Nguồn: Defiant theologian Dietrich Bonhoeffer is hanged, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1945, mục sư Đạo Luther và nhà thần học Dietrich Bonhoeffer đã bị treo cổ tại Flossenburg, chỉ vài ngày trước khi người Mỹ tiến vào giải phóng trại tù. Những lời cuối cùng của người chống Chủ nghĩa phát xít 39 tuổi đầy dũng cảm này là “Đây là kết thúc – nhưng với tôi, nó là khởi đầu của cuộc sống.”
Hai ngày sau khi Adolf Hitler trở thành Thủ tướng Đức, Dietrich Bonhoeffer, lúc bấy giờ đang là giảng viên tại Đại học Berlin, đã lên đài phát thanh tố cáo “nguyên tắc lãnh đạo” (Fuhrerprinzip) của Đức Quốc xã, một nguyên tắc lãnh đạo vốn đồng nghĩa với “chế độ độc tài.” Chương trình phát sóng của Bonhoeffer đã bị cắt ngang trước khi ông kịp kết thúc.
Không lâu sau đó, ông chuyển đến London để phục vụ cho một giáo đoàn Đức, đồng thời vẫn ủng hộ phong trào Nhà thờ Tin Lành (Confessing Church) ở Đức – một tuyên bố của các mục sư và nhà thần học đạo Luther, cũng như các nhà truyền giáo, rằng họ sẽ không để nhà thờ của mình bị chính phủ Đức Quốc xã kiểm soát nhằm mục đích tuyên truyền.
Bonhoeffer trở về Đức năm 1935 để điều hành một chủng viện của phong trào Nhà thờ Tin Lành, nhưng chính phủ đã đóng cửa nó vào năm 1937. Việc Bonhoeffer phản đối các chính sách của Đức Quốc Xã dẫn đến việc ông mất quyền tự do giảng dạy hay xuất bản. Ông sau đó sớm gia nhập phong trào kháng chiến của Đức, thậm chí còn có âm mưu ám sát Hitler.
Tháng 04/1943, ngay sau khi đính hôn, Bonhoeffer đã bị lực lượng cảnh sát Gestapo bắt giữ. Bằng chứng chỉ ra ông có liên quan đến âm mưu lật đổ chính phủ đã bị phát hiện, ông bị đưa ra trước tòa án quân sự và bị kết án tử hình. Trong khi ở tù, ông đã làm cố vấn và mục sư cho các tù nhân thuộc mọi tôn giáo. Tuyển tập Thư từ và Ghi chép của Bonhoeffer trong nhà tù (Bonhoeffer’s Letters and Papers from Prison) đã được công bố sau khi ông qua đời. Hai trong số những tác phẩm thần học nổi tiếng của ông là Cái giá của Tôn giáo (The Cost of Discipleship) và Đạo đức (Ethics).