18/07/1969: Thượng nghị sĩ Edward Kennedy gây tai nạn chết người

Nguồn: Senator Ted Kennedy drives car off bridge at Chappaquiddick Island, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1969, ngay sau khi rời một bữa tiệc trên đảo Chappaquiddick, Thượng nghị sĩ Edward “Ted” Kennedy của Massachusetts đã lái chiếc Oldsmobile của mình rơi khỏi cây cầu gỗ, xuống một cái ao ngập nước triều dâng. Kennedy đã thoát khỏi chiếc xe bị ngập nước, nhưng hành khách đi cùng, Mary Jo Kopechne, 28 tuổi, thì không may mắn như vậy. Ông cũng đã không báo cáo về vụ tai nạn chết người này suốt 10 giờ sau đó.

Tối ngày 18/07/1969, trong khi hầu hết người dân Mỹ ở nhà xem tin tức trên truyền hình về nhiệm vụ đổ bộ mặt trăng Apollo 11, Kennedy và anh họ Joe Gargan lại đang tổ chức một buổi nấu nướng và tiệc tùng trong căn nhà thuê trên đảo Chappaquiddick, một hòn đảo thượng lưu ở Martha’s Vineyard, Massachusetts. Bữa tiệc là cuộc hội ngộ cho Kopechne và năm người phụ nữ khác, tất cả đều là thành viên trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1968 của cố Thượng nghị sĩ Robert (Bobby) F. Kennedy. Continue reading “18/07/1969: Thượng nghị sĩ Edward Kennedy gây tai nạn chết người”

14/07/1798: Đạo luật Chống Nổi loạn trở thành luật liên bang

Nguồn: Sedition Act becomes federal law, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1798, một trong những vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ đã trở thành luật liên bang khi Quốc hội thông qua Đạo luật Chống Nổi loạn (Sedition Act), gây nguy hiểm cho nền tự do mong manh ở quốc gia mới thành lập này. Trong lúc Mỹ vẫn còn đang tham gia xung đột hải quân với nước Pháp Cách mạng (được gọi là Quasi-War), Alexander Hamilton và những người thuộc phe Liên bang trong Quốc hội đã lợi dụng nỗi sợ hãi chiến tranh của công chúng để soạn thảo và thông qua Đạo luật Hạn chế Người Nước ngoài và Chống Nổi loạn (Alien and Sedition Acts of 1798), mà không hề tham vấn ý kiến Tổng thống John Adams. Continue reading “14/07/1798: Đạo luật Chống Nổi loạn trở thành luật liên bang”

12/07/1943: Liên Xô chặn đường tiến của Đức trong trận Kursk

Nguồn: Russians halt German advance in a decisive battle at Kursk, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1943, một trong những trận đấu tăng lớn nhất trong lịch sử quân sự đã diễn ra khi cuộc tấn công của Đức nhắm vào Kursk, một trung tâm công nghiệp và đường sắt của Liên Xô, đã bị chặn lại trong một trận chiến tàn khốc, đánh dấu bước ngoặt ở Mặt trận phía Đông theo hướng có lợi cho Liên Xô.

Đức vốn dĩ đã bị đẩy lùi khỏi Kursk, một trung tâm liên lạc quan trọng giữa hai miền bắc và nam của Liên Xô, từ hồi tháng 2. Sang tháng 3, phía Liên Xô đã tạo ra một pháo đài phòng thủ kiên cố nằm ở phía tây Kursk để ngăn chặn một nỗ lực khác của Đức nhằm tiến xa hơn về phía nam Liên Xô. Vào tháng 6, quân xâm lược Đức đã phát động một cuộc không kích vào Kursk; trên mặt đất, Chiến dịch Cottbus được phát động, ban đầu tập trung tiêu diệt hoạt động của quân đội Liên Xô, nhưng thực tế lại dẫn đến việc tàn sát dân thường do lực lượng Liên Xô ẩn náu trong dân. Liên Xô cũng đã đáp trả bằng các cuộc không kích chống lại quân Đức. Continue reading “12/07/1943: Liên Xô chặn đường tiến của Đức trong trận Kursk”

11/07/1960: “Giết con chim nhại” xuất bản lần đầu tiên

Nguồn: “To Kill a Mockingbird” published, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1960, tiểu thuyết gia 34 tuổi Nelle Harper Lee đã cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, “Giết con chim nhại” (To Kill a Mockingbird).

Lấy bối cảnh ở Maycomb, một thị trấn nhỏ ở Alabama giống như quê nhà Monroeville của Lee, “Giết con chim nhại” sở hữu nhiều nhân vật không thể xóa nhòa, bao gồm cô bé kể chuyện mang phong cách tomboy, Jean Louise Finch (được biết đến với cái tên “Scout”), ông hàng xóm bí ẩn Boo Radley và cha của Scout, Atticus Finch, một luật sư nổi tiếng, người đã bào chữa cho một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng. Giờ đây đã trở thành một tác phẩm bắt buộc trong các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông và là chủ đề của nhiều nỗ lực kiểm duyệt, “Giết con chim nhại” đem lại mô tả sống động về cuộc sống ở miền nam nước Mỹ dưới thời kỳ Jim Crow, trong cuộc Đại Khủng hoảng. Continue reading “11/07/1960: “Giết con chim nhại” xuất bản lần đầu tiên”

09/07/1762: Catherine Đại đế lên nắm quyền

Nguồn: Catherine the Great assumes power, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1762, vợ của Nga hoàng Peter III đã tập hợp các trung đoàn quân đội của St. Petersburg chống lại chồng mình và tuyên bố trở thành Nữ hoàng Catherine Đệ nhị, người trị vì duy nhất của nước Nga.

Được biết đến nhiều hơn với cái tên Catherine Đại đế, bà sẽ ngồi lại ngai vàng trong  34 năm tiếp theo, lâu hơn bất kỳ nữ hoàng nào trong lịch sử nước Nga.

Bà ra đời với tên gọi Sophie von Anhalt-Zerbst vào năm 1729 tại Ba Lan ngày nay. Cha của bà là một hoàng thân nhỏ của Phổ; mẹ bà là một thành viên của gia tộc Holstein-Gottorp, một trong những dòng họ nổi tiếng nhất nước Đức. Continue reading “09/07/1762: Catherine Đại đế lên nắm quyền”

07/07/1865: Người phụ nữ đầu tiên bị chính phủ liên bang Mỹ xử tử

Nguồn: Mary Surratt is first woman executed by U.S. federal government, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1865, chính phủ Mỹ đã quyết định xử tử Mary Surratt vì cho rằng bà là đồng chủ mưu trong vụ ám sát Tổng thống Abraham Lincoln.

Vì khó khăn tài chính, Surratt, chủ sở hữu một quán rượu ở Surrattsville (nay là Clinton), Maryland, đã phải chuyển đổi quán của mình ở Washington, D.C., thành một nhà trọ. Chỉ cách Nhà hát Ford nơi Lincoln bị sát hại vài dãy nhà, ngôi nhà của Surratt là nơi một nhóm những người ủng hộ Hợp bang miền Nam, bao gồm cả John Wilkes Booth, đã lập mưu ám sát tổng thống. Chính mối liên hệ giữa Surratt với Booth cuối cùng đã dẫn đến việc bà bị kết tội, mặc dù người ta vẫn tiếp tục tranh luận về mức độ liên quan của bà, và liệu điều đó có đáng bị trao một bản án khắc nghiệt đến vậy hay không. Continue reading “07/07/1865: Người phụ nữ đầu tiên bị chính phủ liên bang Mỹ xử tử”

05/07/2003: WHO tuyên bố SARS đã được kiểm soát trên toàn thế giới

Nguồn: World Health Organization declares SARS contained worldwide, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2003, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo rằng tất cả các trường hợp lây truyền từ người sang người của Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome; viết tắt: SARS) đã chấm dứt. Trong vòng tám tháng trước đó, căn bệnh này đã giết chết khoảng 775 người ở 29 quốc gia, đồng thời phơi bày những rủi ro từ toàn cầu hóa đối với y tế công cộng. Bất chấp thông báo của WHO, một trường hợp nhiễm bệnh mới đã được xác nhận ở Trung Quốc vào tháng 01/2004 và bốn chẩn đoán tiếp theo được đưa ra vào tháng 04.

Các trường hợp mắc SARS đầu tiên – khi đó được cho là viêm phổi – nhiều khả năng đã xuất hiện ở Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11/2002. Ngày 15/02/2003, Trung Quốc đã báo cáo về 305 trường hợp viêm phổi không điển hình, mà sau đó được phát hiện là SARS. Trung Quốc đã bị chỉ trích, và sau đó cũng xin lỗi, vì đã không cảnh báo cho các cơ quan y tế thế giới về đợt bùng phát ban đầu và thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp để ngăn chặn dịch bệnh. Continue reading “05/07/2003: WHO tuyên bố SARS đã được kiểm soát trên toàn thế giới”

04/07/1997: Tàu thám hiểm Pathfinder đến sao Hỏa

Nguồn: Pathfinder lands on Mars, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1997, sau hành trình 120 triệu dặm kéo dài bảy tháng, Mars Pathfinder của NASA đã trở thành tàu vũ trụ Mỹ đầu tiên đến được bề mặt sao Hỏa trong hơn hai thập niên. Trong quá trình hạ cánh được lên kế hoạch khéo léo, tiết kiệm chi phí, Pathfinder đã sử dụng những chiếc dù để làm chậm dần vận tốc tiếp cận bề mặt sao Hỏa, sau đó dùng thêm các túi khí để giảm bớt tác động khi chạm đất. Va chạm với Bãi bồi Ares Vallis ở tốc độ 40 dặm/giờ, con tàu vũ trụ đã nảy cao vào bầu khí quyển sao Hỏa tận 16 lần trước khi hạ cánh an toàn. Continue reading “04/07/1997: Tàu thám hiểm Pathfinder đến sao Hỏa”

02/07/1839: Nổi loạn trên tàu chở nô lệ Amistad

Nguồn: Mutiny on the Amistad slave ship, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào sáng sớm ngày này năm 1839, những người châu Phi trên chiếc tàu Amistad của Cuba đã nổi dậy chống lại những kẻ bắt giữ họ, giết chết hai thuyền viên và giành quyền kiểm soát con tàu vốn dĩ được dùng để  chở họ đến làm nô lệ ở một đồn điền mía đường tại Puerto Principe, Cuba.

Năm 1807, Quốc Hội Mỹ đã cùng với Vương quốc Anh xóa bỏ việc buôn bán nô lệ châu Phi, mặc dù hành động buôn bán nô lệ ở Mỹ vẫn không bị cấm. Bất chấp lệnh cấm quốc tế về “nhập khẩu” nô lệ châu Phi, Cuba vẫn tiếp tục vận chuyển nô lệ da đen đến các đồn điền mía đường của nước này tới tận những năm 1860, còn Brazil cũng nhận nô lệ đến các đồn điền cà phê cho đến thập niên 1850. Continue reading “02/07/1839: Nổi loạn trên tàu chở nô lệ Amistad”

30/06/1971: Ba phi hành gia Liên Xô thiệt mạng trong thảm kịch Soyuz 11

Nguồn: Soviet cosmonauts perish in reentry disaster, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1971, ba nhà du hành vũ trụ Liên Xô thuộc phi hành đoàn đầu tiên làm việc trên trạm vũ trụ đầu tiên của thế giới đã thiệt mạng vì tàu không gian của họ sụt áp khi quay trở lại khí quyển Trái Đất.

Ngày 06/06, các phi hành gia Georgi Dobrovolsky, Vladislav Volkov và Viktor Patsayev đã được phóng lên vũ trụ trên tàu Soyuz 11 trong một nhiệm vụ neo đậu và làm việc tại Salyut 1, trạm vũ trụ của Liên Xô, vốn đã được đưa vào quỹ đạo không gian từ hồi tháng 4. Con tàu đã đến trạm thành công và các phi hành gia đã dành 23 ngày trong quỹ đạo. Vào ngày 30/06, họ rời Salyut 1 và bắt đầu quay lại Trái Đất. Continue reading “30/06/1971: Ba phi hành gia Liên Xô thiệt mạng trong thảm kịch Soyuz 11”

28/06/1919: Keynes phản đối Hoà ước Versailles, tiên đoán hỗn loạn kinh tế

Nguồn: Keynes predicts economic chaos, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1919, tại Cung điện Versailles bên ngoài Paris, Đức ký Hiệp ước Versailles với phe Hiệp ước, chính thức kết thúc Thế chiến I. Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, một thành viên tham dự hội nghị hòa bình nhưng sau đó đã rời đi để phản đối hiệp ước, là một trong những nhà phê bình thẳng thắn nhất đối với thỏa thuận mang tính trừng phạt này.

Trong cuốn The Economic Consequences of the Peace (Hậu quả kinh tế của hoà ước) xuất bản vào tháng 12/1919, Keynes dự đoán rằng khoản bồi thường chiến phí khổng lồ cùng các điều khoản khắc nghiệt khác áp đặt lên Đức sẽ dẫn đến sự sụp đổ tài chính của nước này, từ đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng lên kinh tế và chính trị ở châu Âu và trên toàn thế giới. Continue reading “28/06/1919: Keynes phản đối Hoà ước Versailles, tiên đoán hỗn loạn kinh tế”

27/06/1844: Lãnh đạo Mặc Môn giáo Joseph Smith bị sát hại

Nguồn: Mormon leader Joseph Smith killed by mob, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1844, Joseph Smith, nhà sáng lập và lãnh đạo tôn giáo Mặc Môn (Mormon), đã bị sát hại cùng với anh trai Hyrum khi một đám đông chống Mặc Môn đột nhập vào nhà tù nơi họ đang bị giam giữ ở Carthage, Illinois.

Sinh tại Vermont vào năm 1805, năm 1823, Smith tuyên bố rằng mình đã có thị kiến với một thiên thần của Đức Chúa, tên là Moroni, người đã nói cho ông biết về một văn bản tiếng Do Thái cổ đã bị thất lạc suốt 1.500 năm qua. Thánh thư, được tin là do một nhà sử học người Mỹ bản địa khắc trên nhiều tấm vàng vào thế kỷ thứ tư, ghi lại những câu chuyện của người Israel sống ở châu Mỹ thời cổ đại. Continue reading “27/06/1844: Lãnh đạo Mặc Môn giáo Joseph Smith bị sát hại”

25/06/1993: Kim Campbell trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Canada

Nguồn: Kim Campbell becomes Canada’s first female prime minister, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1993, tại Ottawa, Kim Campbell đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Canada thứ 19, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ cao nhất của đất nước.

Sinh tại Port Alberni, British Columbia vào năm 1947, bà Campbell đã theo học ngành luật và khoa học chính trị trước khi tham gia chính trường Canada kể từ thập niên 1980. Năm 1986, bà trở thành đại diện của Đảng Bảo thủ trong cơ quan lập pháp của British Columbia, và hai năm sau đó thì được Thủ tướng Brian Mulroney bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ trách Các vấn đề liên quan đến Cư dân Bản địa. Continue reading “25/06/1993: Kim Campbell trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Canada”

23/06/2018: Đội bóng đá Thái Lan bị mắc kẹt trong hang

Nguồn: Thai soccer team becomes trapped in cave, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Mọi chuyện bắt đầu từ chuyến tham quan thú vị sau giờ luyện tập!

Vào ngày này năm 2018, Ekkapol Chantawong, huấn luyện viên bóng đá 25 tuổi người Thái Lan, đã đưa đội bóng của mình, Wild Boars, đi khám phá một hang động mà anh từng ghé thăm trước đó, dự định ở lại chỉ khoảng một giờ mà thôi. Nhưng mưa đầu mùa bất ngờ ập đến khi mọi người còn ở dưới lòng đất và nước nhanh chóng dâng lên ngập miệng hang, khiến huấn luyện viên và 12 cầu thủ, trong độ tuổi từ 11 đến 16, bị mắc kẹt. Họ ở dưới lòng đất suốt hơn hai tuần, trong một sự kiện đã trở thành hiện tượng truyền thông toàn cầu. Continue reading “23/06/2018: Đội bóng đá Thái Lan bị mắc kẹt trong hang”

21/06/1942: Quân Đồng minh đầu hàng tại Tobruk, Libya

Nguồn: Allies surrender at Tobruk, Libya, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, Tướng Erwin Rommel đã giành chiến thắng sau cùng trong cuộc tấn công vào doanh trại của liên quân Anh tại Tobruk, Libya, khi lực lượng thiết giáp của ông chiếm thành công cảng này.

Anh giành quyền kiểm soát tại Tobruk kể từ sau khi đánh bại người Ý vào năm 1940. Nhưng phía Đức đã cố gắng giành lại khu vực bằng cách yểm trợ quân Ý bằng Quân đoàn Afrika của Erwin Rommel, người liên tục chiến thắng trước Tập đoàn quân số 8 của Anh trong các trận chiến quanh Tobruk, cuối cùng buộc quân Anh rút lui về Ai Cập. Continue reading “21/06/1942: Quân Đồng minh đầu hàng tại Tobruk, Libya”