05/10/2011: Steve Jobs qua đời

Nguồn: Apple co-founder founder Steve Jobs dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2011, Steve Jobs, nhà đồng sáng lập với tầm nhìn xa của Apple Inc. – tập đoàn đã cách mạng hóa ngành công nghiệp máy tính, âm nhạc và truyền thông di động với các thiết bị như Macintosh, iPod, iPhone và iPad – đã qua đời ở tuổi 56 do biến chứng của ung thư tuyến tụy.

Sinh ngày 24/02/1955 tại San Francisco, California, là con trai của hai nghiên cứu sinh còn chưa kết hôn Joanne Schieble và Abdulfattah Jandali, một người nhập cư Syria, Steve Jobs được Paul Jobs, một thợ máy ở Thung lũng Silicon và vợ ông Clara nhận làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Cupertino, California vào năm 1972, Jobs theo học ở Đại học Reed, một trường giáo dục khai phóng (liberal arts) ở Portland, Oregon, nhưng đã bỏ học chỉ sau một học kỳ. Tiếp đến, ông làm việc một thời gian ngắn cho nhà sản xuất trò chơi điện tử tiên phong Atari ở California, rồi đi du lịch đến Ấn Độ và nghiên cứu về Thiền tông. Continue reading “05/10/2011: Steve Jobs qua đời”

03/10/1995: Ngôi sao O.J. Simpson được tha bổng cáo buộc giết người

Nguồn: O.J. Simpson acquitted, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1995, trong hồi kết của một phiên tòa đầy giật gân, cựu ngôi sao bóng bầu dục O.J. Simpson đã chính thức được tha bổng sau vụ án giết người tàn bạo năm 1994 – trong đó nạn nhân là người vợ mà ông ta ghẻ lạnh, Nicole Brown Simpson, và bạn của cô này, Ronald Goldman. Trong phiên tòa kéo dài 252 ngày, “đội hình [luật sư] trong mơ” của Simpson đã sử dụng nhiều cách thức sáng tạo và không kém phần gây tranh cãi để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng tội lỗi của Simpson đã không được chứng minh rõ ràng và không còn “một nghi ngờ hợp lý” nào, theo đó cũng bác bỏ cái mà công tố viên gọi là “núi bằng chứng” cho thấy ông ta là sát nhân. Continue reading “03/10/1995: Ngôi sao O.J. Simpson được tha bổng cáo buộc giết người”

02/10/1919: Tổng thống Wilson bị đột quỵ

Nguồn: U.S President Woodrow Wilson suffers massive stroke, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, tại Nhà Trắng ở Washington, D.C., Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đã bị một cơn đột quỵ nặng khiến ông liệt nửa người bên trái, đồng thời buộc phải chấm dứt sự nghiệp tổng thống của mình.

Tại thời điểm bị đột quỵ, Wilson đang dồn toàn bộ sức lực trong giai đoạn cuối cùng nhằm giành được sự ủng hộ của công chúng đối với Hiệp ước Versailles và tầm nhìn hợp tác quốc tế của nó – qua Hội Quốc Liên – sau khi chứng kiến hậu quả tàn khốc của Thế chiến I. Continue reading “02/10/1919: Tổng thống Wilson bị đột quỵ”

30/09/1918: Tổng thống Wilson ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ

Nguồn: President Woodrow Wilson speaks in favor of female suffrage, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, Tổng thống Woodrow Wilson đã có bài phát biểu trước Quốc Hội ủng hộ việc trao quyền bầu cử cho phụ nữ. Mặc dù Hạ viện Mỹ khi đó đã thông qua Tu chính án thứ 19 nhằm trao cho phụ nữ quyền bầu cử, nhưng Thượng viện vẫn chưa tiến hành bỏ phiếu về văn bản này.

Wilson thực ra đã có thái độ khá nửa vời đối với quyền bầu cử của phụ nữ trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của mình (1913-1917). Năm 1917, ông bị chỉ trích bởi nhóm phụ nữ biểu tình ngay bên ngoài Nhà Trắng, những người nói rằng ông chỉ “đãi bôi” chứ không hành động. Biểu tình đã lên đến đỉnh điểm khi một số phụ nữ bị bắt giữ, bỏ tù và tuyệt thực. Continue reading “30/09/1918: Tổng thống Wilson ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ”

28/09/1928: Alexander Fleming tìm ra Penicillin

Nguồn: Penicillin discovered by Sir Alexander Fleming, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1928, Sir Alexander Fleming – lúc bấy giờ còn là một nhà vi khuẩn học trẻ tuổi – đã tình cờ phát hiện điều sẽ trở thành một trong những phát triển vĩ đại của y học hiện đại. Sau khi để một đĩa vi khuẩn tụ cầu (staphylococcus) bên ngoài mà không đậy lại, Fleming nhận thấy rằng một loại nấm mốc rơi vào đĩa nuôi cấy đã giết chết nhiều cá thể vi khuẩn. Ông sớm xác định loại nấm mốc đó là penicillium notatum, tương tự như loại được tìm thấy trên bánh mì. Continue reading “28/09/1928: Alexander Fleming tìm ra Penicillin”

26/09/1888: Ngày sinh T.S. Eliot

Nguồn: T.S. Eliot is born, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1888, nhà thơ T.S. Eliot đã chào đời tại St. Louis, Missouri. Eliot xuất thân từ một dòng họ danh giá, một trong các tổ tiên của ông đã đến Boston vào năm 1670 trong khi một người khác chính là nhà sáng lập Đại học Washington ở St. Louis. Cha của Eliot là một doanh nhân, còn mẹ của ông thì luôn tích cực tham gia vào các tổ chức từ thiện địa phương.

Eliot có một bằng cử nhân tại Harvard, sau đó chuyển đến học tại trường Sorbonne, rồi trở lại Harvard để học tiếng Phạn (Sanskrit), và cuối cùng đến học tại Oxford. Sau khi gặp gỡ nhà thơ và người bạn tri kỷ Ezra Pound, Eliot chuyển đến sinh sống tại Anh. Năm 1915, ông kết hôn với Vivian Haigh-Wood, nhưng cuộc hôn nhân giữa họ không hạnh phúc, một phần do tinh thần của bà không ổn định. Bà qua đời trong một viện tâm thần vào năm 1947. Continue reading “26/09/1888: Ngày sinh T.S. Eliot”

25/09/1894: Tổng thống Cleveland ân xá cho các tín hữu Mặc Môn

Nguồn: Grover Cleveland pardons bigamists, adulterers, polygamists and unlawful cohabitants, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1894, Tổng thống Grover Cleveland đã ban hành một tuyên bố tổng thống nhằm ân xá cho nhóm tín đồ thuộc Giáo hội các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (còn được gọi là Giáo hội Mặc Môn), những người đã kết hôn theo chế độ đa thê hoặc chung sống theo những cách mà chính phủ Mỹ coi là bất hợp pháp. Ở thời điểm đó, và cho đến tận ngày nay, các cuộc hôn nhân giữa một nam và nhiều nữ; một nữ và nhiều nam; hoặc nhiều nam và nhiều nữ đều là bất hợp pháp trên đất Mỹ. Continue reading “25/09/1894: Tổng thống Cleveland ân xá cho các tín hữu Mặc Môn”

23/09/1846: Phát hiện Hải Vương Tinh

Nguồn: Planet Neptune is discovered, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1846, từ Đài quan sát Berlin, nhà thiên văn học người Đức Johann Gottfried Galle đã phát hiện ra Hải Vương Tinh (Neptune).

Sự tồn tại của Hải Vương Tinh, hành tinh thứ tám tính từ Mặt Trời, được giả định bởi nhà thiên văn học người Pháp Urbain-Jean-Joseph Le Verrier, người đã tính toán vị trí gần đúng của hành tinh này bằng cách nghiên cứu những nhiễu loạn do trọng lực gây ra trong chuyển động của Thiên Vương Tinh. Continue reading “23/09/1846: Phát hiện Hải Vương Tinh”

21/09/1780: Tướng Mỹ Benedict Arnold phạm tội phản quốc

Nguồn: Benedict Arnold commits treason, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1780, trong Cách mạng Mỹ, Tướng Mỹ Benedict Arnold đã gặp Thiếu tá Anh John Andre để bàn về việc giao West Point cho người Anh, đổi lại lời hứa về một khoản tiền thưởng lớn và một vị trí cấp cao trong quân đội Anh. Âm mưu đã bị phanh phui, và Arnold từ một cựu anh hùng của Mỹ trở thành kẻ có tên gọi đồng nghĩa với từ “kẻ phản bội.”

Arnold sinh ra trong một gia đình danh giá ở Norwich, Connecticut, vào ngày 14/01/1741. Ông theo học nghề bào chế thuốc, nhưng sau lại gia nhập lực lượng dân quân trong Chiến tranh Pháp – Người Mỹ bản địa (1754-1763). Sau đó, ông trở thành một thương nhân thành công và gia nhập Quân đội Lục địa khi Chiến tranh Cách mạng nổ ra giữa Vương quốc Anh và 13 thuộc địa của Mỹ vào năm 1775. Khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1783, các thuộc địa đã giành được độc lập từ Anh và thành lập một quốc gia mới, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Continue reading “21/09/1780: Tướng Mỹ Benedict Arnold phạm tội phản quốc”

19/09/1955: Tổng thống Juan Domingo Perón bị lật đổ ở Argentina

Nguồn: Perón deposed in Argentina, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1955, sau một thập niên nắm quyền, Tổng thống Argentina Juan Domingo Perón bị đã lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự. Vốn là một chính khách dân túy lên nắm quyền vào năm 1946 nhờ sự hậu thuẫn của các tầng lớp lao động, Perón ngày càng trở nên độc tài khi nền kinh tế Argentina suy yếu vào đầu những năm 1950. Trợ thủ chính trị lớn nhất của ông chính là người vợ cực kỳ lôi cuốn, Eva “Evita” Perón, nhưng bà đã qua đời vào năm 1952, báo hiệu sự sụp đổ của liên minh quốc gia đã từng ủng hộ ông. Vì đã chống lại nhà thờ, sinh viên và nhiều nhóm khác, Perón bị quân đội buộc phải lưu vong vào tháng 09/1955. Ông đến định cư ở Tây Ban Nha, nơi ông trở thành thủ lĩnh lưu vong của nhóm “Peronists” (Những người theo chủ nghĩa Perón) – một phe phái nhiều ảnh hưởng, gồm những người Argentina vẫn trung thành với ông và hệ thống của ông. Continue reading “19/09/1955: Tổng thống Juan Domingo Perón bị lật đổ ở Argentina”

18/09/1987: Hàng trăm người bị nhiễm độc phóng xạ ở Brazil

Nguồn: Hundreds are accidentally poisoned in Brazil, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, Cesium-137 vô tình được lấy ra từ một máy điều trị ung thư bị loại bỏ ở Brazil. Hàng trăm người cuối cùng đã bị đầu độc bởi bức xạ từ chất này, qua đó cho thấy rằng ngay cả một lượng phóng xạ tương đối nhỏ cũng có thể gây nguy hiểm.

Năm 1985, Viện Xạ trị Goiania (Goiania Institute of Radiotherapy) chuyển trụ sở đến một địa điểm mới và để lại một chiếc máy trị liệu từ xa bằng Cesium-137 đã lỗi thời trong tòa nhà bỏ hoang của họ. Viện đã không thông báo đầy đủ cho các nhà chức trách về sự tồn tại của thiết bị này, và cỗ máy đã yên vị trong tòa nhà ở trung tâm thành phố Goiania, cách Sao Paulo 600 dặm, suốt hơn một năm trước khi hai người đàn ông đến trộm nó đi. Continue reading “18/09/1987: Hàng trăm người bị nhiễm độc phóng xạ ở Brazil”

16/09/2013: Tay súng giết 12 người trong vụ thảm sát tại Navy Yard

Nguồn: Gunman kills 12 in D.C. Navy Yard massacre, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2013, một người đàn ông 34 tuổi đã bất ngờ nổi cơn thịnh nộ tại Navy Yard, Washington, D.C., giết chết 12 người và làm bị thương một số người khác chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ trước khi anh ta bị cảnh sát bắn chết. Các nhà điều tra sau đó kết luận rằng kẻ xả súng, Aaron Alexis, một nhân viên kỹ thuật máy tính làm việc cho một công ty công nghệ thông tin tư nhân, đã hành động một mình.

Khoảng 8 giờ sáng, Alexis sử dụng thẻ an ninh của mình để vào Tòa nhà 197 tại Navy Yard, một xưởng đóng tàu cũ được xây từ đầu những năm 1800, sau trở thành nhà máy sản xuất vũ khí, và bấy giờ đang được sử dụng làm trung tâm hành chính cho Hải quân. Đến 8 giờ 16 phút, Alexis, trên tay cầm khẩu súng ngắn Remington 870 đã cưa nòng, mặc áo sơ mi ngắn tay và quần dài, đã bắn gục nạn nhân đầu tiên của mình. Continue reading “16/09/2013: Tay súng giết 12 người trong vụ thảm sát tại Navy Yard”

14/09/1944: Mỹ phát động Chiến dịch Stalemate trong Thế chiến II

Nguồn: Americans launch Operation Stalemate—at extraordinary cost, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, Sư đoàn Thủy quân Lục chiến số 1 của Mỹ đã đổ bộ lên Đảo Peleliu, một đảo thuộc Quần đảo Palau ở Thái Bình Dương, trong một phần của một chiến dịch lớn hơn nhằm hỗ trợ cho Tướng Douglas MacArthur, người đang chuẩn bị đổ quân vào Philippines. Cái giá mà người Mỹ phải trả cho trận đánh này là một trong những cái giá đắt nhất trong lịch sử.

Palau, một phần của Quần đảo Caroline, là một trong những quần đảo bị lấy khỏi tay Đức và trao cho Nhật, theo một điều khoản của Hiệp ước Versailles vào cuối Thế chiến I. Quân đội Mỹ vốn dĩ không quen thuộc với quần đảo này. Đô đốc William Halsey đã phản đối triển khai Chiến dịch Stalemate, trong đó gồm cả việc đưa quân Mỹ đánh vào Morotai ở Đông Ấn Hà Lan – bởi ông tin rằng MacArthur sẽ chỉ gặp phải kháng cự tối thiểu ở Philippines, nghĩa là chiến dịch này là không cần thiết, đặc biệt là khi tính đến những rủi ro có thể xảy ra. Continue reading “14/09/1944: Mỹ phát động Chiến dịch Stalemate trong Thế chiến II”

12/09/1974: Bạo lực tại Boston sau sự kiện phân biệt chủng tộc

Nguồn: Violence erupts in Boston over desegregation busing, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1974, ngày khai giảng năm học mới, tại Boston, Massachusetts, các hành động phản đối “xe buýt” trường học – vốn là một biện pháp tuân theo lệnh của tòa án – đã trở thành bạo lực nghiêm trọng. Xe buýt chở trẻ em người Mỹ gốc Phi đã bị ném trứng, gạch và chai lọ, trong khi cảnh sát có vũ trang phải cố gắng kiểm soát những người biểu tình da trắng giận dữ đang bao vây trường học. Continue reading “12/09/1974: Bạo lực tại Boston sau sự kiện phân biệt chủng tộc”

11/09/1973: Tổng thống Chile Salvador Allende thiệt mạng trong đảo chính

Nguồn: Chilean president Salvador Allende dies in coup, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, lực lượng vũ trang của Chile đã tiến hành một cuộc đảo chính chống lại chính phủ của Tổng thống Salvador Allende, nhà lãnh đạo Marxist dân cử đầu tiên ở Mỹ Latinh. Allende cùng những người ủng hộ mình đã rút về La Moneda – dinh thự tổng thống được xây dựng như pháo đài ở Santiago – khi đó đang bị xe tăng và bộ binh bao vây, đồng thời bị máy bay phản lực của không quân ném bom. Dù sống sót sau vụ không kích, Allende đã tự sát khi quân đội xông vào cung điện đang bốc cháy. Người ta nói rằng tổng thống đã sử dụng khẩu súng trường tự động mà lãnh đạo Cuba, Fidel Castro, tặng cho ông. Continue reading “11/09/1973: Tổng thống Chile Salvador Allende thiệt mạng trong đảo chính”

09/09/1919: Sở cảnh sát Boston đình công

Nguồn: The Boston police department goes on strike, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, một cuộc đình công của Sở cảnh sát Boston đã nổ ra, gây chấn động khắp nước Mỹ, đồng thời cho thấy ảnh hưởng ngày càng tăng của các công đoàn đối với đời sống của người dân nước này.

Giữa bối cảnh xã hội đổi thay trong thế kỷ 20, người ta mong đợi cảnh sát sẽ hành xử chuyên nghiệp hơn, và một vài cách hành xử trước đó của họ đã không còn được ủng hộ nữa. Những lời giải thích tương tự như những gì cảnh sát trưởng Dallas sau đó đưa ra để bào chữa cho các chiến thuật khác thường của mình, rằng “[Hành động] bất hợp pháp là cần thiết để bảo vệ luật pháp”, không còn được công chúng chấp nhận. Lần đầu tiên trong lịch sử, lực lượng cảnh sát được xếp vào khuôn khổ dịch vụ dân sự và thậm chí còn phải trải qua quá trình đào tạo. Chẳng bao lâu sau, Liên đoàn Lao động Hoa Kỳ (American Federation of Labor, AFL) bắt đầu thành lập các công đoàn cảnh sát địa phương. Continue reading “09/09/1919: Sở cảnh sát Boston đình công”

07/09/1911: Guillaume Apollinaire bị bắt vì nghi trộm bức tranh Mona Lisa

Nguồn: Guillaume Apollinaire is arrested for stealing the Mona Lisa, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1911, nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire đã bị bắt giữ và bỏ tù vì tình nghi đánh cắp bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci từ Bảo tàng Louvre ở Paris.

Nhà thơ 31 tuổi nổi danh nhờ quan điểm cấp tiến và việc ủng hộ phong trào nghệ thuật “tiên phong cực đoan” (extreme avant-garde), nhưng nguồn gốc xuất thân của ông vẫn là một bí ẩn. Ngày nay, người ta tin rằng ông sinh ra ở Rome và lớn lên ở Ý. Ông đến Paris năm 20 tuổi và nhanh chóng hòa mình vào phong cách bohemian của thành phố. Continue reading “07/09/1911: Guillaume Apollinaire bị bắt vì nghi trộm bức tranh Mona Lisa”

05/09/1972: Thảm sát tại Thế vận hội Munich

Nguồn: Massacre begins at Munich Olympics, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1972, trong Thế vận hội Mùa hè tại Munich, khi vừa rạng sáng, một nhóm khủng bố người Palestine đã xông vào căn hộ của các vận động viên Israel tại Làng Olympic, giết chết 2 người và bắt 9 người khác làm con tin. Những tên khủng bố này là thành viên của một tổ chức lấy tên Black September (Tháng Chín Đen). Để đổi lấy tự do cho các con tin, chúng yêu cầu Israel thả hơn 230 tù nhân người Ả Rập đang bị giam giữ trong nhà tù của nước này và hai kẻ khủng bố người Đức khác. Trong một vụ đấu súng diễn ra sau đó tại sân bay Munich, toàn bộ 9 con tin Israel đã bị sát hại cùng với 5 tên khủng bố và một cảnh sát Tây Đức. Thế vận hội đã tạm ngừng trong vòng 24 giờ để tổ chức lễ tưởng niệm cho các vận động viên thiệt mạng. Continue reading “05/09/1972: Thảm sát tại Thế vận hội Munich”

04/09/1969: Đài phát thanh Hà Nội đưa tin Hồ Chí Minh qua đời

Nguồn: Radio Hanoi announces the death of Ho Chi Minh, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1969, Đài phát thanh Hà Nội đã đưa tin Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời trước đó hai ngày, tuyên bố rằng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sẽ tạm dừng các hoạt động quân sự ở miền Nam trong ba ngày nhằm để tang Bác. Continue reading “04/09/1969: Đài phát thanh Hà Nội đưa tin Hồ Chí Minh qua đời”

02/09/31 TCN: Octavian đánh bại Mark Antony và Cleopatra trong trận Actium

Nguồn: The Battle of Actium, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 31 TCN, trong trận Actium diễn ra ngoài khơi bờ biển phía tây Hy Lạp, nhà lãnh đạo La Mã Octavian đã giành chiến thắng quyết định trước liên minh của Tướng Mark Antony và Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra. Trước khi lực lượng của họ thảm bại, Antony và Cleopatra đã sớm vượt qua chiến tuyến của kẻ thù, chạy trốn đến Ai Cập, nơi cả hai sẽ tự sát một năm sau đó.

Sau khi Julius Caesar bị ám sát vào năm 44 TCN, La Mã rơi vào tình cảnh nội chiến. Để chấm dứt bạo loạn, một liên minh – Tam đầu chế thứ hai (Second Triumvirate) – đã được lập ra bởi ba trong số những chiến binh mạnh nhất. Đó là Octavian, cháu trai đồng thời là người thừa kế chính thức của Caesar; Mark Antony, một vị tướng quyền lực; và Lepidus, một chính khách. Ba người đã phân chia đế chế, và Antony được trao quyền kiểm soát các tỉnh phía đông. Continue reading “02/09/31 TCN: Octavian đánh bại Mark Antony và Cleopatra trong trận Actium”