26/07/1972: Quân Việt Nam CH dựng cờ tại Thành cổ Quảng Trị

Nguồn: South Vietnamese troops raise flag over Quang Tri, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1972, lính dù Việt Nam Cộng hòa đã dựng cờ của mình tại Thành cổ Quảng Trị. Dù vậy, họ đã không thể giữ được Thành cổ đủ lâu để có thể bảo vệ Quảng Trị. Bên ngoài khu vực thành cổ, giao tranh vẫn diễn ra rất dữ dội. Xa hơn về phía nam, quân đội Việt Nam Cộng hòa – do bị pháo kích nặng nề – đã buộc phải từ bỏ Căn cứ Bastogne (Firebase Bastogne), vốn là đồn chốt chặn đường tiếp cận Huế từ hướng tây nam.

Lính Bắc Việt đã chiếm được Thành cổ Quảng Trị từ ngày 01/05 trong Chiến dịch Nguyễn Huệ (còn gọi là “Chiến dịch Phục sinh”), đợt tấn công quy mô lớn của lực lượng Bắc Việt được phát động vào ngày 31/03. Tham gia chiến dịch này gồm có 14 sư đoàn và 26 trung đoàn riêng biệt, tổng quân lực là hơn 120.000 người, sử dụng khoảng 1.200 xe bọc thép và xe tăng các loại. Các mục tiêu chính của Bắc Việt, ngoài Quảng Trị ở phía bắc, là Kontum ở Tây Nguyên, và An Lộc ở phía nam.

Ban đầu, lính phòng vệ Việt Nam Cộng hòa gần như đã bị áp đảo, đặc biệt là ở các tỉnh phía bắc, nơi họ sớm từ bỏ vị trí của mình như ở Quảng Trị. Tại Kontum và An Lộc, quân đội miền Nam đã thành công hơn trong việc chống lại các cuộc tấn công, nhưng cũng phải mất tới vài tuần chiến đấu khó nhọc. Mặc dù bị thương vong nặng nề, lính phòng vệ của Việt Nam Cộng hòa đã cố gắng giữ vững vị trí của mình với sự trợ giúp của các cố vấn và không quân Mỹ. Các trận đánh tiếp diễn trên khắp miền Nam Việt Nam suốt những tháng mùa hè.

Giao tranh nặng nề sẽ tiếp tục diễn ra tại Quảng Trị và Huế cho đến tháng 9, khi lực lượng miền Nam cuối cùng cũng chiếm lại được Quảng Trị một cách thành công. Với  việc cuộc xâm nhập của lực lượng cộng sản bị bẻ gãy, Tổng thống Nixon tuyên bố rằng chiến thắng của Việt Nam Cộng hòa đã chứng minh tính khả thi của chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” mà ông thành lập năm 1969 nhằm tăng cường khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang miền Nam.

Sự ra đời chiến lược ‘Việt Nam hóa chiến tranh’