24/03/2015: Phi công Germanwings cố tình đâm máy bay để tự tử

Nguồn: Germanwings pilot intentionally crashes plane, killing 150 people, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, phi công phụ của một hãng hàng không Đức đã cố tình điều khiển máy bay của mình đâm vào dãy núi Alps của Pháp, khiến bản thân anh ta và 149 người khác trên máy bay thiệt mạng. Vào thời điểm bị rơi, chuyến bay 9525 của Germanwings đang bay từ Barcelona, Tây Ban Nha, đến Dusseldorf, Đức.

Máy bay cất cánh từ Barcelona vào khoảng 10 giờ sáng giờ địa phương và đạt độ cao 11,6km lúc 10:27 sáng. Ngay sau đó, cơ trưởng, Patrick Sondenheimer, 34 tuổi, đã yêu cầu phi công phụ, 27 tuổi, Andreas Lubitz, tiếp nhận việc điều khiển máy bay trong lúc anh tạm rời buồng lái, có lẽ là để sử dụng nhà vệ sinh. Lúc 10:31 sáng, máy bay bất ngờ hạ độ cao nhanh chóng, và chỉ 10 phút sau đó đã rơi xuống địa hình đồi núi gần thị trấn Prads-Haute-Bleone, miền nam nước Pháp. Không có người sống sót. Ngoài hai phi công, chiếc Airbus A320 xấu số còn đang chở theo 4 thành viên phi hành đoàn và 144 hành khách đến từ 18 quốc gia khác nhau, trong đó có ba người Mỹ. Continue reading “24/03/2015: Phi công Germanwings cố tình đâm máy bay để tự tử”

22/03/1947: Truman ra lệnh ‘kiểm tra lòng trung thành’ của công chức liên bang

Nguồn: President Truman orders loyalty checks of federal employees, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1947, trước những lo ngại của công chúng và các cuộc điều tra của Quốc hội về chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ, Tổng thống Harry S. Truman đã ban hành một sắc lệnh hành pháp cho phép mở một cuộc điều tra sâu rộng về ‘lòng trung thành’ của các nhân viên liên bang.

Khi Chiến tranh Lạnh bùng phát sau Thế chiến II, những lo ngại về hoạt động của chủ nghĩa cộng sản ở Mỹ, đặc biệt là trong chính phủ liên bang, cũng bắt đầu gia tăng. Quốc hội đã mở các cuộc điều tra về ảnh hưởng của cộng sản ở Hollywood, và luật cấm đảng viên cộng sản đảm nhận chức vụ giảng dạy đã được ban hành ở một số tiểu bang. Tuy nhiên, mối quan tâm lớn nhất đối với chính quyền Truman là những cáo buộc dai dẳng rằng các thành viên cộng sản đang hoạt động trong các cơ quan liên bang. Continue reading “22/03/1947: Truman ra lệnh ‘kiểm tra lòng trung thành’ của công chức liên bang”

20/03/1345: Đại dịch Cái chết đen bùng phát

Nguồn: Black Death is created, allegedly, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1345, theo các học giả tại Đại học Paris, Đại dịch Cái chết Đen đã bùng phát, trong sự kiện mà họ gọi là “cuộc hội tụ của Sao Thổ, Sao Mộc, và Sao Hỏa, ở góc 40 độ của chòm sao Bảo Bình.″ Cái chết Đen, hay Đại Dịch hạch, đã quét qua châu Âu, Trung Đông và châu Á trong thế kỷ 14, gây ra cái chết cho ước tính khoảng 25 triệu người.

Bất chấp khẳng định của các nhà thiên văn thế kỷ 14, căn bệnh phổ biến trong đợt dịch Cái chết Đen là do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Loại dịch hạch này, được truyền từ loài bọ chét sống bám ở chuột, có thể nhảy sang các động vật có vú khác khi chuột chết đi. Nhiều khả năng nó xuất hiện lần đầu tiên ở người ở Mông Cổ, trong khoảng năm 1320, dù nghiên cứu gần đây cho thấy nó có thể đã tồn tại hàng nghìn năm trước đó ở châu Âu. Continue reading “20/03/1345: Đại dịch Cái chết đen bùng phát”

19/03/1916: Chiến dịch không quân đầu tiên của Mỹ

Nguồn: First U.S. air combat mission begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, tám máy bay Curtiss “Jenny” của Phi đội Không quân Số 1 (First Aero Squadron) đã cất cánh từ Columbus, New Mexico, lên đường thực hiện nhiệm vụ không chiến đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Được thành lập vào năm 1914, sau khi Thế chiến I bùng nổ, phi đội đang hỗ trợ cho 7.000 lính Mỹ xâm lược Mexico nhằm bắt giữ nhà cách mạng người Mexico, Pancho Villa.

Ngày 09/03/1916, Villa, người phản đối việc Mỹ ủng hộ Tổng thống Mexico Venustiano Carranza, đã dẫn đầu một nhóm du kích gồm vài trăm người băng qua biên giới, tiến hành đột kích vào thị trấn Columbus, New Mexico, giết chết 17 người Mỹ. Sang ngày 15/03, theo lệnh của Tổng thống Woodrow Wilson, Chuẩn tướng John J. Pershing đã phát động một cuộc tấn công trừng phạt nhắm vào Mexico để bắt giữ Villa. Bốn ngày sau, Phi đội Không quân Số 1 được cử đến Mexico để trinh sát và chuyển tiếp các thông điệp cho Tướng Pershing. Continue reading “19/03/1916: Chiến dịch không quân đầu tiên của Mỹ”

17/03/1990: Litva bác bỏ yêu cầu hủy tuyên bố độc lập từ Liên Xô

Nguồn: Lithuania rejects Soviet demand to renounce its independence, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1990, Litva – thành viên cũ của Liên Xô – đã kiên định từ chối yêu cầu của Liên Xô, theo đó buộc nước này từ bỏ tuyên bố độc lập. Tình hình ở Litva nhanh chóng trở thành một điểm nhức nhối trong quan hệ Xô – Mỹ.

Liên Xô chiếm được Litva, thuộc vùng Baltic, kể từ năm 1939. Người Litva từ lâu đã công khai phản đối việc bị Liên Xô sáp nhập, nhưng vô ích. Sau Thế chiến II, lực lượng Liên Xô không rút lui, còn Mỹ thì gần như chẳng làm gì để hỗ trợ nền độc lập của Litva. Vấn đề này tiếp tục tồn tại cho đến năm 1985, khi Mikhail Gorbachev trở thành nhà lãnh đạo của Liên Xô. Continue reading “17/03/1990: Litva bác bỏ yêu cầu hủy tuyên bố độc lập từ Liên Xô”

15/03/1939: Đức Quốc xã chiếm Tiệp Khắc

Nguồn: Nazis take Czechoslovakia, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1939, lực lượng của Hitler đã xâm lược và chiếm đóng Tiệp Khắc – quốc gia trở thành vật tế thần trên bàn Hiệp ước Munich, một nỗ lực vô ích nhằm ngăn chặn mục tiêu đế quốc của Đức.

Ngày 30/09/1938, Adolf Hitler, Benito Mussolini, Thủ tướng Pháp Edouard Daladier, và Thủ tướng Anh Neville Chamberlain đã cùng nhau ký Hiệp ước Munich, định đoạt số phận của Tiệp Khắc, trao nó vào tay Đức, nhân danh hòa bình. Dù thỏa thuận chỉ giao cho Hitler khu vực Sudentenland, một phần của Tiệp Khắc, nơi có 3 triệu người gốc Đức sinh sống, thực chất nó đã giao nộp cho cỗ máy chiến tranh Đức Quốc xã 66% sản lượng than, 70% sắt thép và 70% năng lượng điện của Tiệp Khắc. Không có những nguồn lực đó, người Tiệp trở nên vô cùng dễ bị tổn thương và phải chịu khuất phục trước người Đức. Continue reading “15/03/1939: Đức Quốc xã chiếm Tiệp Khắc”

13/03/2020: Breonna Taylor bị cảnh sát giết hại

Nguồn: Breonna Taylor is killed by police in botched raid, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2020, khi chỉ vừa qua nửa đêm, Breonna Taylor, một nhân viên cấp cứu y tế người da đen 26 tuổi, đã bị cảnh sát bắn chết ngay tại căn hộ của mình ở Louisville, Kentucky, sau khi toán cảnh sát bất ngờ phá cửa xông vào nhà cô.

Taylor và bạn trai, Kenneth Walker, cả hai đều không có tiền án tiền sự, khi ấy đang ngủ say trên giường. Walker, người sau đó nói rằng anh sợ có kẻ đột nhập, nên đã sử dụng khẩu súng sở hữu hợp pháp của mình để bắn một phát, khiến Trung sĩ Jonathan Mattingly bị thương ở chân. Mattingly, cùng các sĩ quan Myles Cosgrove và Brett Hankison, tất cả đều là người da trắng và đang mặc thường phục, đã bắn trả tổng cộng 32 phát trong bóng tối, Taylor không may trúng đạn 06 lần. Continue reading “13/03/2020: Breonna Taylor bị cảnh sát giết hại”

12/03/1933: Roosevelt phát sóng chương trình “trò chuyện bên bếp lửa” đầu tiên

Nguồn: FDR broadcasts first “fireside chat” during the Great Depression, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1933, tám ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã có bài phát biểu đầu tiên trên đài phát thanh quốc gia – còn được gọi là cuộc “trò chuyện bên bếp lửa” (fireside chat) – được phát sóng trực tiếp từ Nhà Trắng.

Roosevelt bắt đầu bài phát biểu thật đơn giản: “Tôi muốn dành vài phút nói chuyện với người dân Mỹ về ngân hàng.” Tiếp đến, tổng thống giải thích quyết định gần đây của mình là đóng cửa các ngân hàng quốc gia để ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt, do các nhà đầu tư hoảng sợ về khả năng ngân hàng sụp đổ. Roosevelt cho biết, các ngân hàng sẽ mở cửa trở lại vào ngày hôm sau, và ông cảm ơn công chúng vì đã “kiên nhẫn và bình tĩnh” trong “kỳ nghỉ ngân hàng”. Continue reading “12/03/1933: Roosevelt phát sóng chương trình “trò chuyện bên bếp lửa” đầu tiên”

10/03/1948: Cái chết kỳ lạ của Ngoại trưởng Tiệp Khắc Jan Masaryk

Nguồn: Czech diplomat Jan Masaryk dies under strange circumstances, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1948, chính phủ do cộng sản kiểm soát tại Tiệp Khắc báo cáo rằng Ngoại trưởng Jan Masaryk đã qua đời vì lý do tự sát. Câu chuyện về cái chết của Masaryk, một người không theo chủ nghĩa cộng sản, đã làm dấy lên nghi ngờ ở phương Tây.

Masaryk sinh năm 1886, là con trai vị tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc. Sau Thế chiến I, ông giữ chức Ngoại trưởng trong chính phủ mới của Tiệp. Tiếp đó, ông trở thành đại sứ tại Vương quốc Anh. Sang Thế chiến II, ông một lần nữa đảm nhận vị trí Ngoại trưởng, lần này là trong chính phủ lưu vong ở London. Continue reading “10/03/1948: Cái chết kỳ lạ của Ngoại trưởng Tiệp Khắc Jan Masaryk”

08/03/2014: MH370 biến mất với hơn 200 người trên máy bay

Nguồn: Malaysia Airlines flight vanishes with more than 200 people aboard, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2014, chưa đầy một giờ sau khi cất cánh từ Kuala Lumpur, chuyến bay số hiệu 370 của hãng Malaysia Airlines, chở theo 227 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn, đã mất liên lạc với bộ phận kiểm soát không lưu, sau đó bay chệch hướng và biến mất. Chiếc máy bay, và tất cả mọi người trên nó, không bao giờ được nhìn thấy nữa.

MH370 khởi hành từ Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur lúc 12:41 đêm, và dự kiến đến Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh lúc 6:30 sáng, theo giờ địa phương. Báo cáo vị trí tự động cuối cùng của máy bay đã được gửi đi vào lúc 1:07 sáng, và vào lúc 1:19 sáng, âm thanh cuối cùng được truyền từ buồng lái của chiếc máy bay xấu số tới các nhân viên kiểm soát không lưu: “Chúc ngủ ngon, Malaysia ba bảy không,” một thông báo không có gì khác thường. Khoảng một giờ sau thời điểm dự kiến hạ cánh xuống Bắc Kinh, Malaysia Airlines thông báo MH370 mất tích. Trước khi biến mất đầy bí ẩn, dường như máy bay không hề gặp sự cố. Không có tín hiệu cấp cứu nào được gửi đi, cũng không có báo cáo về thời tiết xấu hoặc trục trặc kỹ thuật. Continue reading “08/03/2014: MH370 biến mất với hơn 200 người trên máy bay”

06/03/1836: Trận Alamo kết thúc

Nguồn: The Battle of the Alamo comes to an end, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1836, sau 13 ngày giao tranh gián đoạn, Trận Alamo đã đi đến kết thúc khủng khiếp, đánh dấu một thời điểm quan trọng trong Cách mạng Texas. Lực lượng Mexico đã thành công trong việc tái chiếm pháo đài, trong khi gần như toàn bộ 200 lính phòng vệ Texas – bao gồm cả anh hùng biên phòng Davy Crockett – đã thiệt mạng.

Trước đó 13 ngày, vào ngày 23/02, Tướng Mexico Antonio Lopez de Santa Anna đã ra lệnh bao vây Doanh trại Alamo (gần San Antonio ngày nay), nơi bị lực lượng nổi dậy Texas chiếm đóng từ tháng 12. Một đội quân hơn 1.000 lính Mexico bắt đầu tiến đến pháo đài tạm thời và bố trí pháo binh. Continue reading “06/03/1836: Trận Alamo kết thúc”

05/03/1868: Bắt đầu phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson

Nguồn: Impeachment trial of Andrew Johnson begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1868, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, phiên tòa luận tội một tổng thống được tiến hành tại Thượng viện. Bị Quốc hội do Đảng Cộng hòa chiếm đa số phản đối vì quan điểm về vấn đề Tái thiết miền Nam, Tổng thống Andrew Johnson bị cáo buộc đã vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ (Tenure of Office Act) gây tranh cãi, vốn được Quốc hội thông qua bất chấp sự phủ quyết của Tổng thống vào năm 1867.

Khi Nội chiến bùng nổ năm 1861, Johnson, một thượng nghị sĩ từ Tennessee, là thượng nghị sĩ duy nhất thuộc các bang ly khai nhưng vẫn trung thành với Liên minh miền Bắc. Sự nghiệp chính trị của Johnson được xây dựng trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của những người miền Nam da trắng nghèo chống lại các tầng lớp địa chủ. Về quyết định phản đối việc ly khai, ông nói, “Tội nghiệp những người da đen; tôi chiến đấu chống lại những tên quý tộc phản bội, chủ nhân của họ.” Vì lòng trung thành của ông, Tổng thống Abraham Lincoln đã bổ nhiệm Johnson làm thống đốc quân sự của Tennessee vào năm 1862, và năm 1864, ông đắc cử phó tổng thống Mỹ. Continue reading “05/03/1868: Bắt đầu phiên tòa luận tội Tổng thống Andrew Johnson”

03/03/1945: Phần Lan tuyên chiến với Đức

Nguồn: Finland declares war on Germany, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, Phần Lan, dưới sức ép ngày càng tăng từ cả Mỹ và Liên Xô, cuối cùng đã chính thức tuyên chiến với Đức, một đối tác cũ của nước này.

Sau khi Đức xâm lược Ba Lan, vì muốn bảo vệ Leningrad khỏi sự xâm lấn của phương Tây, cũng như của đối tác đáng ngờ trong Hiệp ước Bất tương xâm là Đức, Liên Xô đã bắt đầu yêu cầu được trao quyền kiểm soát các khu vực tranh chấp khác nhau từ Phần Lan, bao gồm một phần Eo đất Karelia (vùng đất dẫn đến Leningrad). Phần Lan đã cố gắng chống lại sức ép của Liên Xô. Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin liền đáp lại bằng cách công bố “phụ chú” (small print) của Hiệp ước Bất tương xâm Molotov-Ribbentrop mà Liên Xô đã ký với Đức hồi tháng 8, theo đó cho phép Liên Xô tự do cai trị trong “phạm vi ảnh hưởng” của mình. Liên Xô xâm lược Phần Lan vào ngày 30/11/1939. (Stalin tuyên bố rằng lính Phần Lan đã nổ súng trước vào quân đội Liên Xô.) Continue reading “03/03/1945: Phần Lan tuyên chiến với Đức”

01/03/1971: Điện Capitol bị đánh bom

Nguồn: Bomb explodes in Capitol building, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1971, một quả bom đã phát nổ tại Điện Capitol ở Washington, D.C., gây thiệt hại ước tính 300.000 USD, nhưng không có ai bị thương. Một nhóm tự xưng là Weather Underground đã thừa nhận gây ra vụ đánh bom, nhằm phản đối cuộc xâm lược Lào do Mỹ hỗ trợ.

Weathermen thực chất là một nhánh cực đoan của phong trào Sinh viên vì Xã hội Dân chủ (Students for a Democratic Society, SDS). Nhóm này ủng hộ sử dụng biện pháp bạo lực để thay đổi xã hội Mỹ. Nền tảng triết học của các thành viên Weathermen mang bản chất Marxist; họ tin rằng đấu tranh vũ trang là chìa khóa để chống lại nhà nước, từ đó xây dựng ý thức cách mạng trong tầng lớp thanh niên, đặc biệt là giai cấp công nhân da trắng. Công cụ chính của họ để đạt được những mục đích này là đốt phá và đánh bom. Continue reading “01/03/1971: Điện Capitol bị đánh bom”

27/02/1844: Cộng hòa Dominica tuyên bố độc lập

Nguồn: Dominican Republic declares independence as a sovereign state, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1844, ngọn lửa cách mạng đã bùng lên ở phía đông của đảo Hispaniola, Caribbean. Một nhóm lấy tên là La Trinitaria (Bộ Ba), sau nhiều năm lên kế hoạch bí mật, đã chiếm được thành công pháo đài Puerta del Conde ở thành phố Santo Domingo và bắt đầu Chiến tranh Giành Độc lập của người Dominica.

Phần lớn Cộng hòa Dominica ngày nay thực ra đã giành được quyền tự trị thực tế (de factor) ngay từ đầu những năm 1800, khi mà người Tây Ban Nha còn bận rộn chống lại cuộc xâm lược của Napoléon, còn người Haiti ở phía tây thì mải chống lại thực dân Pháp. Bị ảnh hưởng và được khuyến khích mạnh mẽ bởi Haiti, quốc gia đã giành được độc lập vào năm 1804, người Dominica đã tuyên bố độc lập với tên gọi Cộng hòa Haiti thuộc Tây Ban Nha vào năm 1821. Dù trở thành một đất nước tự do trên danh nghĩa, nhưng Dominica – phần đảo nghèo đói và dân cư thưa thớt hơn – vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Haiti, và đã chính thức liên minh với nước láng giềng vào năm 1822. Continue reading “27/02/1844: Cộng hòa Dominica tuyên bố độc lập”

26/02/1990: Phe Sandinista bị đánh bại trong cuộc bầu cử ở Nicaragua

Nguồn: Sandinistas are defeated in Nicaraguan elections, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1990, một năm sau khi đồng ý tổ chức bầu cử tự do, chính phủ Sandinista cánh tả của Nicaragua đã thua trong cuộc bỏ phiếu. Đợt bầu cử đã chấm dứt hơn một thập niên nỗ lực của người Mỹ nhằm lật đổ chính phủ Sandinista.

Phe Sandinista lên nắm quyền khi họ lật đổ nhà độc tài lâu năm Anastacio Somoza vào năm 1979. Ngay từ đầu, các quan chức Mỹ đã phản đối chế độ mới, cho rằng nó có định hướng theo chủ nghĩa Marx. Trước sự phản đối này, Sandinista đã quay sang khối cộng sản để được hỗ trợ kinh tế và quân sự. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan đã chấp thuận để Mỹ hỗ trợ bí mật cho tổ chức gọi là Contras — phiến quân chống Sandinista chủ yếu ở Honduras và Costa Rica. Các viện trợ này đã được duy trì trong phần lớn nhiệm kỳ của Reagan, mãi cho đến khi công chúng Mỹ hay tin và lên tiếng phản đối, đồng thời các báo cáo về hành động vi phạm của Contra đã khiến Quốc Hội phải cắt nguồn tài trợ. Continue reading “26/02/1990: Phe Sandinista bị đánh bại trong cuộc bầu cử ở Nicaragua”

24/02/1988: Tối cao Pháp viện bảo vệ quyền châm biếm người nổi tiếng

Nguồn: Supreme Court defends right to satirize public figures, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1988, Tối cao Pháp viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ 8-0 để đảo ngược dàn xếp bồi thường trị giá 200.000 đô la được trao cho Mục sư Jerry Falwell, vì tổn thất tinh thần mà ông phải chịu đựng khi bị đưa vào câu chuyện chế (parody) trên Hustler, một tạp chí khiêu dâm. Continue reading “24/02/1988: Tối cao Pháp viện bảo vệ quyền châm biếm người nổi tiếng”

22/02/2014: Trùm ma túy khét tiếng ‘El Chapo’ bị bắt ở Mexico

Nguồn: ‘El Chapo,’ the world’s most-wanted drug kingpin, is captured in Mexico, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2014, một trong những tên tội phạm bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Joaquin “El Chapo”[1] Guzmán Loera, ông trùm đứng đầu băng Sinaloa, tổ chức buôn bán ma túy lớn nhất thế giới, đã bị bắt sau một thập niên sống ngoài vòng pháp luật, trong một chiến dịch chung giữa Mỹ và Mexico ở Mazatlán, Mexico.

Guzmán trở thành tội phạm bị truy nã quốc tế kể từ năm 2001, khi trốn thoát khỏi một nhà tù Mexico, nơi hắn đang thụ án 20 năm. Trong thời gian sống ngoài vòng pháp luật, khả năng thoắt ẩn thoắt hiện của Guzmán đã nhiều lần được nhắc đến trong các bản nhạc “narcocorridos”[2] chuyên ca ngợi việc buôn bán ma tuý. Còn ở những thành phố như Chicago, nơi băng đảng của tay trùm cung cấp phần lớn lượng ma tuý trên thị trường, hắn chính là “kẻ thù số 1 của công chúng.” Continue reading “22/02/2014: Trùm ma túy khét tiếng ‘El Chapo’ bị bắt ở Mexico”

20/02/1939: Mít-tinh ủng hộ Đức Quốc Xã diễn ra ở Mỹ

Nguồn: Americans hold a Nazi rally in Madison Square Garden, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1939, sáu tháng rưỡi trước khi Adolf Hitler xâm lược Ba Lan, đã có một cuộc mít-tinh kỷ niệm sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Quốc xã ở Đức, diễn ra tại Madison Square Garden, Thành phố New York. Bên trong nơi tổ chức sự kiện, hơn 20.000 người tham dự đã giơ cao tay chào kiểu Đức Quốc Xã, hướng về phía bức chân dung George Washington cao 30m được trang trí với những chữ thập ngoặc. Bên ngoài, có cảnh sát và khoảng 100.000 người biểu tình tụ tập.

Đứng đằng sau sự kiện này là German American Bund (Liên bang Mỹ-Đức, “Bund” trong tiếng Đức có nghĩa là “liên bang”). Tổ chức bài Do Thái này đã tổ chức các trại hè Đức Quốc Xã cho thanh niên và gia đình họ trong những năm 1930. Các thành viên trẻ tuổi của Bund đã có mặt trong đêm đó, cùng với Ordnungsdienst (OD), lực lượng cảnh vệ của tổ chức, những người ăn mặc theo phong cách như các sĩ quan SS của Hitler. Continue reading “20/02/1939: Mít-tinh ủng hộ Đức Quốc Xã diễn ra ở Mỹ”

19/02/1942: F.D. Roosevelt ra lệnh cho người Mỹ gốc Nhật vào trại giam

Nguồn: FDR orders Japanese Americans into internment camps, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký Sắc lệnh Hành pháp 9066, bắt đầu một chính sách gây tranh cãi trong Thế chiến II và sau này để lại nhiều hậu quả lâu dài đối với người Mỹ gốc Nhật. Văn bản này đã ra lệnh buộc “những người ngoại quốc thù địch” (enemy aliens) phải di dời khỏi các vùng đất phía Tây, được mô tả một cách mơ hồ là các khu vực quân sự.

Sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, các cố vấn quân sự và chính trị ngày càng gây áp lực lên Roosevelt, yêu cầu ông giải quyết nỗi lo ngại về việc Nhật Bản sẽ tấn công hoặc phá hoại thêm nữa, đặc biệt là ở Bờ Tây, nơi có nhiều quân cảng, cơ sở vận tải biển và nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất. Các khu quân sự bị hạn chế xâm nhập được đề cập trong sắc lệnh có nhiều khu vực không xác định, nằm xung quanh các thành phố, cảng biển và các khu vực công nghiệp và nông nghiệp của Bờ Tây. Dù Sắc lệnh 9066 cũng ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Ý và gốc Đức, nhưng nhóm người bị di dời đông nhất vẫn là người Mỹ gốc Nhật. Continue reading “19/02/1942: F.D. Roosevelt ra lệnh cho người Mỹ gốc Nhật vào trại giam”