06/05/1876: Bức ‘Nữ công tước xứ Devonshire’ được đấu giá và nhanh chóng bị trộm

Nguồn: “Duchess of Devonshire” painting stirs interest – and theft, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1876, bức tranh “Nữ công tước xứ Devonshire” của Thomas Gainsborough đã gây xôn xao dư luận khi được đem ra đấu giá tại Christie’s ở London. Bức tranh được bán cho William Agnew, một nhà buôn tranh ở London, với giá 51.540 đô la Mỹ, mức giá cao nhất từng được trả cho một bức tranh được đem ra đấu giá.

Ba tuần sau, Agnew trưng bày bức tranh tại phòng trưng bày của mình – và nó đã bị Adam Worth đánh cắp.

Worth, người sau này được Scotland Yard gọi là “Napoleon của bọn tội phạm,” và cũng là nguyên mẫu để Sir Arthur Conan Doyle xây dựng nhân vật phản diện Giáo sư Moriarty của Sherlock Holmes, đã đánh cắp tác phẩm nghệ thuật này để kiếm tiền bảo lãnh cho anh trai mình ra tù. Tuy nhiên, người anh trai đã được thả mà không cần sự giúp đỡ của hắn, vì vậy Worth quyết định giữ lại bức tranh, ngay cả khi phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.

Adam Worth có lẽ là tên tội phạm bậc thầy nhất của thế kỷ 19. Sinh ra ở Đức nhưng lớn lên ở Mỹ, Worth gia nhập Quân đội Liên bang trong Nội chiến. Sau khi bị báo cáo nhầm là đã tử trận trong Trận Bull Run thứ hai, ông dành phần còn lại của cuộc chiến để chuyển từ trung đoàn này sang trung đoàn khác, nhận khoản tiền nhập ngũ rồi ngay lập tức đào ngũ. Sau chiến tranh, hắn đến New York, nơi hắn gia nhập một băng nhóm móc túi.

Một bản án trộm cắp đã khiến hắn phải ngồi tù ba năm tại Nhà tù Sing Sing. Tuy nhiên, Worth đã trốn thoát chỉ sau vài tuần và thề sẽ cẩn thận hơn trong tương lai. Sử dụng tên giả là Henry Raymond, Worth đã bắt đầu những vụ cướp ngân hàng béo bở trước khi chuyển các hoạt động tội phạm của mình sang châu Âu. Với những vụ trộm được lên kế hoạch hoàn hảo và một mạng lưới làm hàng giả nhất quán, Worth đã tránh được mọi cuộc chạm trán bạo lực và tạo dựng được vị thế trong xã hội thượng lưu.

Tuy nhiên, vụ trộm bức tranh “Nữ công tước xứ Devonshire” đã dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của hắn. Những kẻ đồng phạm, gồm Joe Elliot và Junka Phillips, đã nổi giận vì không được “đền đáp” xứng đáng khi đánh cắp bức tranh có giá trị. Khi Worth từ chối tiết lộ nơi cất giấu bức tranh, Elliot và Phillips đã báo cảnh sát và Worth bị tống vào tù, dù là vì những tội danh khác. Sau khi được thả bốn năm sau đó vào năm 1897, Worth trở về Mỹ. Tuy nhiên, hắn bất ngờ thay đổi ý định và quyết định đàm phán với Cơ quan thám tử Pinkerton để đòi tiền chuộc bức tranh.

“Nữ công tước xứ Devonshire” cuối cùng đã được trả về Anh vào năm 1901, và J. P. Morgan, nhà tài chính lớn nhất ở Phố Wall, đã nhanh chóng đến đây để mang bức tranh về cho riêng mình. Người ta đồn rằng ông đã trả tới 150.000 đô la. Worth, người đã nhận được tương đối ít tiền chuộc, đã qua đời một năm sau đó, không một xu dính túi.