Chiến dịch Cái Kẹp Giấy là gì?

2015-10-28-1

Nguồn: “What is Operation Paperclip?”, History.com (truy cập ngày 28/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Khi Thế Chiến II bước vào giai đoạn cuối, các tổ chức của Mỹ và Anh đã cùng nhau lùng sục khắp lãnh thổ nước Đức bị chiếm đóng để lấy tất cả những nghiên cứu phát triển công nghệ, khoa học và quân sự mà họ có thể tìm được. Theo sau các lực lượng chiến đấu của quân Đồng Minh, các tổ chức như Tiểu ban Mục tiêu Tình báo Hỗn hợp (CIOS) đã bắt đầu tịch thu các loại tài liệu và vật liệu có liên quan đến cuộc chiến, và thẩm vấn các nhà khoa học tại các cơ sở nghiên cứu của Đức mà quân Đồng Minh chiếm được. Một tài liệu quan trọng đã được tìm thấy trong một phòng vệ sinh tại ĐH Bonn, đó là Danh sách Osenberg: một bản danh sách ghi lại tên những nhà khoa học và kỹ sư đã phải làm việc cho Đế chế thứ Ba. Continue reading “Chiến dịch Cái Kẹp Giấy là gì?”

Người Aztec có thực sự giết người để tế thần?

2015-10-27-1

Nguồn: “Did the Aztecs really practice human sacrifice?”, History.com (truy cập ngày 27/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Có. Giết người để hiến tế thần linh là một phần không thể thiếu trong tôn giáo của người Aztec – cũng như của nhiều xã hội khác trên châu Mỹ, trong đó có người Maya. Một trong những niềm tin chủ đạo trong tín ngưỡng của người Aztec là thần mặt trời Huitzilopochtli cần phải được thường xuyên bồi bổ bằng máu người – được coi là một dạng lực sống linh thiêng – để có thể đưa mặt trời đi từ đông sang tây trên bầu trời. Những người bị giết để tế thần gồm những người tình nguyện, coi rằng lựa chọn của họ là vô cùng cao quý và vinh dự, và cả những tù binh mà người Aztec bắt được trong những cuộc chiến tranh liên miên của họ. Continue reading “Người Aztec có thực sự giết người để tế thần?”

Tên gọi Washington, Đặc khu Columbia có từ đâu?

2015-10-25-02

Nguồn: “How did Washington, D.C., get its name?”, History.com (truy cập ngày 26/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Trước khi Washington, Đặc khu Columbia (Washington, D.C.) trở thành thủ đô của Mỹ vào năm 1800, Quốc Hội đã phải họp ở nhiều địa điểm khác nhau, tiêu biểu như các thành phố Baltimore, Trenton, và New York. Sau nhiều năm tranh luận giữa các lãnh đạo của quốc gia non trẻ về việc chọn nơi “đóng đô” cố định, Quốc Hội đã thông qua Đạo luật Thủ đô (Residence Act) vào tháng 7 năm 1790, theo đó quyết định thủ đô sẽ được đặt tại một nơi bên bờ Sông Potomac và cho phép Tổng thống George Washington toàn quyền chọn ra vị trí cuối cùng. Tổng thống cũng được quyền chỉ định ba ủy viên để giám sát quy trình xây dựng thủ đô mới, và tháng 12 năm 1800 được chọn làm hạn chót cho việc hoàn thành xây dựng trụ sở lập pháp cho Quốc Hội và tư dinh cho Tổng thống. Continue reading “Tên gọi Washington, Đặc khu Columbia có từ đâu?”

Vì sao Stonehenge được xây dựng?

2015-10-25-1

Nguồn: “Why was Stonehenge built?”, History.com (truy cập ngày 25/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Mặc dù là một trong những địa danh nổi tiếng nhất thế giới, nhưng vòng tròn đá có niên đại tiền sử có tên Stonehenge vẫn chìm trong bí ẩn. Nằm trên Đồng bằng Salisbury ở Wiltshire, Anh, Stonehenge đã được xây dựng qua nhiều giai đoạn trong khoảng từ năm 3000 đến 1500 TCN, trải dài từ thời Đồ Đá Mới sang thời Đồ Đồng. Quy mô khổng lồ của nó cho thấy Stonehenge phải có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những dân tộc cổ đại đã xây dựng nên nó, song mục đích của công trình này vẫn là chủ đề phỏng đoán trong suốt nhiều thế kỷ. Continue reading “Vì sao Stonehenge được xây dựng?”

Ai đã tạo ra bảng chữ cái đầu tiên?

2015-10-21-1

Nguồn: “Who created the first alphabet?”, History.com (truy cập ngày 21/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Trước khi bảng chữ cái ra đời, những hệ thống chữ viết sơ khai thường được tạo nên từ các ký tượng ghi hình gọi là chữ tượng hình, hoặc các loại chữ hình nêm được viết bằng cách ấn đầu bút trâm lên mặt đất sét mềm. Do những phương pháp này đòi hỏi phải có rất nhiều biểu tượng tượng trưng cho từng chữ viết một, nên việc viết chữ rất phức tạp và chỉ có một số nhỏ những kinh sư được đào tạo kỹ lưỡng mới làm được. Trong thiên niên kỷ thứ hai (ước tính vào khoảng năm 1850 – 1700) trước Công nguyên, một nhóm người nói tiếng Semit đã sử dụng một phần trong bộ chữ tượng hình Ai Cập để biểu đạt âm thanh của thứ tiếng họ nói. Loại chữ viết nguyên thủy xuất hiện ở vùng Sinai này thường được coi là bảng chữ viết có hệ thống đầu tiên, trong đó những biểu tượng riêng biệt tượng trưng cho các phụ âm đơn (không có biểu tượng cho các nguyên âm). Continue reading “Ai đã tạo ra bảng chữ cái đầu tiên?”

Vì sao đại bàng đầu trắng là loài vật biểu trưng của Mỹ?

2015-10-20-1

Nguồn: “How did the bald eagle become America’s national bird?”, History.com (truy cập ngày 20/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Lý do đại bàng đầu trắng trở thành biểu tượng quốc gia của Mỹ bắt nguồn từ năm 1782 khi nó xuất hiện trên con dấu chính thức[1] của nước này. Không lâu sau khi Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ được ký vào ngày 4 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa đã giao cho Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, và John Adams nhiệm vụ thiết kế con dấu chính thức cho quốc gia mới thành lập. Tuy nhiên, không mẫu dấu nào do ba vị khai quốc công thần này thiết kế được Quốc hội phê chuẩn, và hai ủy ban sau đó được giao nhiệm vụ này cũng thất bại. Giữa tháng 6 năm 1782, nhiệm vụ này được giao lại cho Charles Thomson, thư ký Quốc hội. Continue reading “Vì sao đại bàng đầu trắng là loài vật biểu trưng của Mỹ?”

Điều gì xảy ra với hai tay tượng thần Vệ Nữ thành Milo?

2015-10-18-1

Nguồn: “What happened to the Venus de Milo’s arms?”, History.com (truy cập ngày 18/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Là một trong những tác phẩm điêu khắc thời kỳ Hy Lạp cổ đại nổi tiếng nhất, tượng thần Vệ Nữ thành Milo còn rất dễ nhận ra vì bị thiếu mất hai cánh tay. Bức tượng này thường được cho là tạc hình Aphrodite, nữ thần tình yêu và sắc đẹp Hy Lạp, được người La Mã gọi tên là Venus (Vệ Nữ). Tác phẩm này được tìm thấy vào năm 1820 trên đảo Melos (còn gọi là Milos) trên biển Aegea. Một viên chuẩn úy hải quân Pháp, Olivier Voutier, khi đang neo tàu tại cảng Melos một hôm đã quyết định giết thời gian bằng cách ra khơi và đi tìm cổ vật. Trong khi đang tìm kiếm gần tàn tích của một nhà hát cổ, Voutier để ý thấy một người nông dân địa phương đang dỡ đá từ một bức tường gần đó để làm vật liệu xây dựng, và có vẻ đã tìm thấy thứ gì đó ẩn bên trong bức tường. Continue reading “Điều gì xảy ra với hai tay tượng thần Vệ Nữ thành Milo?”

Vụ án Dreyfus là gì?

2015-10-17-02-1

Nguồn: “What was the Dreyfus affair?”, History.com (truy cập ngày 17/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Vụ án Dreyfus là một vụ bê bối đã làm chấn động nước Pháp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi một đại úy pháo binh gốc Do Thái trong quân đội Pháp, Alfred Dreyfus (1859 – 1935), bị kết án oan tội giao nộp bí mật quân sự Pháp cho Đức. Năm 1894, sau khi một gián điệp của Pháp trong Đại sứ quán Đức ở Paris phát hiện một lá thư bị xé nát trong thùng rác có nét chữ được cho là giống của Dreyfus, vị đại úy này đã bị đưa ra tòa án binh, bị kết tội phản quốc và phải chịu án chung thân trên đảo Quỷ ngoài khơi vùng Guiana thuộc Pháp. Trong một buổi lễ công khai diễn ra ở Paris sau khi tòa tuyên án, Dreyfus bị xé phù hiệu khỏi quân phục, gươm của ông bị đập gãy và ông bị giải đi trước một đám đông liên tục gào thét “Tử hình Judas,[1] tử hình tên Do Thái”. Continue reading “Vụ án Dreyfus là gì?”

Sự kiện XYZ là gì?

2015-10-17-1

Nguồn: “What was the XYZ Affair?”, History.com (truy cập ngày 17/10/215).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Có thể nghe như tên một chương trình giải trí của thiếu nhi, nhưng trên thực tế Sự kiện XYZ là một biến cố ngoại giao giữa Pháp và Mỹ xảy ra vào cuối thế kỷ 18 và sau đó đã dẫn đến một cuộc hải chiến không chính thức giữa hai quốc gia này.

Năm 1793, giữa Pháp và Anh đã xảy ra chiến tranh, khi đó Mỹ tuyên bố trung lập. Cuối năm tiếp theo, Mỹ và Anh cùng ký Hiệp định Jay (tên đầy đủ: Hiệp định về Tình Hữu nghị, Thương mại, và việc Đi Lại trên Biển giữa Quốc vương Anh và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ – ND) nhằm giải quyết một số vấn đề đã tồn đọng từ lâu trong quan hệ giữa hai nước. Pháp đã giận dữ trước Hiệp định này, tin rằng nó đã vi phạm những hiệp ước mà Mỹ và Pháp trước đây đã cùng ký; kết quả là họ đã tịch thu một số lượng lớn tàu buôn của Mỹ. Khi Tổng thống George Washington cử Charles Cotesworth Pinckney làm công sứ Hoa Kỳ tại Pháp vào năm 1796, chính quyền Pháp đã từ chối tiếp nhận ông này. Continue reading “Sự kiện XYZ là gì?”

Phiến đá Rosetta là gì?

2015-10-16-1

Nguồn: “What is the Rosetta Stone?”, History.com (truy cập ngày 16/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Vào thế kỷ 19, Phiến đá Rosetta đã giúp cho các học giả lần đầu tiên trong lịch sử giải mã được ngôn ngữ tượng hình – hệ thống chữ viết của Ai Cập cổ đại. Phiến đá được một số lính công binh Pháp thuộc quân đoàn của Napoleon Bonaparte tại Ai Cập tìm thấy vào năm 1799 khi đang sửa chữa một pháo đài gần thành phố Rashid (Rosetta). Cổ vật này, được làm từ đá granodiorite, đã rơi vào tay quân Anh sau khi họ đánh bại quân Pháp ở Ai Cập vào năm 1801. Continue reading “Phiến đá Rosetta là gì?”

Biểu tượng đồng đô-la Mỹ có từ đâu?

2015-10-14-1

Nguồn: “Where did the dollar sign come from?”, History.com (truy cập ngày 14/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Không ai biết chắc chắn biểu tượng đồng đô-la Mỹ ($) có từ đâu, và đã có nhiều giả thuyết được đưa ra trong một thời gian dài. Lời lý giải được chấp nhận rộng rãi nhất, theo Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ, là biểu tượng này bắt nguồn từ đồng pê-sô Tây Ban Nha, vốn được dùng làm đơn vị đo lường giá trị cơ bản ở các thuộc địa Bắc Mỹ vào cuối những năm 1700. Những tài liệu viết tay có từ thời đó cho thấy đồng pê-sô – tên đầy đủ là “peso de ocho reales” hay “đồng tám real” ở Bắc Mỹ – được viết tắt là PS. Người ta tin rằng dần dần chữ PS đã được viết quen tay với chữ S nằm trên chữ P, tạo thành hình gần giống biểu tượng $. Biểu tượng $ xuất hiện lần đầu trên văn bản từ sau năm 1800, và đã được sử dụng rộng rãi khi tờ tiền giấy đô-la Mỹ đầu tiên được ban hành năm 1875. Continue reading “Biểu tượng đồng đô-la Mỹ có từ đâu?”

Ngày Columbus (12/10) có từ bao giờ?

Nguồn: “When was Columbus Day first celebrated?”, History.com (truy cập ngày 13/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Năm 1492, nhà thám hiểm người Italy được Tây Ban Nha tài trợ Christopher Columbus đã khởi hành ra đại dương, nhưng Ngày Columbus – ngày kỷ niệm dịp ông tìm ra Tân Thế Giới (mà khi đó ông tưởng là châu Á) – xuất hiện gần đây hơn nhiều. Phải đến năm 1792 thì một số thành phố ở Mỹ mới lên kế hoạch tổ chức Ngày Columbus nhân dịp 300 năm ngày ông đặt chân đến châu Mỹ. Khi đó, Hội Columbus, một hội kín mà trong thế kỷ sau đó sẽ phát triển thành bộ máy chính trị Tammany Hall đầy quyền lực, đã chủ trì tổ chức ngày lễ này ở New York. Đối với Hội, hai hình tượng Columbus và Tammany (một nhân vật người Mỹ bản địa được lý tưởng hóa) là biểu trưng cho việc nước Mỹ được tách rời khỏi quyền lực và quy cách của châu Âu. Continue reading “Ngày Columbus (12/10) có từ bao giờ?”

Tượng Nhân Sư có từ bao giờ?

2015-10-11-1

Nguồn:How old is the Great Sphinx?”, History.com (truy cập ngày 11/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Tượng Nhân Sư lớn ở Giza, một bức tượng đá vôi khổng lồ có thân sư tử và đầu người đội mũ trùm của pharaoh, là biểu tượng quốc gia của cả Ai Cập cổ đại và hiện đại, và là một trong những tượng đài nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng bất chấp tính biểu trưng của bức tượng, các nhà nghiên cứu địa chất, khảo cổ, Ai Cập học, và các lĩnh vực khác vẫn tiếp tục tranh luận về “câu đố” trường tồn của Nhân Sư: Chính xác thì tượng Nhân Sư đã có từ khi nào? Continue reading “Tượng Nhân Sư có từ bao giờ?”

Vì sao các Vua và Nữ Hoàng Anh lại có 2 ngày sinh?

2015-10-10-03

Nguồn: “Why do British monarchs have two birthdays?”, History.com (truy cập ngày 10/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Có rất nhiều lợi ích và trách nhiệm đi kèm với việc làm người trị vì nước Anh, nhưng cũng có một quyền lợi không ngờ là mỗi năm sẽ có đến hai sinh nhật. Năm nay, sinh nhật chính thức của Nữ Hoàng Elizabeth II là Thứ Bảy, ngày 14 tháng Sáu, và lễ mừng sẽ được cử hành ở khắp các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung. Tuy nhiên trên thực tế, Nữ Hoàng Elizabeth II ra đời vào ngày 21 tháng Tư, và đã bước sang tuổi 88 từ đầu năm nay.

Ngày sinh chính thức của các vua và nữ hoàng Anh không được tổ chức vào một ngày cố định trong năm, mà là vào một ngày thứ Bảy trong tháng Sáu, thường là trong tuần thứ nhất hoặc thứ hai của tháng. Vậy vì sao ngày lễ này lại được tổ chức linh động như vậy? Continue reading “Vì sao các Vua và Nữ Hoàng Anh lại có 2 ngày sinh?”

Vì sao màu tím được coi là màu của các bậc vương giả?

2015-10-10-1

Nguồn: “Why is purple considered the color of royalty?”, History.com (truy cập ngày 10/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Màu tím đã gắn liền với nhiều bậc quân vương từ thời kỳ cổ đại, khi đó màu này được quý trọng vì có sắc đậm và thường được dành riêng cho giới tinh hoa. Vua Ba Tư Cyrus đã dùng một tấm áo chẽn màu tím làm hoàng bào, và một số hoàng đế La Mã đã cấm không cho dân thường mặc quần áo màu tím, nếu vi phạm sẽ bị xử tử. Màu tím được đặc biệt tôn kính dưới thời Đế quốc Byzantine. Các hoàng đế Byzantine mặc áo choàng dài màu tím, ký các sắc lệnh bằng mực tím, và con cháu của họ thường được gọi là “sinh ra trong sắc tím[1]”. Continue reading “Vì sao màu tím được coi là màu của các bậc vương giả?”

Vua Arthur có phải là nhân vật có thật hay không?

2015-10-07-1

Nguồn: “Was King Arthur a real person?”, History.com (truy cập ngày 7/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Đối với rất nhiều người, những câu chuyện về Vua Arthur xứ Camelot không còn gì là xa lạ. Đó là vị vua huyền thoại đã lãnh đạo các lực lượng Anh (gồm cả những Hiệp sĩ Bàn Tròn được ông hết mực tin tưởng) trong những trận chiến chống lại quân xâm lược Saxon vào đầu thế kỷ thứ 6 SCN. Nhưng Vua Arthur có phải là một người thật hay chỉ là anh hùng thần thoại xứ Celt? Continue reading “Vua Arthur có phải là nhân vật có thật hay không?”

Những phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel là ai?

2015-10-06-1

Nguồn: “Who were the first women to win Nobel Prizes?”, History.com (truy cập ngày 6/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Khi nhắc đến những người lập kỷ lục trong lịch sử giải Nobel, Marie Curie nổi bật hơn bất kỳ ai khác. Nhà khoa học Pháp gốc Ba Lan này là phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel chung (giải Nobel Vật lý năm 1903, cùng với chồng bà là Pierre và nhà khoa học Pháp Henri Becquerel, vì những nghiên cứu tiên phong của họ về phóng xạ) và cũng là người phụ nữ đầu tiên giành giải Nobel cá nhân (giải Nobel Hóa học năm 1911, vì phát hiện ra các nguyên tố radium và polonium). Như vậy bà là người duy nhất từng giành giải Nobel trong 2 ngành khoa học khác nhau. Nhưng chưa hết, gia đình bà có tới bốn người từng giành giải Nobel. Ngoài chồng bà là Pierre, con gái và con rể bà đã cùng giành giải Nobel Hóa học năm 1935, còn một người con rể khác của bà từng là giám đốc Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc UNICEF khi tổ chức này giành giải Nobel Hòa bình năm 1965. Continue reading “Những phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel là ai?”

Chén Thánh là gì?

2015-10-05-1

Nguồn: “What is the Holy Grail?”, History.com (truy cập ngày 5/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Từ truyền thuyết về các hiệp sĩ trung cổ cho đến dòng phim Indiana Jones, suốt hàng trăm năm Chén Thánh đã là bảo vật Thiên Chúa Giáo được săn tìm nhiều nhất trong văn hóa đại chúng. Chén Thánh thường được coi là chiếc ly chúa Jesus đã dùng để uống trong Bữa Tối Cuối Cùng, và cũng là chiếc ly mà Joseph xứ Arimathea đã dùng để hứng máu của Jesus khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Do tầm quan trọng của việc chúa Jesus bị đóng đinh và bí tích thánh thể trong Thiên Chúa Giáo, săn tìm Chén Thánh đã trở thành nhiệm vụ tìm kiếm linh thiêng nhất vì nó được coi là biểu hiện của sự gắn bó với Thiên Chúa. Continue reading “Chén Thánh là gì?”

Các Hiệp Sĩ dòng Đền là ai?

2015-10-04-1

Nguồn: “Who were the Knight Templars?”, History.com (truy cập ngày 4/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Sau khi các chiến binh Công Giáo chiếm được thành Jerusalem trong cuộc Thập Tự Chinh thứ Nhất (1095 – 1099), nhiều nhóm người hành hương từ khắp Tây Âu đã bắt đầu tới thăm vùng Đất Thánh. Khoảng năm 1118, một hiệp sĩ người Pháp có tên là Hugues de Payens đã thành lập một đạo quân với mục đích bảo vệ những người hành hương đó với tên gọi Đoàn Hiệp sĩ nghèo của Vua Solomon (sau đó đổi tên thành đoàn Hiệp sĩ dòng Đền). Năm 1129, đoàn hiệp sĩ được Giáo Hội Công Giáo chính thức công nhận, và đã chiêu mộ được quân lính mới và nhận được những khoản quyên tặng hào phóng từ khắp châu Âu. Nổi tiếng vì quy cách hành xử khắc khổ và trang phục nổi bật (áo trắng thêu hình thập tự đỏ), đoàn Hiệp sĩ dòng Đền đã lập ra nhiều chi hội trên khắp Tây Âu. Continue reading “Các Hiệp Sĩ dòng Đền là ai?”

Bức điện Zimmermann là gì?

2015-10-03

Nguồn: “What was the Zimmermann Telegram?”, History.com (truy cập ngày 3/10/2015).

Biên dịch & Hiệu đính: Lê Hoàng Giang

Phần lớn các nhà sử học đều cho rằng tính đến đầu năm 1917 việc Mỹ tham gia vào Thế Chiến I là không thể tránh khỏi, nhưng việc đi đến quyết định tham chiến rõ ràng đã bị đẩy nhanh bởi một bức thư nổi tiếng của ngoại trưởng Đức Arthur Zimmermann. Vào ngày 16 tháng 1 năm 1917, các chuyên gia giải mật mã của Anh đã chặn được một bức điện mật của Zimmermann gửi cho Heinrich von Eckardt, đại sứ Đức ở Mexico. Bức thư truyền cho đại sứ Eckardt một số chỉ thị mà ngày nay đã trở nên nổi tiếng: nếu nước Mỹ trung lập tham gia vào cuộc chiến cùng với phe Đồng Minh, von Eckardt sẽ phải tìm đến tổng thống Mexico và bí mật đề nghị thành lập một liên minh chiến tranh. Đức sẽ hỗ trợ về quân sự và tài chính để Mexico tấn công Mỹ, và đổi lại Mexico sẽ được tái sáp nhập “những vùng lãnh thổ đã mất ở Texas, New Mexico và Arizona”. Ngoài ra, von Eckardt còn được dặn phải dùng Mexico làm trung gian để lôi kéo Đế quốc Nhật Bản tham gia vào cuộc chiến của Đức. Continue reading “Bức điện Zimmermann là gì?”