và người Palestine) đồng thời cũng đe dọa lợi ích của Mỹ và phương Tây. Nói rộng hơn, các lực lượng ủy nhiệm là phương tiện để Iran tìm cách định hình Trung Đông theo ý mình. Chiến lược gián tiếp này giúp ảnh hưởng của Iran lan tỏa khắp khu vực, nhưng vẫn cho phép họ tránh hoặc ít nhất là giảm thiểu việc bị trả đũa trực tiếp.

Tại Iraq, Iran là bên được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến năm 2003 của Mỹ. Việc Saddam Hussein bị loại khỏi quyền lực cũng xóa sổ một Baghdad do người Sunni lãnh đạo, vốn sẵn sàng và có khả năng cân bằng với Tehran của người Shiite. Iran đã tận dụng sự hỗn loạn theo sau cuộc xâm lược, cũng như quan hệ thân thiết với đa số người Shiite ở Iraq, để thay thế Mỹ trở thành thế lực bên ngoài có ảnh hưởng lớn nhất tại Iraq.

Ngoài ra, Iran từ lâu đã có chỗ đứng vững chắc ở Lebanon, nơi có số đông người Shiite, nếu không muốn nói là đa số (đã nhiều thập kỷ trôi qua kể từ cuộc điều tra dân số gần nhất). Lực lượng ủy nhiệm của Iran, Hezbollah, đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ Iran dưới mọi hình thức và do đó được trang bị tốt hơn các đối thủ địa phương, và nhóm này hành động gần như hoàn toàn độc lập bên trong Lebanon – đó là “nhà nước trong nhà nước” theo đúng nghĩa đen. Nhờ có các tài sản quân sự, trên hết là hàng chục nghìn tên lửa, và việc Israel nằm gần biên giới phía nam của Lebanon, Hezbollah đã ngăn chặn các hành động của Israel chống lại Iran, vì Israel phải cân nhắc khả năng nhóm khủng bố này trả đũa nhắm vào công dân và lãnh thổ của mình.

Kế đến là Hamas. Suốt nhiều thập kỷ, bất chấp việc nhóm này là người Sunni, Iran đã hỗ trợ Hamas bằng tiền mặt, đào tạo nhân sự, và cung cấp vũ khí, để đảm bảo rằng sự bài trừ, thay vì sự hòa giải, sẽ chi phối cách tiếp cận của người Palestine đối với Israel. Năm 2006, Hamas đã chiến thắng trước Chính quyền Palestine (PA) trong cuộc bầu cử ở Gaza, trao cho họ và Tehran một nền tảng để thực hiện các chiến dịch quân sự chống lại Israel và thách thức PA.

Tại Syria, Iran, cùng với Nga, đã dốc toàn lực để hỗ trợ chế độ của Bashar al-Assad vốn đang đứng bên bờ vực sụp đổ sau Mùa xuân Ả Rập. Chế độ này đã tồn tại thêm hơn một thập kỷ, bảo toàn tuyến đường bộ chính để gửi vũ khí cho Hezbollah. Nó cũng khiến Israel bị bao vây bởi các thế lực thù địch mà Iran có ảnh hưởng đáng kể – một lưỡi liềm Shiite, trải dài từ Iran đến Syria, Lebanon và Gaza.

Bên cạnh đó, Iran cũng đầu tư vào việc phát triển sức mạnh của Houthi, một nhóm người Shiite có trụ sở tại Yemen, lực lượng chính trong cuộc nội chiến Yemen (không chỉ chiến đấu với chính phủ, mà còn với các lực lượng của Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất). Kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, các cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi nhắm vào các tàu ở Biển Đỏ đã làm gián đoạn thương mại toàn cầu, buộc các tàu chở hàng và tàu chở dầu phải đi theo tuyến đường dài hơn và tốn kém hơn quanh Châu Phi. Houthi thỉnh thoảng còn tấn công trực tiếp vào Israel và đã cố gắng tấn công các tàu của Hải quân Mỹ.

Khởi đầu cho kết thúc của bá quyền khu vực Iran đã đến, trớ trêu thay là với những gì tưởng chừng là một chiến thắng cho Tehran: cuộc tấn công của Hamas vào ngày 07/10/2023. Mức độ tham gia của Iran vào các cuộc tấn công vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng vụ thảm sát khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và bắt giữ khoảng 200 con tin này không thể xảy ra nếu Iran không tham gia và hỗ trợ lâu dài cho Hamas. Cuộc tấn công – khiến Israel thiếu chuẩn bị phải xấu hổ và cho phép Hamas, trong một thời gian, tuyên bố rằng họ là thực thể Palestine duy nhất sẵn sàng và có khả năng chống lại Israel – là một lợi ích không chỉ cho Hamas, mà còn cho người bảo trợ Iran.

Hơn một năm sau, chiến thắng chiến thuật đó của Iran đã kết thúc bằng thất bại chiến lược. Các chiến dịch quân sự liên tiếp của Israel đã làm suy yếu Hamas đến mức họ không còn là một lực lượng chiến đấu có thể tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào giống như sự kiện ngày 07/10 nữa. Kế đến, Israel triển khai nhiều cuộc tấn công nhắm vào Hezbollah, loại bỏ ban lãnh đạo và kho vũ khí của tổ chức, khiến họ yếu hơn nhiều và buộc họ phải từ bỏ việc khăng khăng rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào với Israel cũng phải đi kèm với một lệnh ngừng bắn ở Gaza.

Và những diễn biến này đã tạo điều kiện cho việc lật đổ Assad. Hezbollah không còn ở vị thế có thể chống đỡ cho chế độ Syria, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nhóm này để duy trì quyền lực. Trong lúc Nga tập trung nguồn lực và sự chú ý vào Ukraine, các lực lượng chống Assad, do phe Hồi giáo lãnh đạo và được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã nhanh chóng đánh bại triều đại từng cai trị Syria một cách tàn nhẫn trong hơn nửa thế kỷ. Israel cũng đã tận dụng việc Syria rơi vào hỗn loạn để loại bỏ phần lớn kho vũ khí quân sự của Assad.

Bản thân Iran hiện cũng dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Hai lần trong năm 2024 (lần đầu tiên vào tháng 4, lần thứ hai vào tháng 10), nước này đã tấn công trực tiếp Israel bằng máy bay không người lái và tên lửa để đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào các tiền đồn của Iran ở Syria và vụ ám sát một thủ lĩnh Hamas ở Tehran. Nhưng các cuộc tấn công của Iran chỉ gây ra ít thiệt hại. Và cả hai lần Israel đều đáp trả, phá hủy hệ thống phòng không, kho dự trữ đạn dược, và các thành tố quan trọng của cơ sở công nghiệp quốc phòng Iran, đồng thời chứng minh khả năng hoạt động quân sự trên lãnh thổ của Iran với sự tự do gần như hoàn toàn.

MUỐN GÌ, CẦN GÌ

Tuy nhiên, bất chấp những thất bại này, ba lĩnh vực trong hành vi của Iran vẫn tiếp tục gây lo ngại. Lĩnh vực đầu tiên là sự ủng hộ của nước này đối với các lực lượng ủy nhiệm, vốn đã được chú ý nhiều nhất trong 15 tháng qua. Thứ hai là chương trình hạt nhân của nước này. Iran đã tăng cả lượng uranium làm giàu mà họ sở hữu lẫn mức độ làm giàu. Nhiều khả năng, chỉ còn vài tuần nữa là nước này có thể sản xuất đủ uranium cấp độ vũ khí để cung cấp nhiên liệu cho hàng chục vũ khí hạt nhân. Sẽ cần nhiều thời gian hơn (ước tính từ sáu tháng đến một năm) để triển khai vũ khí thực tế, nhưng tốc độ có thể được đẩy nhanh nhờ sự hỗ trợ từ các đối tác giàu kinh nghiệm như Trung Quốc, Triều Tiên, Pakistan, hoặc Nga.

Quan ngại thứ ba là tình hình nội bộ ở Iran. Các nhà lãnh đạo Iran cai trị bằng sự cưỡng ép. Dù bầu cử vẫn được tiến hành, nhưng những người muốn thách thức chế độ đều bị sàng lọc và nhiều người đã bị loại bỏ. Quyền lực tối cao nằm trong tay các giáo sĩ không do dân bầu. Quyền chính trị của tất cả người dân Iran đều bị hạn chế nghiêm ngặt, Internet do chính phủ quản lý, những người phản đối chế độ có thể bị bắt giữ tùy ý, và phụ nữ phải chịu kiểm soát đặc biệt. Lý tưởng nhất là chính sách của Mỹ sẽ tìm cách giải quyết cả ba lĩnh vực cần quan tâm: hạn chế cung cấp hỗ trợ quân sự cho các lực lượng ủy nhiệm; đặt ra giới hạn cho chương trình hạt nhân của Iran, một giới hạn có thể xác minh được và sẽ cung cấp cảnh báo đầy đủ nếu Iran cố gắng tiến tới đột phá hạt nhân; đồng thời tạo ra không gian chính trị và cá nhân lớn hơn cho công dân Iran.

Tuy nhiên, việc nhắm đến thành công ở cả ba lĩnh vực – tìm cách chấm dứt chương trình hạt nhân của chính phủ, hỗ trợ quân sự cho các lực lượng ủy nhiệm, và việc đàn áp người dân Iran – gần như chắc chắn sẽ thất bại. Chính sách đối ngoại không chỉ nên hướng tới những điều mong muốn, mà còn phải xem xét khả năng thực hiện. Một cách tiếp cận đầy tham vọng như vậy có thể không thực tế, bởi vì những gì cần thiết để đạt được một hoặc hai mục tiêu có thể mâu thuẫn với việc đạt được mục tiêu thứ ba.

Chương trình hạt nhân phải là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách của Mỹ. Một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và một loạt các hệ thống phân phối vũ khí có thể là mối đe dọa sống còn đối với nhiều nước láng giềng và các đối tác khu vực thân cận của Mỹ, trên hết là Israel. Iran cũng có thể hành động hung hăng hơn – bao gồm cả thông qua các lực lượng ủy nhiệm của mình – với niềm tin rằng sức mạnh hạt nhân của họ sẽ khiến các nước khác do dự trước khi tấn công trực tiếp vào họ. Cũng có lý do chính đáng để tin rằng việc Iran có vũ khí hạt nhân sẽ thúc đẩy một số quốc gia khác trong khu vực, bao gồm cả Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, phát triển hoặc mua vũ khí hạt nhân của riêng họ. Diễn biến này sẽ làm tăng khả năng xảy ra xung đột trong khu vực (dù chỉ là để ngăn chặn những nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân) và làm tăng khả năng vũ khí hạt nhân thực sự có thể được sử dụng. Việc tạo dựng và duy trì ổn định sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều nếu số lượng người ra quyết định tăng lên và các kho vũ khí hạt nhân dễ bị tấn công phủ đầu.

Thay vào đó, một số nhà hoạch định chính sách và nhà phân tích đã kêu gọi ưu tiên thay đổi chế độ. Logic của lập luận này là một Iran dân chủ và thân phương Tây sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân (và thực sự có ý định như vậy), đồng thời tránh xa việc hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm. Dù logic này khá hợp lý, nhưng có rất ít lý do để tin rằng Washington có thể tạo điều kiện cho việc thay đổi chế độ với bất kỳ mức độ đảm bảo nào, và chắc chắn sẽ không có mốc thời gian rõ ràng, bất kể Cộng hòa Hồi giáo đã yếu đến mức nào.

Các hệ thống độc tài có nhiều hình thức và quy mô. Không phải tất cả đều dễ sụp đổ như nhau. Những hệ thống dễ sụp đổ – Syria dưới thời Assad, Iran dưới thời Shah, Libya dưới thời Muammar al-Qaddafi, Iraq dưới thời Saddam – thường có một số đặc điểm chung: do một cá nhân lãnh đạo thay vì lãnh đạo tập thể, thiếu các thể chế, phụ thuộc vào sự cưỡng ép hơn là lòng trung thành sâu rộng, không có các cơ chế kế nhiệm được chấp nhận rộng rãi, lực lượng an ninh tập trung vào việc ngăn chặn đảo chính hơn là chiến đấu trong chiến tranh truyền thống. Nhưng Iran ngày nay thì khác. Đúng là giới lãnh đạo nước này không được lòng dân, với các cuộc thăm dò cho thấy phần lớn người Iran phản đối chế độ. Báo cáo ghi nhận những lời chỉ trích công khai về tất cả những gì Iran đã làm và chi tiêu cho chế độ Assad, trong khi thường dân Iran phải sống khổ sở. Iran là một quốc gia giàu năng lượng đang phải chịu tình trạng thiếu hụt năng lượng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chính phủ và hệ thống chính trị mà nó đại diện thiếu sự hỗ trợ đáng kể trong nước. Quan trọng hơn, chế độ này thực sự có cơ sở hỗ trợ trong nước, vốn sẵn sàng sử dụng bạo lực để bảo vệ nó. Iran cũng có một tập hợp các thể chế chồng chéo phức tạp, bao gồm Quốc hội, Hội đồng Chuyên gia, Hội đồng Giám hộ, Hội đồng Phân định, cùng hệ thống tòa án. Năm nay, quá trình chuyển giao quyền lực đã diễn ra tương đối có trật tự sau khi tổng thống qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng.

Về nguyên tắc, một chính sách nhằm thay đổi chế độ có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt, hỗ trợ kinh tế và quân sự bí mật cho những người chống đối chế độ, không công nhận chế độ nhưng công nhận một giải pháp thay thế chính trị của nó, sử dụng phương tiện truyền thông và mạng xã hội để tác động đến môi trường thông tin và can thiệp vũ trang. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các công cụ như vậy không đảm bảo sẽ đạt được hiệu quả mong muốn, đặc biệt nếu thành công được xác định bằng cách thay thế các cơ quan hiện tại bằng thứ gì đó tốt hơn (ngay cả khi tốt hơn chỉ có nghĩa là phù hợp hơn với lợi ích của Mỹ) trong một khoảng thời gian cụ thể.

Trong khi đó, việc ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran cũng như ngăn nước này ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm gây bất ổn sẽ vẫn là những ưu tiên cấp bách. Giống như chiến lược kiềm chế của Washington thời Chiến tranh Lạnh – dù tập trung vào việc định hình chính sách đối ngoại của Liên Xô, nhưng cũng đã góp phần vào sự sụp đổ của hệ thống Liên Xô sau bốn thập kỷ – ưu tiên phải là hạn chế năng lực của Iran và định hình hành vi bên ngoài của nước này. Những nỗ lực như vậy cũng có thể ảnh hưởng đến tiến trình phát triển nội bộ, nhưng đây phải là ưu tiên thấp hơn.

NHỮNG LỰA CHỌN SAI LẦM

Các cuộc tranh luận về cách đạt được những mục tiêu này thường xem ngoại giao và vũ lực quân sự như thể chúng là những giải pháp loại trừ lẫn nhau. Nhưng cách tư duy mang tính xây dựng hơn sẽ là xem chúng như bổ sung cho nhau, được sử dụng phối hợp với nhau. Ngoại giao được hỗ trợ bởi việc sử dụng vũ lực đáng tin cậy có nhiều cơ hội thành công hơn ngoại giao mà không có mối đe dọa vũ lực. Thêm vào đó, việc sử dụng vũ lực quân sự sẽ có thể được trong nước và quốc tế ủng hộ nếu nó được đưa ra sau khi các bước ngoại giao hợp lý đã bị từ chối. Như George Kennan, tác giả của học thuyết ngăn chặn, đã từng nhận xét một cách chua chát, “Anh không thể biết rằng một chút sức mạnh quân sự ngầm phía sau đã góp phần đáng kể thế nào vào sự lịch sự và dễ chịu của ngoại giao phía trước.”

Ngoại giao nên khám phá tiềm năng cho một thỏa thuận lớn: Iran sẽ phải đồng ý với một mức trần mở, có thể kiểm chứng được đối với chương trình hạt nhân của mình, hạn chế số lượng vật liệu làm giàu mà nước này có thể sở hữu và mức độ làm giàu, đồng thời đảm bảo rằng bất kỳ hoạt động hoặc năng lực hạt nhân bị cấm nào cũng sẽ bị phát hiện từ trước khi nước này có thể sản xuất một thiết bị hạt nhân. Thỏa thuận cũng sẽ loại trừ sự hỗ trợ quân sự của Iran cho các tác nhân phi nhà nước như Hezbollah, Hamas, và Houthi, đồng thời đặt ra những hạn chế đối với chương trình tên lửa đạn đạo của Iran. Nói đơn giản, một thỏa thuận như vậy sẽ khác biệt đáng kể so với Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung năm 2015, vốn chỉ đặt ra giới hạn thời gian cho các hạn chế hạt nhân và bỏ qua hành vi khu vực của Iran.

Theo một thỏa thuận như vậy, Iran sẽ có thể duy trì một chương trình năng lượng hạt nhân, dù phải chịu những hạn chế nghiêm trọng và sự giám sát có tính xâm phạm, và có thể cung cấp hỗ trợ chính trị và kinh tế (nhưng không phải quân sự) cho các bên trong khu vực. Các lệnh trừng phạt kinh tế sẽ được nới lỏng đáng kể (thậm chí những lệnh trừng phạt còn lại cũng có thể được nới lỏng hoặc gỡ bỏ nếu Tehran trao cho người dân Iran nhiều quyền tự do hơn). Mỹ cũng sẽ chấp nhận và sẵn sàng công nhận chính phủ Iran hiện tại, nghĩa là từ bỏ các nỗ lực thay đổi chế độ. Washington nên sẵn sàng trình thỏa thuận này lên Quốc hội như một thỏa thuận chính thức, để trấn an Iran rằng thỏa thuận vẫn sẽ có hiệu lực ngay cả khi có sự thay đổi trong chính quyền.

Nhưng tại sao Tehran lại chấp nhận đề nghị này? Trước hết, chính phủ của họ đang chịu áp lực rất lớn. Họ đã trải qua sự suy giảm nghiêm trọng về vị thế chiến lược và đang rất dễ bị tấn công quân sự. Đồng tiền của họ cũng giảm mạnh. Giá năng lượng đã giảm, trong khi trong nước không có đủ năng lượng để sưởi ấm cho các căn hộ và duy trì sản xuất cho các nhà máy. Sự bất mãn của công chúng vốn đã cao nay còn tăng cao hơn nữa sau các sự kiện ở Syria. Các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu đã góp phần gây ra những khó khăn về kinh tế cho Iran, và có lẽ lời hứa về việc nới lỏng lệnh trừng phạt có thể hấp dẫn vì nó sẽ làm giảm bớt áp lực nội bộ lên chế độ.

Từ góc nhìn của Tehran, mục tiêu quan trọng nhất là bảo tồn hệ thống được tạo ra bởi cuộc cách mạng năm 1979. Mục tiêu đó đã gây ra những thay đổi chính sách trong quá khứ: năm 1988, Ayatollah Khomeini đã chấp nhận chấm dứt chiến tranh Iran-Iraq mà không giành chiến thắng để cứu nhà nước Cộng hòa Hồi giáo, một quyết định mà ông so sánh với việc tự uống thuốc độc. Tình hình hiện tại cũng tương tự: Mỹ sẽ ra hiệu rằng họ sẵn sàng chung sống với chế độ hiện tại nếu Iran chấp nhận những hạn chế sâu rộng đối với tham vọng hạt nhân và các hoạt động khu vực của mình. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Iran có thể cởi mở thảo luận về một thỏa thuận như vậy. Chẳng hạn, phó tổng thống Iran phụ trách các vấn đề chiến lược đã viết trên tờ Foreign Affairs (từ trước khi các sự kiện ở Syria làm xấu đi vị thế của Iran) rằng chính phủ của họ “hy vọng có các cuộc đàm phán bình đẳng liên quan đến thỏa thuận hạt nhân – và nhiều hơn thế.” Tân Tổng thống Iran cũng đã nêu rõ ưu tiên của mình là khôi phục nền kinh tế của đất nước.

Một số nhà phân tích đã lập luận rằng nên từ bỏ nỗ lực ngoại giao và lựa chọn vũ lực sớm hơn là muộn. Một cuộc tấn công sẽ nhắm vào các cơ sở liên quan đến chương trình hạt nhân, với hy vọng phá hủy phần lớn hoặc toàn bộ chương trình và thúc đẩy một sự thay đổi chính trị cơ bản ở Tehran. Đúng là phần lớn, nếu không muốn nói là toàn bộ, chương trình hạt nhân hiện tại của Iran có thể bị tiêu diệt hoặc ít nhất là làm gián đoạn. Nhưng ngay cả điều đó cũng không phải là giải pháp lâu dài, vì Iran đã có được chuyên môn về hạt nhân, vốn không thể bị phá hủy bằng vũ lực. Một chiến dịch quân sự thành công có thể khiến Tehran thụt lùi vài năm, nhưng họ có thể lựa chọn xây dựng lại chương trình của mình ở những vị trí kiên cố hơn, vượt xa những gì đạn dược của Mỹ và Israel có thể đạt tới. Một cuộc tấn công như vậy cũng sẽ được Iran sử dụng để biện minh cho nhu cầu về vũ khí hạt nhân. Và ngay cả khi các lực lượng ủy nhiệm và phòng thủ của họ bị suy yếu, Iran vẫn có thể trả đũa Israel bằng những tên lửa đạn đạo còn sót lại; chống lại các cơ sở dầu khí của các nước láng giềng, nhiều nước trong số đó là đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực; và chống lại các mục tiêu của Mỹ thông qua chủ nghĩa khủng bố. Giá dầu và khí đốt sẽ tăng vọt, làm tăng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu và kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Không thể xác định những tác động nội bộ ở Iran do một kịch bản như vậy. Chúng có thể dễ dàng kích hoạt một cuộc biểu tình phản đối chủ nghĩa dân tộc, cũng như khuyến khích các cuộc biểu tình chống chế độ. Trên bình diện quốc tế, một cuộc tấn công phòng ngừa có thể gây mất ổn định, vì những nước khác có thể viện dẫn nó như một tiền lệ để thực hiện hành động tương tự chống lại các đối thủ.

Một số người khác lại ủng hộ chính sách gây sức ép tối đa, trong đó áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn. Nhưng không có gì trong lịch sử cho thấy trừng phạt có thể giúp đạt được những mục đích đầy tham vọng, và chắc chắn là không phải theo một thời hạn được ấn định trước. Một lần nữa, các biện pháp trừng phạt có thể và nên là một phần của một chính sách toàn diện, với một số biện pháp bổ sung được đưa ra để tăng áp lực lên chế độ, trong khi lời hứa gỡ bỏ chúng có thể là động lực bổ sung để thay đổi hành vi, bao gồm cả trong lĩnh vực nhân quyền và chính trị nội bộ.

Đối với Washington, cách tiếp cận đúng đắn là bắt đầu bằng ngoại giao, đồng thời đưa ra lời đe dọa rằng vũ lực sẽ được sử dụng, và sau đó thực sự sử dụng vũ lực nếu Iran tiến hành các hoạt động hạt nhân vượt quá một ngưỡng nhất định, hoặc cố gắng tiếp tế vũ khí mới cho các lực lượng ủy nhiệm của mình. Sự kết hợp này sẽ giải quyết hai ưu tiên cao nhất đối với Mỹ khi nói đến hành vi của Iran và là những mục tiêu dễ bị ảnh hưởng nhất từ bên ngoài. Đề nghị giảm nhẹ lệnh trừng phạt để đổi lấy sự kiềm chế việc phát triển vũ khí hạt nhân và hoạt động khu vực có thể sẽ cải thiện triển vọng của chế độ Iran trong ngắn hạn. Nhưng mục tiêu đó nên được xếp sau các ưu tiên cao hơn.

CƠ HỘI CHIẾN LƯỢC KHÔNG KÉO DÀI MÃI MÃI

Những diễn biến trong 15 tháng qua đã tạo ra một cơ hội bất ngờ để kiềm chế Iran. Đây là một cơ hội không nên bị lãng phí. Cũng không có chút mỉa mai nào ở đây, vì chính Tổng thống Donald Trump đã đưa Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhưng việc đàm phán một hiệp ước mới và được cải thiện sẽ giống như những gì Trump đã làm khi chính quyền đầu tiên của ông đàm phán với Mexico và Canada để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ bằng Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada. Một thỏa thuận mới với Iran cũng sẽ loại bỏ nhu cầu sử dụng vũ lực quân sự trên quy mô lớn, điều mà Trump thường phản đối.

Cần hành động nhanh chóng. Iran có thể sẽ sớm tìm cách thu dọn tàn tích và tái thiết các lực lượng ủy nhiệm của mình trong khu vực. Và với khả năng răn đe thông thường bị phá hủy, Iran cũng có thể kết luận rằng chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể bảo vệ họ khỏi Israel và Mỹ. Kim cương có thể tồn tại mãi mãi, nhưng các cơ hội chiến lược thì không. Trump – tác giả của The Art of the Deal (Nghệ thuật đàm phán) biết rất rõ – các cơ hội cần phải được nắm bắt nhanh chóng.

Richard Haass là chủ tịch danh dự của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cố vấn cấp cao tại Centerview Partners, và tác giả của bản tin hàng tuần Home & Away.