Thế giới hôm nay: 23/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga tiếp tục tấn công các khu vực của Ukraine sau khi đã oanh tạc dữ dội suốt cuối tuần. Cụ thể, quân Nga tiến vào Nikopol, một thành phố gần Zaporizhia, và bắn tên lửa hành trình vào Odessa. Trong một diễn biến khác, ủy viên ngoại giao của EU Josep Borrell bác bỏ ý tưởng cấm toàn bộ thị thực du lịch đến khu vực Schengen đối với người Nga, vốn được các nước thành viên giáp với Nga, bao gồm Estonia và Phần Lan, đề nghị. Thay vào đó, ông ủng hộ một cách tiếp cận “chọn lọc hơn” trước thềm đàm phán trong tuần tới.

Kinh tế Đức ngày càng có nhiều khả năng rơi vào suy thoái khi lạm phát tăng trên 10% trong mùa thu, theo ngân hàng trung ương nước này. Đức phụ thuộc nặng vào nguồn cung khí đốt từ Nga, với đường ống Nord Stream 1 một lần nữa bị đóng cửa ba ngày vào tuần tới. Giá TTF Hà Lan, một thang đo quan trọng cho giá khí đốt bán buôn của châu Âu, đã tăng 20% ​​lên 290 euro mỗi MWh. Continue reading “Thế giới hôm nay: 23/08/2022”

Khủng hoảng việc làm và cuộc “Đại nhảy lùi” của Tập Cận Bình

Nguồn: Craig Singleton, “Xi’s Great Leap Backward”, Foreign Policy, 04/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh hiện đã chẳng còn lý lẽ nào để bào chữa cho cuộc khủng hoảng việc làm tiềm tàng – và việc tái sinh các chính sách thời Mao.

Trung Quốc, thường được mệnh danh là “công xưởng của thế giới”, chiếm khoảng 30% sản lượng sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, có một mặt hàng mà Trung Quốc không thể sản xuất đủ nhanh: việc làm cho hàng triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng, gần 1/5 số người ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 hiện đang thất nghiệp, và hàng triệu người khác đang trong cảnh ‘bán thất nghiệp.’ Một khảo sát cho thấy trong số 11 triệu sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp đại học vào mùa hè này, chưa đến 15% đã nhận được lời mời làm việc vào giữa tháng 4. Trong khi tiền lương của các công nhân người Mỹ hoặc châu Âu tăng vọt, sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc năm nay có lẽ sẽ kiếm được ít hơn 12% so với nhóm tốt nghiệp năm 2021. Thậm chí, nhiều người trong số này có thể còn kiếm được ít hơn các tài xế xe tải – đấy là nếu họ đủ may mắn tìm được việc làm. Continue reading “Khủng hoảng việc làm và cuộc “Đại nhảy lùi” của Tập Cận Bình”

Thế giới hôm nay: 22/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Con gái của Alexander Dugin, một nhà tư tưởng dân tộc chủ nghĩa thường được mệnh danh là “bộ não của Putin,” đã bị ám sát ở ngoại ô Moscow bởi một quả bom xe. Vì Darya Dugina bị giết khi đang lái xe của cha cô, người ta tin rằng ông mới chính là mục tiêu. Cả hai cha con Dugin đều ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Nga ở Ukraine, và cả hai đều bị Anh và Mỹ trừng phạt.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói chính quyền nước ông sẽ không còn hình sự hóa tình dục đồng giới nam. Phát biểu tại một cuộc mít tinh, ông nói chính phủ sẽ bãi bỏ Mục 377A của Bộ luật Hình sự. Được biết luật này có từ thời thuộc địa, và sẽ phạt lên đến hai năm tù đối với các hành động“khiếm nhã thô thiển” giữa nam giới với nhau. Tuy nhiên hiện tại luật không được “thực thi một cách chủ động” – như ông Lee từng nói. Continue reading “Thế giới hôm nay: 22/08/2022”

Đại chiến lược của Việt Nam: Nhìn lại sau 5 năm

Tác giả: Ngô Di Lân

Cách đây 5 năm, tôi từng đăng tải một bài viết trên Nghiên cứu quốc tế với tiêu đề “Bàn về một đại chiến lược cho Việt Nam trong TK 21”. Mục tiêu chính của bài viết khi đó là cung cấp những đánh giá sơ bộ về các thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt, cũng như mô tả bốn đại chiến lược khả dĩ để ta có thể đương đầu với những thách thức này và bảo vệ lợi ích quốc gia. Tuy những phân tích và đánh giá trong bài viết đó về cơ bản vẫn còn giá trị, song tôi nhận thấy một bản “cập nhật” tại thời điểm này là hết sức cần thiết bởi trong thời gian qua, nền chính trị quốc tế đã chứng kiến nhiều thay đổi sâu rộng, và hệ quả là chúng ta đang sống ở trong một thế giới phức tạp, khó lường và nguy hiểm hơn so với trước đây. Continue reading “Đại chiến lược của Việt Nam: Nhìn lại sau 5 năm”

21/08/1980: PETA được thành lập

Nguồn: People for the Ethical Treatment of Animals (PETA) is founded, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, những người ủng hộ quyền động vật Ingrid Newkirk và Alex Pacheco đã thành lập tổ chức People for the Ethical Treatment of Animals (tạm dịch: Chống đối xử vô đạo đức với động vật), viết tắt là PETA. Vươn lên từ những khởi đầu khiêm tốn, PETA sẽ sớm trở thành tổ chức vì quyền động vật hoạt động mạnh mẽ nhất và cũng gây tranh cãi nhất trên thế giới.

Sở thích bảo vệ động vật của Newkirk bắt đầu từ 11 năm trước đó, khi cô tìm thấy một số chú mèo con bị bỏ rơi và kinh hoàng trước những gì chờ đợi chúng tại một trại động vật ở Thành phố New York. Cô gác lại kế hoạch trở thành một nhà môi giới chứng khoán, và thay vào đó tập trung vào động vật, cuối cùng trở thành nữ nhân viên chăm sóc động vật hoang đầu tiên trong lịch sử của Quận Columbia. Năm 1980, cô bắt đầu hẹn hò với Pacheco, một nghiên cứu sinh sau đại học và là nhà hoạt động từng tham gia chuyến tàu bảo vệ cá voi. Hai người đồng sáng lập PETA một thời gian ngắn sau đó. Continue reading “21/08/1980: PETA được thành lập”

Đánh giá chính sách đối ngoại của chính quyền Biden sau nửa nhiệm kỳ

Nguồn: Stephen M. Walt, “Biden Needs Architects, Not Mechanics, to Fix U.S. Foreign Policy,” Foreign Policy, 12/07/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trong lúc bầu cử giữa kỳ đang đến gần, Washington đã bị cản trở bởi tư duy nhóm và sự thiếu tầm nhìn, khiến họ không thể tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề của kỷ nguyên mới.

Tôi vừa trở về nhà sau kỳ nghỉ, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden thì đã lên đường tới Trung Đông. Tôi nhận ra đây là thời điểm thích hợp để đánh giá kết quả chính sách đối ngoại của chính quyền. Tôi đã bỏ phiếu cho Biden vào năm 2020 và thực sự cảm thấy nhẹ nhõm khi ông được bầu, nhưng tôi lo rằng Biden và đội ngũ nhân viên quá hòa hợp của ông sẽ không đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ thiết kế chính sách đối ngoại và đại chiến lược cho thế kỷ 21. Điều nguy hiểm là họ sẽ lại quay về với những ý tưởng hão huyền, những câu khẩu hiệu, và những chính sách có thể đã thành công trong Chiến tranh Lạnh, nhưng từ đó đến nay gần như luôn thất bại. Continue reading “Đánh giá chính sách đối ngoại của chính quyền Biden sau nửa nhiệm kỳ”

20/08/1911: Bức điện tín vòng quanh thế giới đầu tiên được gửi đi

Nguồn: First around-the-world telegram sent, 66 years before Voyager II launch, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1911, một nhân viên điều phối tại văn phòng New York Times đã gửi đi bức điện tín vòng quanh thế giới đầu tiên, sử dụng dịch vụ thương mại. Đúng 66 năm sau, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) gửi đi một loại thông điệp khác – một đĩa than chứa thông tin về Trái Đất, gửi đến các sinh vật ngoài hành tinh – khi tàu vũ trụ không người lái Voyager II được phóng vào không gian.

Tờ Times quyết định gửi bức điện năm 1911 nhằm xác định tốc độ mà một thông điệp thương mại có thể được gửi đi vòng quanh thế giới bằng cáp điện báo. Thông điệp – chỉ đơn giản có nội dung là “This message sent around the world” (Thông điệp này được gửi đi vòng quanh thế giới), rời khỏi phòng điều phối trên tầng 17 của tòa soạn Times ở New York vào lúc 7 giờ tối ngày 20/08. Continue reading “20/08/1911: Bức điện tín vòng quanh thế giới đầu tiên được gửi đi”

Khủng hoảng Đài Loan phủ bóng lên khu vực Đông Nam Á

Tác giả: Huỳnh Tâm Sáng

Cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng và căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung – Đài đang đẩy các quốc gia Đông Nam Á vào thế khó.

Chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào đầu tháng 8 đã khép lại. Tuy vậy, ảnh hưởng của hoạt động này vẫn làm dậy sóng khu vực eo biển, thổi bùng bất đồng trong quan hệ vốn căng thẳng giữa Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ. Việc bà Pelosi – chính khách cao cấp thứ ba của Washington – lựa chọn Đài Loan là một trong những điểm đến trong chuyến công du châu Á vừa qua góp phần củng cố quan hệ Mỹ – Đài, tái khẳng định sự công nhận của Washington dành cho vị thế chính trị của Đài Bắc. Động thái nói trên phản ánh thái độ cứng rắn và sức mạnh của Mỹ trước sức ép từ Bắc Kinh, yếu tố có thể làm lan toả các tác động địa chính trị đối với các quốc gia Đông Nam Á. Continue reading “Khủng hoảng Đài Loan phủ bóng lên khu vực Đông Nam Á”

Thế giới hôm nay: 19/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Allen Weisselberg, giám đốc tài chính lâu năm của tập đoàn bất động sản của Donald Trump, đã nhận 15 tội danh trốn thuế do tổng chưởng lý New York đệ trình. Ông đồng ý làm chứng nếu được yêu cầu tại một phiên tòa khác kiện Tập đoàn Trump. Để đổi lấy lời nhận tội, ông được giảm án xuống còn 5 tháng tù thay vì 15 năm. Các công tố viên cáo buộc ông Weisselberg trốn đóng thuế đối với các đặc quyền, chẳng hạn như một căn hộ thuê miễn phí và học phí cho các cháu của mình.

Nga cảnh báo thảm họa tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, mà nước này chiếm được hồi tháng 3, và đe dọa đóng cửa nếu pháo kích tiếp diễn. Công ty hạt nhân Energoatom của Ukraine nói điều này có nguy cơ gây ra “thảm họa phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu.” Hôm thứ Năm, bộ ngoại giao Nga đã từ chối phi quân sự hóa khu vực xung quanh nhà máy, mặc cho đích thân tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres kêu gọi. Continue reading “Thế giới hôm nay: 19/08/2022”

Lính Triều Tiên có thể sẽ xuất hiện ở miền đông Ukraine?

Nguồn: A.B. Abrams, “Will We See North Korean Forces in Eastern Ukraine?,” The Diplomat, 10/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cam kết quân sự của Bình Nhưỡng có thể thành hiện thực như thế nào?

Các báo cáo từ nhiều nguồn tin của Nga và từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk tự xưng ở miền đông Ukraine cho thấy, Triều Tiên có thể sẽ triển khai lực lượng vũ trang của mình cho các chiến dịch tại Ukraine. Bình Nhưỡng chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với hai nước cộng hòa ly khai vào ngày 13/07, và chỉ vài ngày sau đó, có thông tin cho rằng công nhân Triều Tiên sẽ được cử đến để hỗ trợ các nỗ lực tái thiết ở miền đông Ukraine. Nhà nước Đông Á này nhiều khả năng cũng hỗ trợ và tham gia vào các phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh ở Donetsk. Continue reading “Lính Triều Tiên có thể sẽ xuất hiện ở miền đông Ukraine?”

18/08/1590: Cư dân Thuộc địa Đảo Roanoke biến mất bí ẩn

Nguồn: Roanoke Colony deserted, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1590, trở về sau chuyến đi đến Anh để nhận đồ tiếp tế, John White, Thống đốc của Thuộc địa Đảo Roanoke, ngày nay thuộc Bắc Carolina, đã chứng kiến cảnh khu định cư của mình bị bỏ hoang. White và cấp dưới đã không tìm thấy dấu vết của khoảng 100 cư dân đang sống tại thuộc địa, cũng chẳng hề có dấu hiệu của bạo lực. Trong số những người mất tích có Ellinor Dare, con gái của White, và Virginia Dare, cháu gái của White đồng thời là đứa trẻ người Anh đầu tiên sinh ra ở đất Mỹ. Ngày 18/08 thực ra là sinh nhật thứ ba của Virginia. Manh mối duy nhất cho sự biến mất bí ẩn của đoàn người này là từ “CROATOAN” được khắc trên hàng rào quanh khu định cư. White cho rằng thông điệp này có nghĩa là cư dân thuộc địa đã chuyển đến Đảo Croatoan, cách đó khoảng 50 dặm, nhưng cuộc tìm kiếm trên đảo sau đó đã không mang lại kết quả nào. Continue reading “18/08/1590: Cư dân Thuộc địa Đảo Roanoke biến mất bí ẩn”

Trung Quốc nhắm vào Đài Loan và Okinawa sau chuyến thăm của Pelosi

Nguồn: Katsuji Nakazawa, “China targets Taiwan, Okinawa in Pelosi damage control,” Nikkei Asia, 11/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Trò chơi nguy hiểm của Tập có nguy cơ gây xung đột rộng lớn hơn.

Khi chiếc Boeing C-40C của Không quân Mỹ chở theo Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hạ cánh an toàn tại sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc, vào đêm muộn ngày 2/8, những lời phàn nàn bắt đầu xuất hiện khắp Trung Quốc.

“Chết tiệt! Thật không thể tin được!”

“Cái gì? Máy bay đã hạ cánh rồi sao?”

“Không có chuyện Trung Quốc sánh ngang với Putin về chiến lược đâu.” Continue reading “Trung Quốc nhắm vào Đài Loan và Okinawa sau chuyến thăm của Pelosi”

Thế giới hôm nay: 18/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ukraine ám chỉ chính họ đã tiến hành các vụ nổ hôm thứ Ba tại căn cứ quân sự của Nga ở Crimea, nơi vốn nằm cách xa chiến tuyến. Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak dự đoán sẽ còn nhiều cuộc tấn công tương tự. Trong khi đó, nhà lãnh đạo tự xưng của khu vực ly khai Donetsk ra cam kết phát triển “hợp tác song phương bình đẳng cùng có lợi” trong thư gửi Triều Tiên, nước hồi tháng 7 đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới công nhận độc lập cho Donetsk.

Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence yêu cầu đảng Cộng hòa ngừng chỉ trích các cơ quan thực thi pháp luật xoay quanh vụ đột kích của FBI vào Mar-a-Lago, nhà riêng của cựu tổng thống Donald Trump. Nhiều người trong đảng đã chỉ trích cuộc đột kích, với một số thậm chí kêu gọi “ngừng cấp ngân sách” cho FBI. Ông Pence nói luận điệu này “chẳng khác nào kêu gọi bãi bỏ cảnh sát.” Ngoài ra ông còn nói nếu được yêu cầu, ông sẽ cân nhắc hợp tác với ủy ban Hạ viện đang điều tra vai trò của ông Trump trong vụ bạo động 6 tháng 1. Continue reading “Thế giới hôm nay: 18/08/2022”

Về thương vong của quân đội Nhật trong Thế chiến II

Tổng hợp: Nguyễn Hải Hoành

Trong Thế chiến II, số binh sĩ Lục quân Nhật chết và mất tích là 1.439.101 người, số binh sĩ Hải quân chết và mất tích là 419.710 người, tổng số là 1.858.811 người. Đây là con số thống kê tính đến năm 1952, khi ấy còn mấy trăm nghìn tù binh Nhật đang lao động tại các công trình xây dựng ở Liên Xô, chưa rõ tình hình sống chết ra sao.

Năm 1966 Nhật và Liên Xô khôi phục quan hệ ngoại giao, sau đó toán tù binh cuối cùng bị giam ở Tây Siberia được trao trả về Nhật. Trong dịp đó, một số tội phạm chiến tranh Nhật được tòa án Trung Quốc xét xử tha bổng cũng được về nước. Như vậy toàn bộ quân đội Nhật đóng ở nước ngoài đều đã về nước. Continue reading “Về thương vong của quân đội Nhật trong Thế chiến II”

Cuộc di cư khổng lồ của tầng lớp trí thức Nga

Nguồn:Much of Russia’s intellectual elite has fled the country,” The Economist, 09/08/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Cuộc di cư sẽ có những tác động đáng kể đối với nước Nga và với chính những người lưu vong.

Vào một đêm thứ Bảy ấm áp và mát mẻ, khoảng vài chục người Nga – hầu hết đang trong độ tuổi 20 và 30 – đã cùng nhau chen chúc trong một căn hộ nhỏ kiểu Liên Xô ở Vakke, khu nhà giàu thuộc Tbilisi, thủ đô của Gruzia, và giờ đây, là ngôi nhà mới của họ. Trong khi hàng nghìn đồng hương khác đang thưởng thức đồ ăn và rượu của Gruzia trong các quán cà phê đường phố và quán bar nói tiếng Nga, thì những người này quây quần bên chiếc máy chiếu, tổ chức một sự kiện mà họ gọi là “hội nghị tại gia”. Continue reading “Cuộc di cư khổng lồ của tầng lớp trí thức Nga”

16/08/2009: Usain Bolt lập kỷ lục thế giới chạy nước rút cự ly 100 mét

Nguồn: Usain Bolt sets 100-meter dash world record, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2009, dưới ánh đèn của Sân vận động Olympic Berlin, trong Giải Vô địch Điền kinh Thế giới, Usain Bolt, 22 tuổi, đã tạo dáng hình tia chớp và cười rất tươi vì vừa mới lập kỷ lục. Khi đó, vận động viên người Jamaica, cũng là người đàn ông nhanh nhất thế giới, đã phá kỷ lục thế giới của chính mình trên đường chạy 100 mét, hoàn tất chặng đua chỉ trong 9,58 giây. Anh đã trở thành người đầu tiên chạy hết cự ly này trong vòng chưa đầy 9,6 giây.

Thành tích 9,69 giây của Bolt tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008 không chỉ là một kỷ lục thế giới, mà còn là lần đầu tiên cự ly 100 mét được hoàn tất dưới 9,7 giây. Tốc độ khủng khiếp và tính cách thoải mái, vui tươi đã giúp Bolt nổi tiếng toàn thế giới sau khi giành huy chương vàng Olympic, nhưng các nhà quan sát chỉ ra rằng anh đã không sử dụng tốc độ tối đa của mình trong cuộc đua ở Bắc Kinh. Ngay sau đó, nhiều người đồn đoán, Bolt có thể xô đổ kỷ lục thế giới của chính mình. Continue reading “16/08/2009: Usain Bolt lập kỷ lục thế giới chạy nước rút cự ly 100 mét”

Thế giới hôm nay: 16/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ukraine nói Nga đã không thể tiến vào một số thị trấn ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Cụ thể, Kyiv báo cáo về các cuộc pháo kích dữ dội và “giao tranh ác liệt” trong khu vực, vốn đang là điểm nóng chiến trường. Pháo kích cũng được ghi nhận ở vùng Kherson, nơi Ukraine đang nỗ lực phản công.

Ủy ban bầu cử quốc gia của Kenya tuyên bố phó tổng thống William Ruto là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, dù có tới bốn thành viên ủy ban từ chối phê duyệt kết quả. Phe của Raila Odinga, ứng cử viên đối lập được tổng thống mãn nhiệm Uhuru Kenyatta ủng hộ, cũng đặt ra nghi vấn về kết quả mà họ cho là không thể xác minh được. Continue reading “Thế giới hôm nay: 16/08/2022”

Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P2)

Nguồn: Pak Yiu, “Hong Kong’s identity in crisis after 25 years of Beijing rule,” Nikkei Asia, 29/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

Bảo tồn văn hóa Hong Kong

Động lực này đã giúp các nhóm bảo tồn văn hóa mọc lên như nấm, ngay cả ở những nơi như Cộng hòa Séc. Tại đây, Loretta Lau đã thành lập một nhóm nghệ thuật và văn hóa có tên là NGO DEI, có nghĩa là “chúng tôi” trong tiếng Quảng Đông. Nhóm này mở một không gian ở Praha chuyên phục vụ trà sữa, mì bò sa tế, bánh trứng và bánh cuốn – những món ăn đặc sản của Hong Kong. Họ cũng tổ chức nhiều triển lãm nghệ thuật.

Lau, người đã chuyển đến sống tại Praha vào năm 2018 để theo đuổi nghiệp nghệ sĩ biểu diễn, đã thành lập NGO DEI vào năm ngoái nhằm chia sẻ văn hóa của mình và kết nối với những người Hong Kong không có kế hoạch trở về quê nhà, giống như cô. Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei, Lau đã liên hệ cuộc đấu tranh của Hong Kong với Mùa xuân Praha bị Liên Xô đàn áp vào năm 1968, và Cách mạng Nhung, phong trào biểu tình tháng 11/1989 đã dẫn đến sự kết thúc của chế độ độc đảng. Continue reading “Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P2)”

Thế giới hôm nay: 15/08/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

8 người bị thương, với một số bị thương nặng, sau vụ nổ súng gần Bức tường phía Tây ở Jerusalem. Cảnh sát Israel đang coi vụ việc này, vốn làm bị thương một phụ nữ mang thai, là khủng bố. Chỉ mới tuần trước Israel và nhóm Thánh chiến Hồi giáo Palestine đã đồng ý ngừng bắn, sau khi một số thủ lĩnh của nhóm này bị máy bay không người lái của Israel tiêu diệt. Không rõ liệu các sự kiện có liên quan với nhau hay không, nhưng tình hình đang rất căng thẳng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói những lính Nga nào nổ súng vào nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia sẽ bị coi là “mục tiêu đặc biệt.” Là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, cơ sở này bị Nga chiếm từ tháng Ba. Ông Zelensky cũng nói quân Nga đang khiêu khích bằng cách tấn công Zaporizhzhia và bắn tên lửa vào các lực lượng Ukraine từ bên trong nhà máy. Continue reading “Thế giới hôm nay: 15/08/2022”

Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P1)

Nguồn: Pak Yiu, “Hong Kong’s identity in crisis after 25 years of Beijing rule,” Nikkei Asia, 29/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bị buộc phải rời khỏi thành phố sau những cuộc đàn áp của Trung Quốc, cộng đồng người Hong Kong hải ngoại đang chiến đấu để cứu nền văn hóa ở quê nhà.

Có một cảm giác hoài cổ phảng phất trong hội chợ Hong Kong khai mạc ở Vancouver, khi khoảng 3.000 người tham dự đi từ gian hàng này sang gian hàng khác, trò chuyện bằng tiếng Quảng Đông và chia sẻ những kỷ niệm về thành phố quê hương của họ.

Trong số những món đồ được bày bán có những cây nến hình dim sum, trang sức hình chiếc ô, và tranh vẽ đường chân trời rực sáng ở Cảng Victoria. Continue reading “Khủng hoảng bản sắc ở Hong Kong sau 25 năm Bắc Kinh cai trị (P1)”