Nguồn: Battle of Heligoland Bight, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1914, Thế chiến I chính thức lan từ đất liền ra biển khi trận chiến hải quân lớn đầu tiên đã diễn ra giữa các tàu của Anh và Đức ở Biển Bắc, gần bờ biển phía bắc nước Đức.
Trận chiến diễn ra ở vùng nước nửa kín là Vịnh Heligoland, vốn được sử dụng làm căn cứ của Hạm đội Đại dương của Đức (German High Seas Fleet), đồng thời nơi đây cũng là xuất phát điểm tốt cho các cuộc tấn công chống lại Quần đảo Anh. Tuy nhiên, hạm đội Đức hiếm khi mạo hiểm ra xa cảng. Chỉ huy người Anh Reginald Tyrwhitt được giao nhiệm vụ dẫn đầu một hạm đội nhỏ tàu Anh, bao gồm hai tàu tuần dương hạng nhẹ, Fearless và Arethusa, cùng một số tàu khu trục, đến dụ các tàu Đức đuổi theo họ ra biển, nơi một lực lượng Anh lớn hơn, được chỉ huy bởi Phó Đô đốc Sir David Beatty, đợi sẵn để chiến đấu.
Khoảng 7 giờ sáng ngày 28/08/1914, hạm đội của Tyrwhitt bắt đầu chiến dịch tấn công bằng cách đánh chìm hai chiếc tàu phóng ngư lôi của Đức. Nhưng cuộc tấn công của Anh không khiến hạm đội Đức bất ngờ, bởi hàng thủ của họ đã sẵn sàng, và Tyrwhitt nhanh chóng thấy lính của mình bị tiêu diệt bởi sáu tàu tuần dương hạng nhẹ của Đức, những người đã sử dụng lớp sương mù dày bao phủ vịnh để giấu mình và bất ngờ đáp trả các tàu Anh. Đến 11:25 sáng, Tyrwhitt gọi cho Beatty xin được giúp đỡ ngay lập tức; Hạm đội Tuần dương Chiến đấu Số 1 (First Battle Cruiser Squadron) của Beatty cấp tốc tới ứng cứu từ khoảng cách 40 km, và đến được vùng vịnh lúc 12:40 chiều. Hạm đội Anh hùng mạnh sau đó đã đánh chìm ba tàu tuần dương Đức và phá hủy ba tàu khác, gây ra tổng cộng 1.200 thương vong cho Đức. Trong khi đó, quân Anh chỉ mất 35 người, và tất cả các tàu của họ vẫn còn nổi.
“Dù có chút tức giận, mọi người đều vui mừng trước thành công trong trận hải chiến đầu tiên của chúng ta,” Beatty đã viết thư cho vợ kể về kết thúc của Trận Vịnh Heligoland. Ở phía bên kia chiến tuyến, thất bại của Hạm đội Đại dương Đức trước Hải quân Hoàng gia hùng mạnh khiến quân Đức sợ giao tranh trên biển ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến; Hoàng đế Wilhelm từng kết luận rằng hải quân của ông nên tránh xa các vùng biển mở, vì tác dụng tốt nhất của đội quân này là phòng thủ. Khi chiến tranh tiếp diễn, vũ khí trên biển mạnh nhất của Đức sẽ không phải là tàu tuần dương hạng nhẹ mà là tàu ngầm U-boat nguy hiểm. Được sử dụng để gây ra những đợt tấn công chết người vào kẻ thù (và cả tàu thuyền trung lập), sự thành công của các tàu ngầm Đức đã khiến ít nhất một cường quốc trung lập – Mỹ – quyết định tham chiến chống lại Đức.