Nga muốn gì ở Trung Đông?

Nguồn: Hanna Notte, “What Russia wants in the Middle East, Foreign Affairs, 15/07/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Mặc dù tìm cách lợi dụng bất ổn, Moscow vẫn muốn tránh leo thang căng thẳng.

Kể từ vụ tấn công Israel của Hamas vào ngày 7 tháng 10, Nga dường như hài lòng khi tình hình bất ổn ở Trung Đông khiến đối thủ chính là Mỹ bị phân tâm. Tuy nhiên, vào ngày 13 tháng 4, Moscow tỏ ra lo ngại khi Tehran, đồng minh thân cận của họ, phóng hơn 300 tên lửa và drone tấn công Israel để trả đũa cho vụ tấn công lãnh sự quán Iran ở Damascus. Mặc dù cuộc tấn công đó đã bị vô hiệu hóa thành công bởi hệ thống phòng thủ tên lửa và sự phối hợp hỗ trợ từ Mỹ, các đối tác Ả Rập và phương Tây, Israel đã đáp trả sáu ngày sau đó bằng một cuộc tấn công vào hệ thống phòng thủ tên lửa tầm xa S-300 ở Isfahan, một thành phố nằm sâu trong nội địa Iran. Continue reading “Nga muốn gì ở Trung Đông?”

Ukraine nên tiến hành chiến tranh du kích

Nguồn: Keith L. Carter, Jennifer Spindel, và Matthew McClary, “How Ukraine Can Do More With Less”, Foreign Affairs, 29/05/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Khi cuộc chiến tranh Ukraine bước sang mùa xuân thứ ba, các nhà lãnh đạo từ Brazil, Trung Quốc, Vatican và những nơi khác đã kêu gọi Ukraine đàm phán với Nga. Lập luận cho rằng lực lượng Ukraine khó có thể xuyên thủng các phòng tuyến kiên cố của Nga, và Kyiv nên công nhận một cách thực tế việc Nga sáp nhập lãnh thổ. Ukraine đã thành công trong việc sử dụng drone để do thám và tấn công các mục tiêu của Nga, nhưng chỉ riêng drone thì không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến. Vì vậy, bị cản trở bởi sự thiếu hụt vũ khí và nhân sự, Ukraine sẽ không thể giành lại lãnh thổ. Nga đã thành công biến cuộc chiến này thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, nơi Moscow nắm giữ nhiều lợi thế: dân số đông hơn, năng lực công nghiệp quốc phòng lớn hơn và hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng ở Donbas, Kherson và đặc biệt là Crimea. Xét đến sự mệt mỏi của các quốc gia phương Tây và sự không nhất quán trong việc hỗ trợ về vật chất, đây là kiểu chiến tranh mà Ukraine đơn giản là không thể thắng.

Continue reading “Ukraine nên tiến hành chiến tranh du kích”

Tại sao Ukraine nên tiếp tục tấn công vào các kho trữ dầu của Nga?

Nguồn: Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta, và Sam Winter-Levy, “Why Ukraine Should Keep Striking Russian Oil Refineries”, Foreign Affairs, 08/05/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Mối lo ngại của Washington về thị trường năng lượng là không hợp lý.

Vào ngày 19 tháng 1, một drone của Ukraine đã tấn công một kho dầu ở thị trấn Klintsy, vùng Bryansk phía tây nước Nga, khiến bốn bể chứa xăng bốc cháy và thiêu rụi khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác đã gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, một thành phố của Nga cách lãnh thổ do Ukraine kiểm soát khoảng 600 dặm. Vào tháng 3, drone Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu của Nga trong hai ngày. Tháng 4 bắt đầu với một cuộc tấn công bằng drone của Ukraine vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga, nằm sâu trong vùng Tatarstan, cách khoảng 800 dặm. Tháng 4 kết thúc với các cuộc tấn công vào các cơ sở ở hai thành phố khác của Nga, Smolensk và Ryazan. Continue reading “Tại sao Ukraine nên tiếp tục tấn công vào các kho trữ dầu của Nga?”

24/06/1812: Đại Quân của Napoléon tiến vào Nga

Nguồn: Napoléon’s Grande Armee invades Russia, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1812, sau khi bị Sa hoàng Alexander I từ chối ý tưởng tham gia hệ thống Phong toả Lục địa (Blocus continental) chống lại Anh, Hoàng đế Pháp Napoléon đã ra lệnh cho Đại Quân của mình (Grande Armée), lực lượng quân sự lớn nhất châu Âu từng được tập hợp cho đến thời điểm đó, tiến vào Nga. Đạo quân khổng lồ, với khoảng 500.000 binh lính và nhân viên, bao gồm quân đội từ tất cả các nước châu Âu dưới sự thống trị của Đế quốc Pháp. Continue reading “24/06/1812: Đại Quân của Napoléon tiến vào Nga”

11/06/1788: Nhà thám hiểm người Nga Izmailov đến Vịnh Yakutat, Alaska

Nguồn: Russian explorer Izmailov arrives at Yakutat Bay, Alaska, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1788, trong chuyến đi nhằm tìm kiếm lông rái cá biển và các loại lông thú khác, nhà thám hiểm người Nga Gerasim Grigoriev Izmailov đã đến bờ biển Alaska khi con tàu của ông thả neo tại Vịnh Yakutat.

Trong khi người Mỹ cho rằng việc khám phá miền Viễn Tây sẽ phải bắt đầu từ phía đông và tiến dần về phía tây, người Nga lại làm điều ngược lại. Từ phía bắc Thái Bình Dương xa xôi, họ chỉ bị ngăn cách với lục địa Bắc Mỹ bởi Biển Bering tương đối dễ vượt qua. Sa hoàng Peter Đại đế và những người kế vị ông đã bảo trợ cho nhiều chuyến đi tiến về phía đông đến bờ biển Alaska, gồm chuyến đi năm 1741 của Vitus Bering, người có tên được đặt cho eo biển hẹp ngăn cách phía bắc Alaska và Nga. Continue reading “11/06/1788: Nhà thám hiểm người Nga Izmailov đến Vịnh Yakutat, Alaska”

24/01/2011: Sân bay Quốc tế Domodedovo ở Moscow bị đánh bom

Nguồn: Moscow’s Domodedovo International Airport is bombed by terrorists, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, một quả bom đã phát nổ tại sảnh đến quốc tế của Sân bay Domodedovo ở Moscow, giết chết 35 người và làm bị thương 173 người khác. Caucasus Emirate, một nhóm chiến binh thánh chiến có trụ sở tại Chechnya, đã nhận trách nhiệm về vụ việc, bổ sung thêm vào một chuỗi các vụ tấn công khủng bố bắt nguồn từ xung đột ở các vùng lãnh thổ Caucasus của Nga. Continue reading “24/01/2011: Sân bay Quốc tế Domodedovo ở Moscow bị đánh bom”

20/09/2002: Tuyết lở chôn vùi một ngôi làng ở Nga

Nguồn: Avalanche thunders into Russian village, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2002, một trận tuyết lở ở Nga đã vùi lấp một ngôi làng và giết chết hơn 100 người.

Tháng 06/2002, khu vực Bắc Ossetia của Nga đã bị lũ lụt ảnh hưởng nặng nề. Những trận lũ lụt này, cùng với một mùa hè nóng nực và đến sớm, chính là điềm báo cho thảm họa khủng khiếp sẽ xảy ra vào tháng 9. Các sông băng lớn nằm phía trên thị trấn Vladikavkaz. Do nhiệt độ năm 2002 cao hơn mức bình thường cùng kỳ, lượng nước chảy tràn cho thấy những sông băng này đã bắt đầu tan chảy. Continue reading “20/09/2002: Tuyết lở chôn vùi một ngôi làng ở Nga”

03/09/2004: Khủng hoảng con tin tại trường học Nga

Nguồn: Russian school siege ends in bloodbath, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2004, cuộc khủng hoảng con tin kéo dài ba ngày tại một trường học ở Nga đã đi đến kết cục đầy bạo lực sau khi những kẻ bắt cóc con tin đấu súng với lực lượng an ninh Nga. Cuối cùng, đã có hơn 300 người chết, nhiều trong số đó là trẻ em, ngoài ra hàng trăm người khác bị thương.

Sáng ngày 01/09, khi mọi người đang dự lễ khai giảng năm học, một nhóm khủng bố Chechnya đã bao vây học sinh, giáo viên và phụ huynh ngay trên sân chơi của Trường số 1 ở Beslan. Một số người may mắn trốn thoát trong khi những người khác bị giết hại; tuy nhiên, phần lớn con tin, ước tính vào khoảng 1.200 người lớn và trẻ em, đã bị dồn vào phòng tập thể dục của trường, nơi bọn tội phạm đã lắp một số thiết bị nổ. Continue reading “03/09/2004: Khủng hoảng con tin tại trường học Nga”

07/08/2005: Giải cứu tàu ngầm Nga bị mắc kẹt

Nguồn: Trapped Russian sub rescued, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2005, một tàu ngầm mini Priz AS-28 của Nga, cùng 7 thành viên thủy thủ đoàn, đã được giải cứu từ sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương. Ngày 04/08, trong lúc tham dự chương trình huấn luyện ở Vịnh Beryozovaya, ngoài khơi bán đảo Kamchatka, miền viễn đông của Nga, thì các chân vịt của con tàu đã vướng vào dây cáp thuộc hệ thống giám sát bờ biển của Nga. Không thể nổi lên, thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trong chiếc tàu ngầm tối tăm, lạnh giá suốt hơn ba ngày. Continue reading “07/08/2005: Giải cứu tàu ngầm Nga bị mắc kẹt”

Thái độ của người dân Nga đối với Chiến tranh Ukraine

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “Russians at War,” Foreign Affairs, 18/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Sự hung hăng của Putin đã khiến một quốc gia tự chống lại chính mình.

Đầu tháng 4, quan tài chứa thi thể của Vladimir Zhirinovsky, 75 tuổi – một nhà dân túy cực đoan, người từng là trụ cột quan trọng của nhà nước Nga suốt hai thập niên – đã được đưa đến Sảnh Cột (Hall of Columns) ở trung tâm Moscow để mọi người có thể đến viếng. Cách đây 69 năm, thi hài Stalin cũng được quàn tại đây, và vì thế dẫn đến cái chết của hàng loạt người Nga, những người đã bị giẫm đạp đến chết trong đám đông khổng lồ tụ tập để tiễn biệt nhà độc tài Liên Xô.

Đã không có đợt giẫm đạp nào ở đám tang Zhirinovsky, nhưng nó gợi lại một khoảnh khắc khác trong thời kỳ Liên Xô. Thi thể của ông đã được đưa đến Sảnh Cột trong một chiếc Aurus Lafet – dòng xe tang đen phiên bản siêu giới hạn, được sản xuất bởi Aurus Motors, nhà sản xuất xe hơi hạng sang mới nổi của Nga. Trong tiếng Nga, lafet có nghĩa là “xe tang”, và đối với những người Nga như tôi, những người đủ lớn tuổi để nhớ được giai đoạn đầu thập niên 1980, tên của chiếc xe gợi lên một câu chuyện đùa tăm tối: khi các nhà lãnh đạo cao tuổi của Liên Xô, Leonid Brezhnev, Yuri Andropov, và Konstantin Chernenko liên tiếp qua đời, sự kiện đó đã được gọi là Cuộc đua của những chiếc xe tang (Race of the Lafets). Continue reading “Thái độ của người dân Nga đối với Chiến tranh Ukraine”

Xung đột Ukraine có hàm ý lớn nhất cho Việt Nam, không phải Đài Loan

Nguồn: Derek Grossman, Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan, Nikkei Asia, 21/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Một sự cố trên Biển Đông có thể dễ dàng leo thang.

Cuộc chiến của Nga ở Đông Âu đã khiến các nhà quan sát an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương so sánh cảnh ngộ của Ukraine với cảnh ngộ của Đài Loan khi phải đối đầu Trung Quốc.

Đúng là Ukraine và Đài Loan đều là các quốc gia dân chủ đang xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại và độc tài. Và lập luận của Vladimir Putin, rằng Ukraine không phải là một quốc gia có chủ quyền, dường như đang lặp lại lời của Tập Cận Bình và mọi nhà lãnh đạo Trung Quốc trước ông ta, rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn và ngày “thống nhất” rồi sẽ đến, hoặc bằng các biện pháp hòa bình, hoặc bằng cách biện pháp vũ lực nếu cần thiết. Continue reading “Xung đột Ukraine có hàm ý lớn nhất cho Việt Nam, không phải Đài Loan”

Học giả khuyên Trung Quốc cần từ bỏ Putin ngay lập tức

Nguồn: Katsuji Nakazawa, China needs to drop Putin now, scholar insists, Nikkei Asia, 17/03/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vị cố vấn chính phủ nói Bắc Kinh nên đứng về lề phải của lịch sử

“Trung Quốc không thể bị ràng buộc với Putin và cần phải cắt đứt [với ông ta] càng sớm càng tốt.”

Những lời này được viết bởi một học giả Trung Quốc nổi tiếng, và nó đã chi phối cuộc thảo luận giữa các chuyên gia đối ngoại và an ninh Trung Quốc trong những ngày gần đây.

Đề xuất táo bạo kêu gọi cắt đứt quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin đến từ Hu Wei, một nhà khoa học chính trị đang làm việc cho Văn phòng Quốc vụ viện Chính phủ Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu. Continue reading “Học giả khuyên Trung Quốc cần từ bỏ Putin ngay lập tức”

Khởi đầu cho kết thúc của Putin?

Nguồn: Andrea Kendall-Taylor và Erica Frantz, The Beginning of the End for Putin?, Foreign Affairs, 02/03/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các chế độ độc tài thường có vẻ ổn định – cho đến khi chúng không còn như thế nữa.

Cuộc tấn công của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào Ukraine có thể xem như một thời khắc làm sáng tỏ nhiều điều. Kể từ khi Putin lên nắm quyền vào năm 2000, nhiều nhà lãnh đạo phương Tây đã cố gắng hợp tác, hòa hợp, hoặc đàm phán với ông ta. Nhưng bằng cách dấn thân vào một cuộc chiến chống lại một quốc gia mà ông cho là không có quyền tồn tại, Putin đã buộc cộng đồng quốc tế phải nhìn nhận ông đúng bản chất: một nhà lãnh đạo hiếu chiến với khả năng hủy diệt đáng kể. Kết quả là đã có hàng loạt các biện pháp mới được thiết kế nhằm kiềm chế ông – từ các lệnh trừng phạt nhắm vào các thể chế tài chính Nga, đến việc cấm máy bay Nga bay qua không phận EU, đồng thời tăng cường vận chuyển vũ khí tới Ukraine. Ngay cả Đức, đất nước lâu nay vẫn chỉ miễn cưỡng đối đầu với Putin, cũng đã đồng ý loại các ngân hàng Nga khỏi hệ thống liên lạc tài chính SWIFT, đảo ngược lệnh cấm cung cấp vũ khí cho các khu vực xung đột – vốn đã tồn tại từ lâu, và gia tăng đáng kể chi tiêu quân sự. Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra thay đổi to lớn trong nhận thức quốc tế về Putin và những gì cần phải làm để đối đầu với ông ta. Continue reading “Khởi đầu cho kết thúc của Putin?”

Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P3)

Nguồn: Why Russia Has Never Accepted Ukrainian Independence, The Economist, 18/12/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bài liên quan: Phần 1; Phần 2

Tháng 11/2021, Vladislav Surkov, nhà tư tưởng trung thành của Putin, đã chuyển sự chú ý sang câu hỏi về đế chế. “Nhà nước Nga, với tình hình nội tại nghiêm trọng và không linh hoạt, chỉ có thể tồn tại được nhờ sự mở rộng không mệt mỏi ra ngoài biên giới. Từ lâu, nó đã không còn biết cách làm thế nào để có thể tồn tại nếu không phải là một đế chế.” Ông lập luận, cách duy nhất để Nga có thể thoát khỏi sự hỗn loạn là xuất khẩu nó sang một quốc gia láng giềng. Nhưng điều ông không nói ra là, việc Putin xuất khẩu hỗn loạn và bạo lực để phục vụ mục đích ấy đã làm đứt gãy mối quan hệ giữa các quốc gia và các dân tộc Slavơ theo cách mà ngay cả sự sụp đổ của đế chế Xô-viết cũng không tạo ra. Continue reading “Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P3)”

Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P1)

Nguồn: Why Russia Has Never Accepted Ukrainian Independence, The Economist, 18/12/2021

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Tám giờ tối Chủ nhật, ngày 08/12/1991, Mikhail Gorbachev, Tổng thống Liên Xô, nhận được một cuộc điện thoại bằng đường dây tối mật. Người ở đầu dây bên kia là Stanislav Shushkevich, một giáo sư vật lý khiêm tốn, người mà vài tháng trước đó, trong công cuộc cải tổ của Gorbachev, đã được giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo Cộng hòa Belarus thuộc Liên Xô. Shushkevich gọi từ một cabin đi săn trong khu rừng Belovezh tươi đẹp để nói với nhà cải cách vĩ đại rằng, ông đã ‘mất việc’: Liên Xô đã kết thúc rồi.

Nhìn lại, dấu hiệu cáo chung đã xuất hiện từ tháng 8, khi KGB, những nhân vật Cộng sản cứng rắn và quân đội đã buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia, và tiến hành một cuộc đảo chính. Sau ba ngày kháng cự hòa bình, dẫn đầu bởi Boris Yeltsin, Tổng thống Cộng hòa Xô viết Nga, họ đã rút lui. Sự kiện đó đã loại trừ mọi khả năng quay trở lại một Liên Xô trong quá khứ. Nhưng Gorbachev vẫn nuôi hy vọng về một người kế nhiệm hậu Xô Viết theo chủ trương tự do, như một cách để có thể giữ, chí ít là, một số nước cộng hòa liên kết với nhau. Cuộc gọi của Shushkevich đã giết chết hy vọng cuối cùng đó. Continue reading “Lý do Nga không bao giờ chấp nhận nền độc lập của Ukraine (P1)”

Kazakhstan cho thấy thiếu sót lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Biden

Nguồn: Ingrid Burke Friedman, “Kazakhstan Exposes the Central Flaw of Biden’s Foreign-Policy Doctrine”, Foreign Policy, 13/01/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Những luận điệu dân chủ trên trời không thể cạnh tranh với những người lính của chế độ chuyên chế trên mặt đất. Điều này hẳn khiến Washington khó chịu.

Kazakhstan đang chìm trong khủng hoảng. Vài ngày sau khi các cuộc biểu tình về vấn đề giá nhiên liệu tăng vọt biến thành một cuộc nổi dậy bạo lực tại nhiều thành phố, quân đội Nga và đồng minh từ Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (Collective Security Treaty Organization, CSTO) đã được triển khai tới Kazakhstan theo yêu cầu của Tổng thống nước này, Kassym-Jomart Tokayev.

Trong khi đó, phía Mỹ lại “cam kết sẽ xem xét liệu có thể tìm ra hướng giải quyết vấn đề về mặt ngoại giao thông qua đối thoại hay không”, theo lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói về tình hình hỗn loạn tại Kazakhstan hôm Chủ nhật (09/01). Khi được hỏi về việc Tokayev đã ra lệnh cho lực lượng của mình có thể “nổ súng bắn giết mà không cần cảnh báo trước” khi đối phó với các cuộc biểu tình, Blinken trả lời rằng mệnh lệnh đó là sai và cần phải bị bãi bỏ, và rằng quyền của những người biểu tình ôn hòa phải được tôn trọng. Continue reading “Kazakhstan cho thấy thiếu sót lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Biden”

17/10/1912: Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ

Nguồn: Serbia and Greece declare war on Ottoman Empire in First Balkan War, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1912, Serbia và Hy Lạp, theo bước Montenegro, đồng minh nhỏ hơn của họ ở khu vực Balkan hỗn loạn, đã tuyên chiến với Đế quốc Ottoman, chính thức bắt đầu Chiến tranh Balkan lần thứ nhất.

Bốn năm trước đó, một cuộc nổi dậy ở Macedonia, lúc đó thuộc Ottoman, được  dẫn đầu bởi một nhóm dân tộc chủ nghĩa gọi là Đảng Thanh niên Thổ Nhĩ Kỳ (Young Turks), đã làm lung lay quyền cai trị của triều đình Ottoman ở châu Âu. Áo-Hung đã nhanh chóng tận dụng điểm yếu này, cho sáp nhập hai tỉnh Balkan gồm Bosnia và Herzegovina, đồng thời thúc giục Bulgaria, cũng đang nằm dưới sự cai trị của Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố độc lập. Continue reading “17/10/1912: Chiến tranh Balkan lần thứ nhất bùng nổ”

26/08/1914: Trận Tannenberg trong Thế chiến I

Nguồn: Battle of Tannenberg begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày 26/08/1914, trong những tuần mở đầu Thế chiến I, Tập đoàn quân số 8 của Đức, dưới sự chỉ huy của Paul von Hindenburg và Erich Ludendorff, đã giáng một đòn chí mạng vào Tập đoàn quân số 2 của Nga, khi ấy đang tiến công ở Đông Phổ theo sự hướng dẫn của tướng Aleksandr Samsonov.

Giữa tháng 8/1914, sớm hơn nhiều so với dự đoán, Nga đã đưa hai đạo quân của mình tiến vào Đông Phổ, trong khi người Đức, dựa theo chiến lược của mình, lại tập trung phần lớn lực lượng sang phía tây nhằm chống lại Pháp. Tập đoàn quân số 1 của Nga, dưới sự chỉ huy của tướng Pavel Rennenkampf, đã tiến đến phía đông bắc của Đông Phổ, trong khi Tập đoàn quân số 2 của Samsonov tiến về phía tây nam, dự kiến sẽ kết hợp với người của Rennenkampf, dùng thế gọng kìm đánh Tập đoàn quân số 8 của Đức, vốn áp đảo họ về quân số. Tuy nhiên, sau khi Nga giành chiến thắng trong trận Gumbinnen ngày 20/08, Rennenkampf đã tạm dừng để tập hợp lại lực lượng của mình. Continue reading “26/08/1914: Trận Tannenberg trong Thế chiến I”

12/08/2000: Tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm

Nguồn: Russian sub, the “Kursk,” sinks with 118 onboard, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2000, một tàu ngầm hạt nhân của Nga đã chìm xuống đáy Biển Barents; tất cả 118 thành viên thủy thủ đoàn sau đó được đưa tin là đã thiệt mạng. Nguyên nhân chính xác của thảm họa này hiện vẫn chưa được xác định.

Kursk rời cảng vào ngày 10/08 để tham gia cuộc diễn tập của quân đội Nga. Các tàu, máy bay và tàu ngầm của Nga đã gặp nhau ở Biển Barents, phía trên Vòng Bắc Cực, để tiến hành diễn tập quân sự. Ngày 12/08, theo lịch dự kiến, Kursk sẽ bắn một quả ngư lôi tập trận; lúc 11:29 sáng, ngay trước giờ bắn ngư lôi, hai vụ nổ liên tiếp đã xảy ra ở phần thân trước của tàu ngầm và nó lao nhanh xuống đáy biển. Continue reading “12/08/2000: Tàu ngầm Kursk của Nga bị chìm”

02/02/1812: Người Nga thành lập Pháo đài Ross ở California

Nguồn: Russians establish Fort Ross in California, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1812, với hy vọng làm giàu từ miền Viễn Tây, người Nga đã cho thành lập Pháo đài Ross trên bờ biển phía bắc San Francisco.

Là một đế chế đang phát triển với đường bờ biển dài dọc theo Thái Bình Dương, Nga dường như có đủ khả năng dẫn đầu trong phong trào thuộc địa của phương Tây. Người Nga đã bắt đầu bành trướng sang lục địa Bắc Mỹ kể từ năm 1741, với một cuộc thám hiểm khoa học lớn tại Alaska. Trở về với tin tức về nguồn rái cá dồi dào, các nhà thám hiểm đã mở đầu cho khoản đầu tư của Nga vào ngành buôn bán lông thú Alaska và một số khu định cư lâu dài. Đầu thế kỷ 19, công ty do chính phủ làm chủ một phần, Russian-American Company (Công ty Nga-Mỹ), đã tích cực cạnh tranh với các công ty buôn bán lông thú của Anh và Mỹ xa đến tận phía nam bờ biển California – nơi nằm dưới quyền kiểm soát của Tây Ban Nha. Continue reading “02/02/1812: Người Nga thành lập Pháo đài Ross ở California”