Nguồn: Battle of Mons, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1914, trong lần đối đầu đầu tiên trên đất châu Âu kể từ trận Waterloo năm 1815, bốn sư đoàn của Lực lượng Viễn chinh Anh (BEF), do Sir John French chỉ huy, đã chiến đấu với Tập đoàn quân số 1 của Đức ở Kênh Mons rộng 18m ở Bỉ, nằm gần biên giới Pháp.
Trận Mons là trận cuối cùng trong số bốn “Trận chiến Biên giới” diễn ra nhiều ngày ở Mặt trận phía Tây, giữa lực lượng Đồng minh và Đức, trong tháng đầu tiên của Thế chiến I. Ba trận đánh đầu tiên – tại Lorraine, Ardennes và Charleroi – có sự tham gia của quân Pháp dưới quyền chỉ huy của Tướng Joseph Joffre. Ban đầu, lực lượng BEF tại Pháp dự kiến sẽ hỗ trợ Tập đoàn quân số 5 của Pháp, do tướng Charles Lanrezac chỉ huy, trong nỗ lực phá vỡ phòng tuyến của quân Đức. Tuy nhiên, khởi đầu chậm trễ và quan hệ kém thân thiện giữa BEF và Lanrezac có nghĩa là Tập đoàn quân số 5 và BEF sẽ tham gia các trận đánh riêng biệt chống lại quân Đức đang tiến lên tại Charleroi và Mons.
9 giờ sáng ngày 23/08, Đức nổ súng nhắm vào các vị trí của quân Anh tại Mons, tập trung vào điểm cực bắc của phần mũi được tạo thành bởi một đoạn vòng cung trong kênh. Dù Von Kluck và Tập đoàn quân số 1 có được ưu thế quân số với tỷ lệ hai chọi một, nhưng họ đã không tận dụng nó một cách hiệu quả, và các trung đoàn của Anh tại mũi kênh vẫn đứng vững sau sáu giờ pháo kích và tấn công bộ binh. Cuối ngày hôm ấy, Lanrezac quyết định ra lệnh tổng rút lui Tập đoàn quân số 5 của Pháp tại Charleroi, đẩy BEF vào nguy cơ bị quân Đức bao vây, và họ đã quyết định rút quân càng sớm càng tốt. Vào thời điểm trận chiến kết thúc sau chín giờ, khoảng 35.000 lính Anh đã tham gia, với tổng số thương vong là 1.600 người.
Thế là, ngày đầu tiên tham chiến trong Thế chiến I của Anh đã kết thúc với việc rút lui và thất vọng cay đắng, dù sự kiên định của BEF cũng đã làm chậm bước tiến của Von Kluck được một ngày. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần sau khi trận đánh nổ ra, trí tưởng tượng của công chúng Anh đã nâng Mons lên thành một câu chuyện thần thoại và những người đã chết trở thành anh hùng, mãi cho đến sau này, khi thất bại của người Anh lại được đánh giá là một chiến thắng. Câu chuyện phổ biến nhất là về “Thiên thần của Mons”, người đã xuất hiện trên chiến trường với một thanh kiếm rực lửa, đối mặt và cản đường quân Đức đang tiến lên. Trên thực tế, chiến thắng trong bốn Trận chiến Biên giới đã khiến người Đức vô cùng tự tin, khi họ tiếp tục tiến công không ngừng, vượt qua Bỉ và tiến vào miền Bắc nước Pháp – sau cùng kiểm soát sức mạnh công nghiệp của cả hai quốc gia, gồm các mỏ than đá, quặng sắt, các nhà máy, đường sắt và sông ngòi – trong khi quân Đồng minh Hiệp ước chật vật phòng thủ.