Từ vụ mưu sát Donald Trump nhìn lại lịch sử bạo lực chính trị Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Julian E. Zelizer, “This Is America, Too,” Foreign Policy, 14/07/2024

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Nước Mỹ có nhiều đặc điểm tuyệt vời, nhưng nỗ lực ám sát Donald Trump là lời nhắc nhở rằng bạo lực vẫn ăn sâu vào văn hóa Mỹ.

Vụ ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây chấn động trên khắp cả nước.

Khi đang phát biểu tại một cuộc vận động tranh cử ở Butler, Pennsylvania, vào chiều thứ Bảy, ngày 13/07, một người đàn ông 20 tuổi đã nổ súng vào Trump. Một viên đạn dường như đã sượt qua tai Trump, khiến ông chảy máu, trước khi cựu tổng thống nấp xuống dưới bục phát biểu, được che chắn bởi các nhân viên mật vụ. Tuy nhiên, ông đã nhất quyết đứng lên trong lúc lực lượng an ninh che chắn cho mình, giơ nắm đấm lên trời và hét lên với đám đông: “Hãy chiến đấu!” Một lính cứu hỏa đến tham dự sự kiện tên là Corey Comperatore, người đã che chắn cho gia đình ông để bảo vệ họ khỏi làn đạn, đã không thể sống sót.

Vụ việc khủng khiếp đã bị các phe phái chính trị lên án mạnh mẽ. Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu “Không có chỗ cho loại bạo lực này ở Mỹ. Nó thật kinh khủng.”

Vụ bạo lực ngay lập tức trở thành thời điểm để các chính trị gia và chuyên gia kêu gọi bình tĩnh và ngừng ủng hộ sự phân cực độc hại đã khiến người Mỹ bị chia rẽ trong cay đắng. “Bạo lực đang lây nhiễm và làm suy yếu đời sống chính trị Mỹ,” một bài xã luận trên tờ New York Times than thở. “Đây không phải là đất nước của chúng ta,” Biden nói trong bài phát biểu vào ngày hôm sau.

Nhưng “đất nước của chúng ta” là gì? Phần lớn các phản ứng đều đã hạ thấp mức độ bạo lực lan tràn trong lịch sử Mỹ. Dù chủ nghĩa biệt lệ Mỹ đã khiến người Mỹ cho rằng đất nước của họ, về cơ bản, là khác biệt so với những nước khác cũng phải hứng chịu những sự kiện bạo lực kiểu này, nhưng sự thật là: Mỹ có một lịch sử lâu dài và không mấy dễ chịu về những kẻ cố gắng giải quyết khác biệt chính trị bằng đạn thay vì phiếu bầu.

Bạo lực là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống bầu cử Mỹ luôn cực kỳ mong manh. Cần phải có những nỗ lực mạnh mẽ để duy trì nền cộng hòa mà Benjamin Franklin, một trong những nhà lập quốc, đã cảnh báo rằng chúng ta cần phải nuôi dưỡng và bảo vệ.

Quan điểm chung cho rằng bạo lực trong chừng mực nào đó không phải là bản chất của người Mỹ đã bỏ sót một điểm mấu chốt. Việc bình thường hóa các luận điệu bạo lực trong những năm gần đây là việc làm rất nguy hiểm, không phải vì nó dẫn đến một bước ngoặt mới cho nền dân chủ Mỹ, mà bởi vì nó đã chạm đến một lịch sử sâu xa mà người Mỹ đã ngó lơ và phải tự chịu rủi ro. Đó là những vụ ám sát và âm mưu ám sát nhằm vào quan chức cấp cao đã diễn ra hàng chục năm nay.

Đáng buồn là nước Mỹ đã có nhiều nhà lãnh đạo chính trị, tổng thống, và các ứng viên nổi tiếng bị sát hại. Cái giá mà Tổng thống Abraham Lincoln phải trả cho việc cố gắng duy trì liên bang và chấm dứt chế độ nô lệ là John Wilkes Booth đã sát hại ông vào ngày 14/04/1865 tại Washington, D.C. Tháng 7/1881, Charles Guiteau đã bắn Tổng thống James Garfield, người sau đó qua đời vào tháng 9. Không lâu sau khi đất nước ổn định trở lại, một kẻ vô chính phủ tên là Leon Czolgosz đã giết chết Tổng thống William McKinley vào năm 1901. Tiếp đến, người Mỹ cùng nhau thương tiếc sau khi Lee Harvey Oswald ám sát Tổng thống John F. Kennedy vào tháng 11/1963.

Danh sách trên chưa bao gồm nhiều âm mưu ám sát nghiêm trọng đã thất bại, chẳng hạn như khi Tổng thống Franklin Roosevelt suýt bị giết vào tháng 2/1933 bởi một thương nhân thất nghiệp tên là Giuseppe Zangara. Tổng thống Gerald Ford sống sót sau hai nỗ lực ám sát liên tiếp nhằm vào ông chỉ trong vòng vài tuần vào năm 1975. Tổng thống Ronald Reagan suýt chút nữa đã bị John Hinkley Jr. sát hại vào tháng 3/1981. Giống như Trump, Reagan đã xoay sở để biến cuộc khủng hoảng thành lợi thế cho mình. Reagan và nhóm của ông đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của vết thương, chia sẻ những câu chuyện cười để nhấn mạnh sự kiên định của ông, chẳng hạn như khi ông nói với các bác sĩ phẫu thuật: “Tôi hy vọng tất cả các anh đều là đảng viên Cộng hòa”.

Các ứng viên cho chức tổng thống cũng là mục tiêu ám sát. Vào ngày 14/10/1912, cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Teddy Roosevelt, đang tranh cử với tư cách ứng viên của bên thứ ba, đã bị trúng đạn của John Schrank trong một cuộc vận động tranh cử. Một hộp kính làm bằng kim loại và bản sao bài phát biểu dày cộp trong túi đã cứu sống ông dù một viên đạn đã xuyên qua ngực ông. Roosevelt từ chối đến bệnh viện và thay vào đó tiếp tục phát biểu. “Tôi không biết liệu các vị có biết rằng tôi vừa bị bắn hay không,” Roosevelt nói, “Nhưng để giết được Bull Moose thì cần nhiều hơn thế!” [Bull Moose/Nai sừng tấm là biệt danh của Đảng Tiến Bộ của Roosevelt]

Hầu hết những người thuộc thế hệ bùng nổ dân số đều nhớ sự kiện Thượng nghị sĩ Robert Kennedy, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở California vào tháng 6/1968, đã bị Sirhan Sirhan giết chết tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles. Bốn năm sau, Thống đốc Alabama George Wallace, người nổi tiếng vì kiên quyết phản đối hội nhập chủng tộc, đã bị liệt một phần do một viên đạn trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1972.

Bạo lực cũng đã ảnh hưởng đến Đồi Capitol. Nhà sử học Joanne Freeman của Đại học Yale viết rằng bạo lực trong Quốc hội trước thời Nội chiến cũng mang “chất Mỹ” nhiều như món bánh táo. Freeman đã chứng minh bằng câu chuyện kinh điển về việc Hạ nghị sĩ bang Nam Carolina ủng hộ chế độ nô lệ Preston Brooks đã đánh Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Charles Sumner bằng một cây gậy, và tiết lộ rằng đó không phải là một điều bất thường. Tính đến thập niên 1850, các thành viên của Hạ viện và Thượng viện Mỹ luôn đến văn phòng làm việc cùng với vũ khí và đạn dược, và giữa họ thường xuyên xảy ra ẩu đả khi căng thẳng về chế độ nô lệ ngày càng gia tăng. Freeman đã ghi nhận hơn 70 hành vi bạo lực giữa các nghị sĩ trong giai đoạn căng thẳng từ năm 1830 đến năm 1860.

Dân thường cũng đã triển khai bạo lực chống lại các nhà lập pháp. Một người tên là Carl Weiss đã lấy mạng Thượng nghị sĩ bang Louisiana Huey Long, một ứng viên tiềm năng cho chức tổng thống, vào năm 1935. Vào ngày 08/01/2011, Hạ nghị sĩ Dân chủ bang Arizona Gabrielle Giffords bị thương nặng sau khi bị bắn ở Tucson; một trong những nhân viên của bà và năm người khác đã thiệt mạng. Năm 2017, một người đàn ông 66 tuổi tên là James Hodgkinson đã làm Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise bị thương nặng trong khi luyện tập cho trận đấu bóng chày hàng năm của Quốc hội. Ngay cả các thành viên trong gia đình các chính trị gia cũng có thể trở thành nạn nhân, như khi chồng của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Paul Pelosi, bị David DePape, một kẻ theo thuyết âm mưu, tấn công tại nhà riêng vào tháng 10/2022.

Ở cấp quốc gia, bạo lực không chỉ giới hạn ở các chính trị gia. Nước Mỹ cũng đã mất đi những người lãnh đạo nhiều phong trào. Đường phố của nhiều thành phố đã bốc cháy sau khi nhà lãnh đạo dân quyền Martin Luther King Jr. bị bắn chết ở Memphis vào tháng 4/1968; ba năm trước đó, Malcolm X cũng đã bị thiệt mạng.

Nước Mỹ cũng đã chứng kiến bạo lực bầu cử nghiêm trọng ở cấp địa phương. Miền Nam thời Jim Crow là một hệ thống chính trị trong đó bạo lực được thể chế hóa là điều cần thiết để tước đi quyền công dân của người Mỹ gốc Phi. Ở các bang như Mississippi, các cư dân gốc Phi hiểu rằng họ phải đối mặt với rủi ro lớn khi đến tòa án để cố gắng đăng ký bỏ phiếu. Một nhà lãnh đạo dân quyền khác, Medgar Evers, vị đại diện khu vực lôi cuốn và đầy cảm hứng của Hiệp hội Quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu, đã bị bắn gục bên ngoài nhà ông vào ngày 12/06/1963. T.R. Howard, một bác sĩ phẫu thuật và nhà lãnh đạo dân quyền, đã nói trong bài điếu văn dành cho Evers: “Suốt 100 năm qua, chúng tôi đã nhẫn nhịn đưa má cho họ đánh hết lần này đến lần khác. Nhưng họ vẫn tiếp tục chèn ép chúng tôi. Và giờ tôi đã quá mệt mỏi vì phải chịu đựng trong im lặng.”

Năm nay cũng là năm kỷ niệm 60 năm Sự kiện Mùa hè Tự do ở Mississippi, khi ba nhà hoạt động dân quyền – James Chaney, Mickey Schwerner và Andrew Goodman – bị KKK và các quan chức cảnh sát cùng nhau sát hại vì đã tham gia vào cuộc vận động quyền bầu cử đã truyền cảm hứng cho giới trẻ từ khắp nơi trên thế giới. Một năm sau đó, gần như cả nước Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Lyndon B. Johnson, đã kinh hoàng vào ngày 07/03/1965, ngày mà nay được gọi là “Ngày Chủ nhật đẫm máu,” khi cảnh sát và đám đông da trắng tấn công dã man các nhà hoạt động dân quyền bất bạo động đang tuần hành từ Selma đến Montgomery để ủng hộ các luật về quyền bầu cử. Các nhiếp ảnh gia đã ghi lại những hình ảnh kinh hoàng khi quân đội đánh vỡ hộp sọ của John Lewis, một lãnh đạo của Ủy ban Điều phối Bất bạo động Sinh viên và là thành viên tương lai của Quốc hội Mỹ.

Vào ngày 27/11/1978, Dan White, cựu thành viên ban giám sát của San Francisco, đã bắn chết Thị trưởng George Moscone và Giám sát viên Harvey Milk, những người đã trở thành nhân vật anh hùng trong cộng đồng người đồng tính. Và kể từ cuộc bầu cử đầy biến động năm 2020, vốn lên đến đỉnh điểm với nỗ lực bạo loạn tại Điện Capitol Mỹ vào ngày 06/01/2021, 40% các nhà lập pháp tiểu bang được Trung tâm Tư pháp Brennan thăm dò cho biết đã nhận được những lời đe dọa.

Nước Mỹ có nhiều đặc điểm tuyệt vời, nhưng bạo lực cũng là một trong số đó. Như nhà sử học Richard Slotkin đã viết trong các tác phẩm kinh điển của mình về chủ đề này, thần thoại bạo lực luôn ăn sâu vào văn hóa Mỹ. Gần đây hơn, nhà sử học Steven Hahn đã chỉ ra ảnh hưởng mạnh mẽ của chủ nghĩa phi tự do, bao gồm cả bạo lực trong các cuộc bầu cử, ngay từ khi nước Mỹ thành lập.

Không có câu chuyện quá khứ nào trong số này có thể giảm nhẹ những mối nguy hiểm xuất phát từ sự gia tăng bạo lực và các mối đe dọa bạo lực mà các quan chức chính phủ, bao gồm cả quan chức dân cử, thẩm phán và thậm chí cả những người làm công tác bầu cử, phải đối mặt trong những năm gần đây. Không khí hiện tại thực sự căng thẳng và nguy hiểm. Quá khứ tồi tệ không thể an ủi chúng ta trước tình hình hiện tại.

Tuy nhiên, lịch sử sẽ gửi đi một lời cảnh báo mạnh mẽ về sự nguy hiểm của các chính trị gia và những người sử dụng luận điệu bạo lực. Quả thật, lời cảnh báo này thường được đưa ra với Trump, cả khi ông còn là tổng thống và sau này, về việc ông sẵn sàng kích động đám đông. Những lời kêu gọi hành động này chạm vào một yếu tố nguy hiểm của văn hóa Mỹ vốn luôn chực chờ bùng phát.

Nỗ lực sát hại Trump phải là một lời cảnh báo rùng rợn cho thấy rằng một số người Mỹ có thể dễ dàng kích động lại một truyền thống bạo lực chết người. Công chúng Mỹ đã chứng kiến quá nhiều điều tồi tệ, nên họ hành động như thể điều này không thường xảy ra. Nhưng thực tế thì ngược lại.

Julian E. Zelizer là giáo sư lịch sử và các vấn đề công tại Đại học Princeton. Cuốn sách mới của ông, đồng biên tập với Karen J. Greenberg, “Our Nation At Risk: Election Integrity as a National Security Issue” sẽ được Nhà xuất bản Đại học New York xuất bản vào ngày 30/07.