Nguồn: Yalta Conference ends, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, một tuần đàm phán căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo của ba cường quốc Đồng minh chủ chốt đã kết thúc tại Yalta, một thị trấn du lịch của Liên Xô trên Biển Đen. Đây là hội nghị thứ hai của các nhà lãnh đạo “Tam Cường” – Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin – và cuộc chiến đã có những tiến triển mạnh mẽ kể từ lần họp cuối cùng của họ, diễn ra tại Tehran vào cuối năm 1943.
Sự kiện mà khi đó được gọi là Hội nghị Crimea được tổ chức tại cung điện mùa hè của Sa Hoàng Nicholas II ở ngoại ô Yalta, nay là một thành phố ở Ukraine. Sau chiến thắng trước Đức vào ba tháng trước, Churchill và Stalin đã có ý định chia châu Âu thành các khu vực ảnh hưởng chính trị hơn là xem xét các cân nhắc quân sự. Đức sẽ được chia thành bốn vùng, chiếm đóng bởi ba cường quốc lớn cùng với Pháp, và sẽ bị giải giáp triệt để và các tội phạm chiến tranh của nước này sẽ bị đưa ra xét xử. Phía Liên Xô đã quản lý những nước châu Âu mà họ giải phóng, nhưng hứa hẹn sẽ tổ chức các cuộc bầu cử tự do. Người Anh và người Mỹ sẽ giám sát quá trình chuyển đổi sang dân chủ ở các nước như Ý, Áo và Hy Lạp.
Kế hoạch cuối cùng đã được soạn thảo nhằm thành lập Liên Hiệp Quốc, và một hội nghị bàn về hiến chương Liên Hiệp Quốc được lên kế hoạch tổ chức tại San Francisco vào tháng 04.
Vị Tổng thống yếu ớt Roosevelt, hai tháng trước khi ông qua đời, đã cố gắng thuyết phục Liên Xô hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của Mỹ chống lại Nhật Bản. Dự án bom nguyên tử bí mật của Mỹ chưa thể thử nghiệm một vũ khí nào, và ước tính một cuộc tấn công đổ bộ vào Nhật Bản có thể phải trả bằng cái giá hàng trăm ngàn mạng sống của người Mỹ. Sau khi được bảo đảm về một khu vực chiếm đóng ở Triều Tiên, quyền sở hữu đảo Sakhalin và các vùng lãnh thổ khác trong lịch sử bị tranh chấp giữa Nga và Nhật, Stalin đã đồng ý tham gia cuộc chiến Thái Bình Dương trong vòng hai đến ba tháng kể từ khi nước Đức đầu hàng.
Phần lớn các điều khoản của Yalta vẫn được giữ bí mật cho đến sau Thế chiến II; còn các vấn đề được tiết lộ, như kế hoạch của Đồng minh đối với Đức và Liên Hiệp Quốc, thì thường được hoan nghênh. Roosevelt trở về nước Mỹ trong tình trạng kiệt sức, và khi trình bày về Yalta trước Quốc Hội, ông đã không còn đủ khỏe để nghe những lời ủng hộ. Trong bài diễn văn này, ông đã gọi hội nghị là “một bước ngoặt, tôi hi vọng, trong lịch sử của đất nước ta, và theo đó là trong lịch sử thế giới.” Ông đã không sống đủ lâu để chứng kiến bức màn sắt được hạ xuống dọc theo các đường phân chia được đặt ra tại Yalta. Vào tháng 04, Roosevelt đến nghỉ dưỡng tại ngôi nhà của ông ở Warm Springs, Georgia, nhưng đã qua đời vào ngày 12/04 vì xuất huyết não.
Ngày 16/07, Mỹ đã thử nghiệm thành công một quả bom nguyên tử ở sa mạc New Mexico. Ngày 06/08, họ thả một trong những vũ khí này lên Hiroshima, Nhật Bản. Hai ngày sau đó, tuân theo đúng cam kết tại Yalta, Liên Xô tuyên chiến với Nhật Bản. Ngày hôm sau, Mỹ tiếp tục thả một quả bom nguyên tử khác lên Nagasaki, và Liên Xô đã phát động cuộc tấn công khổng lồ chống Nhật Bản ở Mãn Châu. Ngày 15/08, sự kết hợp giữa những quả bom nguyên tử của Mỹ và đợt tấn công của Liên Xô đã buộc Nhật đầu hàng. Tới cuối tháng thì quân Mỹ đã đổ bộ vào Nhật Bản.
Khi văn bản đầy đủ của các thỏa thuận tại Yalta được công bố trong những năm sau Thế chiến II, nhiều người đã chỉ trích Roosevelt và Churchill về việc đưa Đông Âu và Bắc Triều Tiên vào tầm thống trị của cộng sản khi nhượng bộ quá nhiều trước Stalin tại Yalta. Liên Xô đã không bao giờ cho phép bầu cử tự do ở Đông Âu sau chiến tranh, và Bắc Triều Tiên cộng sản đã bị chia rẽ sâu sắc với láng giềng phía Nam của họ.
Đông Âu, được giải phóng và sau đó chiếm đóng bởi Hồng quân, sẽ trở thành vệ tinh của Liên Xô bất chấp những gì đã được thỏa thuận ở Yalta. Tuy nhiên, nhờ có bom nguyên tử, sự trợ giúp của Liên Xô là không cần thiết để đánh bại người Nhật. Nếu không có cuộc xâm lăng của Liên Xô vào Đế Quốc Nhật trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II, Bắc Triều Tiên và các vùng lãnh thổ khác vốn do Nhật nắm giữ và rơi vào tay Liên Xô, chắc chắn sẽ thuộc về quyền kiểm soát của người Mỹ. Tuy nhiên, tại Yalta, Roosevelt vẫn chưa thể đảm bảo rằng bom nguyên tử sẽ hoạt động, và vì vậy ông đã tìm kiếm sự giúp đỡ của Liên Xô trong những gì được dự đoán là một nhiệm vụ tốn kém để chinh phục Nhật Bản. Còn Stalin, người sẵn sàng hy sinh quân đội với hy vọng giành được nhiều lãnh thổ hơn Roosevelt, đã rất vui lòng hỗ trợ Đồng minh người Mỹ, và vào cuối cuộc chiến, điều này đã làm tăng đáng kể ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Á.