02/04/1805: Ngày sinh Hans Christian Andersen

Nguồn: Hans Christian Andersen is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1805, Hans Christian Andersen, một trong những người kể chuyện vĩ đại nhất thế giới, đã sinh ra ở Odense, gần Copenhagen.

Cha của Andersen qua đời khi ông còn niên thiếu và ông đã phải đến làm việc ở nhà máy một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông đã thể hiện tài năng tuyệt vời về ngôn ngữ và đậu vào Đại học Copenhagen năm 1828. Một năm sau, ông xuất bản truyện ngắn trào phúng A Journey on Foot from Holmen’s Canal to the East Point of Amage (Hành trình đi bộ từ Kênh Holmen đến Cực Đông của Amage), sau này trở thành tác phẩm quan trọng đầu tiên của ông. Continue reading “02/04/1805: Ngày sinh Hans Christian Andersen”

Singapore: Nghịch lý phát triển

Tác giả: Hồ Sĩ Quý *

Tóm tắt: Singapore là hiện tượng kỳ diệu của thế giới ở thế kỷ 20. Từ một thị trấn nghèo qua 3 thập niên với ý chí quyết đoán của người đứng đầu là Lý Quang Diệu, Singapore đã trở thành “thiên đường của chủ nghĩa tư bản”. Năm 2014, GNP đầu người của nước này là 72.000 USD tính theo PPP. Xã hội thịnh vượng. Môi trường trong lành. Quan chức liêm khiết. Cả thế giới muốn bắt chước, nhưng có nhiều điều không thể bắt chước và cũng có nhiều điều người ta không muốn bắt chước. Bởi Singapore phát triển trong những nghịch lý không dễ lý giải, mà nghịch lý lớn nhất là “cất cánh” rồi “hóa rồng” trong môi trường ít nhiều độc đoán, độc tài. Tự do, dân chủ bị quản lý chặt. Nhà nước can thiệp sâu vào đời sống, thậm chí đời sống riêng tư của người dân. Kinh tế thị trường sôi động nhưng “bàn tay vô hình” của nó bị điều khiển bởi nhà nước. Tôn vinh đặc thù châu Á nhưng rất gần với phương Tây. Rất chú ý đến tính xã hội của sự phát triển nhưng lại xây dựng thành công một kiểu xã hội tư bản chủ nghĩa. Continue reading “Singapore: Nghịch lý phát triển”

01/04/1924: Hitler bị kết án vì tham gia Đảo chính Nhà hàng Bia

Nguồn: Hitler sentenced for his role in Beer Hall Putsch, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1924, Adolf Hitler đã bị kết án vì vai trò của ông ta trong Đảo chính Nhà hàng Bia (Beer Hall Putsch) diễn ra vào ngày 8/11/1923. Âm mưu đảo chính ở Munich mà các thành viên cánh hữu của quân đội và Đảng Quốc Xã lập ra đã bị chính phủ ngăn chặn, và Hitler bị buộc tội phản quốc. Dù bị tuyên án, Hitler vẫn ra tù trước cuối năm, với vị thế chính trị mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Continue reading “01/04/1924: Hitler bị kết án vì tham gia Đảo chính Nhà hàng Bia”

Bước ngoặt mới cho quan hệ Việt-Mỹ?

Tác giả: Nguyễn Quang Dy

Năm 2015, TBT Nguyễn Phú Trọng đến thăm Mỹ và được Tổng thống Obama tiếp chính thức tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng như khi đón tiếp nguyên thủ quốc gia. Trong phát biểu của Phó Tổng thống Biden khi chiêu đãi TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bộ Ngoại Giao, ông đã đọc câu thơ Kiều “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Không biết ông Biden có định “bói Kiều” hay không, nhưng có lẽ năm nay là thời điểm phù hợp để “vén mây giữa trời” và nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ. Continue reading “Bước ngoặt mới cho quan hệ Việt-Mỹ?”

Chuyển động Quốc Phòng (24/3 – 30/3/2023)

Thực hiện: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Chiến tranh Nga – Ukraine:

Thế giới hôm nay: 31/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chính quyền Biden lên án “bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất có thể” việc Nga bắt giữ một phóng viên của tờ Wall Street Journal vì cáo buộc làm gián điệp. Cơ quan an ninh nội địa Nga đã bắt giữ Evan Gershkovich tại Yekaterinburg, một thành phố ở rìa Siberia; họ cho rằng ông đang thu thập thông tin bí mật về các nhà máy quân sự của Nga. Ông là nhà báo đầu tiên làm việc cho một toà soạn Mỹ bị Nga bắt giữ kể từ đầu chiến tranh Ukraine — và là người đầu tiên bị bắt vì cáo buộc gián điệp kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Lạm phát của Đức giảm từ 8,7% xuống 7,4% so với cùng kỳ tháng 3 nhờ chi phí năng lượng lắng xuống. Con số này cao hơn dự đoán của giới phân tích và nhỏ so với mức giảm của Tây Ban Nha, nơi có lạm phát chỉ tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính lạm phát cho cả khu vực đồng euro sẽ được công bố vào thứ Sáu. Lạm phát yếu hơn sẽ thúc đẩy Ngân hàng Trung ương châu Âu tạm dừng tăng lãi suất; cuộc họp tiếp theo của họ là vào tháng 5. Continue reading “Thế giới hôm nay: 31/03/2023”

Tác động từ gánh nặng lãi suất tăng cao của kinh tế thế giới

Nguồn: The world’s interest bill is $13trn—and risingThe Economist.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau thập niên 2010 với lãi suất đầy ưu đãi, giá cả tăng cao đang khiến các ngân hàng trung ương trở nên bận rộn hơn. Trong quý đầu năm 2021, lãi suất chính sách ở 58 nền kinh tế giàu và mới nổi chỉ ở mức trung bình 2,6%. Nhưng đến quý cuối năm 2022, con số này đã tăng lên 7,1%. Trong khi đó, tổng nợ ở các nước trên cũng tăng lên mức 298 nghìn tỷ đô la, tương đương 342% tổng GDP, so với mức 255 nghìn tỷ đô la, tương đương 320% GDP thời trước đại dịch.

Thế giới càng mắc nợ nhiều thì càng nhạy cảm hơn với lãi suất tăng. Để đánh giá tác động của vay mượn và lãi suất tăng, The Economist đã ước tính hóa đơn lãi suất của các công ty, hộ gia đình và chính phủ ở 58 nước trên. Tổng cộng các nền kinh tế này chiếm hơn 90% GDP toàn cầu. Hóa đơn lãi suất của họ đạt 10,4 nghìn tỷ đô la vào năm 2021, tương đương 12% GDP. Nhưng chỉ một năm sau, con số này đã lên tới 13 nghìn tỷ đô la, tương đương 14,5% GDP. Continue reading “Tác động từ gánh nặng lãi suất tăng cao của kinh tế thế giới”

30/03/1980: 123 công nhân dầu mỏ chết đuối ở Biển Bắc

Nguồn: Oil workers drown in North Sea, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1980, hệ thống căn hộ nổi dành cho công nhân dầu mỏ ở Biển Bắc đã bị sập, khiến cho 123 người thiệt mạng.

“Tòa nhà” Alexander Kielland khi đó là nơi ở của 208 người đang làm việc trên giàn khoan dầu Edda, thuộc mỏ dầu Ekofisk, cách Dundee, Scotland 378 km về phía đông. Hầu hết công nhân của Phillips Petroleum đến từ Na Uy, dù một số ít là người Mỹ và người Anh. Được nâng đỡ bởi hai bệ phao lớn, tòa nhà có phòng ngủ, nhà bếp, và sảnh khách, được dùng làm nơi để công nhân nghỉ ngơi khi không phải làm việc. Continue reading “30/03/1980: 123 công nhân dầu mỏ chết đuối ở Biển Bắc”

Thế giới hôm nay: 30/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sergio Ermotti quay lại làm giám đốc điều hành UBS sau khi ngân hàng này tiếp quản Credit Suisse. Ông Ermotti từng lãnh đạo ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ này trong 9 năm trước khi từ chức vào năm 2020. Hiện là chủ tịch đương nhiệm của Swiss Re, một công ty tái bảo hiểm, ông sẽ lên thế chỗ Ralph Hamers, một người Hà Lan. Thương vụ 3,25 tỷ đô la đã khép lại sự sụp đổ đáng kinh ngạc của Credit Suisse, khi người gửi tiền và các đối tác rút khỏi ngân hàng này chỉ trong một tuần làm việc của tháng 3.

Tên lửa Ukraine đã tấn công các khu vực do Nga chiếm đóng, phá hủy một trạm đường sắt và làm mất điện ở thành phố Melitopol miền nam. Đòn tấn công diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán Ukraine sớm mở cuộc phản công mùa xuân. Trong khi đó, ông Rafael Grossi, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc, đã đến nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, hiện do Nga nắm giữ, và kêu gọi một thỏa thuận bảo vệ nhà máy. Continue reading “Thế giới hôm nay: 30/03/2023”

“Kế hoạch Hòa bình Ukraine” của Trung Quốc thực chất là về Đài Loan

Nguồn: Craig Singleton, “China’s Ukraine Peace Plan Is Actually About Taiwan,” Foreign Policy, 06/03/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Đề xuất của Bắc Kinh đã đặt ra các điều kiện để nước này giành chiến thắng trong một cuộc chiến ở Đông Á.

Sau 12 tháng dài đằng đẵng, Trung Quốc dường như không còn khả năng ảnh hưởng đến kết quả cuộc chiến của Nga ở Ukraine so với lúc xung đột mới bắt đầu. Giờ đây, khi chỉ còn là một người quan sát, vai trò chính của Bắc Kinh là cung cấp cho Moscow một huyết mạch tài chính bằng cách tăng cường mua dầu thô và than đá với giá chiết khấu, đồng thời cũng gặp được vận may bất ngờ từ lượng xuất khẩu tăng mạnh sang Nga. Tuy nhiên, những biện pháp này và các biện pháp nửa vời khác của Trung Quốc có lẽ chỉ nhằm mục đích đảm bảo Nga sẽ có những gì nước này cần để duy trì nền kinh tế thời chiến của mình – chứ không phải thực sự giành chiến thắng trong cuộc chiến. Continue reading ““Kế hoạch Hòa bình Ukraine” của Trung Quốc thực chất là về Đài Loan”

Thế giới hôm nay: 29/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Công tố viên Mỹ buộc tội Sam Bankman-Fried, nhà sáng lập của sàn giao dịch tiền điện tử FTX, hối lộ quan chức Trung Quốc. Chính phủ Mỹ cáo buộc ông Bankman-Fried trả 40 triệu đô la tiền điện tử để lấy lại quyền truy cập các tài khoản giao dịch có hơn 1 tỷ đô la bị chính quyền Trung Quốc đóng băng. Ngoài ra ông Bankman-Fried còn mười hai cáo buộc hình sự khác (ông hầu hết không nhận tội) sau vụ sụp đổ của FTX hồi tháng 11.

Alibaba công bố kế hoạch tách đế chế công nghệ khổng lồ của mình thành sáu công ty độc lập, cuộc tái cấu trúc lớn nhất trong lịch sử hãng. Trong số sáu công ty này, ngoài một chỉ kinh doanh thương mại điện tử trong nước, số còn lại sẽ huy động vốn từ bên ngoài để hướng đến lên sàn. Alibaba đang hy vọng khôi phục giá cổ phiếu sau cuộc đàn áp công nghệ của chính quyền Trung Quốc từ năm 2020, vốn góp phần làm cổ phiếu của họ mất tới 70% giá trị. Continue reading “Thế giới hôm nay: 29/03/2023”

28/03/1814: Tang lễ người phát minh máy chém

Nguồn: Funeral held for the man behind the guillotine, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1814, tang lễ của Bác sĩ Joseph-Ignace Guillotin, cha đẻ của máy chém (guillotine) khét tiếng, đã diễn ra bên ngoài Paris, Pháp. Theo Guillotin, động cơ khiến ông phát minh ra cỗ máy là cực kỳ trong sáng và ông đã vô cùng đau khổ khi chứng kiến danh tiếng của mình bị hoen ố. Guillotin tạo ra cỗ máy cho người Pháp như một “cử chỉ nhân đạo” trong cuộc cải cách tư pháp hình sự diễn ra vào năm 1789. Cỗ máy nhằm thể hiện sự tiến bộ về tri thức và xã hội của Cách mạng Pháp; bằng cách xử tử quý tộc cũng như dân thường theo cùng một cách, theo đó đảm bảo sự bình đẳng lúc bị tử hình. Continue reading “28/03/1814: Tang lễ người phát minh máy chém”

Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh

Nguồn: Louis Raymond, “Nguyễn Thế Anh, l’historien sur le fil”, Les Cahiers du Nem, 19/07/2021

Biên dịch: Phản Tư

Nguyễn Thế Anh là sử gia chuyên về Việt Nam và Đông Nam Á, sinh năm 1936, tác giả của hơn 120 ấn phẩm gồm sách và bài viết. Nhà làm phim tài liệu Florence Tran, sau khi lên kế hoạch quay một loạt phỏng vấn với ông trong tháng Sáu và tháng Bảy năm 2021, đã đề nghị tôi dẫn chương trình cho một trong số đó. Tôi nhận lời với tất cả nhiệt tình vì đây là lần đầu tiên tôi được gặp một tác giả mà các tác phẩm của ông chưa bao giờ thôi cuốn hút tôi. Nguyễn Thế Anh là một nhà trí thức đi trên lằn ranh, luôn cố gắng làm công việc của mình và không dính dáng tới chính trị, ngay cả khi bị kẹt giữa hai làn đạn. Continue reading “Nguyễn Thế Anh: Sử gia đi trên lằn ranh”

Ukraine và tính bất định của trật tự toàn cầu (P2)

Nguồn: Hal Brands, “Ukraine and the Contingency of Global Order,” Foreign Affairs, 14/2/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Xem thêm: Phần 1

Có thể và có lẽ

Hãy xem xét những ngày đầu đầy hỗn loạn của cuộc chiến, khi Ukraine lâm vào tình thế khó khăn nghiêm trọng. Quân đội của nước này được trang bị kém và phải chịu áp đảo về quân số trên các mặt trận quan trọng, thậm chí lên đến tỷ lệ 12:1 ở các vùng xung quanh Kyiv. Lực lượng Nga khi đó đã càn quét miền nam Ukraine, chiếm Kherson và thiết lập một hành lang đường bộ nối với Crimea. Ở phía bắc và phía đông, các thành phố lớn – gồm cả Kyiv và Kharkiv – đã bị bao vây. Những kẻ phá hoại và sát thủ người Nga nhanh chóng xuất hiện ở Kyiv, tìm cách giết Zelensky và tiêu diệt chính phủ Ukraine. Continue reading “Ukraine và tính bất định của trật tự toàn cầu (P2)”

Thế giới hôm nay: 27/03/2023

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Người đứng đầu ngành an ninh của Ukraine, Oleksiy Danilov, nói Nga đang bắt Belarus làm “con tin” sau tuyên bố đặt vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước này, vì làm vậy gây bất ổn cho Belarus. Hôm thứ Bảy, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình nhà nước rằng ông đã đạt thỏa thuận trên với người đồng cấp Alexander Lukashenko. Ông nói quyết định không vi phạm các thỏa thuận không phổ biến vũ khí hạt nhân và không có gì bất thường, vì Mỹ đã làm điều tương tự với các đồng minh của mình.

Thủ tướng Israel Binyamin Netanyahu đã sa thải bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant sau khi ông thúc giục chính phủ xem xét lại kế hoạch cắt giảm quyền hạn của Tòa án Tối cao. Việc sa thải ông Gallant được một số người coi là dấu hiệu cho thấy quyết tâm của ông Netanyahu, nhất là sau dòng tweet “Cải cách ngay bây giờ!” của Itamar Ben Gvir, bộ trưởng an ninh quốc gia của đảng cực hữu. Người biểu tình bắt đầu tụ tập bên ngoài trụ sở quân đội ở Tel Aviv. Continue reading “Thế giới hôm nay: 27/03/2023”

Ukraine và tính bất định của trật tự toàn cầu (P1)

Nguồn: Hal Brands, “Ukraine and the Contingency of Global Order,” Foreign Affairs, 14/2/2023

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Điều gì sẽ xảy ra nếu cuộc chiến ở Ukraine diễn ra theo một cách khác – hoặc chuyển hướng đột ngột?

Người ta nói rằng vòng cung đạo đức của vũ trụ rất dài, nhưng nó luôn hướng về phía công lý. Đây là một cách hay để phân tích năm đầu tiên của cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Đúng là người Ukraine khó mà thấy được công lý trong một cuộc xung đột đã tàn phá lãnh thổ, nền kinh tế, và con người của đất nước họ. Nhưng chí ít, cuộc chiến cũng đã hủy hoại quân đội của Tổng thống Nga Vladimir Putin và làm tiêu tan khát vọng đế quốc của ông. Cuộc chiến đã chứng kiến Ukraine vượt xa gần như tất cả những kỳ vọng ban đầu. Nó đã thống nhất và tiếp thêm sinh lực cho phương Tây. Dường như, người tốt đang chiến thắng, còn kẻ xấu đang phải nhận sự trừng phạt mà vũ trụ dành cho những ai chọn đứng về lề trái của lịch sử. Continue reading “Ukraine và tính bất định của trật tự toàn cầu (P1)”

26/03/1953: Tiến sĩ Jonas Salk công bố vaccine bại liệt

Nguồn: Dr. Jonas Salk announces polio vaccine, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, nhà nghiên cứu y học người Mỹ, Tiến sĩ Jonas Salk, thông báo trên một chương trình phát thanh quốc gia rằng ông đã thử nghiệm thành công một loại vaccine chống lại virus bại liệt (poliomyelitis). Năm 1952, năm mà dịch bệnh bại liệt hoành hành tại Mỹ – đã có 58.000 trường hợp nhiễm mới được báo cáo và hơn 3.000 người chết vì căn bệnh này. Nhờ công trình giúp tiêu diệt căn bệnh được gọi là “bệnh liệt ở trẻ sơ sinh” (vì nó chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em), Tiến sĩ Salk đã được tôn vinh là bác sĩ vĩ đại vào thời của ông. Continue reading “26/03/1953: Tiến sĩ Jonas Salk công bố vaccine bại liệt”

Đại Việt dưới thời Vua Lê Nhân Tông (P1)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vua Nhân Tông tên húy Bang Cơ, con thứ ba của Thái Tông; mẹ là Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, người làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Vua sinh ngày mồng 9 tháng 6 năm Tân Dậu Đại Bảo thứ 2 [27/6/1441]; ngày 16 tháng 11 [29/11/1441] lập làm Hoàng thái tử. Ngày 12 tháng 8 năm Đại Bảo thứ 3 [15/9/1442], đại thần là bọn Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với bọn Lê Liệt, Lê Bôi tôn lên ngôi, lúc ấy Vua mới 2 tuổi; lấy năm sau làm Thái Hòa năm thứ 1.

Mở đầu kỷ nguyên Thái Hòa năm thứ nhất [1443], bấy giờ vua mới 3 tuổi, nên Thái hậu Nguyễn Thị Anh coi chính sự, quyết đoán việc nước. Xuống chiếu cầu lời nói thẳng, để sửa chữa những chỗ thiếu sót: Continue reading “Đại Việt dưới thời Vua Lê Nhân Tông (P1)”

25/03/1975: Vua Faisal của Ả Rập Saudi bị ám sát

Nguồn: King Faisal of Saudi Arabia assassinated, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1975, tại Riyadh, Ả Rập Saudi, Vua Faisal đã bị cháu trai của mình, Hoàng tử Faisal, bắn chết.

Vua Faisal, con trai của Vua Ibn Saud, đã tham gia chiến đấu trong các chiến dịch quân sự hồi thập niên 1920 và 1930, vốn giúp lập nên nhà nước Ả Rập Saudi hiện đại. Sau đó, ông giữ chức đại sứ Ả Rập Saudi tại Liên Hiệp Quốc, và vào năm 1953 được phong làm thủ tướng sau khi anh trai ông, Saud, lên ngôi. Continue reading “25/03/1975: Vua Faisal của Ả Rập Saudi bị ám sát”

Hàn Quốc: Độc tài, hóa rồng và dân chủ

Tác giả: Hồ Sĩ Quý*

Hàn Quốc là tấm gương chưa từng có tiền lệ trong lịch sử để các nước đi sau nghiên cứu, tham khảo. Nhưng con đường tăng trưởng, phát triển rồi hóa rồng thông qua phương thức độc tài để đi đến dân chủ ở Hàn Quốc là một quá trình nghiệt ngã, đầy mâu thuẫn và không nên đánh giá một cách giản đơn. Bài viết muốn tìm hiểu quá trình phức tạp này. Continue reading “Hàn Quốc: Độc tài, hóa rồng và dân chủ”