Nguồn: German Admiral Alfred von Tirpitz resigns, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1916, Đô đốc Alfred von Tirpitz, kiến trúc sư trưởng xây dựng hải quân Đức trong những năm trước Thế chiến I và người đứng sau chiến lược hải quân hiếu chiến mà Đức theo đuổi trong hai năm đầu chiến tranh, đã nộp đơn từ chức cho Hoàng đế Wilhelm II. Trước sự ngạc nhiên của Tirpitz, Hoàng đế đã chấp thuận lá đơn.
Tirpitz bắt đầu mối quan hệ thân thiết với Hoàng đế Wilhelm II vào năm 1897, khi ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Hải quân Hoàng gia. Một năm sau, Tirpitz giới thiệu Đạo luật Hạm đội I (First Fleet Act), đánh dấu bước khởi đầu của một cuộc cải tổ và xây dựng quan trọng đối với hải quân Đức. Đạo luật Hạm đội II (Second Fleet Act) ra đời năm 1900 còn chứa đựng nhiều tham vọng hơn nữa, đặt ra thời hạn 17 năm để xây dựng một hạm đội gồm 2 soái hạm, 36 chiến hạm, 11 tàu tuần dương lớn và 34 tàu tuần dương nhỏ – một hạm đội sẽ thách thức cả Hải quân Hoàng gia Anh.
Đến năm 1905, sức mạnh hải quân của Đức đã vượt xa cả Pháp và Nga và đang trên đường – dù đó là một chặng đường dài – hướng tới mục tiêu trở thành đối thủ thực sự của Hải quân Hoàng gia Anh. Sự thật này khiến Anh và Đô đốc Thứ nhất của Hải quân Hoàng gia (First Sea Lord) Jackie Fisher, người vào năm 1906 đã đứng đầu dự án phát triển con tàu chiến loại mới HMS Dreadnought, sau này trở thành biểu tượng của cuộc chạy đua vũ trang Đức-Anh trong những năm trước Thế chiến I.
Năm 1911, Tirpitz được thăng hàm đô đốc (grand admiral); ba năm sau, chiến tranh bùng nổ và ông trở thành chỉ huy của toàn bộ hải quân Đức. Bất chấp đà phát triển mạnh mẽ trong thập niên trước đó, Đức chỉ có thể tập trung 18 chiến hạm và tàu tuần dương chiến đấu ở thời điểm bắt đầu Thế chiến I, so với 29 tàu tương tự của Anh. Hiểu được nỗi khó khăn của Đức khi chống lại Anh trên biển, Tirpitz nhận ra rằng tàu ngầm U-Boat là vũ khí hiệu quả nhất của hải quân, do đó ông đã ủng hộ một chính sách hiếu chiến, được tuyên bố bởi Hoàng đế Đức vào tháng 02/1915, theo đó các tàu bất kể trung lập hay tàu địch đều sẽ rơi vào tầm ngắm của tàu ngầm Đức nếu chúng tiến vào vùng chiến sự ở Biển Bắc giữa Đức và Anh.
Sau một vài cuộc tấn công tàu ngầm, đỉnh điểm là vào ngày 07/05/1915, khi Đức đánh chìm tàu chở khách Lusitania của Anh, khiến 1.201 người, trong đó có 128 người Mỹ bị chết đuối, chính phủ Đức mới đặt ra ranh giới cho chính sách chiến tranh tàu ngầm không hạn chế nhằm tránh gây thù địch với các nước trung lập, chủ yếu là Hoa Kỳ. Mùa thu năm 1915, Tirpitz và các nhà lãnh đạo hải quân khác bị kiềm chế đến mức họ đình chỉ hoàn toàn chính sách. (Nó sẽ được khôi phục vào tháng 02/1917, khiến Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đức và tiến tới việc tham chiếm về phía phe Đồng minh.)
Giữa sự phẫn nộ quốc tế xung quanh chính sách mà ông đưa ra, Tirpitz dần dần thấy mình xa lánh với phần còn lại của bộ chỉ huy chiến tranh Đức, bao gồm cả lãnh đạo của ông, Hoàng đế Wilhelm II. Ngày 16/03/1916, khi Tirpitz từ chức, Wilhelm đã chấp nhận và ông đã rời bỏ vị trí của mình.
Trong thời kỳ hậu chiến, Tirpitz đồng sáng lập Đảng Tổ quốc (Fatherland Party) cánh hữu với mong muốn tận dụng những hoài niệm về một nước Đức quyền uy năm 1914, và trở thành đại biểu trong Nghị viện Liên bang (Reichstag) từ năm 1924 đến 1928. Dù vậy, Tirpitz không bao giờ lấy lại được tầm ảnh hưởng của mình; ông qua đời vào năm 1930.