Nguồn: Rommel in Africa, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1941, Tướng Erwin Rommel của Đức đến Tripoli, Libya, với Quân đoàn Afrika mới thành lập, để chi viện cho lực lượng của Ý đang bị bao vây tại đây.
Tháng 01/1941, Adolf Hitler đã thành lập Quân đoàn Afrika với mục đích rõ ràng là giúp đồng minh phe Trục của mình là Ý duy trì lợi ích lãnh thổ ở Bắc Phi. Quốc trưởng tuyên bố rằng “Vì lý do chiến lược, chính trị và tâm lý, Đức phải hỗ trợ Ý ở Châu Phi.” Anh đã giáng những đòn chí mạng lên quân Ý; chỉ trong ba tháng, họ đã đẩy lùi người Ý ra khỏi Ai Cập, đồng thời làm bị thương hoặc giết chết 20.000 lính và bắt giữ 130.000 người khác làm tù binh.
Sau khi chỉ huy một sư đoàn xe tăng chiến đấu trong các chiến dịch thành công của Đức tại Pháp, Hà Lan, Luxembourg và Bỉ, Tướng Rommel được phái đến Libya cùng với quân đoàn Afrika mới thành lập để xoay chuyển tình hình vốn đang xấu dần đi. Cho đến thời điểm đó, Tướng Ettore Bastico của Ý là tổng chỉ huy của lực lượng phe Trục ở Bắc Phi, bao gồm một sư đoàn xe tăng Đức và sư đoàn xe tăng Ý. Rommel vốn dĩ chỉ được chỉ định đứng đầu Quân đoàn Afrika của mình và một quân đoàn Ý ở Libya, nhưng sau này ông đã chỉ đạo toàn bộ chiến dịch Bắc Phi.
Những người lính Đức của Quân đoàn Afrika gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với khí hậu sa mạc, và bản thân Rommel cũng gặp nhiều khó khăn khi cố gắng chỉ huy quân đội Ý, những người đã quen với một vị tướng người Ý. Khi Hitler, vốn bận tâm với kế hoạch xâm lược Liên Xô của mình, cuối cùng chấp thuận tấn công vào các vị trí của Anh ở Ai Cập, lực lượng của Rommel đã bị chặn đứng và sau đó buộc phải rút lui. Trong trận El Alamein nổi tiếng, bắt đầu vào ngày 23/10/1942, Tập đoàn quân số 8 của Anh đã đẩy lùi ông và Quân đoàn Afrika ra khỏi Bắc Phi. (Trớ trêu thay, người Ả Rập đã từng tung hô Rommel, biệt danh Cáo Sa mạc, là người giải phóng họ khỏi chủ nghĩa đế quốc Anh.) Rommel cuối cùng đã rút hoàn toàn khỏi Bắc Phi và trở về châu Âu vào tháng 03/1943, để lại quyền chỉ huy Quân đoàn Afrika cho một người khác.