27/01/1973: Ký Hiệp định Hòa bình Paris

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Paris Peace Accords signed, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, đại diện của Mỹ, Việt Nam Cộng hòa, chính quyền miền Bắc và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Việt Cộng) đã chính thức ký  “Hiệp định chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Việt Nam” tại Paris.

Vì phía Việt Nam Cộng hòa nhất quyết không công nhận Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam, nên mọi đề cập đến Chính phủ này đều chỉ nằm trong phiên bản song phương do chính quyền miền Bắc và Mỹ ký. Còn phía Việt Nam Cộng hòa được trao một phiên bản hiệp định riêng biệt, trong đó không đề cập đến chính phủ Việt Cộng. Đây là một phần trong nỗ lực từ trước đó rất lâu của Sài Gòn nhằm từ chối công nhận Việt Cộng là một bên hợp pháp trong các cuộc thảo luận về chấm dứt chiến tranh.

Hiệp định được ký bao gồm một lệnh ngừng bắn trên toàn Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ còn đồng ý rút toàn bộ quân đội và cố vấn (tổng cộng khoảng 23.700 người) ra khỏi miền Nam, cũng như tháo dỡ tất cả các căn cứ của Mỹ trong vòng 60 ngày. Đổi lại, chính quyền miền Bắc đồng ý thả tất cả các tù nhân chiến tranh người Mỹ hoặc thuộc phe Mỹ.

Cả hai bên đã đồng ý rút toàn bộ quân đội của mình ở Lào và Campuchia, đồng thời cấm việc thành lập căn cứ hoặc hành quân qua các nước này. Họ cũng đồng ý rằng khu vực phi quân sự (DMZ) tại vĩ tuyến 17 sẽ chỉ là một đường phân chia tạm thời, cho đến khi hai miền được thống nhất “thông qua các biện pháp hòa bình.” Một ủy ban kiểm soát quốc tế sẽ được thành lập, gồm 1.160 thanh sát viên đến từ Canada, Hungary, Ba Lan, và Indonesia, nhằm giám sát việc thực thi thỏa thuận.

Cũng theo bản hòa ước, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu sẽ tiếp tục nắm quyền cho đến khi tổ chức bầu cử. Chấp nhận “quyền nhân dân tự quyết của người miền Nam,” chính quyền miền Bắc tuyên bố sẽ không khởi xướng các phong trào quân sự vượt quá DMZ và sẽ không sử dụng vũ lực để thống nhất đất nước.

Chú thích: Người lính Mỹ cuối cùng chết trong chiến tranh Việt Nam, Trung tá William B. Nolde, đã bị giết bởi một quả đạn pháo ở An Lộc, nằm cách Sài Gòn 60 dặm về phía tây bắc, chỉ 11 giờ trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực.