17/10/1912: Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Serbia and Greece declare war on Ottoman Empire in First Balkan War, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1912, Serbia và Hy Lạp, theo bước Montenegro, đồng minh nhỏ hơn của họ ở khu vực Balkan hỗn loạn, đã tuyên chiến với Đế quốc Ottoman, chính thức bắt đầu Chiến tranh Balkan lần thứ nhất.

Bốn năm trước đó, một cuộc nổi dậy ở Macedonia, lúc đó thuộc Ottoman, được  dẫn đầu bởi một nhóm dân tộc chủ nghĩa gọi là Đảng Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (Young Turks), đã làm lung lay quyền cai trị của triều đình Ottoman ở châu Âu. Áo-Hung đã nhanh chóng tận dụng điểm yếu này, cho sáp nhập hai tỉnh Balkan gồm Bosnia và Herzegovina, đồng thời thúc giục Bulgaria, cũng đang nằm dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố độc lập.

Những hành động ấy nhanh chóng làm đảo lộn cân bằng quyền lực mong manh trên Bán đảo Balkan: Serbia đầy tham vọng đã rất giận dữ bởi họ coi Bosnia-Herzegovina là một phần lãnh thổ hợp pháp của riêng mình, do có chung di sản Slavơ. Nước Nga của Sa hoàng, một cường quốc khác có ảnh hưởng trong khu vực – và là người ủng hộ mạnh mẽ Serbia – cũng cảm thấy bị đe dọa bởi các hành động của Áo.

Đến thời điểm mùa xuân năm 1912, Nga đã thành công trong việc khuyến khích nhóm các quốc gia Balkan – Serbia, Bulgaria, Montenegro và Hy Lạp – thành lập một liên minh nhằm giành quyền kiểm soát một số hoặc toàn bộ phần lãnh thổ châu Âu vẫn còn do Đế chế Ottoman chiếm đóng. Mặc dù thường xuyên mâu thuẫn với nhau, các nước Balkan vẫn có thể hợp lực khi được thúc đẩy bởi mục tiêu duy nhất là tấn công một Thổ Nhĩ Kỳ đang bị phân tâm bởi cuộc chiến với Ý xoay quanh lãnh thổ ở Libya. Montenegro tuyên chiến ngày 08/10/1912 và sau đó 9 ngày là Serbia, Bulgaria và Hy Lạp.

Kết quả của Chiến tranh Balkan lần thứ nhất khiến nhiều người bất ngờ, khi liên quân Balkan đánh bại quân đội Ottoman một cách nhanh chóng và dứt khoát, đánh bật quân Thổ ra khỏi gần như toàn bộ  lãnh thổ của họ ở đông nam châu Âu chỉ trong vòng một tháng. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân, các cường quốc châu Âu– Anh, Pháp, Đức, Áo-Hung và Nga – lập tức tranh giành quyền kiểm soát khu vực, triệu tập hội nghị với các nước tham chiến ở London vào tháng 12/1912 để phân chia biên giới ở Balkans thời hậu chiến.

Thỏa thuận sau cùng – trong đó Macedonia được đem chia cho bốn cường quốc Balkan chiến thắng – đã đem lại một hòa ước vào ngày 30/05/1913. Tuy nhiên, người Bulgaria cảm thấy mình bị Serbia và Hy Lạp chiếm mất phần, và điều này đã khơi mào cho Chiến tranh Balkan lần thứ hai, nổ ra chỉ một tháng sau đó, khi  Bulgaria chống lại hai đồng minh cũ của mình trong một cuộc tấn công bất ngờ do Vua Ferdinand I ra lệnh nhưng không tham khảo ý kiến từ chính phủ của ông.

Trong cuộc xung đột diễn ra sau đó, Bulgaria nhanh chóng bị đánh bại bởi các lực lượng từ Serbia, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Romania. Theo các điều khoản của Hiệp ước Bucharest, ký ngày 10/08, Bulgaria mất một phần lớn lãnh thổ, còn Serbia và Hy Lạp nhận quyền kiểm soát phần lớn Macedonia. Sau hai cuộc chiến tranh Balkan, căng thẳng trong khu vực cứ thế âm ỉ gia tăng và có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào.

Do đã kỳ vọng Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là Bulgaria sẽ giành chiến thắng, và đặc biệt muốn thấy Serbia bị nghiền nát, Áo-Hung ngày càng trở nên cảnh giác với ảnh hưởng lan rộng của người Slavơ ở Balkan, dưới hình hài một nước Serbia mới nổi cùng Nga, quốc gia hậu thuẫn cho Serbia. Đáng chú ý, đồng minh hùng mạnh của Áo – Hung là Đức cũng chia sẻ mối quan ngại này. Trong một bức thư gửi ngoại trưởng Áo-Hung vào tháng 10/1913, báo trước cuộc xung đột toàn cầu tàn khốc sắp xảy ra, Hoàng đế Wilhelm II của Đức đã mô tả kết quả của hai cuộc chiến tranh Balkan là “một quá trình lịch sử được xếp vào cùng loại với những cuộc di cư lớn của loài người, trường hợp hiện tại là một bước tiến mạnh mẽ của người Slavơ. Chiến tranh giữa Đông và Tây về lâu dài là điều không thể tránh khỏi… Người Slavơ sinh ra không phải để cai trị mà là để phục tùng.”