05/09/1905: Ký kết Hòa ước Nga-Nhật

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Russo-Japanese peace treaty signed, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1905, Chiến tranh Nga-Nhật đã đi đến hồi kết khi đại diện hai nước ký Hiệp ước Portsmouth ở New Hampshire. Sau khi bại trận trong cuộc chiến, Nga đã đồng ý trao cho Nhật Đảo Sakhalin, cũng như quyền sử dụng cảng và đường sắt của Nga ở Mãn Châu.

Ngày 08/02/1904, sau khi bị Nga bác bỏ kế hoạch nhằm chia Mãn Châu và Triều Tiên thành các khu vực ảnh hưởng, người Nhật đã tiến hành một cuộc tấn công hải quân bất ngờ vào Cảng Arthur, căn cứ hải quân Nga ở Trung Quốc. Hạm đội của Nga đã bị tê liệt. Trong chiến tranh Nga-Nhật diễn ra sau đó, Nhật đã giành được một loạt các chiến thắng quyết định trước người Nga, vốn đã đánh giá thấp tiềm năng quân sự của đối thủ phi phương Tây của mình.

Tháng 01/1905, căn cứ hải quân chiến lược ở Cảng Arthur đã rơi vào tay lực lượng hải quân Nhật dưới sự chỉ huy của Đô đốc Heihachiro Togo; tháng 03, quân đội Nga bị đánh bại tại Thẩm Dương, Trung Quốc, bởi binh sĩ của Thống chế Iwao Oyama; và vào tháng 05, hạm đội Baltic của Nga do Đô đốc Zinovi Rozhdestvenski chỉ huy đã bị Togo tiêu diệt gần quần đảo Tsushima.

Ba thất bại lớn này đã thuyết phục người Nga tin rằng việc chống lại tham vọng đế quốc của Nhật Bản ở Đông Á là vô vọng. Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã làm trung gian cho một hiệp ước hòa bình tại Portsmouth, New Hampshire vào tháng 08/1905 (sau đó ông được trao giải Nobel Hoà bình cho thành tựu này.) Nhật Bản nổi lên sau cuộc xung đột như một lực lượng phi phương Tây hiện đại đầu tiên và bước đầu khẳng định mưu đồ mở rộng trở thành đế quốc của mình. Tình hình thảm hại của quân đội Nga trong cuộc chiến tranh là một trong những nguyên nhân trực tiếp của cuộc Cách mạng Nga vào năm 1905.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]