02/12/1823: Học thuyết Monroe được công bố

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Monroe Doctrine declared, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1823, trong bài diễn văn thường niên trước Quốc hội, Tổng thống James Monroe đã tuyên bố một sáng kiến mới về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ mà sau này được gọi là “Học thuyết Monroe.” Phần lớn là công trình của Ngoại trưởng John Quincy Adams, Học thuyết Monroe ngăn cấm sự can thiệp của Châu Âu vào Châu Mỹ, đồng thời khẳng định tính trung lập của Hoa Kỳ trong các cuộc xung đột trong tương lai của châu Âu.

Nguồn gốc Học thuyết Monroe xuất phát từ những nỗ lực của một số cường quốc châu Âu nhằm tái khẳng định ảnh hưởng của họ ở Châu Mỹ vào đầu thập niên 1820. Ở Bắc Mỹ, Nga đã cố gắng mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại lãnh thổ Alaska, còn ở Trung và Nam Mỹ, chính phủ Hoa Kỳ lại lo sợ sự hồi sinh của thực dân Tây Ban Nha. Người Anh cũng tích cực tìm kiếm một vai trò quan trọng trong tương lai chính trị và kinh tế của Châu Mỹ, và Adams lo rằng Mỹ sẽ trở thành kẻ phụ thuộc trong liên minh Anh-Mỹ.

Hoa Kỳ viện dẫn Học thuyết Monroe để bào chữa cho vai trò đế quốc ngày một gia tăng của mình ở Châu Mỹ vào giữa thế kỷ 19, nhưng mãi cho đến Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ vào năm 1898, nước này mới tuyên chiến với một cường quốc châu Âu vì đã can thiệp vào Châu Mỹ. Tính biệt lập của Học thuyết Monroe cũng là nền tảng cho chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thế kỷ 19, và phải qua hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20, Mỹ mới dần chấp nhận vai trò mới của mình là một cường quốc toàn cầu.

Học thuyết Monroe (Monroe Doctrine)