22/02/1917: Mussolini bị thương do đạn súng cối

Nguồn: Mussolini wounded by mortar bomb, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, trung sĩ Benito Mussolini, người sau này là lãnh tụ lực lượng Phát xít Ý, đã bị thương trong một vụ nổ súng cối bất ngờ, xảy ra ở Isonzo thuộc Mặt trận Ý trong Thế chiến I.

Sinh ra ở Predappio, Ý vào năm 1883, là con trai của một thợ rèn và một giáo viên, Mussolini là người đọc nhiều và trong phần lớn cuộc đời ông là người tự học. Ông từng làm giáo viên và nhà báo theo chủ nghĩa xã hội. Sau đó, ông bị bắt và bị bỏ tù vì đã dẫn đầu các cuộc biểu tình ở tỉnh Forli chống lại cuộc chiến của Ý ở Libya năm 1911 – 1912. Continue reading “22/02/1917: Mussolini bị thương do đạn súng cối”

21/2/1944: Tojo tự xưng là “Tổng Tư lệnh quân đội”

Nguồn: Tojo makes himself “military czar”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1944, quyền lực của Thủ tướng Nhật Bản Hideki Tojo ngày một nhiều thêm khi ông giữ vai trò Tổng Tư lệnh, một vị trí cho phép ông trực tiếp kiểm soát quân đội Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia và Trường huấn luyện Sĩ quan Quân đội, Tojo được gửi tới Berlin làm tùy viên quân sự của Nhật sau Thế chiến I. Nổi danh về sự khắc nghiệt và tính kỷ luật, Tojo được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn I Bộ binh khi trở về Nhật Bản. Năm 1937, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng Đạo quân Quan Đông ở Mãn Châu, Trung Quốc. Khi về nước, Tojo đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Chiến tranh và nhanh chóng đi đầu trong việc giúp quân đội tăng cường kiểm soát chính sách đối ngoại, ủng hộ việc ký Hiệp ước Ba bên năm 1940 với Đức và Ý, từ đó đưa Nhật trở thành một cường quốc phe Trục. Continue reading “21/2/1944: Tojo tự xưng là “Tổng Tư lệnh quân đội””

20/02/1976: SEATO giải thể

Nguồn: SEATO disbands, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1976, sau 22 năm hoạt động, Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO) đã kết thúc hoạt động quân sự cuối cùng và lặng lẽ ngưng hoạt động. SEATO là một trong các tường thành của chính sách Chiến tranh Lạnh của Mỹ ở châu Á, nhưng chiến tranh Việt Nam đã gây tổn hại đến tính gắn kết của tổ chức này và đặt câu hỏi về tính hiệu quả của nó.

SEATO được thành lập vào năm 1954 trong một cuộc họp ở Manila dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles. Tám quốc gia – Mỹ, Pháp, Anh, Australia, New Zealand, Philippine, Thái Lan và Pakistan – đã cùng nhau tham gia vào tổ chức quốc phòng khu vực để “ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa cộng sản ở Châu Á.” Continue reading “20/02/1976: SEATO giải thể”

19/02/1981: Mỹ tuyên bố cuộc nổi dậy ở El Salvador là một âm mưu cộng sản

Nguồn: United States calls situation in El Salvador a communist plot, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1981, chính phủ Mỹ đã công bố một báo cáo trình bày chi tiết về cách làm thế nào “cuộc nổi dậy ở El Salvador đã chuyển thành ví dụ điển hình cho hành động xâm lược vũ trang gián tiếp của các cường quốc cộng sản.” Báo cáo này cũng cho thấy rằng chính quyền mới của Ronald Reagan đã sẵn sàng tiến hành những biện pháp mạnh mẽ chống lại cái mà họ coi là mối đe dọa cộng sản đối với Trung Mỹ.

Khi chính quyền Reagan bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 1981, họ đã phải đối mặt với hai vấn đề đặc biệt nghiêm trọng ở Trung Mỹ. Tại Nicaragua, chính quyền Reagan lo ngại về chế độ Sandinista, một chính phủ cánh tả nắm quyền năm 1979 sau sự sụp đổ của nhà độc tài Anastacio Somoza. Continue reading “19/02/1981: Mỹ tuyên bố cuộc nổi dậy ở El Salvador là một âm mưu cộng sản”

11/02/1945: Hội nghị Yalta kết thúc

Nguồn: Yalta Conference ends, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1945, một tuần đàm phán căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo của ba cường quốc Đồng minh chủ chốt đã kết thúc tại Yalta, một thị trấn du lịch của Liên Xô trên Biển Đen. Đây là hội nghị thứ hai của các nhà lãnh đạo “Tam Cường” – Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt, Thủ tướng Anh Winston Churchill, và Thủ tướng Liên Xô Joseph Stalin – và cuộc chiến đã có những tiến triển mạnh mẽ kể từ lần họp cuối cùng của họ, diễn ra tại Tehran vào cuối năm 1943. Continue reading “11/02/1945: Hội nghị Yalta kết thúc”

10/02/1942: Nhật Bản tấn công Midway

Nguồn: Japanese sub bombards Midway, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, một tàu ngầm của Nhật đã bắt đầu một cuộc tấn công dữ dội lên Midway, một đảo san hô được sử dụng làm căn cứ cho Hải quân Mỹ. Đó là lần thứ tư các tàu Nhật Bản tấn công vào đảo này kể từ ngày 07/12.

Việc chiếm giữ Midway là một phần quan trọng trong chiến lược rộng lớn hơn của Nhật Bản nhằm tạo ra tuyến phòng thủ kéo dài từ Quần đảo Aleutian ở phía bắc, đến các quần đảo Midway, Wake, Marshall và Gilbert ở phía nam, sau đó rẽ sang phía tây đến Tây Ấn Hà Lan (Indonesia). Chiếm được Midway cũng có nghĩa là tước khỏi tay nước Mỹ một căn cứ tàu ngầm, đồng thời tạo ra bệ phóng hoàn hảo cho một cuộc tấn công toàn diện lên Hawaii. Continue reading “10/02/1942: Nhật Bản tấn công Midway”

09/02/1825: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được Hạ viện quyết định

Nguồn: Presidential election decided in the House, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1825, vì không có ứng cử viên Tổng thống nào nhận được đa số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 1824, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu bầu chọn John Quincy Adams, người giành được ít phiếu hơn Andrew Jackson trong đợt bầu cử phổ thông, trở thành Tổng thống của Hoa Kỳ. John Quincy Adams là con trai của John Adams, vị Tổng thống thứ hai của Mỹ.

Trong cuộc bầu cử năm 1824, một ứng viên muốn trở thành Tổng thống cần đạt được 131 phiếu đại cử tri, nhỉnh hơn một nửa so với tổng số 261 phiếu. Dù chúng không ảnh hưởng đến kết quả chung cuộc, nhưng lần đầu tiên các phiếu phổ thông được tính trong cuộc bầu cử này. Continue reading “09/02/1825: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ được Hạ viện quyết định”

08/02/1949: Hồng y Mindszenty của Hungary bị kết án

Nguồn: Cardinal Mindszenty of Hungary sentenced, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, Hồng Y József Mindszenty, giáo chức Công giáo cao nhất Hungary, đã bị Toà án Nhân dân Cộng sản kết tội phản quốc và bị kết án tù chung thân. Các nhà quan sát ở Tây Âu và Hoa Kỳ đã tức giận, lên án phiên tòa và việc buộc tội Mindszenty là “gian dối” và “trái pháp luật.”

Hồng y Mindszenty đã quá quen với các vụ bắt bớ chính trị. Trong Thế chiến II, chính quyền phát xít của Hungary đã bắt giữ ông vì dám phát biểu lên án chiến dịch đàn áp người Do Thái trong nước. Sau chiến tranh, khi chế độ cộng sản lên nắm quyền tại Hungary, ông tiếp tục công việc chính trị của mình, tố cáo sự áp bức chính trị và thiếu tự do tôn giáo ở nước ông. Continue reading “08/02/1949: Hồng y Mindszenty của Hungary bị kết án”

07/02/1999: Vua Hussein của Jordan qua đời

Nguồn: King Hussein of Jordan dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1999, vua Hussein bin Talal, nguyên thủ quốc gia có thời gian nắm quyền điều hành lâu nhất trong thế kỷ 20, đã qua đời, và con trai ông, hoàng tử Abdallah bin Hussein, lên kế vị ngôi vua Jordan.

Hussein trở thành vị vua thứ ba theo Hiến pháp 1952 của Jordan, và đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo vĩ đại trong nước và trên khắp Trung Đông. Ông là một thành viên của triều đại nhà Hashemite, được cho là các hậu duệ trực tiếp của nhà tiên tri Muhammad. Nhà Hashemite trở thành những người cai trị Jordan sau khi Đế chế Ottoman tan rã vào đầu thế kỷ 20. Continue reading “07/02/1999: Vua Hussein của Jordan qua đời”

06/02/1928: Người tự xưng là con gái Sa hoàng Nicholas II đến Mỹ

Nguồn: Anastasia arrives in the United States, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1928, một người phụ nữ tự xưng là Anastasia Tschaikovsky – con gái út của Nga hoàng Nicholas II vừa bị ám sát cách đó không lâu – đã đến thành phố New York. Cô tổ chức một cuộc họp báo trên tàu Berengaria, giải thích rằng mình đến đây để chỉnh lại xương hàm. Theo lời Anastasia, nó bị đánh vỡ bởi một người lính Bolshevik, khi cô cố gắng chạy trốn khỏi cuộc hành hình cả gia đình mình tại Ekaterinburg, Nga vào tháng 07/1918.

Người chào mừng Tschaikovsky đến New York là Gleb Botkin, con trai của bác sĩ riêng cho gia đình Romanov. Cha ông đã bị giết chết cùng với các bệnh nhân của mình vào năm 1918. Botkin gọi Anastasia là “Công chúa” và tuyên bố rằng không nghi ngờ gì, đây chính là Nữ Công tước Anastasia mà ông đã từng chơi cùng khi còn nhỏ. Continue reading “06/02/1928: Người tự xưng là con gái Sa hoàng Nicholas II đến Mỹ”

05/02/1631: Roger Williams đến Mỹ

Nguồn: Roger Williams arrives in America, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1631, Roger Williams, người lập nên Đảo Rhode, đồng thời là một trong số các lãnh đạo tôn giáo quan trọng của Mỹ, đã từ Anh đến Boston, Thuộc địa Vịnh Massachusetts.

Williams, một người Thanh giáo (Puritan), đã làm giáo viên trước khi trở thành mục sư trong một thời gian ngắn tại Plymouth và sau đó tại Salem. Một vài năm sau khi ông đến, Williams đã làm chính quyền Thanh giáo của Massachusetts tức giận với những bài phát biểu chống lại quyền trừng phạt sự bất đồng chính kiến/ bất đồng tôn giáo của chính quyền dân sự và chống lại hành động tịch thu đất của người bản địa. Tháng 10/1635, ông bị Tòa án trục xuất khỏi Thuộc địa Vịnh Massachusetts. Continue reading “05/02/1631: Roger Williams đến Mỹ”

04/02/1861: Hợp bang miền Nam được thành lập

Nguồn: States meet to form Confederacy, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1861, tại Montgomery, Alabama, các đại biểu từ South Carolina, Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, và Louisiana đã tập hợp để thành lập Hợp bang miền Nam Hoa Kỳ (Confederate States of America).

Ngay từ năm 1858, xung đột giữa miền Bắc và miền Nam nước Mỹ về vấn đề chế độ nô lệ đã khiến cho các nhà lãnh đạo miền Nam thảo luận về việc tách khỏi Hợp Chúng Quốc. Đến năm 1860, đa số các bang theo chế độ nô lệ đã công khai đe doạ sẽ ly khai nếu Đảng Cộng hòa, đảng chống nô lệ, chiến thắng trong bầu cử Tổng thống. Continue reading “04/02/1861: Hợp bang miền Nam được thành lập”

03/02/1924: Woodrow Wilson qua đời

Nguồn: Woodrow Wilson dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1924, Woodrow Wilson, Tổng thống Mỹ thứ 28, đã qua đời tại Washington, D.C., ở tuổi 67.

Năm 1912, Wilson, đại diện Đảng Dân chủ, Thống đốc bang New Jersey, đã được bầu làm Tổng thống sau chiến thắng áp đảo trước William Howard Taft, Tổng thống đương nhiệm kiêm ứng viên Đảng Cộng hòa, và ứng viên Đảng Cấp tiến Theodore Roosevelt. Tiêu điểm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Wilson là việc Thế chiến I bùng nổ và những nỗ lực của ông nhằm tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho cuộc xung đột, đồng thời duy trì sự trung lập của nước Mỹ. Năm 1916, ông tái đắc cử sau chiến thắng sít sao trước Charles Evans Hughes, ứng viên Đảng Cộng hòa. Continue reading “03/02/1924: Woodrow Wilson qua đời”

02/02/1949: Mỹ bác bỏ đề xuất hội đàm với Stalin

Nguồn: United States rejects proposal for conference with Stalin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1949, trước đề xuất của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin mời Tổng thống Harry S. Truman đến Liên Xô để tham dự một hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson đã lên tiếng từ chối và mô tả ý tưởng này là một “cuộc tập trận chính trị.” Sự ngờ vực lẫn nhau này đã trở thành minh chứng cho đối đầu ngoại giao Mỹ – Xô vốn rất đặc trưng trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Continue reading “02/02/1949: Mỹ bác bỏ đề xuất hội đàm với Stalin”

01/02/1979: Ayatollah Khomeini quay trở lại Iran

Nguồn: Ayatollah Khomeini returns to Iran, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1979, sau 15 năm lưu vong, Ayatollah Khomeini đã quay trở lại Iran trong tiếng tung hô chiến thắng. Nhà vua (shah) và gia đình đã trốn khỏi đất nước từ hai tuần trước, còn các nhà cách mạng thì hân hoan, háo hức thiết lập một chính phủ Hồi giáo cơ yếu (fundamentalist) dưới sự lãnh đạo của Khomeini.

Sinh ra vào khoảng đầu thế kỷ 20, Ruhollah Khomeini là con của một học giả Hồi giáo. Ngay từ thời thơ ấu, ông đã sớm thuộc lòng kinh Qur’an. Khomeini theo dòng Shia – một nhánh Hồi giáo được đa số người Iran tin theo – và đã sớm tập trung nghiên cứu về Đạo Hồi Shia tại thành phố Qom. Là một giáo sĩ mộ đạo, ông dần thăng tiến trong hệ thống cấp bậc không chính thức của Hồi giáo Shia và đã thu hút rất nhiều đệ tử. Continue reading “01/02/1979: Ayatollah Khomeini quay trở lại Iran”

Quá khứ chính là tương lai của Chủ nghĩa xã hội

Nguồn: Bhaskar Sunkara, “Socialism’s Future May Be Its Past”, The New York Times, 26/06/2017.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Một trăm năm sau khi con tàu niêm phong kín đưa Lenin đến Ga Phần Lan và bắt đầu chuỗi sự kiện dẫn tới những trại lao động khổ sai của Stalin, ý tưởng rằng chúng ta nên quay trở lại với sự kiện lịch sử này để tìm nguồn cảm hứng nghe thật vô lý. Nhưng phải có lý do chính đáng thì những người Bolshevik mới từng gọi mình là các nhà “dân chủ xã hội.” Họ là một phần trong phong trào rộng lớn hơn của các đảng đang lớn mạnh lúc đó để đấu tranh cho nền dân chủ chính trị, và sử dụng sự giàu có và tầng lớp lao động mới do chủ nghĩa tư bản tạo ra nhằm mở rộng quyền dân chủ sang các lĩnh vực xã hội và kinh tế mà không nhà tư bản nào cho phép. Continue reading “Quá khứ chính là tương lai của Chủ nghĩa xã hội”

31/01/1990: Nhà hàng đầu tiên của McDonald’s mở cửa tại Liên Xô

Nguồn: First McDonald’s opens in Soviet Union, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1990, cửa hàng thức ăn nhanh đầu tiên của McDonald’s tại Liên Xô đã mở cửa ở Moskva. Đã có rất nhiều người dân xếp hàng để trả một khoản tiền tương đương với vài ngày lương cho món Big Mac, sữa lắc, và khoai tây chiên.

Sự xuất hiện của biểu tượng khét tiếng của chủ nghĩa tư bản và sự đón tiếp nhiệt tình mà nó nhận được từ người Liên Xô là dấu hiệu cho thấy thời thế đang thay đổi. Một nhà báo Mỹ tại đây cho biết khách hàng dường như vô cùng ngạc nhiên “chỉ trước cảnh các nhân viên bán hàng lịch sự … xuất hiện ở một quốc gia vốn đã hững hờ với thương mại.” Continue reading “31/01/1990: Nhà hàng đầu tiên của McDonald’s mở cửa tại Liên Xô”

30/01/1835: Andrew Jackson suýt bị ám sát

Nguồn: Andrew Jackson narrowly escapes assassination, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1835, Andrew Jackson trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên đối mặt với một vụ ám sát.

Richard Lawrence, một họa sĩ thất nghiệp, đã tiếp cận Jackson khi ông rời một bữa tiệc của Quốc Hội được tổ chức tại Văn phòng của Điện Capitol và bắn vào Tổng thống, nhưng súng của hắn đã bị kẹt đạn. Vậy là Jackson 67 tuổi giận dữ đã quay lại đối đầu kẻ tấn công mình, đánh Lawrence nhiều lần bằng cây ba toong của ông. Trong lúc ấy, Lawrence đã cố gắng kéo ra một khẩu súng lục thứ hai và kéo cò, nhưng nó cũng tiếp tục kẹt đạn. Các trợ tá của Jackson sau đó đã kéo được Lawrence tránh xa khỏi Tổng thống. Jackson không hề hấn gì nhưng đã vô cùng tức giận và trở nên hoang tưởng. Continue reading “30/01/1835: Andrew Jackson suýt bị ám sát”

29/01/1820: Vua George III băng hà

Nguồn: King George III dies, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1820, mười năm sau khi bệnh tâm thần buộc ông rời khỏi cuộc sống trước công chúng, vua George III, vị vua Anh đã đánh mất thuộc địa Mỹ, qua đời ở tuổi 82.

Năm 1760, chàng trai George 20 tuổi lên kế vị ông nội George II, trở thành nhà vua nước Anh và Ireland. Mặc dù ông được hy vọng sẽ cai trị trực tiếp hơn người tiền nhiệm của mình, nhưng vua George III đã không thể tìm được một bộ trưởng mà ông có thể tin cậy, và mãi cho đến năm 1770 ông bổ nhiệm Lord North làm Thủ tướng. Lord North đã chứng minh được khả năng quản lý Nghị viện và sẵn sàng tuân theo sự lãnh đạo của hoàng gia, nhưng chính sách cưỡng chế của George đối với thuộc địa Mỹ đã khơi mào cuộc chiến giành độc lập của người Mỹ. Continue reading “29/01/1820: Vua George III băng hà”

28/01/1964: Liên Xô bắn hạ máy bay Mỹ

Nguồn: Soviets shoot down U.S. jet, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1964, Bộ Ngoại giao Mỹ giận dữ cáo buộc Liên Xô đã bắn hạ một máy bay phản lực của Mỹ đi lạc vào không phận Đức. Ba sĩ quan người Mỹ trên chiếc máy bay đã thiệt mạng trong vụ việc. Phía Liên Xô đáp trả bằng những cáo buộc rằng chuyến bay là một “sự khiêu khích thô bạo” và vụ việc này là một lời nhắc nhở xấu xí về căng thẳng Đông-Tây trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh.

Theo quân đội Mỹ, chiếc máy bay phản lực đang thực hiện một chuyến bay huấn luyện qua Tây Đức và phi công đã bị mất phương hướng bởi một cơn bão dữ dội, khiến máy bay bay lệch 100 dặm khỏi đường bay chuẩn. Continue reading “28/01/1964: Liên Xô bắn hạ máy bay Mỹ”