06/01/1412: Ngày sinh Joan d’Arc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Joan of Arc is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày này năm 1412 được tin là ngày sinh của Joan d’Arc hay Thiếu nữ xứ Orléans (La Pucelle d’Orléans). Dù chỉ sống vỏn vẹn 19 năm, nhưng Joan sẽ sớm trở thành một vị thánh Công giáo La Mã đồng thời là nữ anh hùng dân tộc của Pháp nhờ vai trò quan trọng trong Chiến tranh Trăm Năm.

Joan sinh ra trong gia đình của Jacques d’Arc và Isabelle Romée, tại một thị trấn nhỏ miền đông bắc nước Pháp. Vào thời điểm cô chào đời, nước Anh và các đồng minh của mình đã kiểm soát phần lớn nước Pháp, bao gồm cả Paris, Bordeaux và Reims. Ngoài mối đe dọa từ người Anh, phe trung thành với Công tước Bourgogne cũng đang thách thức quyền thừa kế ngai vàng nước Pháp của Thái tử Charles d’Orléans.

Joan nói rằng lần đầu tiên cô nhận được “mặc khải” là vào năm 13 tuổi, trong khu vườn của cha mình, khi các Thánh Michael, Catherine và Margaret xuất hiện và bảo cô hãy đánh đuổi quân Anh khỏi đất nước. Đến năm 16 tuổi, Joan đã dự đoán chính xác kết quả trận đánh của một viên chỉ huy người Pháp, người sau đó đồng ý đưa cô đến gặp Charles.

Cô gái nông dân mù chữ đã gây ấn tượng mạnh với vị Thái tử và từ đó bắt đầu theo chân đoàn quân của ông, cố vấn cho các nhà lãnh đạo quân sự Pháp. Người ta vẫn chưa xác định được chính xác vai trò của cô trong chiến dịch tiếp theo, nhưng rõ ràng là nó không chỉ mang tính biểu tượng đơn thuần. Joan luôn mang theo biểu ngữ chứ không phải vũ khí và còn tuyên bố mình chưa từng giết hại binh lính của kẻ thù, nhưng các nhà lãnh đạo Pháp sau này vẫn tuyên dương cô là nhân tố chính trong việc phá vỡ vòng vây tại Orléans. Việc thị trấn này được giải phóng đã gây chấn động cho người Anh, và lần đầu tiên sau nhiều năm, đưa Pháp vào thế tấn công. Nhờ có lời khuyên, tầm nhìn xa rộng và sự lôi cuốn của Joan hỗ trợ, lực lượng của Charles đã thành công trong việc đẩy lùi người Anh và người Bourgogne khỏi Thung lũng Loire. Tiếp đến, Pháp tái chiếm thành Troyes và giải phóng Reims, địa điểm đăng quang truyền thống của các quốc vương Pháp, nơi Charles chính thức được trao vương miện.

Ít lâu sau đó, Joan d’Arc bị bắt trong trận chiến với quân Bourgogne. Cô bị người Anh đưa ra xét xử với quyết tâm chứng minh rằng mặc khải của cô đều là từ ma quỷ. Các câu chuyện xoay quanh phiên tòa đều nổi bật lên hình ảnh của Joan, khi cô khéo léo né tránh những cái bẫy của lính Anh nhằm lừa cô thừa nhận có liên quan đến dị giáo. Một lần, Joan được hỏi liệu cô có đang sống dưới ân sủng của Thiên Chúa (in God’s grace) hay không. Theo giáo lý thời bấy giờ, câu trả lời “có” là dị giáo, bởi không ai có thể thực sự biết câu trả lời, nhưng nếu nói “không” thì lại là tự thừa nhận dị giáo. Joan đã đáp thế này “Nếu tôi chưa được sống nhờ ơn Chúa, xin Ngài đón nhận tôi; còn nếu tôi đang sống nhờ ơn Chúa rồi, xin Ngài hãy tiếp tục gìn giữ tôi” (If I am not, may God put me there; and if I am, may God so keep me). Cô đã tránh được bẫy. Cuối cùng, tòa vẫn tuyên có tội và Joan d’Arc bị thiêu sống tại Rouen vào ngày 30/05/1431.

Năm 1455, một phiên tòa được triệu tập bởi Giáo Hoàng Callixtus III đã minh oan cho Joan về những cáo buộc dị giáo. Vào thời điểm đó, làn sóng chiến tranh đã chuyển hẳn sang hướng chống lại người Anh, và Thiếu nữ xứ Orléans đã trở thành nhân vật chủ chốt đại diện cho chiến thắng. Joan d’Arc được Napoléon tuyên bố là biểu tượng quốc gia của Pháp vào năm 1830 và được Nhà thờ Công giáo phong thánh vào năm 1920. Các học giả cũng cho rằng câu chuyện của cô có ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội Pháp – thời điểm kết thúc Chiến tranh Trăm Năm cũng thường được công nhận là hồi kết của chế độ phong kiến. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, trật tự xã hội cũ đã nhường chỗ cho những ý tưởng mới về quốc gia-dân tộc và phẩm giá của con người. Riêng đối với người Pháp, Joan d’Arc chính là một biểu tượng tự nhiên của cả hai điều ấy.

Joan d’Arc – Nữ anh hùng trong Chiến tranh trăm năm