06/12/1941: Tổng thống F.D. Roosevelt gửi thư cho Hoàng đế Nhật Bản

Nguồn: FDR to Japanese emperor: “Prevent further death and destruction”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1941, Tổng thống Franklin D. Roosevelt – dựa trên thông tin tình báo rằng hạm đội Nhật Bản đang hướng tới Thái Lan, chứ không phải Mỹ – đã gửi điện tín cho Hoàng đế Hirohito: “vì lợi ích của nhân loại,” Hoàng đế hãy can thiệp “để ngăn chặn cái chết và sự hủy diệt thế giới.”

Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia đã phát hiện các tàu hộ tống, tàu tuần dương và tàu khu trục của Nhật Bản đang tuần tra gần bờ biển Malaya, phía nam Mũi Cà Mau. Ngay trước khi bị quân Nhật bắn hạ, một phi công người Australia đã gửi điện báo rằng dường như các tàu chiến Nhật Bản đang hướng đến Thái Lan.

Trong khi đó, tại Anh, Thủ tướng Churchill đã cho triệu tập một cuộc họp với các tham mưu trưởng để thảo luận về cuộc khủng hoảng. Dù các báo cáo đều nói rằng Thái Lan là điểm đến của Nhật Bản, họ bắt đầu đặt câu hỏi liệu đó có phải là trò đánh lạc hướng hay không. Tình báo Anh đã chặn được mã “Raffles” của Nhật, vốn là một lời cảnh báo hạm đội Nhật phải cảnh giác – nhưng để làm gì?

Anh đã chuẩn bị cho Chiến dịch Matador, đưa Sư đoàn Ấn Độ số 11 của họ vào Thái Lan để đối đầu với quân Nhật Bản. Nhưng vào phút cuối, Thống chế Không quân Brooke-Popham nhận được lệnh không vượt qua biên giới Thái Lan, vì sợ rằng điều đó sẽ kích động người Nhật phản công, nếu trên thực tế, việc di chuyển tàu chiến chỉ là một trò đánh lạc hướng.

Trong khi đó, cách Hawaii 600 dặm về phía tây bắc, Đô đốc Yamamoto, chỉ huy hạm đội Nhật Bản, tuyên bố với người của mình: “Sự trỗi dậy hay sụp đổ của đế chế phụ thuộc vào trận chiến này. Mọi người phải nỗ lực tối đa để làm tròn nhiệm vụ của mình.” Sau cùng, Thái Lan quả đúng là một trò đánh lạc hướng. Yamamoto đã được xác nhận rằng Trân Châu Cảng ở Oahu, Hawaii là mục tiêu của quân Nhật, sau khi lãnh sự Nhật Bản ở Hawaii đã báo cáo với Tokyo rằng một phần đáng kể của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ sẽ neo đậu tại bến cảng – hoàn toàn không có phòng vệ. Sáng hôm sau, Chủ nhật, ngày 7/12, là một ngày đẹp để bắt đầu cuộc đột kích.

“Con của người phàm vừa gửi thông điệp cuối cùng của mình tới con của Chúa Trời,” FDR đùa với Eleanor sau khi gửi bức điện tín của mình cho Hirohito, người mà theo truyền thống Thần đạo của Nhật Bản được coi là một vị thần. Trong lúc Tổng thống Mỹ ngắm nghía bộ sưu tập tem của mình và trò chuyện với cố vấn cá nhân Harry Hopkins, ông đã nhận được tin tức về việc Nhật Bản chính thức từ chối đề xuất 10 điểm của Mỹ về hòa bình, vốn có thể chấm dứt các biện pháp trừng phạt kinh tế và lệnh cấm vận dầu mỏ đối với phe Trục. “Điều này có nghĩa là chiến tranh,” Tổng thống tuyên bố. Hopkins đề xuất người Mỹ nên tấn công trước. “Không, chúng ta không thể làm thế,” Roosevelt phản đối. “Chúng ta là một nền dân chủ và một dân tộc hòa bình.”