27/03/1912: Nhật Bản tặng 3.020 cây anh đào cho Mỹ

Nguồn: Japanese cherry trees planted along the Potomac, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1912, tại Washington, D.C, vợ của Tổng thống William Taft là Helen Taft và vợ của đại sứ Nhật Bản là Nữ tử tước Chinda đã trồng hai cây anh đào Yoshina trên bờ bắc của Sông Potomac, gần Đài tưởng niệm Jefferson. Sự kiện này diễn ra nhân dịp chính phủ Nhật Bản tặng 3.020 cây hoa anh đào cho chính phủ Hoa Kỳ.

Việc trồng cây anh đào Nhật Bản dọc theo bờ sông Potomac được đề xuất lần đầu bởi Eliza Scidmore, một người quảng giao và từng gây quỹ để thực hiện điều này. Trong thời gian Helen Taft sống tại Nhật Bản khi chồng bà là chủ tịch Ủy ban Philippine, bà đã nhìn thấy vẻ đẹp của hoa anh đào và ấp ủ một ý tưởng giống như nhà văn Scidmore. Sau khi biết đệ nhất phu nhân yêu thích hoa anh đào, lãnh sự Nhật Bản tại New York đã đề nghị tặng một vài cây ở thành phố Tokyo cho chính phủ Hoa Kỳ. Continue reading “27/03/1912: Nhật Bản tặng 3.020 cây anh đào cho Mỹ”

26/03/1950: McCarthy buộc tội Owen Lattimore là điệp viên Liên Xô

Nguồn: McCarthy charges that Owen Lattimore is a Soviet spy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1950, một buổi phát thanh liên quan đến cuộc điều tra của Thượng viện về những người cộng sản ở Bộ Ngoại giao Mỹ đã rò rỉ tin tức rằng Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy đã buộc tội Giáo sư Owen Lattimore là gián điệp cấp cao của Liên Xô. Lattimore sớm trở thành nhân vật trung tâm trong cơn cuồng loạn mang tên “Nỗi sợ Cộng sản” (Red Scare) xuất phát từ những cáo buộc liều lĩnh của McCarthy.

McCarthy sớm trở nên nổi tiếng vào tháng 02/1950 khi ông tuyên bố trong một bài phát biểu rằng mình đang nắm giữ một danh sách hơn 200 người “theo cộng sản” trong Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, khi bị ép công khai chi tiết, McCarthy lại tìm cách lảng tránh. Khi Thượng viện yêu cầu ông đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho khẳng định của mình, McCarthy chuyển sang trình bày lan man và hoàn toàn không mạch lạc. Continue reading “26/03/1950: McCarthy buộc tội Owen Lattimore là điệp viên Liên Xô”

25/03/1774: Nghị viện Anh thông qua Đạo luật Cảng Boston

Nguồn: Parliament passes the Boston Port Act, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1774, Nghị viện Anh đã thông qua Đạo luật Cảng Boston (Boston Port Act), đóng cửa cảng Boston và yêu cầu cư dân thành phố phải thanh toán số tiền trị giá gần 1 triệu đô la (giá trị ngày nay) vì đã đổ trà xuống Cảng Boston trong sự kiện Tiệc Trà Boston ngày 16/12/1773.

Đạo luật Cảng Boston là đạo luật đầu tiên và dễ thực thi nhất trong số bốn đạo luật được gọi chung là các Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts). Ba đạo luật còn lại là Đạo luật Đóng quân (Quartering Act), Đạo luật Quản lý Tư pháp (Administration of Justice Act) và Đạo luật Chính phủ Massachusetts (Massachusetts Government Act). Continue reading “25/03/1774: Nghị viện Anh thông qua Đạo luật Cảng Boston”

24/03/1989: Sự cố tràn dầu của tàu Exxon Valdez

Nguồn: Exxon Valdez crashes, causing one of the worst oil spills in history, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1989, một trong những sự cố tràn dầu tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ đã xảy ra khi tàu chở dầu hạng nặng Exxon Valdez, sở hữu và vận hành bởi Tập đoàn Exxon, mắc cạn trên một rạn san hô ở Prince William Sound ở phía nam Alaska. Ước tính tổng cộng 41,6 triệu lít dầu đã tràn xuống dòng nước. Nỗ lực ngăn chặn tràn dầu ồ ạt đã không thành công, gió và dòng hải lưu khiến dầu lan xa hơn 100 dặm từ nguồn ban đầu, cuối cùng gây ô nhiễm cho hơn 700 dặm bờ biển. Hàng trăm ngàn con chim và động vật đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa môi trường này. Continue reading “24/03/1989: Sự cố tràn dầu của tàu Exxon Valdez”

23/03/1994: Ứng cử viên tổng thống Mexico bị ám sát

Nguồn: Leading Mexican presidential candidate assassinated, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1994, Luis Donaldo Colosio, ứng cử viên tổng thống của đảng cầm quyền Mexico, đã bị bắn chết trong một chiến dịch tranh cử ở thị trấn biên giới phía bắc Tijuana.

Là thành viên của Đảng Cách mạng Thể chế (PRI), đảng chính trị nắm quyền ở Mexico trong gần suốt cả thế kỷ 20, Colosio đã được tổng thống sau này của Mexico là Carlos Salinas de Gortari bảo trợ, đồng thời được bầu vào Hạ viện và Thượng viện. Năm 1988, ông đã phụ trách chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của Salinas, và được bầu làm lãnh đạo đảng PRI cùng năm đó. Continue reading “23/03/1994: Ứng cử viên tổng thống Mexico bị ám sát”

22/03/1983: Nguồn gốc của xe Hummer

Nguồn: The origins of the Hummer, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1983, Lầu Năm Góc đã phê duyệt hợp đồng sản xuất trị giá hơn 1 tỷ USD cho AM General Corporation nhằm phát triển 55.000 xe đa dụng với tính năng di động cao (High Mobility Multipurpose Wheeled Vehicles, HMMWV). Có biệt danh là Humvee, được thiết kế để vận chuyển binh lính và hàng hóa, những chiếc xe to rộng, cồng kềnh xuất hiện lần đầu khi chúng được quân đội Mỹ sử dụng trong cuộc xâm lược Panama năm 1989 và Chiến tranh Vùng Vịnh vào đầu những năm 1990.

Năm 1992, một phiên bản dân sự của Humvee, được gọi là Hummer, chính thức được bán ra. Những chiếc xe thô kệch, thu hút sự chú ý này nặng khoảng 5 tấn và tiêu tốn tận 3,8 lít xăng cho chưa tới 16km đường. Nhưng nó vẫn là món hàng được ưa chuộng với những ngôi sao Hollywood nổi tiếng như Arnold Schwarzenegger, người sau này sở hữu một đội xe Hummer. Continue reading “22/03/1983: Nguồn gốc của xe Hummer”

21/03/1960: Thảm sát ở Sharpeville

Nguồn: Massacre in Sharpeville, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1960, tại thị trấn của người da đen Sharpeville, gần thành phố Johannesburg, Nam Phi, cảnh sát da trắng đã nổ súng vào một nhóm biểu tình người da đen không được vũ trang, giết chết 69 người và làm bị thương 180 người khác sau loạt đạn tiểu liên. Nhóm biểu tình này đang phản đối việc chính phủ Nam Phi hạn chế quyền đi lại của người da màu. Sau thảm sát Sharpeville, biểu tình đã nổ ra khắp Cape Town và hơn 10.000 người đã bị bắt trước khi quân đội lập lại trật tự. Continue reading “21/03/1960: Thảm sát ở Sharpeville”

20/03/1854: Đảng Cộng hòa được thành lập

Nguồn: Republican Party founded, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1854, tại Ripon, Wisconsin, các cựu thành viên của Đảng Whig đã họp để thành lập một đảng mới nhằm ngăn chế độ nô lệ lan rộng ra các lãnh thổ phía tây. Được thành lập vào năm 1834 để chống lại “sự chuyên chế” của Tổng thống Andrew Jackson, Đảng Whig đã cho thấy tổ chức này không có khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng quốc gia về chế độ nô lệ.

Với việc giới thiệu thành công Dự luật Kansas-Nebraska năm 1854 – đạo luật sẽ hủy bỏ hiệu lực của các điều khoản trong Thỏa ước Missouri năm 1820 và cho phép quyết định tình trạng nô lệ hoặc tự do tại các lãnh thổ bằng chủ quyền nhân dân (tức phổ thông đầu phiếu) – Đảng Whigs đã tan rã. Đến tháng 02/1854, các thành viên Đảng Whig chống chế độ nô lệ trước kia đã bắt đầu họp tại các tiểu bang thượng Trung Tây để thảo luận về việc thành lập một đảng mới. Một cuộc họp như vậy, diễn ra tại Wisconsin vào ngày 20/03/1954, thường được coi là cuộc họp thành lập Đảng Cộng hòa. Continue reading “20/03/1854: Đảng Cộng hòa được thành lập”

19/03/1949: Đông Đức phê chuẩn hiến pháp mới

Nguồn: East Germany approves new constitution, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, trong giai đoạn chuẩn bị thành lập một nước Đông Đức riêng biệt do Liên Xô thống trị, Hội đồng Nhân dân trực thuộc Khu vực do Liên Xô Chiếm đóng (People’s Council of the Soviet Zone of Occupation) đã phê chuẩn một hiến pháp mới. Hành động này, cùng với chính sách theo đuổi con đường độc lập cho Tây Đức của Mỹ, đã góp phần làm sâu sắc hơn sự phân chia tại Đức.

Tình trạng hậu chiến của Đức đã luôn là vấn đề gây tranh luận nóng bỏng giữa Mỹ và Liên Xô ngay cả trước khi Thế chiến II kết thúc. Liên Xô muốn đảm bảo rằng Đức sẽ được giải giáp vĩnh viễn và yêu cầu khoản bồi thường chiến phí rất lớn từ chính phủ Đức sau chiến tranh. Trong khi đó, Mỹ lại do dự không muốn cam kết với những yêu cầu này. Continue reading “19/03/1949: Đông Đức phê chuẩn hiến pháp mới”

18/03/1766: Quốc hội Anh bãi bỏ Đạo luật Tem thuế

Nguồn: Parliament repeals the Stamp Act, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1766, sau bốn tháng diễn ra biểu tình trên khắp nước Mỹ, Quốc hội Anh đã bãi bỏ Đạo luật Tem thuế (Stamp Act) – một biện pháp đánh thuế được ban hành nhằm tăng ngân sách cho quân thường trú Anh tại Mỹ.

Được thông qua vào ngày 22/03/1765, Đạo luật Tem thuế đã dẫn đến sự nổi dậy ở các thuộc địa về vấn đề phải đóng thuế mà không có đại diện trong Quốc hội Anh – nguyên nhân chính của cuộc Cách mạng. Được ban hành vào tháng 11/1765, đạo luật gây tranh cãi này đã buộc người dân thuộc địa phải mua tem của Anh cho mỗi giấy tờ chính thức mà họ được chính quyền cấp. Trên con tem là hình một Đóa hồng nhà Tudor được viền quanh bởi từ America và cụm từ tiếng Pháp Honi soit qui mal y pense – “Hổ thẹn thay cho kẻ có ý nghĩ xấu xa.” Continue reading “18/03/1766: Quốc hội Anh bãi bỏ Đạo luật Tem thuế”

17/03/1969: Golda Meir trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Israel

Nguồn: Golda Meir elected as Israel’s first female prime minster, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1969, Golda Meir, một phụ nữ 70 tuổi, đã làm nên lịch sử khi trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Israel. Bà là thủ tướng thứ tư của đất nước và người phụ nữ duy nhất giữ chức vụ này cho tới nay.

Sinh tại Kiev, Ukraine và lớn lên ở Wisconsin, Meir bắt đầu sự nghiệp như một nhà tổ chức lao động theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, và sau đó giữ một số vị trí trong chính phủ Israel, bao gồm Bộ trưởng Lao động và Bộ trưởng Ngoại giao. Sau cái chết bất ngờ của Thủ tướng Levi Eshkol năm 1969, Meir được chọn làm người kế vị. Continue reading “17/03/1969: Golda Meir trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Israel”

16/03/1988: Tổng thống Reagan đưa 3.000 quân đến Honduras

Nguồn: President Reagan orders troops into Honduras, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan đã điều hơn 3.000 lính Mỹ tới Honduras và tuyên bố rằng các binh lính Nicaragua đã vượt qua biên giới của họ. Đây là một phần trong nỗ lực gây áp lực lên chính phủ cánh tả Sandinista ở Nicaragua. Cũng như nhiều hành động khác từng được thực hiện dưới thời Reagan để chống lại Nicaragua, kết quả là chỉ đem về sự hỗn loạn và chỉ trích nhiều hơn.

Kể từ khi nhậm chức vào năm 1981, chính quyền Reagan đã sử dụng một loạt các biện pháp nhằm loại bỏ chính phủ cánh tả Sandinista ở Nicaragua. Tổng thống Reagan đã buộc tội các quan chức Sandinista là những con tốt của Liên Xô và đang thành lập một tiền đồn cộng sản ở Tây Bán cầu, dù có rất ít bằng chứng cho điều đó. Tuy nhiên, chính quyền Reagan đã dùng áp lực kinh tế lẫn ngoại giao để gây bất ổn cho chế độ Sandinista. Continue reading “16/03/1988: Tổng thống Reagan đưa 3.000 quân đến Honduras”

15/03/1917: Sa hoàng Nicholas II thoái vị

Nguồn: Czar Nicholas II abdicates Russian throne, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, trong cuộc Cách mạng Tháng Hai, Sa hoàng Nicholas II, người trị vì nước Nga từ năm 1894, đã bị quân nổi dậy ở Petrograd buộc phải thoái vị, và một chính quyền lâm thời sẽ lên thay thế ông.

Lên ngôi vào ngày 26/05/1894, Nicholas vốn dĩ không được đào tạo, cũng không có tính cách của một quân vương, và điều đó chẳng ích gì cho chế độ chuyên chế mà ông phải gắng duy trì trong một thời đại đang khao khát sự thay đổi. Kết cục thảm khốc của Chiến tranh Nga-Nhật đã dẫn đến Cách mạng Nga năm 1905, nhưng Sa hoàng chỉ khiến tình hình tồi tệ hơn khi ký một tuyên ngôn hứa hẹn xây dựng chính phủ mang tính đại diện và đảm bảo tự do dân sự cơ bản ở Nga. Continue reading “15/03/1917: Sa hoàng Nicholas II thoái vị”

14/03/1991: Nhóm ‘Birmingham Six’ được ra tù

Nguồn: Birmingham Six released from prison, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1991, trước làn sóng nghi ngờ về tội lỗi thực sự của họ, chính quyền Anh Quốc đã trao trả tự do cho “Birmingham Six,” sáu người đàn ông Ireland bị tống vào tù 16 năm trước vì vụ đánh bom khủng bố năm 1974 nhắm vào hai quán rượu ở Birmingham, Anh.

Ngày 21/11/1974, hai quả bom của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) đã phát nổ tại hai quán rượu khác nhau ở Birmingham, khiến 21 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Đợt tấn công bằng bom này là một phần trong cuộc xung đột đang diễn ra giữa chính phủ Anh và IRA về tình trạng của Bắc Ireland. Continue reading “14/03/1991: Nhóm ‘Birmingham Six’ được ra tù”

13/03/1942: Quân đội Mỹ thành lập đoàn quân khuyển

Nguồn: U.S. Army launches K-9 Corps, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1942, Quân đoàn Hậu cần (QMC) của Quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu huấn luyện những chú chó cho Chương trình Chó nghiệp vụ Chiến tranh (War Dog Program), hay “Quân đoàn K-9”, mới được thành lập.

Hơn một triệu chú chó đã phục vụ ở cả hai phía trong Thế chiến I, truyền đi những bức điện dọc theo mạng lưới chiến hào phức tạp và mang lại một biện pháp xoa dịu tâm lý cho các binh sĩ. Chú chó nổi tiếng nhất trong cuộc chiến khi ấy là Rin Tin Tin, một chú chó con bị bỏ rơi (của đội chó Đức) được tìm thấy ở Pháp vào năm 1918 và được đưa tới Hoa Kỳ, nơi Rin Tin Tin đã tham gia bộ phim câm ‘The Man from Hell’s River’ năm 1922. Là ngôi sao điện ảnh động vật đầu tiên, Rin Tin Tin đã khiến cho giống chó chăn cừu Đức vốn ít được biết đến trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Continue reading “13/03/1942: Quân đội Mỹ thành lập đoàn quân khuyển”

12/03/1776: Kêu gọi công nhận vai trò của phụ nữ trong Cách mạng Mỹ

Nguồn: Public Notice urges recognition of “humane ladies,” History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1776, tại Baltimore, Maryland, một thông báo đã xuất hiện trên các tờ báo địa phương công nhận sự hy sinh của phụ nữ vì sự nghiệp cách mạng. Thông báo kêu gọi mọi người thừa nhận những đóng góp của phụ nữ, đồng thời tuyên bố rằng, “Sự cần thiết phải chăm sóc chu đáo tất cả những người có thể bị thương vì sự nghiệp của đất nước, thúc giục chúng ta vinh danh những người phụ nữ nhân đạo, những người sẵn lòng trao cho chúng ta vải vụn và ga giường cũ để làm gạc băng bó.”

Trên chiến trường cũng như ở hậu phương, phụ nữ vẫn luôn hỗ trợ sự nghiệp cách mạng bằng công việc điều dưỡng. Nhưng quyên góp băng gạc và đôi khi giúp sử dụng chúng chỉ là một trong các hình thức hỗ trợ của phụ nữ Mỹ. Từ những ngày biểu tình chống thuế Anh, sự đồng tâm và góp sức của phụ nữ đã luôn rất quan trọng đối với thành công của cách mạng. Continue reading “12/03/1776: Kêu gọi công nhận vai trò của phụ nữ trong Cách mạng Mỹ”

11/03/1861: Hợp bang miền Nam thông qua hiến pháp mới

Nguồn: Confederate states adopt new constitution, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1861, tại Montgomery, Alabama, các đại biểu đến từ Nam Carolina, Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, Louisiana và Texas đã thông qua Hiến pháp của Hợp bang miền Nam Hoa Kỳ (Confederate States of America).

Hiến pháp này tương tự như Hiến pháp ngày nay của Hoa Kỳ, thậm chí còn lặp lại nhiều chỗ diễn đạt, nhưng thực ra lại gần hơn với Các Điều khoản Hợp bang (Articles of Confederation) – hiến pháp ban đầu sau Chiến tranh Cách mạng Mỹ – nhất là trong việc phân quyền lớn cho các tiểu bang. Hiến pháp này cũng có những khác biệt đáng kể so với Hiến pháp Hoa Kỳ trong việc bảo vệ chế độ nô lệ, quy định rằng chế độ nô lệ được “công nhận và bảo vệ” tại những bang và vùng lãnh thổ theo chế độ nô lệ. Continue reading “11/03/1861: Hợp bang miền Nam thông qua hiến pháp mới”

10/03/1917: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sơ tán khỏi Baghdad

Nguồn: Turkish troops begin evacuation of Baghdad, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, chưa đầy hai tuần sau khi chiếm lại được thành phố chiến lược Kut-al-Amara trên sông Tigris vùng Lưỡng Hà, quân Anh dưới quyền chỉ huy của Sir Frederick Stanley Maude đã tấn công luôn Baghdad, khiến các đối thủ người Thổ Nhĩ Kỳ của họ buộc phải bắt đầu di tản toàn bộ khỏi thành phố.

Ngay sau khi được trao quyền kiểm soát các chiến dịch quân sự ở Lưỡng Hà vào mùa hè năm 1916, Maude bắt đầu tái cấu trúc và bổ sung quân để chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới. Mục tiêu trung tâm của chiến dịch sẽ là thành phố Kut, nơi đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tước khỏi tay 10.000 lính Anh và Ấn Độ dưới sự chỉ huy của Sir Charles Townshend vào tháng 04/1916, một thất bại thảm hại cho các hoạt động của quân Hiệp ước trong khu vực. Continue reading “10/03/1917: Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu sơ tán khỏi Baghdad”

09/03/1781: Tây Ban Nha bao vây thành phố Pensacola

Nguồn: Spanish siege of Pensacola begins, History.com

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Vào ngày này năm 1781, sau khi chiếm được các vị trí của Anh ở Louisiana và Mississippi, tướng Tây Ban Nha là Bernardo de Galvez – chỉ huy của lực lượng Tây Ban Nha ở Bắc Mỹ – đã chuyển hướng chú ý sang thành phố Pensacola, Florida, đang do Anh  chiếm đóng. Tướng Galvez và một lực lượng hải quân Tây Ban Nha gồm hơn 40 tàu và 3.500 thủy thủ đã cập bến Đảo Santa Rosa và bắt đầu một cuộc bao vây trong hai tháng đối với các lực lượng chiếm đóng của Anh – sau này được gọi là Trận Pensacola. Continue reading “09/03/1781: Tây Ban Nha bao vây thành phố Pensacola”

08/03/1965: Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ Đà Nẵng

Nguồn: U.S. Marines land at Da Nang, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1965, ba tàu vận tải USS Henrico, Union và Vancouver, mang theo Lữ đoàn Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 9 dưới quyền Chuẩn Tướng Frederick J. Karch, đã đổ bộ vào bãi biển Xuân Thiều (Red Beach Two), cách Đà Nẵng khoảng 3,7 km.

Lên bờ đầu tiên là Tiểu đoàn 3, những người đến bãi biển lúc 8:15 sáng. Trang bị đầy đủ thiết bị chiến đấu và mang theo súng trường M-14, toán lính Thủy quân Lục chiến được chào đón bởi nhóm cảnh sát, sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, các cô gái Việt Nam với vòng hoa trên tay, và bốn lính Mỹ cầm một tấm biển lớn ghi rõ: “Xin chào mừng. Những anh lính dũng cảm!” (Welcome, Gallant Marines). Continue reading “08/03/1965: Thủy quân Lục chiến Mỹ đổ bộ Đà Nẵng”