10/03/1940: Sumner Welles đưa ra ‘đề nghị hòa bình’

Nguồn: Sumner Welles makes a “peace proposal”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1940, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sumner Welles, sau cuộc gặp với Adolf Hitler tại Berlin, đã đến London để thảo luận về một đề nghị hòa bình với Thủ tướng Anh Neville Chamberlain nhằm ngăn chặn chiến tranh mở rộng trên toàn châu Âu.

Sumner Welles, một nhà ngoại giao và chuyên gia về Mỹ Latinh, đã dành giai đoạn đầu sự nghiệp của mình để thúc đẩy chính sách đối ngoại “Láng giềng Tốt” (Good Neighbor) của Mỹ trên cương vị tùy viên Đại sứ quán Mỹ tại Buenos Aires, Vụ trưởng Vụ Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Mỹ, và đại sứ Mỹ tại Cộng hòa Dominica. Năm 1933, Tổng thống Franklin D. Roosevelt bổ nhiệm ông làm Trợ lý Ngoại trưởng và gửi ông đến Cuba, nơi ông đã thành công trong vai trò trung gian cho các nhóm đối lập đang cố gắng lật đổ chính phủ của Gerardo Machado. Welles được thăng chức Thứ trưởng Ngoại giao vào năm 1937, và đại diện cho Mỹ tham gia một số hội nghị với Mỹ Latinh.

Nhưng vào năm 1940, trọng trách của Welles ngày một cao hơn. Chiến tranh đã nổ ra ở châu Âu khi Đức xâm lược Ba Lan và Welles được gửi đi khắp nơi: Berlin, Rome, Paris và London, với hy vọng ít nhất có thể kìm hãm chiến tranh, và lý tưởng hơn, là kết thúc nó. Sau chuyến đi tới Rome để thảo luận với Benito Mussolini, Welles đã gặp Hitler vào ngày 01 – 03/03/1940.

Hitler sợ rằng Welles sẽ cố gắng chia rẽ mình và đồng minh phe Trục, Ý, bằng cách thuyết phục Mussolini hoàn toàn tránh xa cuộc xung đột. Do đó, Hitler tìm cách ‘tấn công’ Welles bằng cách giải thích các sự kiện gần đó theo lối tuyên truyền, đổ lỗi cho Anh và Pháp là nguyên nhân gây ra xung đột châu Âu.

Welles báo cho Hitler rằng mình và Mussolini đã có một cuộc trò chuyện “dài, mang tính xây dựng và hữu ích,” và Mussolini tin rằng “vẫn có khả năng mang lại một nền hòa bình vững chắc và lâu dài.” Hitler đồng ý rằng vẫn có thể có hòa bình sau chiến thắng của Đức ở châu Âu.

Welles rời Berlin và đến London vào ngày 10/03. Ông tóm tắt cho Thủ tướng Anh về thái độ không khoan nhượng của Hitler, cho rằng hy vọng duy nhất cho một nền hòa bình lâu dài là giải giáp những kẻ hiếu chiến, quan trọng nhất là Đức. Các viên chức ngoại giao của Chamberlain đã không mấy ấn tượng với lời đề nghị này, tin rằng ngay cả một nước Đức “bị tước vũ khí” vẫn có thể xâm lược các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn. Ngắn gọn thì chuyến đi của Welles đã thất bại.