28/10/1962: Kết thúc Khủng hoảng Tên lửa Cuba

Nguồn: The Cuban Missile Crisis comes to an end, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1962, Khủng hoảng Tên lửa Cuba đã bước đến hồi kết khi lãnh đạo Liên Xô, Nikita Khrushchev, đồng ý di dời dàn tên lửa của nước này khỏi Cuba để đổi lấy lời hứa rằng Mỹ tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Cuba. Sự kiện này đã chấm dứt gần hai tuần ngập tràn lo lắng và căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, trong đó hai nước đã đến rất gần bờ vực một cuộc xung đột hạt nhân.

Hậu quả của cuộc khủng hoảng này rất nhiều và rất đa dạng. Quan hệ giữa Cuba và Liên Xô đã rơi vào xáo động một thời gian sau khi Khrushchev cho loại bỏ tên lửa, nguyên nhân là bởi Fidel Castro cáo buộc Liên Xô đã quay sang ủng hộ người Mỹ mà bỏ rơi cách mạng Cuba. Continue reading “28/10/1962: Kết thúc Khủng hoảng Tên lửa Cuba”

Đài Loan mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ

Biên dịch: Hương Trà

Đài Loan đang bị “mắc kẹt” trong cuộc chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tình trạng cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc này. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa nền kinh tế xuất khẩu và phát triển công nghệ của hòn đảo tự trị Đài Loan, vốn phụ thuộc rất nhiều vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc đại lục trong việc tìm kiếm cơ hội xuất khẩu và thâm nhập thị trường, nhất là đối với ngành công nghiệp điện tử và bán dẫn (đang chi phối 25% tổng sản phẩm quốc nội của Đài loan). Một khó khăn nữa là chiến lược song song hai hướng của Bắc kinh nhằm cô lập hòn đảo này về ngoại giao, đồng thời mua chuộc các công ty cũng như những nhân tài Đài Loan nhằm đưa hòn đảo này trở lại là một phần của Trung Quốc. Continue reading “Đài Loan mắc kẹt trong cuộc cạnh tranh Trung – Mỹ”

27/10/1775: George III nói về quân Mỹ nổi dậy trước Nghị viện Anh

Nguồn: King George III speaks to Parliament of American rebellion, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1775, Vua George III đã đứng trước lưỡng viện của Nghị viện Anh để nói về mối lo ngại ngày càng tăng về một cuộc nổi dậy ở châu Mỹ, vốn được ông coi là một hành động phản bội chống lại chính Nhà vua và Vương quốc Anh. Ông bắt đầu bài phát biểu của mình bằng cách đọc Tuyên bố Nổi dậy (Proclamation of Rebellion) và kêu gọi Nghị viện nhanh chóng hành động để chấm dứt cuộc nổi dậy và đem trật tự trở lại các thuộc địa.

Nhà vua tin rằng “rất nhiều trong số những kẻ bất mãn này vẫn có thể giữ được lòng trung thành của mình, và có đủ khôn ngoan để nhận ra hậu quả khôn lường của hành động nổi dậy này, họ muốn chống lại nó, nhưng bạo lực dữ dội đã buộc họ phải tuân phục, cho đến khi một lực lượng đủ mạnh xuất hiện để hỗ trợ họ.” Với những lời này, Nhà vua đã thể hiện sự chấp thuận của mình để Nghị viện gửi quân đến tấn công chính các thần dân của ông, một khái niệm mà người dân thuộc địa tin rằng không thể. Continue reading “27/10/1775: George III nói về quân Mỹ nổi dậy trước Nghị viện Anh”

Sử Việt nhìn từ phận đàn bà: Trường hợp thái hậu Dương Vân Nga

Tác giả: Trần Trọng Dương

Lịch sử Việt Nam nếu nhìn từ thân phận đàn bà thì đó là những tiếng nói vô thanh, tức là không có (hoặc rất ít) giọng nói cất lên từ phía phụ nữ, mà chỉ là những tiếng lồng đa thanh của những kẻ đàn ông cho những khuôn mặt đàn bà đã phôi pha theo dòng chảy thời gian. Hình tượng Thái hậu Dương Vân Nga trong lịch sử là một trong những điển hình cho điều đó. Trong khi Đinh Tiên Hoàng hiện lên như là một biểu tượng đa năng, như là câu chuyện của những đại tự sự với những xu hướng chính trị cùng chiều; thì Dương hậu được kiến tạo như là một hình ảnh phụ bị cuốn theo và phụ họa cho những giọng nói của đàn ông. Trong khi, các sử gia Nho giáo chỉ coi Dương hậu như là một bài học cho sự vi phạm đạo vợ chồng, phê phán để làm gương cho các bậc hoàng đế và vương hậu đời sau; thì các nghiên cứu trong thế kỷ 20 lại lấy bà như là một biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam biết hy sinh hạnh phúc cá nhân để giữ gìn sự thống nhất và bảo vệ nền độc lập dân tộc. Continue reading “Sử Việt nhìn từ phận đàn bà: Trường hợp thái hậu Dương Vân Nga”

26/10/1776: Benjamin Franklin khởi hành đến Pháp

Nguồn: Benjamin Franklin sets sail for France, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày 26 tháng 10 năm 1776, đúng một tháng sau ngày được Quốc hội Lục địa bổ nhiệm là đại diện phái đoàn ngoại giao, Benjamin Franklin đã khởi hành từ Philadelphia đến Pháp, nơi ông sẽ đàm phán nhằm đạt được một hiệp ước và một liên minh chính thức với Pháp.

Tại Pháp, một Franklin tài năng đã được chào đón bởi giới khoa học và văn nhân, và ông nhanh chóng trở thành một người thuộc về tầng lớp xã hội cao. Trong khi những thành tựu cá nhân của ông được ca tụng, thành công trong lĩnh vực ngoại giao của Franklin tại Pháp vẫn tiến triển rất chậm. Continue reading “26/10/1776: Benjamin Franklin khởi hành đến Pháp”

Trump và sự bất mãn đối với đồng đô la Mỹ

Nguồn: Barry Eichengreen, “The Dollar and its Discontents“, Project Syndicate, 10/10/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Chính sách đơn phương của Tổng thống Donald Trump đang định hình lại thế giới theo nhiều chiều hướng sâu sắc và không thể đảo ngược. Ông ta đang phá hoại quy tắc hoạt động của các tổ chức đa phương. Về phần mình, những quốc gia khác cũng không còn coi nước Mỹ như một đối tác đồng minh đáng tin cậy, và họ cảm thấy phải xây dựng năng lực địa chính trị cho riêng mình.

Hiện tại chính quyền Trump đang làm xói mòn vai trò toàn cầu của đồng đô la. Sau khi tái áp dụng trừng phạt đơn phương lên Iran, chính quyền Trump đang đe dọa xử phạt những công ty có hoạt động kinh doanh với nhà nước Cộng hòa Hồi giáo này bằng cách từ chối không cho họ sử dụng các ngân hàng của Mỹ. Continue reading “Trump và sự bất mãn đối với đồng đô la Mỹ”

25/10/1973: Nixon phủ quyết Dự luật Quyền hạn Chiến tranh

Nguồn: Nixon vetoes War Powers Resolution, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, Tổng thống Nixon đã phủ quyết Dự luật kiểm soát Quyền hạn Chiến tranh (War Powers Resolution), trong đó đặt vấn đề hạn chế quyền cam kết lực lượng vũ trang ở nước ngoài của Tổng thống mà không cần sự chấp thuận của Quốc Hội.

Dự luật này, do Thượng nghị sĩ Jacob K. Javits của bang New York giới thiệu, yêu cầu Tổng thống báo cáo trước Quốc hội trong vòng 48 giờ sau khi cam kết đưa lực lượng vũ trang đến chiến đấu ở nước ngoài và đặt ra thời hạn mà quân Mỹ có thể ở đó mà không có sự chấp thuận của Quốc hội là 60 ngày. Dự luật là một nỗ lực của Quốc hội để tái kiểm soát quyền gây chiến. Còn Nixon thì tuyên bố rằng nó áp đặt “các hạn chế vi hiến và nguy hiểm” đối với thẩm quyền của Tổng thống. Tuy nhiên, vào ngày 07/11/1973, Quốc Hội vẫn thông qua dự luật, bất chấp sự phủ quyết của Nixon. Continue reading “25/10/1973: Nixon phủ quyết Dự luật Quyền hạn Chiến tranh”

Căng thẳng Mỹ-Trung: Tại sao lúc này?

Tác giả: Phạm Phú Khải

Bài nói chuyện của ông Trump trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, của PTT Mike Pence tại Viện Hudson, của Bolton trên chương trình phát thanh Hugh Hewitt Show, hay chuyến viếng thăm Việt Nam và Singapore của Mattis, tất cả những hành động nhắm tới Trung Quốc này đều diễn ra chỉ hơn hai tuần trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ (6 tháng 11 năm 2018).

Điều này cho thấy tính quan trọng của thời điểm thi hành chiến lược. Một chiến lược hay ho đến mấy vẫn chưa đủ. Kế hoạch thi hành, trong đó chi tiết thực hiện từng bước, từng nước cờ, khi nào bắt đầu hay chấm dứt, liên tiếp hay song hành,vv…, mang tính quyết định sự thành bại. Continue reading “Căng thẳng Mỹ-Trung: Tại sao lúc này?”

24/10/1951: Chiến tranh với Đức chính thức chấm dứt

Nguồn: Truman declares war with Germany officially over, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1951, Tổng thống Harry Truman cuối cùng đã tuyên bố rằng cuộc chiến của Hoa Kỳ với Đức, bắt đầu vào năm 1941, đã chính thức chấm dứt. Chiến sự thực tế đã kết thúc vào mùa xuân năm 1945.

Hầu hết người Mỹ cho rằng chiến tranh với Đức đã kết thúc với việc chấm dứt chiến sự sáu năm trước đó. Trên thực tế, một hiệp ước hòa bình với Đức vẫn chưa từng được ký kết. Điều đã làm phức tạp quá trình thương lượng là tình trạng lãnh thổ trong khu vực từng là nước Đức trước đây. Continue reading “24/10/1951: Chiến tranh với Đức chính thức chấm dứt”

Tại sao Vantican lại đàm phán với Trung Quốc?

Nguồn: Why is the Vatican negotiating with China, The Economist, 21/05/2018.

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong nhiều năm, các phái đoàn đã đi đi về về giữa Bắc Kinh và Rome với hy vọng đạt được thỏa thuận về cách thức bổ nhiệm các giám mục Công giáo ở Trung Quốc. Những tin đồn gần đây cho thấy họ đã gần đạt được một thỏa thuận hơn bao giờ hết. Nhưng nguồn gốc của sự bất đồng giữa Vatican và Đảng Cộng sản Trung Quốc là gì? Việc giải quyết bất đồng này mang lại lợi ích gì cho cả hai bên? Continue reading “Tại sao Vantican lại đàm phán với Trung Quốc?”

23/10/42 TCN: Brutus tự sát

Nguồn: Brutus commits suicide, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 42 TCN, Marcus Junius Brutus, kẻ đứng sau âm mưu ám sát Julius Caesar, đã tự sát sau thất bại trong trận Philippi thứ hai.

Hai năm trước, Brutus đã cùng Gaius Cassius Longinus lập mưu chống lại nhà độc tài La Mã, Julius Caesar, với niềm tin rằng điều đó giúp phục hồi nền Cộng hòa La Mã. Tuy nhiên, vụ ám sát Caesar lại đẩy người La Mã vào một vòng nội chiến mới, khi lực lượng Cộng hòa của Brutus và Cassius lao vào tranh giành quyền lực tối cao với lực lượng của Octavian và Mark Antony. Continue reading “23/10/42 TCN: Brutus tự sát”

Bài học từ Thảm sát Huế

Nguồn: Olga Dror, “Learning From the Hue Massacre”, The New York Times, 20/02/2018.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Là một phần trong Chiến dịch Tết Mậu Thân (Tet offensive), Trận Huế bắt đầu bằng đợt tấn công của lực lượng cộng sản rạng sáng 30/01/1968. Cố đô khi ấy được bảo vệ bởi Quân lực Việt Nam Cộng hòa (QLVNCH), các đơn vị dân quân địa phương, cùng với Thủy quân Lục chiến và Không quân Hoa Kỳ. Trong khi đó, lực lượng nòng cốt của cộng sản ở Huế là quân đội Bắc Việt (Quân đội Nhân dân Việt Nam, QĐNDVN) với sự hỗ trợ của các đơn vị cộng sản miền Nam – Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, còn được gọi là Việt Cộng, cũng như những người cảm tình với cộng sản, nhiều người trong số họ là cựu thành viên của Phong trào Đấu tranh (Struggle Movement) do các nhà sư và sinh viên Phật giáo tổ chức tại Huế vào năm 1965, sau trở thành phong trào Phật giáo Nổi dậy (Buddhist Uprising) mà QLVNCH đàn áp vào năm 1966. Nhiều thành viên của phong trào này đã chạy trốn đến vùng núi và gia nhập phe cộng sản; đến Chiến dịch Tết Mậu Thân, họ trở về Huế trong hàng ngũ những người cộng sản. Continue reading “Bài học từ Thảm sát Huế”

22/10/1972: Tổng thống Thiệu từ chối đề xuất hòa bình

Nguồn: President Thieu turns down peace proposal, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1972, tại Sài Gòn, Henry Kissinger gặp Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu để để thuyết phục ông chấp thuận đề xuất ngừng bắn được đưa ra tại các cuộc đàm phán hòa bình bí mật với Bắc Việt tại Paris.

Đề xuất này cho phép duy trì vai trò của lực lượng Việt Cộng sau ngừng bắn và Thiệu đã bác bỏ từng điểm một trong hiệp định được đề xuất, đồng thời cáo buộc Hoa Kỳ đã âm mưu cùng với Trung Quốc và Liên Xô phá hoại chế độ của ông. Vốn định ký tắt bản dự thảo hiệp định tại Hà Nội vào cuối tháng đó, Kissinger đã đánh điện cho Tổng thống Nixon nói rằng các điều khoản mà Thiệu yêu cầu “gần như điên rồ” và bay về nước. Continue reading “22/10/1972: Tổng thống Thiệu từ chối đề xuất hòa bình”

Liệu Trung Quốc có dám bán tháo trái phiếu Mỹ?

Nguồn: Andrew Ross Sorkin, “The Unknowable Fallout of China’s Trade War Nuclear Option”,  The New  York Times, 09/10/2018.

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Trung Quốc hiện nắm giữ hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu của Mỹ và điều này thường được gọi là “phương án vũ khí hạt nhân” của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Lâu nay các nhà kinh tế và nhà đầu tư đang cố gắng làm rõ vấn đề: Mỹ và Trung Quốc  sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình ra sao trong cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này. Ít nhất là cho tới gần đây hầu như mọi dự đoán đều xoay quanh cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai bên.

Cho dù trong giả thiết bi quan nhất kiểu “ngày tận thế” của cuộc chiến đó thì một thứ vũ khí vẫn luôn được cho là không tưởng: Là kẻ nắm giữ khoản nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ, hơn 1000 tỷ đô la, Trung Quốc sẽ có thể công khai ngừng mua trái phiếu Mỹ – hoặc tệ hơn nữa là  sẽ bán tháo lượng trái phiếu họ đang nắm giữ trên thị trường mở. Continue reading “Liệu Trung Quốc có dám bán tháo trái phiếu Mỹ?”

21/10/1805: Trận Trafalgar

Nguồn: Battle of Trafalgar, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1805, trong trận Trafalgar diễn ra ngoài khơi bờ biển Tây Ban Nha, một trong những trận hải chiến mang tính quyết định nhất trong lịch sử, hạm đội Anh dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Horatio Nelson đã đánh bại hạm đội liên quân Pháp -Tây Ban Nha.

Trên biển, Nelson và Hải quân Hoàng gia Anh luôn cản trở Napoléon Bonaparte, người đã đưa Pháp đến đỉnh cao quyền lực tại lục địa châu Âu. Chiến thắng cuối cùng và vĩ đại nhất của Nelson chống lại người Pháp là Trận Trafalgar, bắt đầu ngay sau khi Nelson bắt gặp một lực lượng Pháp-Tây Ban Nha gồm 33 tàu. Trước khi đối đầu vào ngày 21/10, Nelson đã chia 27 tàu của mình thành hai sư đoàn và đưa ra thông điệp nổi tiếng từ Chiến hạm Victory: “Nước Anh hy vọng các anh sẽ làm tròn nhiệm vụ của mình.” Continue reading “21/10/1805: Trận Trafalgar”

20/10/1947: Quốc hội Mỹ điều tra Cộng sản tại Hollywood

Nguồn: Congress investigates Reds in Hollywood, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1947, Nỗi sợ Cộng sản (Red Scare) đã lên tới đỉnh điểm ở Washington, khi một Ủy ban Quốc hội bắt đầu điều tra ảnh hưởng của Cộng sản tại một trong những cộng đồng giàu có và hào nhoáng nhất thế giới: Hollywood.

Thế chiến II kết thúc và Chiến tranh Lạnh dần “nóng” lên giữa hai cường quốc thế giới – Hoa Kỳ và Liên Xô do Cộng sản kiểm soát. Tại Washington, các cơ quan giám sát bảo thủ đã tìm mọi cách để loại bỏ những người cộng sản trong chính phủ trước khi chuyển mục tiêu sang “bọn Cộng sản” trong ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng. Continue reading “20/10/1947: Quốc hội Mỹ điều tra Cộng sản tại Hollywood”

Bước nhảy lùi vĩ đại của Trung Quốc

 

Nguồn: Jonathan Tepperman, “China’s Great Leap Backward”, Foreign Policy, 15/10/2018.

Biên dịch: Huỳnh Hoa

Trong nhiều thập niên, quốc gia này đã xoay xở tránh được phần lớn những vấn đề mà các chế độ độc tài phải chịu đựng. Giờ đây, trò chơi quyền lực cá nhân của Tập Cận Bình có nguy cơ phá hủy mọi thứ đã làm cho Trung Quốc trở nên khác biệt.

Trong bốn mươi năm qua, Trung Quốc đã tích cóp được một danh sách dài những thành tựu nổi bật. Từ năm 1978 đến 2013, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bình quân 10 phần trăm mỗi năm, làm gia tăng mười lần mức thu nhập trung bình của người lao động trưởng thành. Tất cả sự tăng trưởng đó đã giúp khoảng 800 triệu người thoát ra khỏi đói nghèo; trong quá trình này Trung Quốc cũng giảm được 85 phần trăm mức tử vong của trẻ sơ sinh và nâng tuổi thọ bình quân thêm 11 năm. Continue reading “Bước nhảy lùi vĩ đại của Trung Quốc”

19/10/1972: Kissinger thảo luận Hiệp định Paris với Thiệu

Nguồn: Kissinger discusses draft peace treaty with President Thieu, History.com

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Vào ngày này năm 1972, Henry Kissinger và các quan chức Hoa Kỳ tổ chức các cuộc họp tại Sài Gòn với Tổng thống Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu để thảo luận về hiệp ước hòa bình được soạn thảo bởi Kissinger và Lê Đức Thọ, nhà đàm phán chính của Bắc Việt tại Paris.

Thiệu kiên quyết phản đối các điều khoản của bản dự thảo hiệp định trong đó cho phép bộ đội Bắc Việt được tiếp tục hiện diện tại miền Nam. Kissinger đã cố gắng thuyết phục Thiệu chấp thuận các điều khoản, nhưng Thiệu vẫn không đồng ý. Đây sẽ là một trở ngại lớn trong các cuộc đàm phán đang tiếp diễn. Continue reading “19/10/1972: Kissinger thảo luận Hiệp định Paris với Thiệu”

Định giá lại ‘nông nghiệp, nhà nước, văn minh’?

Tác giả: Vũ Đức Liêm

Chúng ta được dạy và tin rằng từ săn bắn hái lượm đến nông nghiệp là bước tiến của văn minh nhân loại. Định cư và canh tác nông nghiệp là tiêu chí của sự tiến hóa lịch sử. Nhà nước là biểu hiện của xã hội văn minh. Những điều này sẽ bị thách thức nếu chúng ta nhìn sự tiến hóa của nhân loại từ một góc nhìn khác. Theo hướng này thì không chỉ có việc chúng ta thuần hóa cây trồng, vật nuôi, mà chính những cây con này đã “thuần hóa” con người, buộc con người phải lệ thuộc và phục vụ chúng. Theo hướng này, con người đã phải “trả giá” cho lựa chọn nông nghiệp, định cư và nhà nước thay vì săn bắn hái lượm. Vậy cái giá đó là gì? Continue reading “Định giá lại ‘nông nghiệp, nhà nước, văn minh’?”

18/10/1469: Ferdinand và Isabella kết hôn

Nguồn: Ferdinand and Isabella marry, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1469, Ferdinand xứ Aragon đã kết hôn với Isabella xứ Castile tại Valladolid, khởi đầu cho một triều đại sẽ thống nhất tất cả các tiểu quốc dưới quyền thống trị của Tây Ban Nha và đưa nước này trở thành cường quốc thế giới.

Ferdinand và Isabella đã sáp nhập một số tiểu quốc độc lập vào vương quốc Tây Ban Nha của họ. Năm 1478, hai người thành lập Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha (Spanish Inquisition), một “công cụ” mạnh mẽ và tàn bạo nhằm đồng nhất hóa xã hội Tây Ban Nha. Năm 1492, Tây Ban Nha tái chiếm thành công Granada từ tay người Moor; sau đó, vua và hoàng hậu ra lệnh cho tất cả người Do Thái ở Tây Ban Nha phải cải đạo sang Công giáo hoặc sẽ bị trục xuất. Bốn năm sau, người Hồi giáo Tây Ban Nha cũng nhận được một mệnh lệnh tương tự. Continue reading “18/10/1469: Ferdinand và Isabella kết hôn”