17/03/1973: Bức ảnh đoạt giải Pulitzer, Burst of Joy, được chụp

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Pulitzer Prize-winning photo “Burst of Joy” is takenHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, nhiếp ảnh gia Slava “Sal” Veder của Associated Press đã ghi lại một cảnh tượng đầy xúc động trên đường băng của Căn cứ Không quân Travis, California: một tù nhân chiến tranh Mỹ vừa được giải thoát đang chạy về phía gia đình mình. Niềm vui tột cùng trong khoảnh khắc đó đã được thể hiện qua hình ảnh cô con gái tuổi teen với nụ cười trên môi và đôi tay hân hoan dang rộng khi cha cô trở về từ Việt Nam. Bức ảnh chụp Trung tá Robert L. Stirm và gia đình ông, được đặt tên là “Burst of Joy” (Niềm vui vỡ oà), sau đó đã giành giải Pulitzer vào năm 1974.

Stirm là một trong số 20 tù nhân chiến tranh từ các trại giam ở miền Bắc Việt Nam có mặt trên chuyến bay hạ cánh ở căn cứ Travis. Tại đây, một đám đông đã đến để chào đón những người thân yêu của họ trở về nhà. Stirm, một phi công tiêm kích của Không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội vào năm 1967, đã trải qua hơn 5 năm làm tù nhân trong Chiến tranh Việt Nam.

“Bạn có thể cảm nhận được năng lượng và cảm xúc chân thực trong bầu khí ấy,” Veder mô tả lại khoảnh khắc này.

Nhân vật chính trong bức ảnh là Lorrie, con gái 15 tuổi của Stirm, người đã không gặp cha mình kể từ khi cô bé lên 9. Lorrie chạy vội xuống đường băng hướng về phía cha mình, dang rộng vòng tay – mẹ cô mỉm cười, trong khi các anh trai và em gái của cô chạy sát phía sau.

“Chúng tôi không biết liệu ông ấy có thể trở về nhà hay không,” Lorrie trả lời Smithsonian trong một bài phỏng vấn năm 2005. “Khoảnh khắc đó là khi tất cả những lời cầu nguyện của chúng tôi được đáp lại, tất cả những điều ước của chúng tôi trở thành sự thật.”

Đáng buồn thay, câu chuyện đằng sau bức ảnh không hề vui vẻ như vậy. Vài ngày trước khi trở về nhà, Stirm nhận được một lá thư “Dear John” (thư chia tay) từ người vợ Loretta, nói với ông rằng cuộc hôn nhân của họ đã tan vỡ và bà đã quen người khác. Cặp đôi trải qua một cuộc ly hôn tồi tệ, và Stirm đã thua trong cuộc chiến pháp lý với vợ cũ về khoản lương hưu quân đội.

Năm 1993, Stirm nói với Roanoke Times rằng dù ông có một vài bản sao của bức ảnh, ông không thể trưng bày chúng trong nhà, vì chúng khiến ông nhớ về vợ và sự phản bội của bà, khiến cho khoảnh khắc đó trở nên trống rỗng. Stirm nói với tờ báo, khoảnh khắc này “mang lại rất nhiều tiếng tăm cho tôi, nhưng thật không may, trước vụ kiện pháp lý mà tôi sắp phải đối mặt, nó lại không phải là chuyện tốt.”

Đối với con gái Stirm và hàng triệu người xa lạ, bức ảnh gợi lên những cảm xúc ấm áp, hạnh phúc, dù Lorrie nói rằng cô cảm thấy buồn vui lẫn lộn khi nghĩ về những gia đình tù nhân chiến tranh không được đoàn tụ. “Burst of Joy” đã xuất hiện trong nhiều sách ảnh và triển lãm, và đối với nhiều người, nó tượng trưng cho sự kết thúc của Chiến tranh Việt Nam đầy chia rẽ – cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của khoảng 58.000 người Mỹ – và cho sự khởi đầu của cuộc sống mới sau một thời kỳ đen tối.