Chiến lược kinh tế của tân thủ tướng Anh nên đi theo hướng nào?

Nguồn: Jim O’Neill, “The UK needs a coherent economic strategy,” Financial Times, 24/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các thành viên Đảng Bảo thủ phải chọn ra một nhà lãnh đạo có thể mang đến giải pháp sáng tạo hơn cho vấn đề về năng suất.

Vậy là đã hơn 12 năm kể từ khi Đảng Bảo thủ giành lại quyền lực. Trong lúc các thành viên của đảng này cân nhắc về nhà lãnh đạo thứ tư của mình, đất nước đang khẩn thiết mong đợi sự lựa chọn của họ – thủ tướng tiếp theo – sẽ có tầm nhìn đáng tin cậy trong việc giải quyết những thách thức to lớn.

Hai ứng viên của vòng bỏ phiếu cuối cùng, Liz Truss và Rishi Sunak, phải suy nghĩ về cách họ vạch ra một con đường có tính xây dựng hơn cho Vương quốc Anh so với những gì đã được thực hiện sau sự tàn phá kinh tế của khủng hoảng tài chính năm 2008 – vốn là nền tảng cho chiến thắng bầu cử của Đảng Bảo thủ hai năm sau đó. Continue reading “Chiến lược kinh tế của tân thủ tướng Anh nên đi theo hướng nào?”

Trung Quốc có thể biến bẫy nợ do chính họ tạo ra thành cơ hội lịch sử

Nguồn: Minxin Pei, “China can turn debt trap of its own making into historic opportunity,” Nikkei Asia, 24/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh nên “cắt lỗ” và tập trung vào việc lấy lại danh tiếng.

Khi nói đến sự gắn kết của nền kinh tế Trung Quốc với các nước đang phát triển, khía cạnh gây tranh cãi nhất là các chương trình cho vay khổng lồ, thứ đã bơm hàng trăm tỷ USD tiền vay vào các nước nghèo trong vòng 15 năm qua.

Các nhà phê bình đã lên án hoạt động cho vay ở nước ngoài của Bắc Kinh là một hình thức bẫy nợ nham hiểm, sẽ dần biến những nước đi vay thành chư hầu kinh tế. Tuy nhiên, ngày nay, mặt còn lại của câu chuyện này đã được hé lộ: chính Trung Quốc đang rơi vào cái bẫy nợ mà họ đã đào cho người khác. Continue reading “Trung Quốc có thể biến bẫy nợ do chính họ tạo ra thành cơ hội lịch sử”

Xoay trục 2.0: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Nguồn: Mohammadbagher Forough, “America’s Pivot to Asia 2.0: The Indo-Pacific Economic Framework,” The Diplomat, 26/05/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chừng nào IPEF còn thiếu lợi ích rõ ràng, sẽ khó có thể biến khuôn khổ này thành hành động có ý nghĩa.

Trong chuyến công du châu Á của mình, hôm thứ Hai vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Nhật Bản, Ấn Độ, cùng 10 quốc gia khác đã cam kết tham gia Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn đầu. Danh sách gồm có Australia, Brunei, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan, và Việt Nam. Những nước không phải là thành viên, chí ít là ở thời điểm hiện tại, là Đài Loan, ba quốc gia thành viên ASEAN (Campuchia, Lào, và Myanmar) và Trung Quốc (hiển nhiên). Nhưng cánh cửa để trở thành thành viên trong tương lai của họ (ít nhất là về mặt lý thuyết) vẫn đang được để ngỏ. Continue reading “Xoay trục 2.0: Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”

Thế giới nên dõi theo những gì đang xảy ra ở Thượng Hải

Nguồn: Robin Harding, “The rest of the world should watch what is happening in Shanghai,” Financial Times, 12/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Phong tỏa Covid ở thành phố lớn nhất Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Theo một người bị nhốt trong một căn hộ nhỏ cùng với cha cô trong hai tuần qua, một trong những điều khó khăn nhất trong đợt phong tỏa Thượng Hải chính là sự bất định. Cô dành cả ngày trên các nhóm WeChat, cố gắng điều phối các đơn mua thực phẩm với số lượng lớn, hoặc nhìn ra ngoài cửa sổ để xem chính quyền đã chắn hàng rào vệ sinh dịch tễ màu đỏ, mà người dân không được vượt qua, đến đâu. Gần như chẳng còn thông tin gì khác.

Mạng xã hội cho thấy một thành phố đang đứng trên bờ vực thẳm. Cư dân la hét từ ban công nhà mình, yêu cầu được cung cấp thức ăn. Máy bay không người lái phát đi các thông điệp yêu cầu họ quay vào nhà. Hàng nghìn người có kết quả xét nghiệm dương tính bị nhồi nhét trong các trung tâm cách ly. Continue reading “Thế giới nên dõi theo những gì đang xảy ra ở Thượng Hải”

Đồng Rúp đã trở lại và điều đó có nghĩa là gì?

Nguồn: Peter Coy, “The Ruble Has Bounced Back. What Does That Mean?”, New York Times, 04/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày 26/03, Tổng thống Biden đã khoe trên Twitter rằng “do kết quả của các lệnh trừng phạt chưa từng có của chúng ta, đồng rúp (ruble) đã gần như ngay lập tức biến thành đống đổ nát (rubble)”. Đó là một dòng tweet đăng không đúng lúc. Đồng tiền của Nga đúng là đã sụt giảm vào tháng 2, sau khi các lệnh trừng phạt được áp đặt, nhưng vào thời điểm Biden mừng vui, nó đã lấy lại vị thế đã mất. Đồng rúp hiện trị giá khoảng 1,2 xu Mỹ, thấp hơn mức 1,3 xu trước chiến tranh, nhưng cao hơn nhiều so với mức thấp nhất từ khi chiến sự nổ ra, dưới 0,8 xu. Continue reading “Đồng Rúp đã trở lại và điều đó có nghĩa là gì?”

Phải chăng Putin sẽ giết chết nền kinh tế toàn cầu?

Nguồn: Paul Krugman, “Will Putin Kill the Global Economy?”, New York Times, 31/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các nhà bình luận kinh tế luôn thích tìm đến với những so sánh tương đồng trong lịch sử, và họ có lý do chính đáng để làm điều đó. Chẳng hạn, những người đã nghiên cứu các cuộc khủng hoảng ngân hàng trong quá khứ sẽ có khả năng nắm bắt những gì xảy ra trong năm 2008 tốt hơn so với những người chưa tìm hiểu gì. Tuy nhiên, câu hỏi luôn là nên chọn phép so sánh nào.

Lúc này đây, nhiều người đang quay trở lại với thời kỳ lạm phát đi kèm tăng trưởng đình trệ của thập niên 1970. Bản thân tôi đã từng tranh luận rằng đây là một phép so sánh rất tệ; lạm phát hiện tại của chúng ta rất khác so với những gì xuất hiện trong những năm 1979-1980, và có lẽ, nó cũng dễ chấm dứt hơn nhiều. Continue reading “Phải chăng Putin sẽ giết chết nền kinh tế toàn cầu?”

Nga xâm lược Ukraine và hồi kết của toàn cầu hóa?

Nguồn: Adam Posen, “The End of Globalization?“, Foreign Affairs, 17/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế thế giới?

Trong ba tuần qua, nền kinh tế Nga đã phải liêu xiêu vì các lệnh trừng phạt. Ngay sau khi Điện Kremlin xâm lược Ukraine, phương Tây bắt đầu đóng băng tài sản của những cá nhân giàu có thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cấm các chuyến bay của Nga vào không phận phương Tây, và hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ nước ngoài của nền kinh tế Nga. Đáng chú ý nhất, Mỹ và các đồng minh đã phong tỏa tài sản dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, loại nước này khỏi không chỉ hệ thống thanh toán tài chính SWIFT, mà còn cả các thể chế cơ bản của tài chính quốc tế, bao gồm tất cả các ngân hàng nước ngoài và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Kết quả là, giá trị của đồng rúp sụt giảm, tình trạng thiếu hụt gia tăng khắp các bộ phận của nền kinh tế Nga, và chính phủ nước này dường như sắp vỡ nợ trái phiếu ngoại tệ. Dư luận – và nỗi sợ bị ảnh hưởng lây từ lệnh trừng phạt– đã buộc các doanh nghiệp phương Tây ồ ạt rời Nga. Chẳng bao lâu nữa, Nga sẽ không thể sản xuất các nhu yếu phẩm, cho quốc phòng lẫn tiêu dùng, vì nước này thiếu các thành phần đầu vào thiết yếu. Continue reading “Nga xâm lược Ukraine và hồi kết của toàn cầu hóa?”

Daniel Yergin: Putin đã phá hủy nền kinh tế mà ông ta mất 22 năm để gây dựng

Nguồn: Ryosuke Hanafusa, Energy guru Yergin: Putin has destroyed the economy he built, Nikkei Asia, 21/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc thế giới tranh giành dầu mỏ, Iran sẽ nổi lên như một nguồn thay thế quan trọng

Daniel Yergin, phó chủ tịch tập đoàn S&P Global, đồng thời là chuyên gia hàng đầu về năng lượng, chia sẻ rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin từng hét vào mặt ông trong một diễn đàn quốc tế, vì dám hỏi về một chủ đề nhạy cảm: khí đá phiến.

Câu hỏi của Yergin thực chất là về kế hoạch của Nga nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, tránh phụ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí. Nhưng từ “đá phiến” đã khiến nhà lãnh đạo Nga phản ứng gay gắt, vào năm 2013.

Putin biết rõ khí đá phiến cuối cùng sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga ở châu Âu. Ông cũng hiểu rằng đá phiến sẽ nâng cao vị thế chiến lược toàn cầu của Mỹ, Yergin nói với Nikkei trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Continue reading “Daniel Yergin: Putin đã phá hủy nền kinh tế mà ông ta mất 22 năm để gây dựng”

Dự án ‘cầu lục địa’ qua eo đất Kra vướng vào giằng co Trung-Mỹ

Nguồn: Toru Takahashi, Thai ‘land bridge’ project caught in Sino-U.S. tug of war, Nikkei Asia, 20/02/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Liệu Nhật Bản có tham gia vào dự án để giúp ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương hay không?

Địa điểm tiềm năng để xây dựng cửa ngõ vào Ấn Độ Dương của Thái Lan là một bán đảo nhỏ nhô ra Biển Andaman.

Phần lớn huyện Ao Ang thuộc tỉnh Ranong ở tây nam Thái Lan, nằm cách trung tâm tỉnh khoảng 30 km về phía nam, được che phủ bởi rừng nguyên sinh, và chỉ có thể đi đến đó bằng đường biển. Tuy nhiên, huyện vùng sâu vùng xa này đang ngày càng thu hút nhiều người hơn, vì nó vừa được đề xuất trở thành nơi mở một cảng mới, một ngư dân chèo chiếc thuyền mà tác giả thuê tại một ngôi làng gần đó cho biết. Phải mất một giờ để đi thuyền đến khu vực gần địa điểm xây cảng. Continue reading “Dự án ‘cầu lục địa’ qua eo đất Kra vướng vào giằng co Trung-Mỹ”

Kinh tế thế giới có quay lại bình thường trong năm 2022?

Nguồn: Will the world economy return to normal in 2022?”, The Economist, 8/11/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Liệu tình trạng lạm phát đi kèm tăng trưởng đình trệ (stagflation) đang tác động lên nền kinh tế thế giới có kéo dài? Trong suốt năm 2021, các ngân hàng trung ương và hầu hết các nhà kinh tế đều cho rằng các yếu tố khiến lạm phát tăng đi kèm tăng trưởng chậm sẽ chỉ mang tính tạm thời. Các nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ được khơi thông, giá năng lượng sẽ quay trở lại mặt đất, và công nhân ở các nước giàu trên thế giới đang không tham gia lực lượng lao động — vì những lý do không ai hiểu rõ — sẽ quay trở lại làm việc. Nhưng khi năm 2021 sắp kết thúc, các thị trường tài chính, công chúng và thậm chí chính các ngân hàng trung ương bắt đầu mất dần niềm tin. Continue reading “Kinh tế thế giới có quay lại bình thường trong năm 2022?”

Rủi ro hệ thống đối với Trung Quốc nếu Evergrande sụp đổ là gì?

Nguồn: What are the systemic risks of an Evergrande collapse?”, The Economist, 21/09/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Các nhà quản lý tài chính của Trung Quốc đang mài giũa một kỹ năng mới: “cho vỡ nợ theo nguyên tắc thị trường” — tức rời thị trường một cách có trật tự và tái cấu trúc lành mạnh cho các công ty đang gặp khó khăn. Thuật ngữ này đã xuất hiện trong các tài liệu của chính phủ và các phương tiện truyền thông địa phương gần đây khi các cơ quan quản lý trở nên thành thạo trong việc quản lý các vụ vỡ nợ lớn hơn, thường xuyên hơn và phức tạp hơn. Họ đã có một số thành công. Evergrande, một công ty phát triển bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đang trên bờ vực sụp đổ, đang chứng tỏ mình là một trường hợp đặc biệt. Continue reading “Rủi ro hệ thống đối với Trung Quốc nếu Evergrande sụp đổ là gì?”

Chỉ số Big Mac: Tiền đồng được định giá thấp hơn 47% so với đô la Mỹ?

Nguồn: What the Big Mac index says about the dollar and the dong”, The Economist, 24/07/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Khi tạp chí The Economist giới thiệu chỉ số Big Mac của mình cách đây 35 năm, một chiếc bánh hamburger nổi tiếng của McDonald’s có giá chỉ 1,60 đô la ở Mỹ. Bây giờ nó có giá 5,65 đô la, theo giá trung bình ở bốn thành phố. Mức tăng giá này vượt xa so với lạm phát cùng kỳ.

Thật vậy, Mỹ, nơi khai sinh của Big Mac, là một trong những nơi đắt nhất để mua loại bánh này, theo so sánh của chúng tôi với hơn 70 quốc gia trên thế giới (xem biểu đồ). Ví dụ ở Việt Nam, chiếc bánh mì kẹp thịt này có giá 69.000 đồng. Mặc dù số tiền đó nghe có vẻ rất khủng khiếp, nhưng bạn có thể mua được rất nhiều tiền đồng bằng một đô la, và do đó, đồng đô la rất có giá trị ở Việt Nam. Bạn có thể mua 69.000 đồng chỉ với 3 đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối. Và vì vậy, một chiếc Big Mac ở Việt Nam rẻ hơn 47% so với ở Mỹ. Continue reading “Chỉ số Big Mac: Tiền đồng được định giá thấp hơn 47% so với đô la Mỹ?”

Tiến trình mở rộng CPTPP: Sau Vương quốc Anh sẽ là ai?

Nguồn: Deborah Elms, “The CPTPP expands”, Asian Trade Center, 03/06/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership, CPTPP) đã chính thức chấp nhận việc Vương quốc Anh khởi động tiến trình gia nhập hiệp định.

Dù đây là lần đầu tiên thỏa thuận thương mại này được mở rộng kể từ khi nó có hiệu lực, trước đó đã từng có thành viên gia nhập trong quá trình đàm phán hiệp định. Vào năm 2006, CPTPP khởi đầu chỉ với bốn thành viên (Brunei, Chile, New Zealand và Singapore). Tính đến thời điểm đạt được thỏa thuận, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) có 12 thành viên: 4 thành viên ban đầu cộng thêm Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam.

Bất ngờ bị suy yếu sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định vào đầu năm 2017, TPP đã được chuyển đổi thành CPTPP, và gần hai năm sau đó, đã chính thức có hiệu lực đối với bảy thành viên. Continue reading “Tiến trình mở rộng CPTPP: Sau Vương quốc Anh sẽ là ai?”

Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số: Tác động chính trị và chiến lược

Nguồn: Dylan MH Loh và Karyn Liow, “Digital Yuan: Politicisation of China’s CBDC”, RSIS Commentary, 21/05/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sức hút của tiền kỹ thuật số trên toàn cầu cũng như sự phát triển của tiền số tư nhân đã khiến các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới xem xét phát triển các loại tiền kỹ thuật số quốc gia. Hiện nay Trung Quốc đang dẫn đầu với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Cuộc chạy đua để ra mắt đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (central bank digital currency, hay CBDC) lớn đầu tiên trên thế giới và sự chính trị hóa loại tiền tệ này là hồi chuông báo hiệu khởi đầu một cuộc cạnh tranh mới giữa các nền kinh tế lớn.

Đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi để chuyển đổi mạnh từ tiền mặt sang các phương thức thanh toán kỹ thuật số. Trong bối cảnh tiền điện tử dần trưởng thành, điều này khiến các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới phải suy nghĩ nghiêm túc về việc phát hành các loại tiền kỹ thuật số của riêng họ. Continue reading “Đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số: Tác động chính trị và chiến lược”

Nạn sùng bái CEO: Trường hợp Elon Musk, Jack Ma và những mặt trái

Nguồn:The cult of an Elon Musk or a Jack Ma has its perks—but also perils”, The Economist, 11/02/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

“Tôi đã trở thành một biểu tượng, Kẻ hủy diệt những tên bán khống.” Dòng tweet gần đây của Elon Musk mang giọng điệu của một đấng cứu thế khiến các môn đệ của ông cảm thấy thích thú. Những diễn biến trong tháng 1/2021 đã thúc đẩy sự sùng bái đối với doanh nhân này. Câu chuyện GameStop đã mang lại cho Musk một kho đạn trong trận chiến dài hơi với những kẻ bán khống, đồng thời định vị ông như một người bảo trợ cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang tấn công Phố Wall. Tuần này, người hâm mộ ông đã bị mê hoặc bởi thông báo rằng công ty sản xuất ô tô điện của Musk, Tesla, đã đầu tư 1,5 tỷ đô la vào bitcoin và sẽ bắt đầu chấp nhận tiền điện tử như một hình thức thanh toán. Trước đó, một loạt các dòng tweet đầy tôn trọng từ Musk dành cho dogecoin (mà ông gọi là “tiền điện tử nhân dân”) đã khiến các nhà đầu tư nghiêm túc tranh nhau tìm hiểu thêm về một loại tiền kỹ thuật số vốn có khởi đầu như một trò đùa. Continue reading “Nạn sùng bái CEO: Trường hợp Elon Musk, Jack Ma và những mặt trái”

Bài học lịch sử về tình hình kinh tế – xã hội hậu đại dịch

Nguồn: “What history tells you about post-pandemic booms”, the Economist, 25/4/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Vào đầu những năm 1830, đại dịch tả gây ra thiệt hại nặng nề cho nước Pháp. Chỉ trong vòng một tháng, nó đã cướp đi sinh mạng của gần 3% dân số thủ đô Paris, các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải và các bác sĩ thì lúng túng trước căn bệnh mới này. Đại dịch chấm dứt đã thúc đẩy sự phục hồi kinh tế với việc Pháp theo chân Anh bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp. Nhưng đối với những ai đã đọc tác phẩm Les Misérables (Những người khốn khổ) thì sẽ biết rằng đại dịch này cũng góp phần thúc đẩy một cuộc cách mạng khác. Người nghèo trong thành phố, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, tỏ ra rất bất bình với thành phần giàu có, những kẻ chỉ biết trốn chạy về các vùng quê để tránh lây nhiễm bệnh. Pháp lâm vào vòng xoáy bất ổn chính trị suốt nhiều năm sau đó. Continue reading “Bài học lịch sử về tình hình kinh tế – xã hội hậu đại dịch”

Tìm hiểu logic của cưỡng ép kinh tế trong quan hệ quốc tế

Nguồn: Youngseok Park, “Understanding economic coercion”, East Asia Forum, 10/04/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Tháng 12 năm 2020, Trung Quốc đã chặn nhập khẩu than đá của Australia sau cuộc đối đầu chính trị ngày càng căng thẳng giữa hai nước. Hồi tháng 8 năm 2019, Nhật Bản cũng đã tăng cường các hạn chế đối với xuất khẩu sang Hàn Quốc sau phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc về các vấn đề lịch sử tranh cãi giữa hai nước. Sự cưỡng ép kinh tế như vậy gây hại cho cả hai bên vì nó làm gián đoạn trao đổi kinh tế.

Các biện pháp của Trung Quốc chống lại Úc tạo ra sự bất định và làm tăng chi phí kinh doanh. Các biện pháp hạn chế của Nhật phần lớn phản tác dụng sau khi các công ty Nhật chuyển hoạt động sản xuất sang Hàn Quốc và Châu Âu để cung cấp cho thị trường Hàn Quốc. Việc triển khai các biện pháp cưỡng ép kinh tế có thể không thực tế khi đối mặt với những chi phí này. Continue reading “Tìm hiểu logic của cưỡng ép kinh tế trong quan hệ quốc tế”

Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là gì?

Nguồn: What is a SPAC, Grab’s path to a $40bn listing?”, The Economist, 12/04/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Đầu tư vào các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special-purpose acquisition companies, hay SPAC), một loại hình công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ gây tranh cãi, ngày càng bùng nổ lên một tầm cao mới. Vào ngày 13 tháng 4, một kỷ lục mới đã được thiết lập khi Grab, công ty Đông Nam Á có hoạt động giống Uber cung cấp các dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán kỹ thuật số, đồng ý sáp nhập với một SPAC do công ty quản lý đầu tư của Mỹ Altimeter thành lập trong một thỏa thuận định giá Grab vào khoảng 40 tỷ đô la. Điều này giúp Grab có một lối tắt để được niêm yết trên sàn Nasdaq và là giao dịch mới nhất trong chuỗi các giao dịch tương tự (Lucid, một nhà sản xuất ô tô điện, là một ví dụ đáng chú ý khác). Continue reading “Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là gì?”

Niêm yết trực tiếp khác IPO như thế nào?

Nguồn: How does a direct listing differ from an IPO?”, The Economist, 02/04/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Những doanh nhân nào muốn biến công ty thành công ty đại chúng, và có thể tạo ra một gia tài khổng lồ cho mình trong quá trình này, đều thường nghĩ về việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Mặc dù đây là con đường phổ biến nhất để biến một công ty thành công ty đại chúng có cổ phiếu được giao dịch trên thị trường chứng khoán, đó không phải là con đường duy nhất. “Công ty mua lại có mục đích đặc biệt” (special-purpose acquisition company, hay SPAC) là một trong những lựa chọn thay thế ngày càng phổ biến. Hay “niêm yết trực tiếp” là một lựa chọn khác. Coinbase, một công ty khởi nghiệp tiền điện tử của Mỹ, đang lên kế hoạch niêm yết trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq ở New York trong tháng này, và Roblox, một nền tảng trò chơi điện tử, đã lên sàn giao dịch chứng khoán New York theo cách tương tự vào tháng trước. Nhưng chính xác thì niêm yết trực tiếp là gì và tại sao nó ngày càng phổ biến? Continue reading “Niêm yết trực tiếp khác IPO như thế nào?”

Tại sao Kênh đào Suez đối mặt với áp lực gia tăng?

Nguồn: Why the Suez Canal and other choke-points face growing pressure”, The Economist, 26/03/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Tuần này, Shoei Kisen Kaisha, một công ty Nhật Bản, đã phải đưa ra thông cáo báo chí xin lỗi sau khi con tàu của họ, Ever Given, bị mắc kẹt trên kênh đào Suez. Gió lớn được cho là đã làm con tàu chệch hướng vào thứ Ba, ngăn các tàu khác đi qua con kênh. Việc Ever Given bị mắc kẹt kéo dài đã dẫn tới sự hình thành hàng nghìn tranh ảnh biếm họa, nhưng thiệt hại về kinh tế không phải chuyện đùa. Kênh đào này chuyên chở 12% khối lượng thương mại toàn cầu và chỉ có một tuyến đường thay thế giữa châu Á và châu Âu là đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, vốn làm hành trình kéo dài thêm hơn một tuần. Kênh đào Suez là một trong nhiều tuyến đường biển hẹp mà giao thương hàng hải quốc tế phải dựa vào. Các tuyến khác còn có Kênh đào Panama nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, và eo biển Hormuz nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman. Ngay cả khi không có tàu nào dài cỡ Tòa nhà Empire State chắn ngang, những tuyến đường biển này cũng đang chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết. Continue reading “Tại sao Kênh đào Suez đối mặt với áp lực gia tăng?”