07/08/2005: Giải cứu tàu ngầm Nga bị mắc kẹt

Nguồn: Trapped Russian sub rescued, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2005, một tàu ngầm mini Priz AS-28 của Nga, cùng 7 thành viên thủy thủ đoàn, đã được giải cứu từ sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương. Ngày 04/08, trong lúc tham dự chương trình huấn luyện ở Vịnh Beryozovaya, ngoài khơi bán đảo Kamchatka, miền viễn đông của Nga, thì các chân vịt của con tàu đã vướng vào dây cáp thuộc hệ thống giám sát bờ biển của Nga. Không thể nổi lên, thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trong chiếc tàu ngầm tối tăm, lạnh giá suốt hơn ba ngày.

Lúc 1 giờ chiều ngày 04/08, chiếc Priz, bị mắc kẹt ở độ sâu 190 mét dưới bề mặt đại dương, đã phát đi một cuộc gọi cứu hộ. Hải quân Nga ngay sau đó đã bắt đầu tổ chức một nhiệm vụ giải cứu, yêu cầu sự giúp đỡ của Anh, Mỹ và Nhật. Trong những ngày tiếp theo, trong khi ba nước còn lại huy động các đội cứu hộ đến miền đông nước Nga, hải quân Nga đã cố gắng tìm cách nâng chiếc tàu ngầm lên, hoặc kéo nó lên vùng nước nông hơn, nơi mà các thợ lặn có thể tiếp cận. Cả hai cách này đều gặp khó khăn vì chiếc neo nặng 60 tấn cũng đã mắc vào các dây cáp xung quanh tàu ngầm. Cuối cùng, vì lo sợ nguồn cung cấp oxy của thủy thủ đoàn sẽ sớm cạn kiệt, một nhóm sáu người trên tàu ngầm cứu hộ Scorpio-45 do Anh sở hữu và điều hành đã đến hỗ trợ tàu ngầm Nga. Tất cả bảy người có mặt trên tàu Priz, gồm sáu thủy thủ hải quân Nga và một đại diện của công ty chế tạo tàu ngầm, đều sống sót sau sự kiện.

Vụ tàu Priz xảy ra chỉ 5 năm sau vụ tàu ngầm hạt nhân Kursk của Nga bị chìm, khiến toàn bộ 118 người trên tàu thiệt mạng. Trong thảm họa đó, chính phủ Nga đã trì hoãn việc yêu cầu sự trợ giúp từ bên ngoài trong khoảng 30 giờ, và điều đó được cho là nguyên nhân khiến các thủy thủ thiệt mạng. Khi thảm họa xảy ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khiến công chúng choáng váng khi không phát biểu trước người dân và thậm chí từ chối cắt ngắn kỳ nghỉ của mình vì thảm kịch.

Dù người dân Nga ở khắp nơi đều thở phào và vui mừng vì tàu Priz đã được giải cứu thành công, nhưng những người khác lại không thể tin được rằng Hải quân Nga đã không thể chế tạo thiết bị cứu hộ của riêng mình trong 5 năm kể từ thảm kịch Kursk. Đối với nhiều người, sự cố Priz đã làm nổi bật ảnh hưởng của một thập niên suy tàn đối với quân đội Nga từng một thời hùng mạnh.