14/05/1787: Đại biểu Hội nghị Lập hiến bắt đầu tập hợp

Nguồn: Constitutional Convention delegates begin to assemble, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1787, các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến Hoa Kỳ (Constitutional Convention) đã bắt đầu tập hợp tại Philadelphia để thực hiện một nhiệm vụ khó khăn: lật đổ chính phủ mới của Mỹ một cách hòa bình theo quy định của Các điều khoản Hợp bang (Article of Confederation). Dù hội nghị dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 14/05, nhưng James Madison đã báo cáo rằng chỉ có một số lượng nhỏ đại biểu có mặt, nên hội nghị đã phải lùi lại cho đến ngày 25/5, khi đại biểu của các bang tham gia—Massachusetts, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Virginia, North Carolina, South Carolina và Georgia—xuất hiện đông đủ.

Khi nước Mỹ mới thành lập rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế và xung đột giữa các bang, các nhà lãnh đạo của quốc gia mới đã ngày càng trở nên thất vọng với quyền lực hạn chế của họ. Năm 1785, khi Maryland và Virginia không thể đồng ý về quyền của họ đối với sông Potomac, George Washington đã phải triệu tập một hội nghị để giải quyết vấn đề tại Núi Vernon. James Madison sau đó đã thuyết phục cơ quan lập pháp Virginia tổ chức một hội nghị gồm đại diện của tất cả các bang để thảo luận về các vấn đề liên quan đến thương mại tại Annapolis, Maryland. Hội nghị Annapolis tháng 9/1786 sau đó tiếp tục kêu gọi tổ chức Hội nghị Philadelphia, nhằm xác định các điều khoản bổ sung được cho là cần thiết để làm cho hiến pháp của Chính phủ Liên bang phù hợp với các yêu cầu khẩn cấp của Liên minh.

Trong giai đoạn kể từ khi Madison kêu gọi các bang cử đại biểu đến Annapolis cho đến lúc ông trình bày kế hoạch Virginia về một chính phủ mới trước Hội nghị Philadelphia, đã xuất hiện một sự thay đổi cơ bản trong mục tiêu của đại hội. Các đại biểu không còn được tập hợp với mục đích điều chỉnh các hiệp định thương mại. Một số lượng đáng kể những người có mặt lúc này đã quyết tâm cải tổ toàn bộ chính phủ mới của Mỹ, mà không cần đến một lá phiếu nào của cử tri dân thường.