Nguồn: 12 people die in shooting at “Charlie Hebdo” offices, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Khoảng giữa trưa ngày này này năm 2015, các tay súng đã đột kích văn phòng của tạp chí trào phúng Pháp, Charlie Hebdo, giết chết 12 người. Vụ tấn công, với mục đích đáp trả hành động châm biếm Hồi giáo và nhà tiên tri Muhammad của tòa soạn, đã chứng minh sự nguy hiểm của khủng bố ở châu Âu cũng như xung đột sâu sắc trong xã hội Pháp.
Charlie Hebdo từng nhiều lần bị phản đối và đe dọa bởi các phần tử Hồi giáo. Năm 2006, việc tạp chí cho in lại bộ tranh châm biếm nhà tiên tri Muhammad của tờ báo Hà Lan, Jyllands-Posten, đã khiến các nhân viên nhận rất nhiều lời dọa giết. Năm 2011, trụ sở tòa soạn đã bị phóng hỏa để đáp trả ấn bản Sharia Hebdo, trong đó có rất nhiều miêu tả [mang tính xúc phạm] nhà tiên tri.
Giám đốc Xuất bản của tạp chí, họa sĩ Stéphane “Charb” Charbonnie, là một nhà phê bình tôn giáo thẳng thắn, đặc biệt là đối với Hồi giáo cực đoan, và đã sớm nằm trong danh sách đen của Al Qaeda từ năm 2013. Giống như nhiều người ở Pháp, nhân viên của Charlie Hebdo hoàn toàn tin tưởng nhà nước thế tục và không tiếc lời chỉ trích cả Hồi giáo cực đoan lẫn Giáo hội Công giáo.
Hai anh em người Pháp gốc Algeria, Saïd và Chérif Kouach, đã thực hiện vụ xả súng. Họ đã buộc một họa sĩ, Corinne “Coco” Rey, phải mở cửa vào văn phòng, nơi không được giám sát do sự cố phóng hỏa trước đó. Các tay súng đã bắn chết Charb và nhiều người khác trong đội ngũ nhân viên, bao gồm cả nữ kí giả Elsa Cayat, nhưng tha mạng cho một cây bút nữ khác, nói với cô rằng họ không giết phụ nữ.
Sau một cuộc truy lùng kéo dài hai ngày, hai tay súng đã bị bao vây ở một khu công nghiệp bên ngoài Paris và bị giết trong cuộc đấu súng với cảnh sát. Gần như cùng lúc, Amedy Coulibaly, người quen của hai anh em, kẻ đã đi theo Nhà nước Hồi giáo, bắt giữ con tin trong một siêu thị thực phẩm kosher ở Paris. Hắn đã giết hại bốn người, tất cả đều là người Do Thái, trước khi bị cảnh sát nổ súng bắn chết.
Sau các vụ tấn công, lễ tưởng niệm được tổ chức khắp nơi trên thế giới, với nhiều người sử dụng khẩu hiệu Je suis Charlie (Tôi là Charlie). Hành động giết người không chỉ bị xem là khủng bố mà còn tấn công vào tự do ngôn luận và tự do báo chí. Sự kiện Marches Républicaines (Tuần hành Cộng hòa) nhằm vinh danh các nạn nhân và quyền tự do ngôn luận đã được tổ chức trên khắp nước Pháp vào ngày 10 và 11 tháng 01.
Khi Je suis Charlie trở thành một làn sóng kêu gọi lớn trên toàn thế giới, một số người, bao gồm cả các nhân viên sống sót, đã chỉ trích việc sử dụng câu này bởi những người không đồng ý hoặc không biết gì về thế giới quan vô thần, thiên tả của toà soạn. Những người khác thì tự hỏi tại sao vụ xả súng này lại được chú ý nhiều hơn các sự kiện khác, như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào dân thường ở Trung Đông. Một số giáo sĩ Hồi giáo cực đoan đổ lỗi rằng chính Charlie Hebdo là nguồn cơn vụ tấn công, trong khi Tổng thống Mỹ tương lai, Donald Trump, gọi tạp chí là “không trung thực và vớ vẩn” (dishonest and nasty) và cho rằng nó đã bị “phá sản” (broke).
Dù vậy Charlie Hebdo vẫn tiếp tục lịch trình xuất bản bình thường. Ấn bản đầu tiên sau vụ tấn công đã bán được hơn 8 triệu bản, gấp nhiều lần so với bất kỳ ấn bản nào trước đó. Số báo này có các tác phẩm của những họa sĩ thiệt mạng và trên trang bìa chính là bức tranh Muhammad, đầy nước mắt, trên tay giữ một tấm biển có dòng chữ Je suis Charlie.