03/12/1984: Nổ tại nhà máy thuốc trừ sâu, 2.000 người thiệt mạng

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Explosion kills 2,000 at pesticide plant, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1984, vụ nổ tại nhà máy thuốc trừ sâu Union Carbide ở Bhopal, Ấn Độ đã trở thành vụ tai nạn công nghiệp tồi tệ nhất trong lịch sử. Có ít nhất 2.000 người chết và 200.000 người khác bị thương khi khí độc bao trùm thành phố.

Bhopal là thành phố có gần một triệu dân ở vùng Madhya Pradesh của Ấn Độ, nằm giữa New Delhi và Bombay. Nhà máy thuốc trừ sâu Union Carbide được đặt tại Jai Prakash Nagar, khu vực đặc biệt nghèo của thành phố nghèo khó này. Sau này, một số nhà phê bình cáo buộc rằng những yếu tố này là một phần nguyên nhân khiến nhà máy có thiết bị lạc hậu, quản lý lỏng lẻo, và thiếu các quy trình an toàn và bảo trì cơ bản.

Chủ nhật ngày 2/12, 100 công nhân ca tối đang trong quá trình sản xuất thuốc trừ sâu Sevin. Quy trình này đòi hỏi phải trộn carbon tetrachloride, methyl isocyanate (MIC), và alpha-napthol. Trong 12 giờ tiếp theo, một loạt lỗi sai đã dẫn đến thảm họa.

Lượng MIC tại nhà máy được lưu trữ trong ba bể chứa 15.000 gallon được chôn một phần dưới đất. Nếu một trong các bể chứa có vấn đề, nitrogen sẽ được đưa vào để lấy MIC ra. Tuy nhiên, vào ngày xảy ra tai nạn, quy trình đã không hoạt động chính xác, và cả MIC lẫn nitrogen đều bị rò rỉ. Khoảng 11 giờ đêm, đồng hồ đo bắt đầu cho thấy mức áp suất nguy hiểm trong bể, nhưng các công nhân cho rằng thiết bị chỉ gặp trục trặc và đã không làm gì để giảm bớt vấn đề. Đến 11 giờ 30, cơ thể của các công nhân ở khu vực lân cận bể chứa bắt đầu phản ứng trước rò rỉ khí, một cảm giác mà nhiều người đã quen thuộc vì nó xảy ra quá thường xuyên. Đến lúc đó, Shakil Qureshi, người giám sát, vẫn quyết định đợi đến sau giờ nghỉ uống trà để xem xét tình hình. Tuy nhiên, đã quá muộn. Mọi người bắt đầu hoảng loạn khi một vụ nổ làm rung chuyển nhà máy vào khoảng 12:15 sáng.

Lính cứu hỏa đã cố gắng sử dụng màn nước để ngăn khí thoát ra khỏi nhà máy, nhưng vô ích vì khí chỉ đơn giản thoát ra phía trên màn nước. Bên trong nhà máy, thiết bị được gọi là máy lọc khí thông hơi, nhằm ngăn chặn khí độc lan rộng, hoàn toàn không hoạt động được. Giữa lúc hỗn loạn, các tài xế xe buýt cấp cứu lại bỏ chạy thay vì chở các công nhân đến nơi an toàn. Tệ hơn nữa, nhà máy đã không thông báo ngay cho chính quyền địa phương, lấp liếm rằng điện thoại không hoạt động.

Ngày 3/12, những người sống xung quanh nhà máy có thể nghe thấy còi cảnh báo nhưng đã phớt lờ chúng, vì cảnh báo tại nhà máy quá thường xuyên. Thời tiết lạnh giá tối hôm đó đã giữ khí gas lơ lửng sát mặt đất khi nó lặng lẽ quét qua Bhopal. Những người có thể chất yếu là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tiếp xúc với khí độc sẽ gây nôn mửa và khó thở. Khi khí tràn vào nhà ga xe lửa, một vụ giẫm đạp đã xảy ra do mọi người cố gắng chạy nhanh hơn đám khí. Nạn nhân tràn ngập các bệnh viện khu vực, vốn chưa được chuẩn bị cho cuộc tấn công dữ dội. Cách điều trị tốt nhất và hiệu quả nhất là đắp một miếng vải ướt lên mặt, nhưng hầu như không có nhân viên y tế nào cung cấp thông tin này.

Không thể xác định chính xác con số thương vong sau thảm họa, nhưng hầu hết các ước tính đều cho rằng số người chết là hơn 2.000. Ước tính có khoảng 200.000 người bị ảnh hưởng về mặt nào đó do tiếp xúc với khí độc. Một số bị mù, số khác gặp vấn đề nghiêm trọng về giấc ngủ hoặc tiêu hóa sau thảm họa. Khoảng 10-20% nạn nhân bị phơi nhiễm vẫn có các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như mất trí nhớ và tổn thương thần kinh, một năm sau đó.

Khi các quan chức của Union Carbide đến Ấn Độ sau thảm họa Bhopal, họ đã bị bắt. Không ai bị kết án, dù có bằng chứng cho thấy ban quản lý đã cẩu thả trong việc quản lý nhà máy.