13/05/1973: “Trận chiến Giới tính” đầu tiên giữa Bobby Riggs và Margaret Court

Nguồn: Bobby Riggs and Margaret Court face off in first “Battle of the Sexes”, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1973, trong thời kỳ đầu của phong trào giải phóng phụ nữ, hai ngôi sao tennis Bobby Riggs và Margaret Court đã đối đầu trong một trận đấu mà người thắng cuộc sẽ được nhận 10.000 đô la. Riggs 55 tuổi, một nhà vô địch tennis từ cuối thập niên 1930 và đầu thập niên 1940, người nổi tiếng luôn hoài nghi về tài năng của phụ nữ trên sân đấu, đã gọi trận tennis này là “Trận chiến Giới tính” (Battle of the Sexes). Trận đấu, diễn ra vào Ngày của Mẹ và được phát trên sóng truyền hình quốc tế, đã được tổ chức trên sân nhà của Riggs, Câu lạc bộ Đồng quê San Vincente ở Ramona, California, phía đông bắc San Diego. Tiền thu được đã được hứa đem trao tặng cho Hiệp hội Tiểu đường Mỹ. Continue reading “13/05/1973: “Trận chiến Giới tính” đầu tiên giữa Bobby Riggs và Margaret Court”

11/05/1987: ‘Đồ tể Lyon’ ra tòa vì tội ác chiến tranh sau 40 năm lẩn trốn

Nguồn: “Butcher of Lyon,” former Nazi Gestapo chief, charged with war crimes, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1987, Klaus Barbie – người đứng đầu đơn vị Cảnh sát Mật của Đức Quốc Xã, Gestapo, tại Lyon, Pháp – đã bị đưa ra xét xử ở Lyon, hơn bốn thập niên sau khi Thế chiến II kết thúc. Ông ta phải đối mặt với bản cáo trạng gồm 177 tội ác chống lại loài người.

Với tư cách là lãnh đạo của Gestapo ở Lyon, Barbie đã ra lệnh đưa 7.500 người Pháp gốc Do Thái hoặc các thành viên lực lượng Kháng chiến Pháp đến trại tập trung, đồng thời cho hành quyết khoảng 4.000 người khác. Ngoài ra, ông ta còn đích thân tra tấn và hành quyết nhiều tù nhân. Năm 1943, ông ta bắt được Jean Moulin, thủ lĩnh của Kháng chiến Pháp, và đã chỉ thị đánh cho Moulin chết từ từ. Năm 1944, ông ta tiến hành vây bắt 44 đứa trẻ người Do Thái và 7 giáo viên khi họ trốn trong một ngôi trường nội trú ở Izieu và đưa toàn bộ nhóm này đến trại tử thần Auschwitz. Trong số 51 người bị bắt hôm ấy, chỉ có duy nhất một giáo viên sống sót. Tháng 08/1944, khi quân Đức chuẩn bị rút khỏi Lyon, Barbie cho tổ chức một chuyến tàu cuối cùng đưa hàng trăm người đến trại tử thần. Continue reading “11/05/1987: ‘Đồ tể Lyon’ ra tòa vì tội ác chiến tranh sau 40 năm lẩn trốn”

09/05/1671: ‘Đại úy Blood’ đánh cắp Vương miện Hoàng gia Anh

Nguồn: Irish adventurer “Captain Blood” steals crown jewels, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1671, tại London, Thomas Blood, một người ưa mạo hiểm, nổi tiếng với biệt danh “Đại úy Blood” (Captain Blood), đã bị bắt khi cố gắng ăn cắp Vương miện Hoàng gia khỏi Tháp London.

Blood, một nghị sĩ trong thời kỳ Nội chiến Anh, đã bị mất tài sản đất đai ở Ireland sau khi chế độ quân chủ Anh được phục hồi vào năm 1660. Năm 1663, ông tự lập mưu chiếm Lâu đài Dublin từ tay những người ủng hộ Vua Charles II, nhưng âm mưu bị phát hiện và đồng bọn của Blood đã bị xử tử còn ông thì trốn thoát. Năm 1671, ông tiếp tục lập thêm một kế hoạch kỳ lạ khác nhằm đánh cắp Vương miện Hoàng gia, vừa được Charles II cho đúc lại vì hầu hết các trang sức của hoàng gia đã bị đem ra nấu chảy sau khi Charles I bị hành quyết vào năm 1649. Continue reading “09/05/1671: ‘Đại úy Blood’ đánh cắp Vương miện Hoàng gia Anh”

08/05/1792: Mỹ ban hành Đạo luật Dân quân

Nguồn: Militia Act establishes conscription under federal law, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1792, Quốc hội Mỹ đã thông qua phần thứ hai của Đạo luật Dân quân (Militia Act), yêu cầu mọi công dân nam da trắng tự do, đang cư trú tại các bang, trong độ tuổi từ 18 đến dưới 45, phải ghi danh tham gia lực lượng dân quân.

Sáu ngày trước đó, Quốc hội đã trao cho tổng thống quyền tập hợp lực lượng dân quân. Sự kiện Nổi dậy Shay (Shay’s Rebellion) – một cuộc biểu tình chống lại việc đánh thuế và truy tố vì nợ ở miền tây Massachusetts vào năm 1786-1787 – lần đầu tiên đã khiến nhiều người Mỹ tin rằng chính phủ liên bang nên được trao quyền để dập tắt nổi loạn tại tiểu bang. Việc Quốc hội Lục địa, chiếu theo Các Điều khoản Hợp bang, không có khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng này là động lực chính cho việc lật đổ chính phủ một cách hòa bình và dẫn đến việc soạn thảo một Hiến pháp Liên bang mới. Continue reading “08/05/1792: Mỹ ban hành Đạo luật Dân quân”

06/05/1935: F. D. Roosevelt thành lập Cơ quan Phát triển Công trình (WPA)

Nguồn: FDR creates the Works Progress Administration (WPA), History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1935, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký một sắc lệnh hành pháp, theo đó thành lập Cơ quan Phát triển Công trình (Works Progress Administration, WPA). WPA chỉ là một trong nhiều chương trình cứu trợ của thời kỳ Đại Khủng hoảng (Great Depression), được tạo ra dưới sự bảo trợ của Đạo luật Cứu trợ Khẩn cấp (Emergency Relief Appropriations Act, ERA), mà Roosevelt đã ký một tháng trước đó.

WPA, cùng với Cơ quan Quản lý Giao thông công chính (Public Works Administration, PWA), và các chương trình hỗ trợ khác của liên bang đã cho phép những người Mỹ thất nghiệp đi làm để đổi lấy hỗ trợ tài chính tạm thời. Trong số 10 triệu nam giới thất nghiệp tại Mỹ vào năm 1935, 3 triệu người đã được trợ giúp bởi WPA. Continue reading “06/05/1935: F. D. Roosevelt thành lập Cơ quan Phát triển Công trình (WPA)”

04/05/1970: Vệ binh Quốc gia Mỹ bắn chết 4 sinh viên

Nguồn: National Guard kills four students in Kent State shootings, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1970, tại Kent, Ohio, 28 Vệ binh Quốc gia đã xả súng vào một nhóm người biểu tình chống chiến tranh trong khuôn viên Đại học Kent State, giết chết 4 sinh viên, khiến 8 người khác bị thương và 1 người bị liệt vĩnh viễn. Thảm kịch này được xem là dấu mốc rất quan trọng đối với một quốc gia đang bị chia rẽ bởi cuộc xung đột ở Việt Nam, đồng thời cũng góp phần thúc đẩy phong trào phản chiến.

Hai ngày trước đó, ngày 02/05, lính Vệ binh Quốc gia đã được triệu tập đến Kent để trấn áp cuộc bạo loạn sinh viên nhằm phản đối Chiến tranh Việt Nam và hành động xâm lược Campuchia của Mỹ. Ngày hôm sau, các cuộc biểu tình rải rác đã bị giải tán bằng hơi cay, và sang ngày 04/05, các lớp học bắt đầu mở cửa trở lại. Đến trưa ngày hôm đó, bất chấp lệnh cấm biểu tình, khoảng 2.000 người vẫn tập trung trong khuôn viên trường. Vệ binh đã đến và ra lệnh cho đám đông giải tán, bắn hơi cay và tấn công các sinh viên với những lưỡi lê gắn trên súng trường của họ. Kiên quyết không chịu nhượng bộ, một số người biểu tình đã đáp trả bằng cách ném đá và chửi bới các binh lính. Continue reading “04/05/1970: Vệ binh Quốc gia Mỹ bắn chết 4 sinh viên”

02/05/1670: Vua Charles II ban đặc quyền cho Công ty Vịnh Hudson

Nguồn: King Charles II grants charter to Hudson’s Bay Company, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1670, Vua Charles II của Anh đã cấp sắc lệnh trao đặc quyền vĩnh viễn cho Công ty Vịnh Hudson (Hudson’s Bay Company), được thành lập bởi một nhóm các nhà thám hiểm người Pháp, những người đã mở đường cho hoạt động buôn bán lông thú béo bở ở Bắc Mỹ cho các thương gia London. Sắc lệnh này không chỉ trao cho họ thế độc quyền thương mại mà còn cả quyền kiểm soát khu vực rộng lớn xung quanh Vịnh Hudson của Bắc Mỹ.

Mặc dù phải đối mặt với tranh chấp từ các thương nhân người Anh và người Pháp khác trong khu vực, Công ty Vịnh Hudson đã rất thành công trong việc khai thác vùng đất sẽ trở thành miền đông Canada sau này. Trong thế kỷ 18, họ đã giành được lợi thế so với người Pháp, nhưng cũng bị chỉ trích mạnh mẽ ở Anh vì liên tục thất bại trong việc tìm kiếm một lối đi phía tây bắc để ra khỏi Vịnh Hudson. Continue reading “02/05/1670: Vua Charles II ban đặc quyền cho Công ty Vịnh Hudson”

01/05/1863: Trận Chancellorsville trong Nội chiến Hoa Kỳ

Nguồn: Battle of Chancellorsville begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1863, Trận Chancellorsville đã diễn ra ở Virginia. Đầu năm đó, Tướng Joseph Hooker đã lãnh đạo Đội quân Potomac tiến vào Virginia để đối đầu với Đội quân Bắc Virginia của Robert E. Lee. Hooker vừa lên thay thế Ambrose Burnside, chỉ huy Potomac trong chiến dịch thảm họa hồi tháng 12 một năm trước đó: Trận Fredericksburg – trận đánh mà phe Liên bang miền Bắc phải hứng chịu thương vong hơn 14.000 người trong khi con số này ở phe Hợp bang miền Nam là 5.000 người.

Sau khi dành cả mùa xuân để tái trang bị cho quân đội của mình và xốc lại tinh thần đang đi xuống của họ, Hooker bắt đầu tiến đánh Hợp bang – ông có lẽ là chỉ huy phe Liên minh sở hữu lợi thế lớn nhất so với Lee trong suốt cuộc Nội chiến. Lực lượng của Hooker có khoảng 115.000 người, trong khi Lee chỉ có 60.000 quân thường trú. Miền Nam khi ấy còn đang thiếu vắng hai sư đoàn dưới quyền Tướng James Longstreet, những người đang thực hiện nhiệm vụ riêng ở miền nam Virginia. Continue reading “01/05/1863: Trận Chancellorsville trong Nội chiến Hoa Kỳ”

29/04/1974: Tổng thống Nixon công bố băng ghi âm Watergate

Nguồn: President Nixon announces release of Watergate tapes, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1974, Tổng thống Richard Nixon tuyên bố với công chúng rằng ông sẽ công bố băng ghi âm 46 cuộc trò chuyện tại Nhà Trắng để đáp lại trát hầu tòa xét xử vụ Watergate được ban hành vào tháng 07/1973. Ủy ban Tư pháp Hạ viện đã chấp nhận sử dụng 1.200 trang phụ đề của các cuốn băng này vào ngày hôm sau, nhưng khẳng định rằng các cuốn băng vẫn phải được nộp lại đầy đủ.

Trong thông báo của mình, Nixon đã rất nỗ lực để giải thích cho công chúng về sự miễn cưỡng của ông trong việc tuân thủ trát hầu tòa và bản chất của nội dung mà ông định công bố. Ông viện dẫn quyền hành pháp của mình để bảo vệ bí mật quốc gia và tuyên bố rằng phụ đề đã được ông và các cố vấn chỉnh sửa để bỏ qua bất kỳ điều gì “không liên quan” đến cuộc điều tra Watergate hoặc các vấn đề quan trọng đối với an ninh quốc gia. Continue reading “29/04/1974: Tổng thống Nixon công bố băng ghi âm Watergate”

27/04/4977 TCN: Ngày Vũ trụ được tạo ra, theo Kepler

Nguồn: Universe is created, according to Kepler, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngày 27/04/4977 TCN được cho là ngày mà vũ trụ được tạo ra, theo các tính toán của nhà toán học và thiên văn học người Đức Johannes Kepler, người được coi là cha đẻ của nền khoa học hiện đại. Ngày nay, Kepler được biết đến nhiều nhất với lý thuyết giải thích cách chuyển động của các hành tinh.

Kepler sinh ngày 27/12/1571, tại Weil der Stadt, Đức. Khi còn là sinh viên đại học, ông đã nghiên cứu lý thuyết trật tự các hành tinh của nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus. Theo Copernicus (1473-1543) thì Mặt Trời, không phải Trái Đất, mới là trung tâm của Hệ Mặt Trời, một lý thuyết mâu thuẫn với quan điểm phổ biến thời bấy giờ rằng Mặt Trời quay quanh Trái Đất. Continue reading “27/04/4977 TCN: Ngày Vũ trụ được tạo ra, theo Kepler”

25/04/2014: Khủng hoảng nguồn nước tại thành phố Flint bắt đầu

Nguồn: The Flint water crisis begins, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2014, các quan chức tại Flint, Michigan đã chuyển nguồn cấp nước của thành phố sang sông Flint như một biện pháp cắt giảm chi phí cho thành phố đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, khi làm vậy, họ đã vô tình đưa nước nhiễm độc chì đến các nhà dân, khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng rất lớn.

Vấn đề nảy sinh khi các quan chức quyết định chuyển nguồn cung cấp nước từ Sở Cấp Thoát Nước Detroit sang Cơ quan Cấp nước Karegnondi để tiết kiệm ngân sách cho thành phố đang gặp khó khăn về kinh tế. Trước khi hệ thống đường ống kết nối được xây dựng, thành phố đã sử dụng sông Flint làm nguồn nước tạm thời. Đến tháng 5, đã có rất nhiều người dân phàn nàn rằng thứ nước màu nâu được cấp cho họ trông và có mùi rất lạ, nhưng nhóm dân đa số là người Mỹ gốc Phi và người nghèo này đã bị giới chức phớt lờ. Sang tháng 8, vi khuẩn E.coli và coliform đã được phát hiện trong nước sông Flint. Continue reading “25/04/2014: Khủng hoảng nguồn nước tại thành phố Flint bắt đầu”

24/04/1953: Winston Churchill được phong tước Hiệp sĩ

Nguồn: Winston Churchill knighted, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, Winston Leonard Spencer Churchill, nhà lãnh đạo đã đưa Vương quốc Anh và quân Đồng minh vượt qua cuộc khủng hoảng của Thế chiến II, đã được Nữ hoàng Elizabeth II phong tước hiệp sĩ.

Sinh ra tại Cung điện Blenheim vào năm 1874, Churchill gia nhập Lữ đoàn Kỵ binh Số 4 của Anh sau cái chết của cha mình vào năm 1895. Trong vòng 5 năm tiếp theo, ông đã có một sự nghiệp quân sự lừng lẫy, phục vụ ở Ấn Độ, Sudan và Nam Phi, và đã có nhiều màn thể hiện nổi bật trên chiến trường. Năm 1899, ông rời khỏi quân đội để tập trung vào sự nghiệp văn học và chính trị, đến năm 1900 thì được bầu vào Nghị viện với tư cách là nghị sĩ Đảng Bảo thủ đại diện khu Oldham. Năm 1904, ông gia nhập Đảng Tự do, đảm nhiệm một số chức vụ quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Hải quân vào năm 1911. Trong vị trí này, ông đã chuẩn bị Hải quân Anh sẵn sàng cho cuộc chiến mà ông đã lường trước. Continue reading “24/04/1953: Winston Churchill được phong tước Hiệp sĩ”

22/04/1997: Khủng hoảng con tin tại đại sứ quán Nhật ở Peru kết thúc

Nguồn: Peruvian President Fujimori orders assault on Japanese ambassador’s home, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1997, tại Lima, Peru, Tổng thống Alberto Fujimori đã ra lệnh cho biệt kích tấn công vào nhà của Đại sứ Nhật Bản với hy vọng giải thoát 72 con tin đang bị các thành viên vũ trang của phong trào phiến quân cánh tả Tupac Amaru giam giữ suốt hơn 4 tháng.

Ngày 16/12/1996, 14 tên khủng bố Tupac Amaru, cải trang thành bồi bàn và phục vụ, đã đột nhập vào nhà của Đại sứ Nhật Bản Morihisa Aoki, khi đó đang tổ chức tiệc chiêu đãi nhằm kỷ niệm ngày sinh của Nhật Hoàng. Những kẻ khủng bố có vũ trang này đã bắt 490 người làm con tin. Cảnh sát nhanh chóng cho bao vây khu nhà, và phiến quân đồng ý thả 170 khách là phụ nữ và người cao tuổi nhưng tuyên bố sẽ giết chết 220 người còn lại nếu yêu cầu của chúng không được đáp ứng. Continue reading “22/04/1997: Khủng hoảng con tin tại đại sứ quán Nhật ở Peru kết thúc”

20/04/2010: BP gặp sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico

Nguồn: Massive oil spill begins in Gulf of Mexico, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2010, một vụ nổ và theo sau là hỏa hoạn trên giàn khoan dầu Deepwater Horizon ở Vịnh Mexico, khoảng 50 dặm ngoài khơi bờ biển Louisiana, giết chết 11 người và gây ra sự cố tràn dầu ngoài khơi lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Giàn khoan này đang trong giai đoạn cuối cùng của việc khoan giếng thăm dò cho BP, tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh. Vào thời điểm giếng dầu được đóng lại ba tháng sau đó, ước tính có khoảng 4,9 triệu thùng (tương đương khoảng 206 triệu gallon) dầu thô đã tràn ra Vịnh.

Thảm họa bắt đầu khi một luồng khí tự nhiên từ giếng bất ngờ trào lên khỏi một đường ống dẫn khí tới bệ giàn khoan, nơi nó gây ra một loạt vụ nổ và một đám cháy lớn. Trong số 126 người đang có mặt trên Deepwater Horizon dài gần 400m, 11 công nhân đã thiệt mạng và 17 người khác bị thương nặng. Ngọn lửa cháy suốt hơn một ngày trước khi giàn khoan, được xây dựng với giá 350 triệu đô la vào năm 2001, chìm sâu 1.524m dưới mặt nước vào ngày 22/04. Continue reading “20/04/2010: BP gặp sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico”

18/04/1906: Động đất ở San Francisco giết chết hàng nghìn người

Nguồn: The Great San Francisco Earthquake topples buildings, killing thousands, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1906, lúc 5:13 sáng, một trận động đất có độ lớn ước tính gần 8,0 độ Richter đã xảy ra ở San Francisco, California, khiến khoảng 3.000 người thiệt mạng và nhiều tòa nhà sụp đổ. Nguyên nhân của vụ việc là do Khe đứt gãy San Andreas đã trượt dài khoảng 275 dặm. Sóng xung kích có thể được cảm nhận từ miền nam Oregon xuống tới tận Los Angeles.

Các tòa nhà bằng gạch và gỗ kể từ thời Victoria của San Francisco đã bị tàn phá đặc biệt nghiêm trọng. Hỏa hoạn ngay lập tức bùng phát và – do đường ống dẫn nước bị hỏng khiến các nhân viên cứu hỏa không thể ngăn chặn chúng – bão lửa nhanh chóng lan rộng trên toàn thành phố. Lúc 7 giờ sáng, Quân đội Mỹ từ Pháo đài Mason đã đến hỗ trợ cảnh sát San Francisco (Hall of Justice), còn Thị trưởng E.E. Schmitz thì kêu gọi thực thi lệnh giới nghiêm từ chập tối đến rạng sáng, đồng thời cho phép binh lính bắn chết bất cứ ai bị phát hiện lẻn ra ngoài để cướp bóc. Continue reading “18/04/1906: Động đất ở San Francisco giết chết hàng nghìn người”

17/04/1815: Núi lửa Tambora khiến 80.000 người thiệt mạng

Nguồn: Indonesian volcano erupts, killing 80,000, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1815, núi lửa Tambora ở Indonesia đã bắt đầu phun trào dữ dội. Ngọn núi lửa, vốn bắt đầu âm ỉ từ ngày 05/04, đã giết chết gần 100.000 người một cách trực tiếp lẫn gián tiếp. Vụ phun trào tại Tambora là vụ phun trào lớn nhất từng được ghi nhận và ảnh hưởng của nó đã được xác nhận trên toàn thế giới.

Tambora nằm trên đảo Sumbawa, phía cực đông quần đảo Indonesia. Đã không có dấu hiệu của hoạt động núi lửa nào ở khu vực này hàng nghìn năm trước khi xảy ra vụ phun trào năm 1815. Ngày 10/04, đợt phun trào đầu tiên trong loạt phun trào trong tháng đó đã đẩy tro bay cao lên tận 20 dặm vào khí quyển, bao phủ toàn bộ hòn đảo bằng một lớp tro dày tận 1,5 m. Continue reading “17/04/1815: Núi lửa Tambora khiến 80.000 người thiệt mạng”

15/04/2013: Đánh bom khủng bố tại Boston Marathon

Nguồn: Three people killed, hundreds injured in Boston Marathon bombing, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2013, hai quả bom đã nổ gần vạch đích của cuộc thi Boston Marathon, giết chết ba khán giả và làm bị thương hơn 260 người tham dự. Bốn ngày sau, sau một cuộc truy lùng ráo riết khiến Boston bị phong tỏa, cảnh sát đã bắt được một trong những nghi phạm đánh bom, Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi. Anh trai và đồng phạm của hắn, Tamerlan Tsarnaev, 26 tuổi, đã chết sau một vụ đấu súng với lực lượng hành pháp trước đó.

Giải Boston Marathon lần thứ 117 bắt đầu vào buổi sáng ngày 15/04, từ Hopkinton, Massachusetts, với khoảng 23.000 người tham gia. Khoảng 2h49 chiều cùng ngày, khi hơn 5.700 vận động viên vẫn còn đang chạy đua, hai quả bom nồi áp suất (pressure cooker bombs) giấu trong ba lô đã phát nổ cách nhau vài giây gần vạch đích, nằm dọc theo Phố Boylston. Ba người không may thiệt mạng: một phụ nữ 23 tuổi, một phụ nữ 29 tuổi và một bé trai 8 tuổi. Trong số những người bị thương, hơn chục người đã phải cắt bỏ tay/chân. Continue reading “15/04/2013: Đánh bom khủng bố tại Boston Marathon”

13/04/1870: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ra đời tại New York

Nguồn: Metropolitan Museum of Art opens in New York City, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1870, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (Metropolitan Museum of Art, Met) chính thức được thành lập tại Thành phố New York. Là đứa con tinh thần của những người Mỹ xa xứ ở Paris và một số thành viên giới nhà giàu New York, Met đã không tổ chức triển lãm nào cho đến năm 1872, nhưng nó nhanh chóng vươn lên thành một trong những bảo tàng nghệ thuật hàng đầu thế giới, vị trí vẫn được giữ vững cho đến ngày nay.

Năm 1866, một nhóm người Mỹ sống tại Paris, trong đó có luật sư John Jay, đã quyết định thành lập “một tổ chức và phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia.” Jay và những người bạn của mình đã tìm đến Liên minh New York (Union League Club of New York) – nơi giúp họ giành được ảnh hưởng chính trị và xã hội, cũng như sự hỗ trợ tài chính cần thiết để hiện thực hóa ý tưởng. Ngày 13/04/1870, Thành phố New York đã cấp cho họ một Đạo luật Thành lập (Act of Incorporation), quy định rằng bộ sưu tập nghệ thuật của bảo tàng sẽ được mở cửa cho công chúng vào xem quanh năm và hoàn toàn miễn phí. Continue reading “13/04/1870: Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ra đời tại New York”

11/04/2015: Barack Obama và Raúl Castro gặp nhau ở Panama

Nguồn: Barack Obama and Raúl Castro meet in Panama, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 2015, lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba đã chính thức gặp nhau. Barack Obama và Raúl Castro, em trai của Fidel Castro, người mà phía Mỹ đã cắt đứt liên lạc ngoại giao vào năm 1961, đã bắt tay nhau và bày tỏ sẵn sàng cùng khép lại một trong những mối thâm thù ngoại giao nổi bật nhất thế giới.

Tổng thống Dwight D. Eisenhower đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba sau khi cuộc cách mạng do Castro lãnh đạo đã lật đổ một nhà độc tài được Mỹ hậu thuẫn và thiết lập một chế độ thân thiện hơn với Liên Xô. Trong vòng 50 năm tiếp theo, Mỹ đã tìm cách cô lập Cuba về kinh tế và chính trị; mặc dù không lôi kéo được các quốc gia khác tham gia lệnh cấm vận của mình, nhưng Mỹ vẫn cản trở nghiêm trọng sự phát triển kinh tế của Cuba. Continue reading “11/04/2015: Barack Obama và Raúl Castro gặp nhau ở Panama”

10/04/1963: Tàu ngầm hạt nhâm USS Thresher bị chìm

Nguồn: Atomic submarine USS Thresher sinks in the Atlantic, killing all on board, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1963, tàu ngầm hạt nhân USS Thresher đã bị chìm ở Đại Tây Dương, khiến toàn bộ 129 thủy thủ và nhân viên dân sự có mặt trên tàu thiệt mạng. Con tàu khi đó bất ngờ chìm sâu xuống đáy biển, khoảng 300 dặm ngoài khơi bờ biển New England.

Tàu Thresher hạ thủy vào ngày 09/07/1960, tại Cảng Hải quân Portsmouth ở New Hampshire. Được chế tạo theo công nghệ tiên tiến, nó là chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc lớp tàu mới, có thể chạy êm hơn và lặn sâu hơn bất kỳ loại tàu ngầm nào trước đó. Continue reading “10/04/1963: Tàu ngầm hạt nhâm USS Thresher bị chìm”